TIN TỨC-SỰ KIỆN

Nông dân bán... khí trời

Ngày đăng: 24 | 06 | 2011

Trồng rừng nhưng không chỉ bán gỗ, củi... mà nông dân còn có thể bán “tín chỉ cacbon” (khí trời). Đây là khái niệm khá lạ lẫm với nông dân, nhưng trong tương lai, tín chỉ này sẽ là một “mặt hàng” được mua bán nhiều nhất.

“Tín chỉ cacbon”- theo cách hiểu nôm na của người dân là “bán khí trời sạch” đang được “sản xuất” tại hai xã Xuân Phong và Bắc Phong (huyện Cao Phong, Hòa Bình) thông qua Dự án “Tái trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch” (AR-CDM).
Được sự giúp đỡ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), 2 năm qua, hàng trăm người dân đã góp 300ha đất để thực hiện dự án đặc biệt, đổi lại, họ được tài trợ giống, phân bón, được trả công trồng, chăm sóc và được hưởng 100% giá trị tài sản trên diện tích rừng mình trồng và được bán “tín chỉ cacbon”…
Mô hình mới
Theo ông Vũ Đình Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong - Giám đốc Quỹ Phát triển rừng Cao Phong, năm đầu tiên thực hiện dự án, người dân trồng được 28,1ha, còn lại là trồng hồi đầu năm 2010, với hai loại cây chính là keo tai tượng và keo lá tràm.
Ông Bùi Văn Tiến, thôn Má 1 (Bắc Phong) người góp gần 2ha đất cho dự án chia sẻ: “Rừng nhà tôi trước kia trồng sắn, ngô, nhưng đất bạc màu nên bỏ hoang lâu rồi. Theo hợp đồng thì chúng tôi chỉ phải bỏ đất, còn tiền giống, phân bón, công chăm sóc, họ đầu tư, trả công hết. Sau này còn được bán gỗ, củi và được hưởng 50% tiền bán “khí trời”, nên thôn có nhiều người tham gia lắm”.
Hiện nay, trên thế giới đã hình thành thị trường cacbon. Dự kiến, vào năm 2020, việc mua bán tín chỉ cacbon toàn cầu có thể lên đến 2.000 tỷ USD. Nhận thấy tiềm năng lớn của việc sản xuất tín chỉ cacbon, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng nhảy vào thị trường cacbon rừng tại Việt Nam.
Tìm hỏi những người đã góp đất trồng rừng theo CDM về việc bán “tín chỉ cacbon”, chúng tôi nhận thấy người dân có cách hiểu khá ngộ nghĩnh và thiết thực về “mặt hàng” này.
Ông Bùi Văn Chúc ở xóm Má (Bắc Phong) vui vẻ nói: “Tôi trồng gần 1ha keo, năm ngoái trồng xen sắn thu được gần 5 tấn, bán được hơn 10 triệu đồng. Giờ vừa chăm sắn, vừa chăm keo nên rừng phát triển rất nhanh, đa số cây to bằng cổ tay, ống điếu cả. Ba, bốn năm nữa là được tỉa củi, rồi được bán “tín chỉ cacbon” nữa thì sẽ có thu nhập cao hơn. Mà chẳng cần bán tín chỉ, chúng tôi cũng lãi ròng tiền hỗ trợ cây giống, phân bón, công chăm sóc và cây trồng xen rồi!”.
Ông Phùng Văn Khoa – giảng viên Trường ĐH Lâm nghiệp, Phó Giám đốc Quỹ Phát triển rừng Cao Phong lý giải: Mỗi nước trên thế giới tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghiệp, nông, lâm… sẽ được công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho phép thải ra một lượng khí thải (CO2) nhất định, nếu vượt quá, họ sẽ phải “bù” lại bằng cách trồng rừng tại chính nước họ, hoặc một nước nào đó để rừng hấp thu phần khí thải dư thừa theo quy định. Còn các nước có lượng khí thải ra môi trường thấp hơn và lượng hấp thụ khí thải từ rừng lớn hơn thì được phép bán “tín chỉ cacbon”.
Trồng xen sắn vừa giúp cây nhanh lớn, vừa có thêm thu nhập.
 
Nói về hiệu quả, ông Phùng Văn Khoa nhấn mạnh: “Trồng rừng theo CDM có chu kỳ 16 năm. Trong 4 năm đầu, người dân sẽ được hưởng hơn 5 triệu đồng/ha tiền phân bón, giống, công chăm sóc và được phép trồng xen canh ngô, sắn. Từ năm thứ 5 – 8 được phép tỉa thưa 20 – 25% gỗ, củi, những năm sau được tỉa 50% và được hưởng 100% số gỗ, củi này. Với hơn 300ha, rừng có thể hấp thu khoảng 43 nghìn tấn khí cacbon, với giá từ 8 – 10USD/tấn thu về gần 5 – 7 tỷ đồng. Chưa kể, gần 26 tỷ đồng tiền bán gỗ, củi. Sau khi rừng đạt “tín chỉ cacbon”, chúng tôi sẽ đảm nhiệm đầu ra cho bà con”.
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự bùng nổ của ngành công nghiệp trên toàn thế giới đã khiến cho bầu khí quyển bị nhiễm nhiều loại khí độc gây “hiệu ứng nhà kính”, gây biến đổi khí hậu và làm trái đất nóng lên. Để giảm thiểu phát thải hiệu ứng nhà kính và công bằng hơn trong việc bảo vệ môi trường chung giữa các nước trên thế giới, Nghị định thư Kyoto đã được ký kết với sự thống nhất của các quốc gia về cắt giảm lượng khí thải trên 5,2% so với năm 1990 (trong giai đoạn 2008 – 2012). Các loại khí thải được lưu ý cắt giảm là: CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6, khối lượng phát thải các loại khí này sẽ được quy về “tín chỉ cacbon”.
Niềm vui và những nỗi lo
Từ khi dự án CDM triển khai đến nay, hàng trăm hécta đồi trọc ở Cao Phong đã được khoác lên một màu xanh của rừng keo. Nhiều người dân bỗng có công ăn việc làm, có rừng, có thu nhập. Anh Bùi Văn Thành ở thôn Bắc Sơn (Bắc Phong) tâm sự: “Trước kia rừng ở đây nhiều cây to lắm, nhưng do tập tục phát nương làm rẫy của người dân nơi đây, nên những cánh rừng lần lượt theo khói đốt nương ra đi. Không có rừng, đất bị xói mòn, bạc màu nên trồng ngô, sắn không lên được, chúng tôi bỏ hoang cả chục năm nay rồi. Nhiều lúc tiếc đất muốn trồng rừng, nhưng không có đầu tư, nay rừng đã xanh trở lại, bà con phấn khởi lắm”.
Mặc dù dự án đã thu hút được nhiều người dân tham gia, tuy nhiên thời gian gần đây một số người dân đang tỏ ra rất lo lắng. Họ lo bởi dự án được triển khai ở thời điểm giá cả bình ổn, nhưng nay giá cả leo thang, giá phân tăng, giống tăng, ngày công tăng, nhưng mức hỗ trợ của dự án thì vẫn giữ nguyên. Không chỉ vậy, với mức chia 50% tiền bán “tín chỉ cacbon”, thì hiệu quả kinh tế mà người dân nhận được không đáng kể. “Nếu vẫn giữ nguyên mức hỗ trợ này, chúng tôi rất khó để chăm sóc rừng đạt tiêu chuẩn “tín chỉ cacbon”. Chúng tôi cũng đã đề nghị tăng mức hỗ trợ và giảm mức chia tiền bán “tín chỉ cacbon” xuống 30 – 40% nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời” – ông Bùi Văn Kiên – Trưởng xóm Cạn 1 (Xuân Phong) cho biết.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề trồng rừng để “bán khí trời”, ông Bùi Quang Huy – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cao Phong nói: “Cứ như “bề nổi” của DA – CDM thì ai cũng nhìn thấy cái lợi. Đất, rừng của mình lại có người đầu tư giống, phân bón, rồi trả công chăm sóc… thế thì lãi quá. Nhưng về lâu dài, khi chúng ta đã bán “tín chỉ cacbon” cho họ và họ có quyền bán lại, khi đó rất có thể chúng ta sẽ phải mua lại với giá cao”.
Cũng theo ông Huy, trồng rừng theo “Cơ chế phát triển sạch” không hề đơn giản. Tất cả các quy trình đều được giám sát rất kỹ, mật độ trồng trung bình 1.600 cây/ha. Khi thu dọn thực bì, người dân không được đốt, mà phải gom lại từng đống để thực bì phân huỷ làm phân bón. Hơn nữa, với những cây có lượng tín chỉ cacbon cao đa số là những cây gỗ cứng, sinh trưởng chậm, nên việc thu hồi vốn rất chậm. Còn cây sinh trưởng nhanh như keo lại có lượng tín chỉ carbon thấp. Vả lại do trình độ người dân hạn chế, lại chưa quen với hình thức canh tác mới này, nên nguy cơ họ không được hưởng “tín chỉ cacbon” là rất cao, nếu không đạt tiêu chuẩn.
Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/47586p1c34/nong-dan-ban-khi-troi.htm

NỘI DUNG KHÁC

Ngành nông nghiệp điều chuyển gần 105 tỷ đồng vốn bổ sung cho các dự án cấp bách

24-6-2011

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP, toàn ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các chủ đầu tư rà soát kế hoạch vốn phân bổ năm 2011 và đã cắt, giảm gần 105 tỷ đồng để điều chuyển, bổ sung cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hoàn thành trong năm 2011 theo cơ cấu vốn từng ngành, lĩnh vực.

Tập trung phát triển chăn nuôi, thủy sản vùng Tây Bắc

24-6-2011

Ngày 23-6, tại Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức hội nghị đánh giá việc chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản vùng Tây Bắc. Ðồng chí Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị.

Hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản Việt Nam

24-6-2011

Hội chợ năm nay thu hút hơn 190 doanh nghiệp từ 15 nước tham gia, tăng gần 6% so với năm 2010 .

Đề xuất miễn giảm gần 30.000 tỉ đồng tiền thuế thu nhập

24-6-2011

Ngày 23.6, trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, bộ trưởng bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, chính sách miễn, giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân trong hai năm 2011 và 2012 với tổng số tiền gần 30.000 tỉ đồng vừa được bộ trình Thủ tướng để báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Nếu được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ nhất, chính sách này sẽ áp dụng ngay từ tháng 8 năm nay.

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp, thủy sản

24-6-2011

Tổng cục Thống kê cho biết, từ ngày 1-30/7, sẽ tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Kịch bản nào cho an ninh lương thực quốc gia?

23-6-2011

An ninh lương thực (ANLT) đang trở thành nỗi lo chung của toàn thế giới khi những diễn biến về biến đổi khí hậu, chính sách thương mại của các quốc gia ngày càng gây khó khăn cho việc cung cấp nguồn lương thực. Việt Nam là một trong 5 quốc gia được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo ANLT ngày càng cấp bách.

Long đong phận sắn: Hai bộ cùng quản lý

23-6-2011

Sắn đang được Bộ Công Thương chọn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cần phải đẩy mạnh mở rộng diện tích. Trong khi đó, với việc nông dân nhiều địa phương ồ ạt phá rừng trồng sắn, Bộ Nông nghiệp và PTNT lại đưa loại cây này vào "diện" cần phải hạn chế mở rộng diện tích. Sự thiếu phối hợp giữa hai bộ đang khiến người dân không biết đâu mà lần...

Chỉ số giá tiêu dùng hạ nhiệt: Hiệu ứng tích cực

23-6-2011

Sau tám tháng có xu hướng tăng cao (từ tháng 10-2010), tháng 6-2011 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã giảm mạnh. Dự kiến, CPI sáu tháng của cả nước chỉ tăng khoảng 1%, giảm đáng kể so với mức tăng 3,32% trong tháng 4 và 2,21% tháng 5.

Mỹ lùi thời hạn công bố kết quả cuối cùng về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam

23-6-2011

DOC cần thêm thời gian để xem xét hồ sơ do các bên liên quan gửi tới, vì vậy cơ quan này quyết định lùi thời hạn công bố thêm 45 ngày.

Gỡ vướng trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở Nam Ðịnh

23-6-2011

Nam Định là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân sử dụng trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 10 ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị về "Ðổi mới quản lý nông nghiệp".

Giúp ngư dân nâng giá trị cá ngừ

23-6-2011

Xuất khẩu cá ngừ đang tăng cả về số lượng lẫn giá. Nhưng nếu được đầu tư, ngư dân có thể đem về nhiều ngoại tệ hơn từ con cá ngừ.

WB hỗ trợ bảo hiểm giá nông sản tại các nước đang phát triển

23-6-2011

Khách hàng tiềm năng của công cụ quản lý rủi ro giá nông sản có thể gồm nhà sản xuất chế biến thực phẩm, người tiêu dùng, hợp tác xã, các ngân hàng địa phương...