HỘI THẢO

Bắc Giang: Lúa lai bộn thóc

Ngày đăng: 24 | 06 | 2011

Đề án phát triển lúa lai giai đoạn 2009 – 2011 của tỉnh Bắc Giang một lần nữa khẳng định thành công khi vụ xuân năm nay, hầu hết các giống lúa lai được chọn trong bộ giống của tỉnh đạt năng suất cao, góp phần nâng cao sản lượng lương thực của tỉnh miền núi phía Bắc này.

Có thể nói trong số nhiều tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Bắc Giang là tỉnh du nhập lúa lai vào khá muộn. Nhưng khi nông dân đã chấp nhận lúa lai thì diện tích lại tăng khá nhanh. So với Thanh Hóa, Nghệ An lúa lai chiếm 60-70% diện tích lúa thì Bắc Giang thua xa, nhưng nhìn ra các tỉnh xung quanh, Bắc Giang vẫn được coi là tiến bộ.
Đánh giá về thành công này, TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đúc kết: “Bắc Giang có một bộ giống lúa lai khá lý tưởng với Syn6 là chốt cơ bản, bên cạnh còn một dàn giống lúa lai Trung Quốc do Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang nhập nội đang bắt đầu khẳng định ưu thế trên đồng ruộng. Một khi cả bộ giống này phát huy hết tiềm năng năng suất thì Bắc Giang có thể tăng hàng trăm ngàn tấn lương thực/năm”.
Bộ giống tốt mới đóng góp 50% thành công. Điều quan trọng không kém là phải có chính sách để lúa lai đứng chân được trên đồng ruộng. Cách đây dăm năm, Bắc Giang đã xây dựng được một cơ chế chính sách riêng, có thể nói ưu việt nhất so với các tỉnh khác nhằm đưa lúa lai lên bệ phóng. Nên nhớ lúc đó năng suất lúa ở Bắc Giang chưa vượt qua con số 5 tấn/ha.
Được trợ giá, lúa lai vào Bắc Giang ngon lành, năng suất toàn tỉnh lập tức vọt lên 6 tấn/ha. Cho đến nay thì lúa lai đã thực sự mê hoặc nông dân Bắc Giang, nó trở thành con đường ngắn nhất nhằm tăng sản lượng lương thực trong lúc đất lấy đi xây dựng các khu công nghiệp ngày càng nhiều.
Với tổng diện tích đất canh tác gần 1 mẫu, những năm trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Hòa, nông dân thôn An Lập, xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đưa vào gieo cấy chủ yếu các giống lúa thuần, năng suất đạt thấp nên sản lượng lương thực làm ra chỉ đủ cho nhu cầu tiêu thụ của gia đình. Hai năm trở lại đây, nhờ sự vận động của chính quyền địa phương và nhất là có tiền trợ giá giống lúa lai nên gia đình bà Hòa đã mạnh dạn đưa các giống lúa lai vào sản xuất đại trà.
Vụ xuân này, 5 sào ruộng trên tổng diện tích canh tác của gia đình bà Hòa được gieo cấy bằng giống lúa lai Kim ưu 18 đang chuẩn bị cho thu hoạch. Bà Hòa cho hay, giống lúa Kim ưu 18 đã được bà sử dụng để gieo cấy từ năm ngoái. Lúa đạt năng suất rất cao, chất lượng gạo lại ngon hơn nhiều giống lúa thuần khác. Vụ ĐX 2011, với 5 sào Kim ưu 18, năng suất lúa của gia đình bà ước đạt khoảng 2,8 – 3 tạ/sào (8 tấn/ha).
Ông Bùi Quang Hiển, trưởng thôn An Lập cũng phấn khởi cho biết: Trong tổng số hơn 4ha diện tích canh tác của thôn vụ xuân này, có đến 3ha được gieo cấy bằng các giống lúa lai. Tuy nông dân trong thôn mới bắt đầu thu hoạch, song năng suất chắc chắn sẽ cao hơn khoảng 10-15% so với vụ trước. Ông Hiển nhớ lại, lúc đầu đưa lúa lai về ai cũng...sợ, bởi giá giống cao quá, vả lại một số giống lúa lai không ổn định nên có vụ nông dân đã "nếm" thất bại. Nhưng làm vài vụ, thấy lúa lai năng suất cao nên bà con trong thôn chẳng ai bảo ai đều cấy lúa lai. Bởi ở nông thôn tăng được vài chục kg thóc mỗi sào là hấp dẫn rồi.
Không riêng xã Ngọc Lý, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang cũng đã mạnh dạn đưa các giống lúa lai vào thâm canh. Là tỉnh miền núi, diện tích đất nông nghiệp không nhiều, chỉ khoảng hơn 120 nghìn ha, trong đó diện tích gieo cấy lúa hằng năm khoảng 110 nghìn ha, an ninh lương thực đối với Bắc Giang được đặt lên hàng đầu. Xuất phát từ yêu cầu đó, lúa lai đã được Bắc Giang chọn là mũi nhọn và đã đạt được những kết quả khả quan. Tỷ lệ diện tích lúa lai trong cơ cấu của tỉnh được nâng dần theo từng năm, hiện nay đã vượt 20% diện tích gieo cấy.
Ông Vũ Đình Phượng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: Thông qua đề án phát triển lúa lai, nông dân trong tỉnh đã biết áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, làm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Trước đây, lúa lai đã có thời bị thất bại ở Bắc Giang do chất lượng gạo kém, khả năng chống chịu sâu bệnh thấp. Nhưng nay, “tâm lý sợ lúa lai” đã được dẹp bỏ khi mà giống lúa lai chất lượng ngày càng nhiều. 
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/80202/Default.aspx

NỘI DUNG KHÁC

Đà Lạt (Lâm Đồng): Người trồng hoa vẫn... tự bơi

24-6-2011

Đó là ý kiến của ông Đoàn Văn Việt - Bí thư Thành ủy Đà Lạt (Lâm Đồng) tại cuộc họp vào sáng ngày 22.6 với đại ý: Hiện tại, nhà vườn trồng hoa của Đà Lạt vẫn phải "tự bơi" trong thị trường là điều mà không chỉ chính quyền và các cơ quan hữu trách của Đà Lạt quan tâm, mà còn phải có sự quan tâm của cấp tỉnh.

Phú Yên: Nông dân thích nuôi trâu bán thịt

23-6-2011

Tổng đàn trâu của hai huyện Phú Hòa, Đông Hòa lên đến hàng nghìn con với hộ nuôi thấp nhất từ 10 – 15 con và hộ nuôi cao nhất lên gần 200 con.

Vườn cây ăn trái gắn du lịch sinh thái

23-6-2011

Bốn xã An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú nằm trên Cù Lao Minh thuộc huyện Long Hồ, Vĩnh Long đã được thiên nhiên ưu đãi từ đất đến nước. Không bỏ lỡ cơ hội nào, người dân ở 4 xã này đã trồng rất nhiều loại cây ăn trái đặc sản và khai thác thế mạnh du lịch miệt vườn gắn với nuôi trồng thủy sản.

Vĩnh Long: Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

23-6-2011

Xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) đã triển khai các giải pháp tập trung từ nay đến cuối năm 2011 tháo gỡ khó khăn, tạo bước đột phá đẩy nhanh hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới.

Cần đầu tư nâng cấp thêm cho công trình thuỷ lợi Tân Sơn (Gia Lai)

23-6-2011

Công trình thuỷ lợi hồ chứa nước Tân Sơn, huyện ChưPah (Gia Lai) có tổng vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2007 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010.

Cà Mau khẩn trương cứu lúa hè thu bị úng ngập

23-6-2011

Tỉnh Cà Mau đang khẩn trương cứu hàng ngàn hec-ta lúa hè thu bị úng ngập ở các huyện vùng ngọt hóa gồm: Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời do mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua trên địa bàn. Hầu hết các trà lúa bị ngập nước mới gieo sạ từ 1 đến 3 tuần.

Đắk Lắk: Tiến độ gieo trồng vụ hè thu năm 2011 đạt gần 72% kế hoạch

23-6-2011

Tiến độ vụ hè thu năm nay tỉnh Đắk Lắk đang được bà con nông dân các địa phương khẩn trương đẩy nhanh, nhất là tranh thủ những ngày qua trời có mưa, thuận lợi cho việc gieo trồng.

Quảng Bình được mùa lúa đông xuân

21-6-2011

Vụ lúa đông xuân năm nay ở tỉnh Quảng Bình là một vụ mùa gian nan, có lúc tưởng chừng mất trắng, nhưng kết cục thắng lợi giòn giã. Trên những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, nông dân đang khẩn trương thu hoạch để bắt tay vào sản xuất vụ hè thu.

Phú Yên: Được mùa tôm hùm giống, trúng giá tôm hùm thịt

21-6-2011

Chưa năm nào, ngư dân Phú Yên đánh bắt được tôm hùm giống nhiều như năm nay. Bên cạnh đó, tôm hùm thịt tăng giá cũng đã giúp cho người nuôi thu lãi cao.

Thừa Thiên - Huế: Hạ tầng cơ sở phát triển thúc đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới

21-6-2011

Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Thừa Thiên - Huế bắt đầu thực hiện tại 8 xã điểm thuộc các huyện, thị xã trong tỉnh theo tiêu theo 19 tiêu chí của quốc gia, sau đó tiến hành triển khai cho 104 xã còn lại trong quí II và III/ năm 2011. Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2015 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, và đến năm 2020 tỉ lệ này là 50% - 55%.

Nghệ An: Đảm bảo nguồn nước tưới vụ hè thu năm 2011

21-6-2011

Nghệ An đang chỉ đạo sản xuất vụ hè thu năm 2011 theo quan điểm mở rộng tối đa diện tích trên những chân ruộng đảm bảo được nguồn nước tưới.

Hà Giang: Triển khai mô hình "3 giảm, 3 tăng"

21-6-2011

Sau khi thực hiện thành công mô hình "3 giảm, 3 tăng" trên giống lúa Bio 404 tại thôn Làng Vàng, huyện Vị Xuyên, UBND tỉnh Hà Giang đang tập trung chỉ đạo các địa phương trong tỉnh triển khai mô hình này trong vụ mùa 2011.