HỘI THẢO

Quảng Bình có vùng quê 8 tấn

Ngày đăng: 15 | 06 | 2011

Ông Nguyễn Duy Viên - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (An Ninh - Quảng Ninh - Quảng Bình) hồ hởi: “Vụ đông xuân năm nay, toàn HTX gieo cấy trên 235 ha. Vượt lên khó khăn thiên tai từ đầu vụ, năng suất bình quân của xã viên đạt trên 71 tạ/ha. Trong đó có gần 40 ha lúa đạt năng suất 80 tạ/ha. Có thể khẳng định vụ này được nhất trong mấy năm gần đây với các giống chủ lực là lúa lai, lúa thuần XT 28, QS 2...”.

Trên cánh đồng ruộng sâu, bà con đang vào mùa gặt rộ. Những bạn gặt hàng chục người như chia khoảng từng cánh đồng chín vàng. Nông dân Nguyễn Phong Thuấn xốc bó lúa lên thùng xe công nông xong, lau mồ hôi rồi quay lại nói với tôi: “Được mùa, giá lúa cũng đang ở mức cao 7 triệu đồng/tấn nên bà con quá phấn khởi”.
Vào vụ, nhà anh Thuấn gieo giống lúa lai trên diện tích gần 8 sào (20 sào Trung bộ = 1ha), gặp đận rét “nuốt” hết, phải gieo lại rồi dặm dụi, vá vúi đến bã cả người. Cả thôn, ai cũng lâm cảnh giống nhau, làm mà cứ nghĩ đến chuyện thất bát trước thiên tai. Khi lúa gặp đợt nắng đầu tiên, bớt bạc đầu và chớm chuyển sang màu lá mạ thì cán bộ HTX phổ biến kế hoạch sử dụng phân bón kích thích đẻ nhánh, sinh trưởng...
Hơn tháng sau, cây lúa đã bén rễ trên đồng và vụt lên xanh mượt mà. Lúa thưa nên đẻ nhánh khoẻ, mỗi bụi có đến vài chục nhánh. Bây giờ thì nông dân đã chắc chắn là lúa chạy vô bồ hạt chắc mẩy. Anh Thuấn cho hay: “Nhà tôi cũng đạt được năng suất 75 tạ/ha. Nhiều nhà có năng suất cao hơn như nhà ông Ơn, ông Bình, ông Hiển đạt 80 tạ/ha đó”.
Chủ nhiệm Nguyễn Duy Viên của HTX Thống Nhất cho biết, hiện HTX có gần 370 hộ dân. Theo tiêu chí đánh giá mới có khoảng 50% số hộ thuộc diện khá giả trở lên. Để góp phần vào vụ mùa thắng lợi HTX đã cùng xã viên đóng góp trên 150 triệu đồng tu bổ hệ thống kênh mương dẫn nước từ hồ Cẩm Ly về. Ngoài ra HTX còn hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng dùng bả sinh học Biorat diệt trừ chuột. “Cả vùng đồng rộng lớn như thế, nhưng không có một bụi lúa nào bị chuột phá hại” - ông Viên cho hay.
Ghé qua vùng đồng đấu thầu 3 ha của gia đình ông Nguyễn Đại Ơn, lúa đang chín rộ. Dưới mương, đàn vịt mấy trăm con kêu như vỡ chợ. Ông Ơn vừa đi kêu người ngày mai gặt lúa giúp đang kéo tấm sáo che chắn không cho đàn vịt lên ruộng. Thấy tôi thắc mắc sao không dùng máy gặt cho nhanh và tiết kiệm, ông Ơn cười giảng giải: “Đúng là gặt máy thì lợi năm bảy đường. Nhưng vì lúa này sau khi thu hoạch còn làm vụ tái sinh. Nếu gặt máy thì hư hết gốc rạ. Vì vậy phải gặt thủ công mới làm được”.
Vui chuyện, ông Ơn cũng kể lại cách đây mấy năm, gia đình được vài sào ruộng chỉ đủ ăn chứ khó mà có dư dả. Sau này, khi HTX đưa ra đấu giá đất 5% thì hai vợ chồng tính toán mạnh dạn nhận thêm diện tích khoảng 3 ha ở vùng bãi. Vợ chồng trằn lưng ra cải tạo, đắp đập be bờ để nuôi thêm cá và vịt. Cùng với diện tích ruộng được chia theo nhân khẩu, gia đình ông trở thành một trong 3 nhà làm ruộng với diện tích lớn nhất của HTX Thống Nhất. Để quán xuyến tất cả việc sản xuất, ông dựng trại kiên cố và ở ngay trên bờ đê.
Ông nói vui: Một năm 12 tháng thì tôi đã có 10 tháng ngủ ngoài đê rồi, 2 tháng còn lại là mùa mưa lụt mới vào ở tạm trong nhà. Phần ruộng đấu thầu làm một vụ lúa, rồi thả thêm các loại cá chép, cá mè, cá rô phi và một phần đê được quây lại để nuôi vịt đẻ, vịt thịt. Từ diện tích ruộng của mình, năm nào gia đình cũng thu khoảng 20 tấn thóc. Nhưng vụ đông xuân năm nay đã vượt lên 24 tấn. Nếu thêm vụ tái sinh thì cả năm cũng tròm trèm trên 30 tấn.
Ông Ơn tính toán: “Vụ này, do rét hại nên chi phí trên đồng tăng cao. Tuy nhiên, trung bình thu hoạch 7 tấn/ha, giá bán 7 triệu đồng/tấn được 49 triệu đồng. Trừ chi phí khoảng 25 triệu đồng/ha người nông dân còn có lãi 24 triệu đồng/ha”. Lại nói sau thu hoạch, bà con để tiếp vụ tái sinh. Thuận lợi về tưới, thêm đợt phân bón và phòng trừ được chuột phá thì năng suất đạt 30 tạ/ha. Sau vụ tái sinh, cây lúa còn có vụ nhánh, vụ này chủ yếu để chăn nuôi vịt đồng. “Nếu làm nông có khoảng 3 ha và biết cách kết hợp nuôi cá, vịt thì làm giàu có trong tầm tay” - ông Ơn thổ lộ. Ngoài lúa, gia đình ông Ơn còn thu gần 100 triệu đồng từ việc nuôi cá và vịt.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/79741/Default.aspx

NỘI DUNG KHÁC

Phú Thọ: Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp cho sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2011

15-6-2011

Trước những bất lợi về thời tiết trong những tháng đầu năm 2011, nhằm đảm bảo cho sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2011 đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ một loạt các giải pháp cụ thể.

"Có thực mới vực được đạo"

14-6-2011

Sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam được người xưa đúc kết: "Có thực mới vực được đạo", "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền".

Bà Rịa - Vũng Tàu: Trái cây trễ vụ, nông dân thất thu

14-6-2011

Bà con nông dân cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết nên vụ trái cây năm nay đến trễ hơn khoảng 2 tháng, khiến nhiều nhà vườn lỡ mất cơ hội bán trái đầu mùa với giá cao.

Dak Lak, Dak Nông "hút" nông dân với cây bông vải

13-6-2011

Nông dân trồng bông ở Tây nguyên an tâm với chương trình phát triển cây bông vải của Chính phủ và giá cả thu mua hợp lý của các DN chế biến bông xơ.

Bình Định: thảm hoạ môi trường từ nuôi tôm trên cát

13-6-2011

Cả một dải bờ biển huyện Phù Mỹ (Bình Định) bị đào xới, băm nát để làm hồ nuôi tôm. Những khu rừng phòng hộ ven biển biến mất, nguồn nước ngầm ngày càng bị cạn kiệt, chất thải từ nuôi tôm đọng lại khắp nơi ngay trên bãi biển, bốc mùi hôi thối nồng nặc... Hàng vạn dân cư đang đối mặt với thảm hoạ môi trường.

Nông nghiệp thiệt hại nặng vì thời tiết, dịch hại

13-6-2011

Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đến nay, đã có gần 1.100ha lúa tại Cà Mau bị thiệt hại do tác động của thời tiết bất thường.

Tam Đường, Lai Châu: Xây dựng cánh đồng 80 triệu đồng/ha

13-6-2011

Bình Lư là một trong những xã điểm được chọn để quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) từ giai đoạn 2011- 2015 của huyện Tam Đường.

Sóc Trăng: Liên kết xây dựng cánh đồng mẫu

13-6-2011

Sóc Trăng là tỉnh thực hiện “Cánh đồng mẫu" rất thành công ở đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình phát huy được hiệu quả thiết thực vì đã có sự liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà" ngay từ khâu cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật cho tới tiêu thụ.

Châu Thành, Hậu Giang: Hình thành vùng chuyên canh cây trái

13-6-2011

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Châu Thành, huyện này đang đầu tư mạnh các vùng chuyên canh cây ăn trái để làm động lực xây dựng NTM.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Ngừng bán hàng bình ổn giá

10-6-2011

Chiều 8/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã họp và quyết định ngừng chương trình bán hàng bình ổn giá trên địa bàn. Ngoại trừ huyện Côn Đảo, do đặc thù phải vận chuyển hàng từ trong đất liền ra, giá các mặt hàng đội lên cao, đồng thời, chương trình bán hàng bình ổn giá trên địa bàn thời gian qua có hiệu quả nên tỉnh quyết định tiếp tục duy trì chương trình tại huyện đảo này.

Nhiều nông dân ở Hậu Giang trúng mùa cam sành trái vụ

10-6-2011

Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đang thu hoạch vụ cam sành trái vụ. Mặc dù giá cả năm nay không cao hơn các năm trước nhưng nhờ trúng mùa, nhiều nông dân đang thu lợi nhuận tiền tỷ nhờ trồng cam sành.

Bình Phước: Cần có cơ chế chính sách tín dụng khuyến khích, hỗ trợ cho vay xây dựng nông thôn mới

10-6-2011

Trong 2 ngày 7 – 8/6, Đoàn công tác liên bộ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc tại tỉnh Bình Phước.