HỘI THẢO

Trà Vinh phát triển và ổn định vùng mía nguyên liệu

Ngày đăng: 17 | 05 | 2011

Ba năm liên tiếp, người trồng mía ở Trà Vinh trúng mùa, được giá với lợi nhuận khá cao. Theo đó, diện tích trồng mía mỗi năm tăng thêm gần 300 ha. Tuy nhiên, mía là cây trồng hằng năm, nếu không có giải pháp ổn định vùng sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng thì mía nguyên liệu sẽ giảm.

Người dân khá giả nhờ trồng mía
Chúng tôi về huyện Trà Cú, là vùng trọng điểm mía của tỉnh, với hơn 4.500 ha trồng mía, chiếm hơn 75% diện tích mía toàn tỉnh. Vùng nguyên liệu mía ở Trà Vinh đã qua mùa thu hoạch, những nơi thu hoạch sớm, mía lưu gốc đã lên cao quá ngực. Một mầu xanh thẫm của mía đang thì vươn lóng cứ nối tiếp nhau chạy dài tít tắp, phủ kín những cánh đồng của các xã An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Ngãi Xuyên, Hàm Tân, Ðịnh An, Kim Sơn... Một niên vụ mía thắng lợi đã qua. Niềm vui trúng mùa, được giá mía còn đang hiện hữu trên những gương mặt, những căn nhà mới xây của những người trồng mía. Bất cứ ở nơi nào trong vùng mía Trà Cú, tôi cũng được bà con chia sẻ: Căn nhà này đã được xây từ vụ mía năm trước, căn nhà đang xây kia là tích tụ từ nhiều vụ mía vừa qua.
Anh Huỳnh Thanh Tùng ở ấp Bảy Xào Chót, xã Kim Sơn bên căn nhà đang xây, ước chừng khi hoàn công không dưới 300 triệu đồng, vui vẻ nói: Tôi chỉ trồng hơn bốn công mía, vụ mía vừa rồi chỉ lời khoảng bảy triệu đồng/công. Xây nhà này là tiền dành dụm nhiều năm dồn lại. Ở ấp này đa số bà con ít đất, chỉ có vài hộ trồng được hơn một ha. Nhưng ở ấp Bảy Xào Dơi có khá nhiều hộ trồng mía được vài ha, và trúng lớn, chẳng hạn như ông Kim Tha, trồng khoảng ba ha mía, năm nay thu được khoảng 600 triệu đồng, tính ra đủ kinh phí cất căn nhà cỡ này. Bà Kim Khol đang chăm sóc ruộng mía ở ấp Sóc Tro Dưới, xã An Quảng Hữu, nói: Ba công mía này, vụ vừa rồi cũng lời được hơn 20 triệu đồng.
Theo tính toán, chỉ cần mía đạt năng suất 100 tấn/ha, với giá 1.300 đồng/kg (mía 10 chữ đường), thì đã có lãi hơn 70 triệu đồng/ha. Nhưng theo điều tra, năng suất mía bình quân trong cả tỉnh của niên vụ vừa qua lên đến 117 tấn/ha, riêng huyện Trà Cú lên đến 123 tấn/ha. Hiện nay, ở Trà Cú nông dân trồng mía đạt năng suất 180 tấn/ha là khá phổ biến; cá biệt có người đạt hơn 200 tấn/ha. Chủ tịch UBND xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú Thái Hoàng Ðang cho biết: Hơn 85% diện tích đất sản xuất của xã đã được bà con chuyển sang trồng mía. Nhờ mía nhiều năm liền có giá nên đời sống bà con được khá hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16%. Những hộ có hơn một ha thì vượt lên hộ khá, có bốn đến năm công thì thoát nghèo, biết dành dụm có thể cất được nhà tường nho nhỏ. Những hộ dân không có đất trồng mía, chăm chỉ làm thuê cũng có thu nhập khá hơn. Giá nhân công làm mía hiện nay rất cao. Giá nhân công thuê vô chân ấm đã lên đến 550 nghìn đồng một công mía, người có sức chỉ làm hai ngày là xong. Tuy nhiên lợi nhuận từ trồng mía vẫn chưa vượt được nhiều loại cây trồng khác, vì vốn đầu tư cho trồng mía là khá cao và tốn nhiều công sức, giá thuê nhân công cũng cao. Nhưng cây mía vẫn là cây trồng thế mạnh ở Trà Cú, vì điều kiện thổ nhưỡng phù hợp và năng suất hiện đang đứng đầu cả nước.
Ðầu tư ổn định vùng nguyên liệu mía
Trưởng phòng nguyên liệu Công ty TNHH MTV mía đường Trà Vinh Lê Cao Thế cho tôi xem Chính sách đầu tư vùng nguyên liệu mía vụ sản xuất 2011-2012 của công ty. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của công ty với người ký hợp đồng trồng và bán mía cho công ty. Công ty bảo đảm mua hết sản phẩm mía nguyên liệu và mía giống của các chủ hợp đồng đã ký cam kết trồng và mua bán mía với công ty. Công ty không mua thấp hơn giá thu mua của các công ty đường trong khu vực ÐBSCL. Khi giá mía thấp, công ty sẽ thu mua theo giá bảo hiểm tối thiểu là 650 nghìn đồng/tấn mía sạch 10 chữ đường tại bàn cân công ty. Ðặc biệt, trong niên vụ này công ty có thêm chính sách hỗ trợ cho những người chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng mía từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/ha tùy vào trường hợp đất đã trồng cây khác từ dưới ba năm hay trên ba năm. Ðối với những người trồng mía thiếu vốn, công ty bảo đảm đầu tư đủ giống và vật tư theo tiêu chuẩn và đầu tư hỗ trợ tiền công chăm sóc đến tám triệu đồng/ha. Giá vật tư được tính theo từng thời điểm nhận đầu tư và lãi suất tính theo lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại cho vay theo từng thời điểm.
Nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV mía đường Trà Vinh còn phối hợp khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật giúp người trồng mía có thêm kiến thức, kỹ thuật để tăng năng suất, tăng chữ đường, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Nếu như trước đây, người trồng mía chỉ biết được một vài giống mía có năng suất cao, thì hiện nay, nhờ hằng năm công ty nhập nhiều loại giống, rồi qua khảo nghiệm, nhân giống, nên số giống mía có năng suất chất lượng cao đã lên hàng chục loại. Có những giống thích hợp cho từng vùng: đất cát pha, đất thịt, đất bị nhiễm mặn, giống chín sớm... Những năm qua, công ty còn kết hợp với các viện, trường lấy mẫu, phân tích đặc điểm thổ nhưỡng từng vùng đất, để từ đó đưa ra công thức bón phân thích hợp cho cây mía ở từng khu vực sản xuất khác nhau. Không dừng lại ở đó, trên cơ sở phân tích chất đất, vừa qua, công ty còn phối hợp, đề xuất với các công ty phân bón lớn, như Bình Ðiền, Việt - Pháp nghiên cứu phối trộn để sản xuất ra các loại phân bón đặc chủng riêng phù hợp để bón cho mía trồng ở từng vùng đất khác nhau, để cho cây mía phát huy hết năng suất và có chữ đường cao nhất.
Ông Lê Cao Thế còn cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định cho Trà Vinh thành lập Trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất giống mía cho cả khu vực ÐBSCL. Ðây là điều kiện thuận lợi để người trồng mía trong tỉnh và cả khu vực có thêm nhiều giống mía có năng suất, chữ đường cao hơn, góp phần tăng thu nhập cho người trồng mía, bảo đảm ổn định vùng nguyên liệu cho các nhà máy đường trong khu vực. Và Công ty TNHH MTV mía đường Trà Vinh cũng đã quyết định nâng công suất lên gấp hai lần, đạt 4.000 tấn mía cây/ngày. Khi nâng công suất, việc bảo đảm phát triển và ổn định vùng mía nguyên liệu đủ cho nhà máy hoạt động đang là mục tiêu hàng đầu của công ty. Chính vì thế, niên vụ này công ty đã có chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu với nhiều ưu đãi hơn.
Ðể bảo đảm đủ mía nguyên liệu cho nhà máy đường hoạt động, tỉnh Trà Vinh vừa quyết định quy hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh, giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó có hai phương án, một là nâng diện tích mía lên 8.000 ha, hai là nâng diện tích mía lên 9.400 ha. Thực hiện quy hoạch này, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông, điện ở những nơi cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm đủ yêu cầu phục vụ sản xuất mía. Tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 98 tỷ đồng. Thực hiện quy hoạch này, Trà Vinh chủ trương không áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính, mà đặt lợi ích giữa người trồng mía và nhà máy chế biến làm giải pháp chính. Nâng cao tối đa năng suất mía, và thu nhập của người trồng để tăng sức cạnh tranh với các loại cây trồng khác./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=459646

NỘI DUNG KHÁC

Hoà Bình phát triển rừng, cải thiện môi trường sinh thái

17-5-2011

Tạo thêm nhiều việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hàng ngàn hộ dân, đất trống, đồi trọc từng bước được phủ xanh, rừng tự nhiên được phục hồi, phát triển tốt và môi trường sinh thái được cải thiện... Đó là kết quả của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ (Dự án 661) trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.

Lai Châu: Chương trình trồng rừng đổ nợ

17-5-2011

Với phương châm “dân góp đất, DN góp vốn”, năm 2010 tỉnh Lai Châu trồng được trên 6.000 ha rừng phòng hộ và sản xuất. Tuy nhiên, hiện các DN tham gia trồng rừng đang nợ người dân tỉnh biên giới khó khăn này số tiền hàng chục tỉ đồng mà chưa biết trông vào đâu để trả, khiến dự án có nguy cơ đứt gánh giữa đường.

Biến một sào thành... một mẫu!

16-5-2011

“Mỗi khẩu bình quân chỉ còn sào ruộng, mưa thuận gió hòa thì một năm được 4 tạ thóc, trừ chi phí đi chỉ còn 2 tạ, trăm thứ nhòm vào đó, ăn còn chả đủ nói gì khấm khá”. Đó là câu “đầu miệng” của bà con nông dân mà chúng tôi nghe được mỗi lần về tỉnh lúa Thái Bình.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ

16-5-2011

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết.

Lâm Đồng: Đưa hàng Việt về bán trực tiếp tại xã

16-5-2011

Sáng 13.5, Chương trình "Hàng Việt về nông thôn" Lâm Đồng phiên thứ ba (sau hai phiên ở hai huyện Bảo Lâm và Đức Trọng) đã chính thức được khởi động tại xã Đà Loan - một trong những xã vùng sâu thuộc huyện Đức Trọng.

Làng sạch, dân khỏe

13-5-2011

Tại xã Quỳnh Liên (Quỳnh Lưu, Nghệ An) bây giờ đường làng, ngõ xóm luôn phong quang, sạch sẽ, sức khoẻ của người dân được cải thiện.

Liên kết trồng cỏ ngọt

13-5-2011

Sáng 10/5/2011, chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Hạnh (trú tại xóm 2A, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) đang cắt cỏ ngọt để vợ vận chuyển về nhà.

Cán bộ nhát, dân khổ

13-5-2011

Kì trước, chúng tôi đã nói về những hộ nghèo ở hai xã Tuyên Bình (huyện Vĩnh Hưng) và Vĩnh Châu B (huyện Tân Hưng) tỉnh Long An. Nhưng, cũng cùng điều kiện như thế, nhưng ở Tuyên Bình và Vĩnh Châu B lại có nhiều hộ giầu nứt vách, vì sao?

Chi bộ thôn ra "nghị quyết" bán hàng nghìn m2 đất

13-5-2011

Từ một xã thuần nông, vào thời điểm hiện tại, những nông dân ở thôn Mao Trung, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã rơi vào cảnh không còn đất để sản xuất. Ruộng ấy, đất ấy, trong suốt một thời gian dài, chính quyền từ cấp xã tới thôn đã thi nhau ra "nghị quyết" để chia lô, bán một cách vô tội vạ...

Câu chuyện ở Phú Thọ

28-4-2011

Anh Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN- PTNT Phú Thọ có nhiều quan điểm giống các đồng nghiệp của Vĩnh Phúc khi lý giải về cái sự khó chuyển đổi từ lúa sang màu.

Cây bông xóa nghèo ở Sơn La

28-4-2011

Nhờ liên kết chặt chẽ "4 nhà", nông dân vùng sông Đà, sông Mã đã làm sống lại truyền thống trồng bông ở hai huyện Phù Yên và Bắc Yên (Sơn La).

Thanh Hóa phát triển nghề rừng bền vững

28-4-2011

Thanh Hóa hiện có 405.713 ha rừng (gồm 322.003 ha rừng tự nhiên và 83.710 ha rừng trồng), độ che phủ đạt 36,6%. Từ năm 1999, Thanh Hóa đã triển khai dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Quá trình thực hiện dự án tuy gặp không ít khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của những người làm nghề rừng, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.