THỊ TRƯỜNG

ĐBSCL: Tan tác mùa tôm

Ngày đăng: 16 | 05 | 2011

Tôm sú nuôi ở Sóc Trăng, Bạc Liêu... đã và đang chết trên diện rộng, mức độ thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Hàng chục ngàn hộ nuôi tôm như “ngồi trên đống lửa” khi tôm mới thả nuôi được chừng 2-3 tháng bỗng dưng lủi đầu vô mé chết hàng loạt… Một mùa tôm thất bát khiến dân vùng nuôi tôm ở ĐBSCL điêu đứng...

Cỡ nào tôm cũng... chết
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (MTSA), tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Trước đó, tôm thả khoảng 30-40 ngày mới chết. Nhưng càng về sau, thời gian tôm chết càng nhanh và hiện có người thả chỉ 6-7 ngày... tôm cũng chết luôn. Tính ra, trong số hơn 1.300ha mà các thành viên Hiệp hội đã thả đến giờ này, số chết đã trên 90% rồi, thiệt hại ước tính đã trên 100 tỉ đồng”. Ông Trần Hữu Mai, thành viên MTSA, cho biết thêm: “Trong 11 năm nuôi tôm, đây là năm tồi tệ nhất của người nuôi tôm bên bờ sông Mỹ Thanh. Dù có sử dụng cách gì đi nữa, tôm vẫn cứ chết hàng loạt”. Theo ông Trần Hoàng Dũng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, mấy ngày nay, tình hình tôm chết vẫn tiếp tục diễn ra. Đến ngày 10-5, toàn huyện đã có 2.332ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm 79% diện tích thả nuôi. Tình hình thiệt hại tôm nuôi hiện đang lan rộng khắp các vùng nuôi tôm trong tỉnh. Theo ước tính của ngành hữu quan, tính chung toàn tỉnh, đã có khoảng 20.000/25.000ha đã thả nuôi tôm bị thiệt hại. Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng, ước tính giá trị thiệt hại cho đến thời điểm hiện nay đã lên đến trên 1.000 tỉ đồng...
Hàng ngàn hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu cũng đang khốn đốn vì tôm chết. Anh Trần Văn Hải ở xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Vụ này tôi thả 10 ao công nghiệp nhưng đến giờ này có 7 ao đã bị thiệt hại. Tôm chết ở giai đoạn 2 tháng nên không thu hồi vốn liếng gì được, tính ra lổ hơn 100 triệu đồng. Còn lại 3 ao, nếu hư nữa, vụ này coi như trắng tay, không có tiền trả nợ ngân hàng!”. Không riêng gì người nuôi tôm công nghiệp, hộ nuôi tôm quảng canh ở vùng đất chót cùng của tổ quốc cũng “mất ăn, mất ngủ”. Ông Hai Tới (Trần Văn Của), ấp Nhị Nguyệt, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), cho biết: “Thời tiết mấy năm gần đây biến động thất thường, rất khó nuôi tôm. Vô vụ nuôi là tôi không dám bỏ đi đâu hết, ở nhà “canh mưa” như canh ăn trộm. Đang nắng chang chang mà trời quất đám mưa, xử lý không khéo tôm bị “sốc nước” chết sạch. Tháng tư vừa rồi trời mưa vài đám, trong xóm có vài hộ nuôi quảng canh cải tiến đầu tư ao đầm, con giống bạc chục triệu, chỉ thu lại được “xác tôm”...”.
Do vi khuẩn gây hoại tử gan tụy
Theo lý giải ban đầu của người nuôi tôm và cả ngành chức năng, nguyên nhân chính là do thời tiết bất thường ảnh hưởng không tốt đến con tôm. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Trong suốt 20 năm qua, chưa năm nào thời tiết bất thường như năm nay. Vì thế, dù người nuôi có chuẩn bị khá tốt so với mọi năm nhưng tôm nuôi vẫn bị thiệt hại trên diện rộng. Những trang trại nuôi công nghiệp kỹ thuật, tay nghề cao, nhưng mức độ thiệt hại lại cũng cao.
Theo những ghi nhận ban đầu, tôm chết ở ĐBSCL chủ yếu là do bệnh thân đỏ, đốm trắng. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm mới đây đã loại trừ các tác nhân này. Tiến sĩ (TS.) Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Các kết quả xét nghiệm mẫu tôm bệnh, tôm chết thu được tại các vùng nuôi của Sóc Trăng, Bạc Liêu... bằng phương pháp PCR, mô học, sinh học phân tử đã xác định nguyên nhân tôm chết hàng loạt là do vi khuẩn gây hoại tử gan tụy chiếm đến 80%. Bước đầu, chúng tôi đã xác định được vi khuẩn này thuộc nhóm Gamma-Proteobacteria (nhóm trung gian giữa vi khuẩn và virus) với ký chủ trung gian là Protozoa. Hiện nay, Viện đang tiếp tục làm các xét nghiệm để có thể “định danh” đây là vi khuẩn gì. Từ đó mới có thể đưa ra các biện pháp phòng trị hiệu quả”.
TS. Nguyễn Văn Hảo cho rằng, một trong những nguyên nhân bùng phát khuẩn trên là do quy trình xử lý đất, nước và việc quản lý môi trường nuôi thời gian qua chỉ phù hợp với việc phòng trị các bệnh đốm trắng, thân đỏ, đầu vàng... chứ không loại trừ được ký chủ trung gian Protozoa mang vi khuẩn Gamma-Proteobacteria. Mặt khác, việc sử dụng các chế phẩm vi sinh cũng là “con dao hai lưỡi” vì không loại trừ trong số những chế phẩm vi sinh được sử dụng có chứa Protozoa. TS. Hảo phân tích: “Chế phẩm vi sinh cũng có mặt trái của nó là chứa vô vàn vi khuẩn. Trong khi tôm chết hiện nay là do vi khuẩn, nên không loại trừ trong đó có Protozoa. Mặt khác, việc quản lý môi trường nuôi không tốt cũng ảnh hưởng đến hệ thống gan tụy của tôm nuôi”.
Kỹ sư Nguyễn Công Quốc, Trưởng phòng Quản lý nuôi Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau, lo lắng: Sóc Trăng và Bạc Liêu nằm liền kề với vùng nuôi tôm Cà Mau, lại có chung nguồn nước nuôi tôm. Vì vậy, nếu ao tôm bị nhiễm bệnh mà không được hộ nuôi xử lý kỹ lưỡng trước khi xả thẳng ra sông rạch thì nguồn nước nuôi tôm sẽ tồn lưu mầm bệnh, khả năng lây lan rất nhanh. Trước mắt, người nuôi nên thăm đồng thường xuyên, theo dõi sát xao diễn biến của thời tiết và báo cáo ngay với cán bộ chuyên trách khi phát hiện tôm nuôi có những biểu hiện khác thường nhằm có biện pháp xử lý kịp thời. Với hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến, bà con nên giảm bớt tần suất thay nước trong vuông tôm, hạn chế dịch bệnh phát tán, lây lan qua nguồn nước...
Sau khi đưa ra những nhận định ban đầu, TS. Nguyễn Văn Hảo cho rằng: “Trong đất nuôi tôm có chứa rất nhiều Protozoa và không loại trừ cả trong một số chế phẩm vi sinh. Người nuôi tôm nếu có thả lại nên chú trọng đến việc xử lý đất trong nền đáy ao nuôi bằng Formaline và vôi. Vì đây là hai chất diệt Protozoa rất hiệu quả. Người nuôi tôm cần thận trọng hơn với các chế phẩm vi sinh để tránh làm phát sinh thêm ký chủ trung gian Protozoa”. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Hảo, cần có những thử nghiệm trước khi công bố chính thức.
Trà Vinh:
Tăng cường 20 kỹ sư hỗ trợ các địa phương khắc phục tình trạng tôm chết
Ông Lâm Thanh Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết: Để ngăn chặn tình trạng tôm sú nuôi bị chết lan ra trên diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường 20 kỹ sư nuôi trồng thủy sản hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương và tư vấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh và xử lý triệt để tôm nuôi bị thiệt hại. Ngoài ra, lực lượng này cũng thường xuyên tổ chức lấy mẫu tôm chết, tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh đi xét nghiệm, quan trắc môi trường nước nuôi và hướng dẫn người nuôi tôm sú các biện pháp quản lý tốt môi trường nước trong ao nuôi tôm. Ngoài ra, Trà Vinh thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất giống tôm sú trên địa bàn tỉnh và tôm giống nhập vào tỉnh để xử lý triệt để đàn tôm giống kém chất lượng, tiêu hủy các mẻ tôm giống bị nhiễm bệnh vượt mức quy định… nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi.

Từ đầu vụ nuôi năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có hơn 22.500 hộ thả nuôi tôm trên diện tích 20.897ha. Đến nay có 6.528 hộ nuôi tôm bị thiệt hại, với diện tích khoảng 5.910ha.
 
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/5/28328.html

NỘI DUNG KHÁC

Thủy sản sắp thành ngành sản xuất hàng hóa lớn

16-5-2011

Tại hội thảo tham vấn Dự thảo kế hoạch 5 năm ngành thủy sản 2011-2015 do Tổng cục Thủy sản tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, kế hoạch 5 năm phát triển ngành thủy sản được xây dựng dựa trên Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020, quy hoạch tổng thể phát triển ngành đến năm 2020 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Giãn tiến độ nhập khẩu đường

16-5-2011

Sản lượng trong nước tăng, giá bán đường đang có xu hướng hạ do gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ… những yếu tố trên đã khiến Bộ Công Thương phải yêu cầu doanh nghiệp được cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường trong năm 2011 giãn tiến độ nhập đối với mặt hàng này.

Xuất khẩu nông sản tiếp tục được giá nâng đỡ

16-5-2011

Bản tin cập nhật dự báo thị trường một số nông sản tháng 4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có những nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kim ngạch trong năm nay, do diễn biến cung cầu và giá cả trên thị trường thế giới có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Giá cà phê đang được hỗ trợ mạnh

16-5-2011

Tổ chức Cà phê Quốc tế dự báo, cung cà phê arabica trên thị trường thế giới vẫn sẽ khan hiếm hơn loại robusta trong niên vụ 2011/12 cho dù nhu cầu loại có giá rẻ hơn đang gia tăng.

Bắt đầu vụ hè thu ở ĐBSCL: Nông dân lo đủ đường

13-5-2011

Đầu tháng 5, mưa liên tiếp mấy ngày, ruộng ngập nước cũng là lúc nông dân các tỉnh ĐBSCL ráo riết lo xuống giống vụ hè thu.

Giá phân bón lại "nhảy múa"

13-5-2011

Gần đây, nguồn cung phân bón trong nước có nhiều biến động, giá cả tăng nhanh bất chấp các biện pháp bình ổn

Người trồng lúa hứng "bão giá" vật tư

12-5-2011

Giá cả các mặt hàng đầu vào trong sản xuất nông nghiệp đang tăng cao cộng với một vụ mùa không thuận lợi về mặt thời tiết và dịch hại làm tăng chi phí sản xuất. Trong đó, giá phân bón liên tục tăng cao theo giá điện và xăng dầu đang là nỗi lo cho nông dân ĐBSCL.

Năm giải pháp bình ổn thị trường phân bón

12-5-2011

NNVN số ra ngày 6/5 đã có bài "Thảm họa thiên tai hay chiến tranh mới phải trữ phân bón" nêu ý kiến về việc nên hay không việc thực hiện đưa phân bón vào mặt hàng bắt buộc dự trữ, lưu thông. Tiếp tục chủ đề này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký kiêm Hiệp hội Phân bón VN đã có bài viết gửi NNVN, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Giải pháp bình ổn giá phân bón: Cân đối cung – cầu

9-5-2011

Mặc dù thuộc diện hàng hoá được bình ổn giá nhưng gần đây, giá bán các loại phân bón trên thị trường lại thay đổi liên tục. Ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, giải quyết vấn đề này không chỉ đơn giản bằng những thủ tục hành chính mà cần phải đẩy mạnh cân đối cung - cầu.

Khi “cò lúa” móc túi nông dân

9-5-2011

Trong lúc người dân ở hầu hết các địa phương ở ĐBSCL chuẩn bị thu hoạch lúa cũng là thời điểm tất cả "cò" trong vùng hoạt động một cách mạnh mẽ và náo nhiệt.

Trồng tiêu trúng đậm

9-5-2011

Khác với người trồng sắn hay mía, người trồng tiêu đang giữ “thế trên”, buộc thương lái hay công ty thu mua phải đàm phán giá hợp lý mới chịu bán.

Chè xuất khẩu: Để vừa “có tiếng” vừa “có miếng”

9-5-2011

Thứ cây hướng mạnh về xuất khẩu phát triển bền vững nhất này có giá xuất khẩu không chỉ “bèo” có lẽ bậc nhất, mà còn đang trên đà tụt dốc.