TIN TỨC-SỰ KIỆN

Chợ nông thôn – cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển

Ngày đăng: 12 | 07 | 2010

AGROINFO – Thị trường nông thôn, với hơn 70% dân số cả nước, dường như đang bị các doanh nghiệp Việt lãng quên. Thời gian gần đây, sau thành công của 4 phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn", nhiều doanh nghiệp mới quay về với thị trường tiềm năng này.

 
 Nông thôn - thị trường tiềm năng chưa được đánh thức
Nông thôn – thị trường tiềm năng bị lãng quên

Phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn" (lần đầu tiên ở phía Bắc) đã được Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 2-7 tại Lục Ngạn (Bắc Giang) được coi là một nỗ lực giúp DN Việt Nam giành lại "sân nhà". Từ những tỉnh gần TP Hồ Chí Minh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, DN TP còn mang hàng Việt đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, doanh thu của các DN qua 18 phiên chợ đầu tiên là 18.000 tỷ đồng, một kết quả khá "bất ngờ" với thị trường vốn chưa được ưa chuộng từ trước đến nay. Tuy nhiên, thành công của chương trình không chỉ là doanh số bán hàng mà là việc tổ chức hệ thống phân phối, cũng như giới thiệu hàng Việt - loại hàng "tốt mà rẻ" - về thị trường nông thôn. Thông qua các đợt bán hàng này, DN đã xây dựng kế hoạch phát triển cùng phương pháp, kỹ năng và công cụ phát triển thị trường nông thôn; bên cạnh đó nâng cao chất lượng kết nối giữa thị trường nông thôn và nguồn cung ứng từ các công ty sản xuất, hình thành mạng lưới phân phối lâu dài cho hàng Việt sau này, một thị trường nhiều tiềm năng mà trước đây DN vẫn chưa thực sự quan tâm và chú trọng.

Không chỉ đem lại lợi cho DN, chương trình còn đem đến cho bà con vùng nông thôn những lợi ích khác như khám, chữa bệnh miễn phí, tặng học bổng học sinh nghèo, tư vấn tiêu dùng… Ông Trần Hữu Đức, GĐ Đối ngoại Công ty Sữa Nutifood kể, trong các chuyến hàng về nông thôn khi đi bán hàng, đơn vị này đều có đội ngũ tư vấn là bác sĩ đi cùng để hướng dẫn người nông dân cách tiêu dùng. Qua các câu chuyện kể của người mua nông thôn, nhiều người đã phản ánh là mặc dù cho con uống sữa đắt tiền nhưng con vẫn không phát triển như mong muốn. Lý do là vì mua sữa đắt tiền cho con, nhưng vì uống sữa đắt tiền nên "đuối", nhiều bà mẹ đã pha không đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất mà pha loãng hơn và pha thêm… đường để đủ lượng. Kết quả là trẻ bị suy dinh dưỡng bởi lượng dưỡng chất đưa vào cơ thể không đủ. Chất của sữa thì bảo đảm, nhưng lượng không đủ nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày của trẻ. Vì vậy, một sản phẩm hàng Việt phù hợp với thu nhập của người nông thôn là hiệu quả nhất.

Nhận xét về mối quan hệ giữa DN và thị trường nội địa, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, một trong những chuyên gia kinh tế từng dồn nhiều tâm huyết cho việc phát triển thị trường nội địa cho rằng: Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và sẵn sàng đổ bộ vào chiếm lĩnh thị trường, thì chúng ta lại chưa quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa. Thực tế, thương mại nội địa hiện chỉ tạo ra giá trị trên 15% GDP. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, lâu nay DN Việt Nam vẫn có tâm lý hàng nào tốt nhất, đẹp nhất thì dành để xuất khẩu, còn thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực nông thôn, chiếm tới 70% dân số nước ta, lại không được quan tâm. Chỉ đến khi kinh tế khó khăn, doanh số bán hàng sụt giảm, phải bươn chải mới tiêu thụ được hàng, họ mới chợt nhận ra, đã bỏ quên một thị trường đầy tiềm năng.

Khảo sát của Trung tâm BSA cho thấy, hàng ngoại bán tại chợ nông thôn nhiều, nhưng còn đơn điệu, trong đó có từ 80% đến 90% hàng hóa không có tem nhãn, không rõ nguồn gốc. Hàng Việt Nam về nông thôn chủ yếu là hàng điện máy, điện tử, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm. Trong khi đó, người tiêu dùng lại thích những sản phẩm giá rẻ là may mặc, thực phẩm, đồ gia dụng có xuất xứ trong nước với chất lượng bảo đảm. Sự lơ là trong việc hỗ trợ cho mạng lưới bán lẻ tại thị trường nông thôn của các DN đã khiến hàng nội chưa có chỗ đứng ở khu vực này.

Giành lại "sân nhà"

Sau khi khảo sát và nghiên cứu về thị trường nông thôn, các DN thành viên của Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao, thông qua Trung tâm BSA đã tổ chức những phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn". Với mô hình gọn, nhẹ, tiết kiệm chi phí, các DN đã biến một chiếc xe tải trở thành một quầy hàng lưu động tại phiên chợ quê. Kết hợp với hình thức tặng quà, khuyến mãi, mời dùng thử sản phẩm... DN đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của khách hàng. Tại phiên chợ diễn ra ngày 2-7 tại Lục Ngạn, sản phẩm của nhiều DN như: Vifon Acecook, Kinh Đô, Vinatexmart, thực phẩm Vissan, Đức Việt... được người dân chào đón nhiệt tình. Theo kế hoạch, đến 19h mới khai mạc phiên chợ, nhưng 22 DN tham gia sự kiện này đã phải bán hàng từ lúc 16h để đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng. Chỉ qua hơn 1 giờ bán hàng, doanh thu đã đạt hơn 165 triệu đồng, trong đó mỳ Hảo Hảo, mũ bảo hiểm Chí Thành, mỳ Acecook bán chạy nhất... Bà Vũ Kim Hạnh (Giám đốc Trung tâm BSA) cho biết, phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn" đầu tiên được một người dân địa phương nhận xét: Từ nhỏ tới giờ mới thấy hàng Việt Nam chất lượng cao thứ thiệt về tới quê. Sức mua tại thị trường này vượt xa tầm suy đoán của DN. 

Mặc dù các DN trong nước đã bỏ ngỏ thị trường nội địa đầy tiềm năng trong một thời gian dài, song theo bà Hạnh, vẫn có cơ hội giành lại bằng cách nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng, phù hợp với túi tiền của người dân. Bà Hạnh tiết lộ, một thương hiệu may cao cấp sau khi dự phiên chợ đã quyết định sẽ đưa ra một dòng sản phẩm mới có thể đáp ứng được thị trường nông thôn, nơi mà trước kia họ không bao giờ để mắt tới.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để giành lại thị trường nội địa, ngoài sự nỗ lực của DN, rất cần những chính sách ưu đãi hợp lý của Chính phủ. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, sẽ hỗ trợ nhóm sản xuất, kinh doanh mà trọng tâm là kích cầu nông thôn. Hiện người nông dân được hưởng chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi để mua xe máy, công nông, máy móc nông nghiệp, vật liệu xây dựng làm nhà… Chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ là động lực quan trọng kích cầu tiêu dùng khu vực này, góp phần phát triển hợp lý thị trường nội địa, từng bước giúp kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức để bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Lê Huê (Theo Hà Nội mới)

NỘI DUNG KHÁC

Tạm trữ và bài học của nước nông nghiệp

12-7-2010

AGROINFO - Hai ngày sau khi Bộ Công thương họp với Hiệp hội Lương thực VN (VFA) triển khai chương trình mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ của Chính phủ, giá lúa ở nhiều nơi tại ĐBSCL đã tăng nhẹ trở lại.

Làm thương hiệu cho trái cây nội

12-7-2010

AGROINFO - Dù được đánh giá thơm ngon hơn trái cây nhập khẩu nhưng thiếu chăm chút cho thương hiệu nên trái cây trong nước đang phải vật lộn chống lại sự “tấn công” của trái cây ngoại.

5 ngân hàng cho vay thu mua tạm trữ lúa, gạo

12-7-2010

AGROINFO – Ngày 8-7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn chỉ định 5 ngân hàng thương mại thực hiện cho vay thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ hè thu năm 2010 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

ĐBSCL: Giá lúa gạo nhích lên

12-7-2010

AGROINFO – Chiều 10-7, giá lúa gạo tại nhiều tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã bắt đầu nhích lên.

Cần xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.

12-7-2010

AGROINFO - Chính phủ đặt yêu cầu phải đảm bảo nông dân có lãi 30% trong sản xuất lúa gạo. Điều này khó có thể trở thành hiện thực nếu không có một giải pháp đồng bộ cho vấn đề sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở Việt Nam.

Nông dân và độc quyền xuất khẩu gạo

12-7-2010

AGROINFO - Nông dân đồng bằng sông Cửu Long lo gạo rớt giá. Thủ tướng yêu cầu đảm bảo cho bà con trồng lúa có lãi ít nhất 30%. Hàng ngàn tỷ đồng tín dụng ưu đãi được nhà nước rót cho việc mua gạo trong mỗi vụ, vụ năm nay chắc cũng thế. Liệu bà con trồng lúa có được ít nhất 30% lãi? Liệu nhiều ngàn tỷ đồng tín dụng ưu đãi có làm cho cuộc sống của nông dân đỡ chật vật?

Chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

11-7-2010

AGROINFO – Hội thảo “Triển khai thực hiện chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” đã được tổ chức sáng ngày 9-7-2010 tại Hà Nội…

Hội chợ nông sản – sản phẩm làng nghề phía nam

7-7-2010

Hội chợ nông sản – sản phẩm làng nghề phía nam sẽ diễn ra tại Đồng Tháp từ ngày 8 – 11.7, dự kiến có khoảng 150 đơn vị tham gia với trên 300 gian hàng.

CPH DN nông nghiệp: Nhận diện thách thức

7-7-2010

Mục tiêu quan trọng của việc đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước là nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư để giảm gánh nặng cho Nhà nước. Song đến nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang cổ phần hóa (CPH) gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và những bất cập từ cơ chế.

Tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Định Hòa (Phần 2)

7-7-2010

Định Hòa là một xã vùng sâu của huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer cư trú với đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, kể từ khi được chọn thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới, đời sống của người dân nơi đây đang dần được cải thiện.

Biến đổi khí hậu - 90% do con người gây ra

7-7-2010

AGROINFO - Liên hiệp quốc vừa công bố báo cáo, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu: 90% do con người gây ra, 10% là do tự nhiên. Hiện tượng này kéo theo nhiều hệ lụy.

Thanh long Bình Thuận điêu đứng vì bằng FC

7-7-2010

AGROINFO - Theo các nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tại tỉnh Bình Thuận, kể từ ngày 1.7, khi quy định tất cả lái xe container đầu kéo phải có bằng FC có hiệu lực, sản lượng thanh long vận chuyển ra thị trường các tỉnh phía Bắc và xuất sang Trung Quốc đã giảm 30% - 40%.