“Ly nông, bất ly hương” đã không còn đúng!
Theo GS.VS Đào Thế Tuấn, hiện nay, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa. Tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp chỉ 4-5%, năng suất lao động không tăng, trong khi công nghiệp, dịch vụ tăng 10-15%. Càng phát triển, khoảng cách càng xa. Vì vậy, khẩu hiệu “li nông bất li hương” mà Trung Quốc từng đề ra đã không còn đúng nữa. Trung Quốc cũng đã nhận ra điều này và đang tạo điều kiện để kéo nông dân ra thành thị hoặc xây nhà cao tầng ngay các hương trấn. Nếu kéo nông dân ra thành thị sẽ tăng được ruộng đất ở nông thôn, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển hơn. Vì thế, phải coi việc rút lao động ra khỏi nông nghiệp là chính sách lớn để CNH nông thôn.
GS Đào Thế Tuấn cho rằng, quy hoạch nông thôn phải đi đôi với quy hoạch đô thị. Đô thị hoá nên theo hướng phi tập trung, đô thị hoá để kéo nông thôn lên, chứ quy hoạch đô thị như hiện nay sẽ làm cho nông thôn kiệt quệ, mất an ninh lương thực. Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho “tam nông” là chúng ta đã phát triển kinh tế mà không đi đôi với phát triển xã hội. Chúng ta lấy GDP làm chính, đi đâu cũng nói GDP 8-9%, nhưng tăng trưởng này do vay mượn nước ngoài là chính (FDI, ODA), nếu trừ khoản này đi, thì chỉ số tăng trưởng giảm tới 40%. “Không thể kỳ vọng doanh nghiệp lo chuyện an sinh xã hội, phải có một nền kinh tế mang tính xã hội...” GS Đào Thế Tuấn nói.

“Nới rộng gấp 4 lần hoặc bỏ hạn điền...”
Sau khi phân tích sự thất bại của kinh tế hộ nông nghiệp của Nhật Bản và sự thành công của nông nghiệp Hà Lan, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng: Với nước ta, muốn nông nghiệp đi lên thì vẫn phải theo kinh tế hộ, nhưng là hộ đại nông, không thể khác được. Vậy phải tiếp sức cho kinh tế hộ thế nào? Tôi đề xuất mấy ý kiến sửa Luật đất đai: Xem xét quy định thừa kế ruộng đất theo hướng chỉ quy định một thành viên được thừa kế ruộng đất, giảm chia nhỏ manh mún. Bỏ quy định hạn điền và giao đất có thời hạn để tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, giảm thuế chuyển quyền sử dụng đất. Một điều quan trọng nữa là giải quyết việc làm cho người nông dân. Hiện nay “anh” đang lo hộ cho người ta không có đất, nhưng kỳ thực nhiều người có đất mà có làm đâu vì lợi nhuận làm ruộng ít quá. Chẳng hạn như ở Thái Bình, Bắc Ninh, nhiều nơi gần như cho thuê hết.
Về vấn đề hạn điền, TS Đỗ Kim Chung - Trưởng khoa Kinh tế (Đại học nông nghiệp I Hà Nội) cho rằng: Chưa nên bỏ hẳn vào thời điểm này, nhưng cần nới rộng hạn điền lên 4-6 lần so với quy định hiện nay (tất nhiên cần có điều kiện đi kèm để chống đầu cơ). Thời gian giao đất nông nghiệp nên kéo dài hơn để người dân yên tâm đầu tư dài hạn, chẳng hạn có thể tới 99 năm. Vấn đề dạy nghề cho nông dân chuyển đổi việc làm dứt khoát phải làm. Nhưng ai sẽ làm? Lĩnh vực này giờ đang “trăm hoa đua nở”, Bộ ngành nào cũng có nhưng hiệu quả hạn chế. Cần tập trung nguồn lực vào một đầu mối để làm thật tốt việc này.

Cần “giải phẫu” các nông lâm trường
Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay của kinh tế nông nghiệp là các nông lâm trường quốc doanh. Hiện nay, các nông lâm trường này đang “sở hữu” gần 5 triệu ha đất nông nghiệp. Trong khi đó hiệu quả kinh tế rất thấp, nhiều nông trường đang cho thuê đất hoặc bị lấn chiếm đất tràn lan. Nhiều nông trường đang “sống dở chết dở” vì cổ phần hoá không được, thu hồi đất không được, bán đất cho dân cũng không được. Nó đang rất cần được giải phẫu.
“Giữ cứng” 3,8 triệu ha đất NN trong 50 năm
Theo TS Chu Tiến Quang và một số nhà khoa học khác, nhà nước cần phải quy hoạch lại vùng sản xuất, trong đó xác định rõ đất nước này cần khoảng bao nhiêu diện tích đất lúa? Không phải “cố gắng giữ” đất lúa như một số người nói, mà phải giữ cứng 3,8 triệu ha trong vòng 50 năm và tập trung đầu tư chuyên sâu. TS Đặng Kim Sơn cũng cho rằng cần quy định cứng các loại đất lương thực, đất quốc phòng và đất môi trường, muốn lấy phải có điều kiện khắt khe, tránh tình trạng lấy đất bờ xôi ruộng mật cho công nghiệp tràn lan như thời gian qua.
Theo GS.VS Đào Thế Tuấn, khủng hoảng lương thực đã trở thành đề tài số một của thế giới. Nó đã xoá đi nhiều cố gắng xoá đói giảm nghèo của thế giới. Giá lương thực dự báo sẽ còn tăng đến năm 2015. Đây là một thời cơ chưa từng có đối với nông nghiệp, buộc những “cái đầu” coi nhẹ nông nghiệp phải nghĩ lại. Nếu chúng ta không phát huy được thế mạnh này, chúng ta sẽ để mất thành quả suốt 20 năm qua, sẽ rất đáng tiếc.
Một số ý kiến khác đề xuất nên bỏ chính sách hộ khẩu, thay bằng chính sách quản lý khác để tạo điều kiện dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị; sửa đổi Luật doanh nghiệp theo hướng được đăng ký kinh doanh tại cấp huyện và địa phương được thu thuế để họ gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp... Một số ý kiến đề xuất cần công nhận thị trường đất nông nghiệp, cho phép xác định giá đất nông nghiệp được chuyển đổi bằng giá sau khi chuyển đổi, chứ không phải bằng giá trước khi chuyển đổi như hiện nay.
Hoàng Sơn - Nông thôn Ngày nay