TIN TỨC-SỰ KIỆN

"Thời kỳ mới đang cần một Chính phủ biết bứt phá"

Ngày đăng: 19 | 07 | 2007

AGROINFO-Nhân Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (vừa kết thúc) và Kỳ họp đầu tiên của Quốc Hội khóa XII, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn xung quanh các vấn đề liên quan đến một công việc hết sức quan trọng: bầu nhân sự cấp cao bộ máy Nhà nước và cải cách bộ máy Chính phủ phù hợp với một giai đoạn phát triển mới.

Khi rời khỏi cương vị Thủ tướng năm 1997, ông có nói :”nhiệm kỳ chính phủ của chúng tôi đã làm một công việc rất quan trọng là “mở cửa”, còn nhiệm vụ của các nhiệm kỳ sau là “bước ra, hội nhập” . Vậy thì, theo ông Chính phủ sắp tới mà Quốc hội sẽ bầu phải gánh vác nhiệm vụ gì?

- Có thể nói đất nước chúng ta đang đứng trước một lợi thế to lớn chưa từng có trong lịch sử, kể cả thời kỳ bắt đầu đổi mới. Đó là sự thống nhất chủ trương đổi mới từ bên trong Đảng đến các tầng lớp rộng rãi trong xã hội.

Nói như thế để thấy rằng trước đây trong quá trình tìm tòi, cũng còn có những quan điểm e dè, chừng mực trong đổi mới, lo ngại đổi mới có đổi màu, hòa nhập có hòa tan làm chậm ít nhiều quá trình thay đổi diện mạo đất nước.

Nay thì không những bên trong có sự đồng thuận nhất trí cao mà bên ngoài cũng được thế giới ủng hộ, đặc biệt là việc Việt Nam gia nhập vào tổ chức WTO và tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC. Đây là một thắng lợi rất lớn bên cạnh sự nỗ lực của toàn dân tộc

Triển vọng mới mở ra cho chúng ta một cơ hội lớn để có những bước đi mạnh mẽhơn. Người dân đòi hỏi Đảng, Nhà nước, trong đó chính phủ là người điều hành cần có một cuộc bứt phá, không phải ở mức như những năm trước đây. Đó là một tình thế không còn có sự đảo ngược và không thể chấp nhận sự chậm chân trong lúc này. Song phải thấy rằng nên tăng tốc trong một nhịp độ đủ chắc, không duy ý chí nhưng phải có những quyết định táo bạo. Phải xem quá trình hội nhập thế giới là một cuộc đua, không thể cứ chạy “đều đều”.

Cuộc đua này đòi hỏi những người tham gia phải có những tố chất gì?

- Vai trò có tính quyết định là sự lãnh đạo của Đảng. Chính Đảng là người thiết kế đường lối đổi mới và chính phủ là người tổ chức thi công. Cơ nghiệp này còn được huy động cả dân tộc, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài: kiều bào, người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài, người nước ngoài có nguồn gốc Việt Nam hưởng ứng và tham gia. Muốn vậy, bằng mọi cách Chính phủ phải vận dụng đường lối chủ trương của Đảng, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Bác Hồ đã nói :”Chủ trương một, biện pháp mười”, vì thế Chính phủ phải có một đội ngũ cán bộ thừa hành dám làm dám chịu trách nhiệm, biết đặt lợi ích của đất nước, dân tộc, toàn xã hội lên trên hết.

Thưa ông, Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung ương Đảng lần thứ 5 có xem xét đề án sát nhập bộ máy Chính phủ từ 26 Bộ xuống còn 22 Bộ, với kinh nghiệm của mình, theo ông việc làm này sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước cao hơn?

- Việc sắp xếp, sửa đổi tổ chức bộ máy từ bất hợp lý sang hợp lý là cần thiết, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc biệt là phù hợp với năng lực quản lý điều hành. Có những Bộ hợp nhất do thực tiễn yêu cầu; ví dụ như Bộ công nghiệp và thương mại, bởi vì bây giờ một doanh nghiệp không chỉ biết sản xuất mà còn phải biết bán mặt hàng của mình ở đâu…

Thế nhưng việc hình thành những Bộ đa ngành có phát huy tác dụng của mình hay không lại phụ thuộc vào con người, mà cụ thể Bộ trưởng Bộ đó có đảm đương được hay không. Từ đó mới tính toán việc hợp nhất các Bộ. Vấn đề còn lại là con người, Bộ nào nên ghép trước, Bộ nào nên để lại 2 hay 3 năm nữa sẽ tốt hơn, đó là sự lựa chọn đúng. Tôi cho rằng, một chính phủ mạnh trước hết phải có những Bộ trưởng mạnh. Đó là những “tư lệnh của những binh chủng” økhông chỉ Phó Thủ tướng mà ngay cả Thủ tướng cũng không thể làm thay Bộ trưởng. Chính phủ rất cần những Bộ trưởng mạnh, năng động, đủ tầm và dám chịu trách nhiệm.

Nói về nhân sự cho bộ máy điều hành Chính phủ, thưa ông, làm thế nào để vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về công tác tổ chức, đề bạt cán bộ , vừa trao quyền cho Thủ tướng trong việc lập ra một nội các mới, lại đồng thới thuyết phục được Quốc hội - nơi thể hiện ý chí của toàn dân- thông qua?

- Một Đảng cầm quyền phải quản lý, nắm chắc cán bộ, đề bạt cán bộ là một việc bình thường không có gì trở ngại cả. Đó là công việc của tập thể Đảng, ở đó quy định cấp nào thì quản lý trình độ cán bộ cỡ nào. Vấn đề là thực hiện một cơ chế đề bạt cán bộ đúng với thẩm quyền và đúng quy trình.

Ví dụ Bộ Chính trị có quyền đề cử một Ủy viên Bộ chính trị ra làm Thủ tướng hoặc chủ tịch Quốc hội chẳng hạn. Và không ai hạn chế quyền của Thủ tướng trong công tác nhân sự và chính Thủ tướng phải là người nắm chắc cán bộ, tìm kiếm cán bộ và đề xuất những người có thể ngồi vào bộ máy của mình để tập thể Đảng bàn bạc, có ý kiến.

Nếu như Thủ tướng đưa cán bộ ra không đủ sức thuyết phục thì người khác có quyền đề cử người thay. Nếu người đề cử sau có cơ sở, có căn cứ, có sức thuyết phục tập thể thì đương nhiên được tán thành trên ý kiến đa số. Sau đó Bộ chính trị mới trình nhân sự và xin ý kiến của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng

Tất nhiên Quốc hội là cơ quan quyết định cuối cùng về nhân sự do Đảng giới thiệu. Cũng đã có người không nhận được sự nhất trí cao của Quốc Hội và chuyện này cũng đã có xảy ra. Lúc đó, Đảng cũng phải chấp nhận tính đa số và buộc phải giới thiệu người khác cho Quốc hội xem xét và bầu lại.

Tại sao công tác nhân sự không được mở rộng cho cả người ngoài Đảng. Chẳng hạn như vẫn có người ngoài Đảng được Đảng giới thiệu vào ghế Bộ trưởng?

- Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 10 có ghi một khoản mà tôi cho là mới: có thể người giữ chức Bộ trưởng không phải là Ủy viên Trung ương Đảng. Vì nếu làm theo cách cũ sẽ dễ dẫn đến việc chọn lựa nhân sự theo một phạm vi hẹp và theo một quan niệm cũ: hễ là Ủy viên Trung ương thì…đa năng, có thể bố trí vào bất kỳ vị trí nào

Nghị quyết Đại hội lần thứ 10 làm giảm bớt các gò bó lựa chọn cán bộ theo cơ cấu. Nhưng theo tôi vẫn chưa đủ. Nên mở rộng hơn cho cả những nhân tài ngoài Đảng. Chỉ giữ nguyên một số ngành, lĩnh vực như quân sự, ngoại giao, công an… cấp lãnh đạo của Đảng phải đảm trách. Việc lựa chọn những người ngoài Đảng có năng lực vào bộ máy quản lý Nhà nước thì chỉ làm cho Chính phủ mạnh lên.

Xin quay trở lại với phạm vi quyền hạn của Thủ tướng. Thưa ông, Thủ tướng là người được giao một trọng trách rất lớn nhưng qua nhiều nhiệm kỳ vẫn có ý kiến cho rằng Thủ tướng gần như không được quyền kỷ luật những cán bộ do mình quản lý, cụ thể là các Bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh?

- Thủ tướng là người được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có trách nhiệm quản lý một bộ máy từ trung ương đến địa phương. Tôi nghĩ nên giao đủ quyền cho Thủ tướng để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Đảng nên có một cơ chế phân công trách nhiệm rõ ràng để trong quá trình thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, người đứng đầu có thể sử dụng các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ, cách chức đối với những cán bộ dưới quyền. Còn bản thân họ phải chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình. Có như vậy, hiệu lực lãnh đạo mới được nâng cao; kỷ cương, phép nước mới được duy trì; bộ máy quản lý mới được thông suốt

Tôi cho rằng, việc theo dõi hoạt động của cán bộ không có cơ quan chức năng nào có thể thay thế cho người đứng đầu của ngành đó (trong phạm vi xử lý hành chính đối với công việc và chịu trách nhiệm trước cấp trên). Cơ quan chức năng của Đảng cần làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát. Nếu được như vậy, hiệu lực quản lý và trách nhiệm cá nhân sẽ được nâng cao.

(Theo Vietnamnet)

NỘI DUNG KHÁC

Hôm nay 19/7, khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII

19-7-2007

Hôm qua, 18/7, tại Hội trường Ba Đình, Quốc hội khóa XII đã họp phiên trù bị, thông qua Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất sẽ chính thức khai mạc vào 19/7. Theo luật định, Chủ tịch Quốc hội khóa XI Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục chủ trì Kỳ họp cho tới khi bầu được Chủ tịch Quốc hội khóa XII. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự phiên họp trù bị.

Tọa đàm: Học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

18-7-2007

AGROINFO-Hòa chung vào không khí của cả nước đang hưởng ứng tham gia cuộc vận động “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Trung ương Đảng đã phát động, sáng ngày 17.7.2007, tại Hội trường Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, các cán bộ, đảng viên của Viện đã được lắng nghe và tìm hiểu về cuộc đời, tư tưởng và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới sự trình bày của học giả Việt Phương.

Để chuỗi giá trị hiệu quả hơn cho người nghèo

17-7-2007

Sổ tay thực hành phân tích chuỗi giá trị Thực hiện bởi nhóm làm việc: Tiếp cận thị trường đối với người nghèo (SNV), những liên kết thị trường và nông nghiệp cho các thành phố ở Châu Á (CIRAD/VAAS/IPSARD) và một số đơn vị khác.

Thông báo số 3482 /TB-BNN-VP

16-7-2007

Thông báo số: 3482 /TB-BNN-VP ngày 4 tháng 7 năm 2007 Ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2007.

9 giải pháp cơ bản hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2007

13-7-2007

(ĐCSVN) - Với tốc độ tăng trưởng GDP 7,9%, bức tranh toàn cảnh kinh tế 6 tháng đầu năm của nước ta được đánh giá là khả quan, có nhiều điểm sáng so với cùng kỳ các năm trước. Đó là những tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải rất cố gắng mới có thể đạt tốc độ tăng GDP-8,5% cho cả năm 2007.

Nghệ thuật làm việc qua điện thoại

13-7-2007

Trong công việc thời hiện đại, bạn thường phải dùng đến chiếc điện thoại như một công cụ làm việc hữu hiệu. Nếu không học cách sử dụng điện thoại, công cụ này có thể “giết chết” thời gian của bạn.

Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu

13-7-2007

Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu:" Nghiên cứu chuỗi giá trị ngành hàng hồ tiêu Việt Nam"

30 trường hợp nghiên cứu về hợp đồng nông sản

9-7-2007

Năm 2002 Chính phủ ban hành Nghị định 80 nhằm tăng cường việc sử dụng Hợp đồng để cải thiện tình hình thu mua nông sản và tính hiệu quả của kinh tế nông thôn. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để khuyến khích sử dụng hợp đồng nông sản thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tiếp cận với vốn, đất đai và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, để hợp đồng nông sản có thể được ứng dụng một cách thành công tại Việt Nam, cần tiến hành cải thiện nhiều mảng then chốt.

Công văn số 3757/VPCP-NN, ngày 06/07/2007

9-7-2007

V/v hỗ trợ kinh phí di dân bị ảnh hưởng do lũ quét và sạt lở đất