Sản lượng lúa vụ đông xuân giảm 531 nghìn tấn, trong đó các tỉnh phía Bắc giảm gần 600 nghìn tấn, là hiện tượng chưa từng có trong các năm gần đây. Lượng gạo xuất khẩu cũng giảm gần 19% và kim ngạch giảm 5,6% so cùng kỳ. Trong chăn nuôi, đàn lợn giảm 384 nghìn con (1,4%) do dịch lở mồm long móng, dịch bệnh" tai xanh", giá thức ăn tăng cao, dịch cúm gia cầm tái phát trên diện rộng. Tình trạng giấu dịch vẫn diễn ra khá phổ biến đối với cả dịch lở mồm long móng và dịch cúm gia cầm, gây hậu quả khá nặng nề.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng không đều và không vững. Đạt được tốc độ tăng trưởng 16,9% là nhờ khu vực ngoài nhà nước tăng 20,5%, khu vực FDI tăng 19,3%. Trong khi đó khu vực doanh nghiệp nhà nước vừa chiếm tỷ trọng bé lại tăng trưởng chậm 8,5% , thấp hơn cùng kỳ năm 2006. Ba trung tâm công nghiệp lớn là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng tàu đều đạt tốc độ tăng trưởng thấp. Trong số 36 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có 24 sản phẩm chỉ đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất từ 15% trở xuống, trong đó có 7 sản phẩm tăng dưới 10% và 5 sản phẩm giảm so với 6 tháng đầu năm 2006.
Tốc độ giải ngân vốn các dự án quốc gia còn rất chậm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong 6 tháng của nhiều Bộ, ngành và địa phương đạt rất thấp so với kế hoạch cả năm. 16/20 tỉnh, thành đạt dưới 50%, trong đó có 8 tỉnh đạt dưới 40%. Vốn FDI cho khu vực nông lâm thuỷ sản còn quá ít 81,5 triệu USD, chiếm 2,1% tổng số vốn đăng ký trong 6 tháng, trong khi khu vực này lại rất thiếu vốn. Đây là sự mất cân đối lớn về thu hút vốn FDI cần khắc phục trong 6 tháng cuối năm.Nhập siêu 6 tháng lên tới 4,78 tỷ USD, bằng 21,2% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu 6 tháng qua tăng đột biến như ô tô tăng 41%, xe máy tăng 42% (cùng kỳ 2006 giảm 65% và 11,4%), trong khi đó các mặt hàng này sản xuất trong nước đủ khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường. Nếu duy trì tỷ lệ nhập siêu cao như vậy, đó là điều đáng lo ngại.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, lạm phát sắp vượt tầm kiểm soát. So với tháng 12 năm 2006, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 5,2%, trong đó nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất 8,24%. Dự báo tốc độ tăng giá còn tiếp tục trong 6 tháng cuối năm với tốc độ tăng trung bình 0,5%/tháng.
Về du lịch, chất lượng và sản phẩm còn nghèo, đơn điệu chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động quảng bá du lịch, lễ hội mở ra khá nhiều nhưng nặng về phong trào, hình thức, phô trương, nội dung nghèo, không hấp dẫn nên hiệu quả thấp.
Thu chi ngân sách đạt thấp so dự toán cả năm, 6 tháng đầu năm thu ngân sách mới đạt 46,1%, trong đó thu nội địa đạt 48,6% dự toán cả năm. Chi ngân sách đạt 45,8%. Bội chi ngân sách còn lớn nhưng tỷ lệ bù đắp bằng vay ngoài nước lại khá cao 28,3%, cao hơn cùng kỳ các năm trước, là chưa hợp lý.
Vậy theo ông trong thời gian tới chúng ta phải làm gì để đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm là 9%, hoàn thành mục tiêu GDP từ 8,5% trở lên trong năm nay?
Sáu tháng cuối năm, tình hình kinh tế nước ta phát triển trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, do vậy, chúng ta cần triển khai một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành sớm các cơ chế chính sách kinh tế, tài chính phù hợp để giải phóng mạnh mẽ mọi nguồn lực sẵn có trong nước, đặc biệt là đối với nguồn vốn FDI đã đăng ký, vốn ODA cho đầu tư phát triển kinh tế.
Thứ hai: 6 tháng cuối năm 2007 các ngành các địa phương cần sớm công bố các dự án cần khuyến khích ưu tiên đầu tư phù hợp với yêu cầu và khả năng của ngành và địa phương mình. Tuy nhiên, cơ cấu dự án đầu tư mời gọi nên ưu tiên cho lĩnh vực nông lâm nghiệp thuỷ sản và dịch vụ, trong đó đặc biệt ưu tiên khu vực khách sạn nhà hàng, tài chính, ngân hàng... Đối với ngành công nghiệp, lĩnh vực cần thu hút vốn FDI cần ưu tiên là các ngành chế biến lương thực, thực phẩm cao cấp, xây dựng nhà ở cao cấp, khu đô thị mới.
Thứ ba: Đẩy mạnh xuất khẩu, điều chỉnh cơ cấu hàng nhập khẩu để giảm nhập siêu. Đặc biệt chú trọng một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc ,EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Đông.. Để tăng kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam là thành viên WTO. Đối với hàng nhập khẩu, cần hạn chế nhập các hàng hoá trong nước đã sản xuất được như ô tô, xe gắn máy, hàng tiêu dùng hoặc nguyên liệu chưa cần thiết nhưng không trái với cam kết WTO...
Thứ tư: Tập trung các nguồn lực và cơ chế chính sách kinh tế-tài chính để phát triển nông, lâm, thuỷ sản tương xứng với vị trí và tiềm năng của nước ta. Kiểm soát chặt chẽ đi đến khống chế và loại trừ dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng gia súc, bệnh rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá lúa hè thu và lúa mùa ở cá tỉnh phía Nam, nhất là ĐBSCL, chỉ đạo quyết liệt tiến độ thực hiện các dự án trồng rừng tập trung và bảo vệ rừng, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các hộ nông dân, ngư dân các chủ trang trại về chính sách, pháp luật, các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Thứ năm: Kiềm chế lạm phát bằng cách tăng cường công tác quản lý thị trường và giá cả trong nước, chống các xu hướng đầu cơ, lợi dụng để tăng giá kiếm lời bất chính của các doanh nghiệp, tư thương, nhất là đối với các mặt hàng nhà nước còn quản lý (điện, than, xi măng, nước sinh hoạt, Bưu điện, xăng dầu...; Đổi mới phương pháp dự báo giá cả để không lặp lại tình trạng bất cập dự báo giá sai quá lớn trong 6 tháng đầu năm, lập lại các cân đối cung cầu về hàng hoá và tiền mặt trên thị trường, đảm bảo cân đối cung- cầu cho phù hợp.
Thứ sáu: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng, dành vốn cho đầu tư phát triển kinh tế và nâng cấp kết cấu hạ tầng. Giải pháp này còn nhằm giảm chi phí trung gian, tăng giá trị tăng thêm của các ngành sản xuát và dịch vụ trong 6 tháng cuối năm.
Thứ bảy: Phát triển mạnh khu vực dịch vụ nhất là du lịch bằng các biện pháp thích hợp như tăng cường các sản phẩm du lịch, mở rộng phạm vi miễn thị thực đối với khác du lịch quốc tế, giảm giá vé khách sạn, khu vui chơi giải trí, tăng thu nhập cho dân cư.
Thứ tám: Tận thu ngân sách và tiết kiệm chi một cách hợp lý, trong đó, thực hiện nghiêm chỉnh các loại thu nội địa theo đúng Luật thuế hiện hành. Hạn chế chi tiêu từ ngân sách nhà nước như: Hạn chế chi tiêu cho hội họp sơ kết, tổng kết cuối năm mang tính hình thức phô trương, chi khởi công hoặc khánh thành công trình xây dựng, chi tham quan, khảo sát hoặc tập huấn không thật cần thiết; khoán chi đối với khu vực hành chính sự nghiệp; xoá bỏ triệt để các khoản chi có tính bao cấp...
Thứ chín: Tập trung nguồn lực, nhân lực của nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân để làm tốt công tác chuẩn bị phòng chống bão lũ trong 6 tháng cuối năm. Giải pháp cụ thể là củng cố đê, kè, cống, các công trình giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện, cá hồ đập thuy lợi, thuỷ điện, nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản đến mức thấp nhất khi có bão, lũ xảy ra.(Nguồn: Website Đảng Cộng sản)