ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Chính sách, pháp luật và một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Ngày đăng: 29 | 08 | 2024

Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) là xu thế tất yếu mà các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đang hướng tới và thực hiện. Đây được xác định là một trong những giải pháp chính để thực hiện định hướng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường đã được đề cập trong các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước từ những năm cuối thế kỷ XX.

 

 

Khái niệm chung

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là khái niệm được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống. Theo đó, nền KTTH là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong phạm vi này, là các mô hình kinh doanh. Hay nói một cách đơn giản Kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Tại Việt Nam, khái niệm liên quan đến mô hình KTTH đã có từ cách đây hơn 20 năm với những định danh khác. Đó là mô hình VAT (Vườn – Ao – Chuồng), một mô hình chúng ta đã áp dụng khá thành công. Ngoài ra, các khái niệm “khu công nghiệp sinh thái – ecological industrial zone”, “sản xuất sạch hơn – Cleaner production”, “Không phát thải – zero emission”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất – một phần của KTTH – cũng được đề cập nhiều trong nhiều năm qua. Đặc biệt, nhưng khái niệm liên quan đến KTTH đã được thể hiện qua các chính sách của Đảng và nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và được các Trường/Viện nghiên cứu triển khai nghiên cứu, áp dụng. Việc chuyển đổi sang nền KTTH là một cơ hội lớn để phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế-xã hội, môi trường, mà còn để ứng phó với biến đổi khí hậu...

Chính sách, pháp luật phát triển KTTH

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội qua các giai đoạn, Đảng ta đều có những chủ trương gắn với công tác bảo vệ môi trường. Quan điểm, khía cạnh liên quan đến KTTH như kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, tái chế phế thải, phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường luôn được khẳng định đề cập trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Nhiều văn bản luật và pháp luật có những quy định liên quan đến KTTH đã được ban hành như như Luật Bảo vệ môi trường (2005, 2014, 2020), Luật Hóa chất (2007), Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (2007); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010); Luật Khoáng sản (2010); Luật Tài nguyên nước (2012); Luật An toàn thực phẩm (2012); Luật Đất đai (2013); Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (2013); Luật Phòng, chống thiên tai (2013); Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015); Luật Lâm nghiệp (2017)...; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/22/2015); Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050 (Quyết định số 491/ QĐ-TTg ngày 07/5/2018); Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020); Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021); Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022)...

Tuy nhiên, quan điểm về KTTH lần đầu tiên được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XIII (2021) định hướng mục tiêu phát triển bền vững trong đó có nội dung “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”...  Việc xây dựng nền KTTH, phát triển bền vững đã được Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trở thành quan điểm xuyên suốt trong chủ trương, chính sách của Đảng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng mang lại những lợi ích cả về kinh tế, môi trường và xã hội, tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để xây dựng được nền KTTH, cần sự vào cuộc của toàn xã hội; trong đó vai trò của nhà nước và của các doanh nghiệp mang tính nòng cốt. Cụ thể:

Về phía Nhà nước: Việt Nam đang nỗ lực phát triền kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, được định hướng phát triển. Ngày 7/6/2022 tại Quyết định số 687/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm (sandbox) phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo ra khung chính sách, cơ chế hỗ trợ, đem lại sự yên tâm cho nhà đầu tư và doanh nghiệp thử nghiệm những ý tưởng, sáng kiến về kinh tế tuần hoàn. Dự thảo có 4 lĩnh vực của nền kinh tế được đề xuất áp dụng cơ chế thử nghiệm là: nông lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng. Để thực hiện cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn này có 6 nhóm chính sách, đó là: khu công nghiệp, khu kinh tế; phân loại xanh; tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; tín dụng xanh, trái phiếu xanh; phát triển nguồn nhân lực và chính sách đất đai. 

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó có lộ trình mua, bán và chuyển giao tín chỉ các-bon, nhằm thực hiện các cam kết quốc tế. Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển một thị trường các-bon bắt buộc vào năm 2027, bao gồm các hệ thống mua, bán, trao đổi và chuyển giao tín chỉ các-bon cũng như hạn ngạch cho các doanh nghiệp cắt giảm khí thải. Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn là nền tảng, tạo ra chìa khóa vàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero như đã cam kết, cũng như góp phần chống lại biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường để phát triển bền vững... 

Về phía doanh nghiệp: Thực tế trong những năm vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp đã đưa mô hình KTTH áp dụng thành công vào sản xuất như: “mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) và các mô hình khác (như rừng - vườn - ao - chuồng); mô hình 3F (thức ăn – Feed; trang trại – Farm; thực phẩm – Food); mô hình khí năng lượng tái tạo (lên men sinh khí biogas và phân bón hữu cơ/sinh khí metan tinh khiết cao chuyển đổi điện năng thành khí nhiên liệu); lò đốt rác phát điện của Tập đoàn T-Tech; một số mô hình Sản xuất sạch hơn như ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau khi lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ phát triển nông nghiệp sạch ở Đăklăk,…”. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế nâu sang kinh tế xanh, từ tuyến tính sang KTTH, kinh tế cacbon thấp hướng tới phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam bước đầu sẽ gặp khó khăn do nước ta còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế. Trong điều kiện đó, doanh nghiệp cần có lộ trình áp dụng các tiêu chí của mô hình KTTH vào quá trình sản xuất. Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về mô hình KTTH để hình thành thói quen trong tiêu dùng xanh, thay đổi hành vi mua sắm hướng đến việc bảo vệ môi trường sẽ góp phần thực hiện quá trình chuyển đổi xanh nhanh và hiệu quả, hướng đến kinh tế bền vững. Mặt khác, để đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp phải đầu tư, áp dụng và thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và loại bỏ những công nghệ cũ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Giải pháp phát triển KTTH ở Việt Nam

Để thúc đẩy phát triển KTTH nhằm góp phần phát triển bền vững, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Trước hết, cần sớm thể chế hóa kinh tế tuần hoàn trong hệ thống pháp luật. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN đưa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn dưới luật: Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra quy định về kinh tế tuần hoàn; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn. Trong đó, quy định chi tiết hơn về tiêu chí; những quy định đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, chủ dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung trong việc thực hiện để đạt được tiêu chí kinh tế tuần hoàn. Xác định 3 trụ cột đại diện cho 3 nhóm tiêu chí chung về KTTH gồm: Nhóm thứ nhất là giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; Nhóm thứ hai là kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; Nhóm thứ ba, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh. Điều 140 của Nghị định quy định, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển KTTH đối với các hoạt nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn; cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn... Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào hiệu suất sử dụng các yếu tố đầu vào vốn và lao động, tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ hai, Cần phát huy vai trò kiến tạo của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương theo tinh thần  ở những nội dung cơ bản sau:  (1) Thể chế hóa KTTH thông qua hệ thống pháp luật, chính sách, thủ tục hành chính bảo đảm tính thống nhất, logic giữa hệ thống các văn bản để thực hiện KTTH một cách toàn diện, có hệ thống, có tính pháp lý cao và đồng bộ với các chính sách về thuế, phí, khuyến khích, ưu đãi về cơ chế, tài chính, hỗ trợ về đất đai, nhất là các quy định đã được nêu trong Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan. (2) Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về việc áp dụng KTTH trong các ngành sản xuất, kinh doanh; lộ trình để thực hiện KTTH từ vi mô đến vĩ mô, trong đó, doanh nghiệp là động lực trung tâm.  (3) Xây dựng các hướng dẫn cụ thể về KTTH đối với các bên liên quan về các loại hình, tính chất, quy mô doanh nghiệp, lộ trình, công cụ hỗ trợ, cách thức quản lý, thực hiện xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững đối với từng lĩnh vực… (4) Quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ do doanh nghiệp tạo ra dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tái chế, quản lý dự án theo vòng đời sản phẩm. (5) Tăng cường đối thoại công - tư về phát triển KTTH, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp. (6) Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTTH thuộc các lĩnh vực, địa bàn cụ thể thuộc thẩm quyền; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp hiểu được các lợi ích về KTTH… Tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp, các ngành; người dân về định hướng chính sách, quy định pháp luật, các chiến lược, chính sách và đề án phát triển ở các cấp, các ngành… về KTTH; ý thức của người dân thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, về việc phân loại CTRSH tại nguồn. (7) Thúc đẩy hợp tác, liên kết với các thành phần kinh tế, các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể về KTTH, các dự án về công nghệ, dịch vụ (công nghệ thông tin, môi trường...) thân thiện với KTTH; khuyến khích các sáng kiến, mô hình đã, đang và sẽ áp dụng các giải pháp thực hiện KTTH.

Thứ ba, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình KTTH, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường.

Thứ tư, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về KTTH gắn với chuyển đổi kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội trong việc phát triển KTTH ở Việt Nam.

Thứ năm, tăng cường tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm dán nhãn CE. Nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm chi phí trong việc sử dụng và tái chế rác thải.

Thứ sáu, tăng cường giáo dục - đào tạo ở các cấp học những kiến thức về KTTH nhằm cung cấp những tri thức cơ bản về KTTH; đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành mô hình KTTH gắn với đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ cao.

  ThS. Bùi Xuân Lam

(Theo phapluatquanly.vietnamhoinhap.vn)

NỘI DUNG KHÁC

Xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá phát triển bền vững hoạt động khoáng sản: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

30-8-2024

Trong phạm vi bài viết, tác giả nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá PTBV hoạt động khoáng sản ở một số quốc gia trên thế giới, qua đó rút ra bài học đối với Việt Nam.

Tình hình thực hiện chỉ số hoạt động môi trường (EPI) của Việt Nam năm 2024

4-9-2024

Chỉ số Hoạt động môi trường (EPI - Environmental Performance Index) do Đại học Yale (Mỹ) xây dựng từ năm 2006 và công bố định kỳ 2 năm một lần. Chỉ số EPI tập hợp các chỉ số trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đánh giá nỗ lực của các quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu môi trường. Theo kết quả báo cáo EPI mới nhất vừa công bố vào tháng 6/2024, điểm số của Việt Nam tiếp tục giảm. Bài viết tập trung cập nhật phương pháp tính của bộ chỉ số và kết quả thực hiện chỉ số EPI của Việt Nam năm 2024.

Xử lý vướng mắc khi áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (K) theo Nghị định số 12/2024/NĐ-CP về định giá đất ở tại tỉnh Hưng Yên

6-9-2024

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các địa phương về định giá đất, Bộ TN&MT  đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2024/NĐ-CP ngày 05/02/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất và Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Nghị định đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho các địa phương.

Vận dụng cách tiếp cận dự báo dài hạn (foresight) trong định hướng chính sách bảo vệ môi trường các làng nghề

9-9-2024

 Làng nghề là hình thức đặc thù của nông thôn Việt Nam. Cùng với phát triển kinh tế của đất nước, các làng nghề cũng phát triển, tuy nhiên, quy mô mở rộng dẫn đến phát sinh chất thải làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, việc quản lý và xử lý chất thải tại các làng nghề vẫn còn nhiều bất cập. Do vậy, để hỗ trợ giải quyết vấn đề này, cách tiếp cận dự báo dài hạn (foresight) được xem như là phương thức trao đổi và thỏa thuận giữa các thành phần khác nhau trong xã hội, từ đó phát hiện ra nhiều giá trị có thể đóng góp cho xã hội, đồng thời tích hợp được trong quá trình dự báo các vấn đề cần thảo luận, đề xuất chính sách thành một quá trình tổng hợp, liên ngành. Cách tiếp cận dự báo dài hạn này có thể hỗ trợ công tác dự báo trong xây dựng chiến lược môi trường nói chung cũng như xây dựng chiến lược, chính sách BVMT làng nghề nói riêng. Theo đó, các vấn đề về giải quyết ô nhiễm môi trường của các làng nghề cần được tích hợp ngay trong quá trình thảo luận, đánh giá, phân tích, đề xuất chiến lược, chính sách phù hợp.

Tác động của ô nhiễm ánh sáng đối với môi trường

12-9-2024

Trong những thế kỷ gần đây, việc sử dụng ánh sáng nhân tạo vào ban đêm đã được con người mở rộng, tăng cường với những tiến bộ của công nghệ LED. Công nghệ đã cho phép con người đẩy lùi biên giới của bóng tối, kéo dài thời gian làm việc, giải trí của con người mà quên rằng hệ sinh thái và các loài hoang dã đã tiến hóa để đối phó, phụ thuộc, tận dụng bóng tối tự nhiên.

Thương mại điện tử và tác động của thương mại điện tử tới môi trường Việt Nam

12-9-2024

 Thương mại điện tử (TMĐT) là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, TMĐT cũng đã gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường.

Huy động vốn đầu tư chuyển đổi năng lượng

12-9-2024

Việt Nam đang trong quá trình đẩy nhanh thực hiện chuyển dịch năng lượng, trọng tâm là chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Tổng vốn đầu tư cho nguồn, lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 trong Quy hoạch điện VIII khoảng 134,7 tỷ USD và đây là một thách thức rất lớn.

Các hình thức tích tụ ruộng đất chủ yếu trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

19-9-2024

Tích tụ ruộng đất đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển bền vững, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội ở nông thôn. Bài viết này phân tích các hình thức tích tụ ruộng đất chủ yếu trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Qua đó xác định điều kiện ruộng đất và trình độ nền nông nghiệp ở các vùng của Việt Nam rất khác nhau, do đó việc lựa chọn hình thức nào cho phù hợp và hiệu quả cần được xem xét cụ thể. Bài viết đồng thời góp phần hỗ trợ cho các nhà đầu tư lựa chọn được hình thức phù hợp cũng như hỗ trợ cho các nhà quản lý có chính sách phát triển nông nghiệp hợp lý nhằm mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nông nghiệp và cộng đồng nông thôn.

Luật Đất đai 2024: Cơ hội thu hút đầu tư vào nông nghiệp xanh

19-9-2024

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đang tạo ra những bước ngoặt mang tính đột phá cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. Những điểm mới của luật cũng đã “cởi trói” về mặt phát lý cho phân khúc bất động sản trong nông nghiệp. Đặc biệt, mở ra nhiều cơ hội để các dự án, mô hình nông nghiệp xanh có thể thu hút được nhà đầu tư.

Đề xuất giải pháp quản lý trữ lượng và tài nguyên khoáng sản

19-9-2024

Luật Khoáng sản đã xác định công tác quản lý tài nguyên và trữ lượng khoáng sản đặt ra từ giai đoạn khảo sát, thăm dò đến khai thác. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản cơ bản đầy đủ, đồng bộ đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trữ lượng và tài nguyên.

Việt Nam nỗ lực triển khai đồng bộ giải pháp chuyển đổi năng lượng

20-9-2024

Chuyển dịch năng lượng có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tác động đến tất cả các ngành liên quan đến sử dụng năng lượng. Việt Nam đang chú trọng chuyển dịch cả từ phía nguồn cung và phía sử dụng năng lượng, nhằm tạo tác động cộng hưởng và thúc đẩy quá trình diễn ra nhanh hơn.

Một số giải pháp góp phần cải thiện chất lượng không khí

24-9-2024

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh việc cần hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí; nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy quản lý môi trường không khí ở Trung ương và các địa phương; tăng cường kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới, chúng ta cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau: