Hội nghị này nhằm đánh giá kết quả công tác quản lý Nhà nước TN&MT tại 19 tỉnh, TP khu vực phía Nam giai đoạn 2006-2009; bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương, các vấn đề TN&MT có tính chất liên vùng, liên tỉnh; định hướng những nhiệm vụ trọng tâm của ngành TN&MT năm 2009 -2010 và kế hoạch 5 năm (2011-2015). Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Minh Sanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Hồng Hà; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; lãnh đạo UBND các tỉnh, TP; đại diện các Sở, ban, ngành hữu quan của 19 địa phương trong khu vực.
Khu vực kinh tế năng động và lớn nhất cả nước
Trong năm 2008, Bộ TN&MT đã tổ chức 6 hội nghị giao ban các vùng lãnh thổ trên cả nước. Qua đó, tạo ra mối quan hệ phối hợp ngày càng tốt và có hiệu quả giữa Bộ với các địa phương, tạo ra diễn đàn trao đổi về các vấn đề TN&MT giữa các địa phương có liên quan, đặc biệt là đã giúp tháo gỡ và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, trong đó có những vấn đề liên ngành, liên vùng. Sau 6 hội nghị giao ban vùng kể trên, Bộ TN&MT đã tổ chức rút kinh nghiệm để tổ chức các hội nghị giao ban ngày càng hiệu quả và chất lượng hơn. Trong năm 2009, Bộ TN&MT tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban vùng nhằm mục tiêu tăng cường hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa Bộ với các địa phương. Ngày 13/5 vừa qua, Bộ đã tổ chức thành công Hội nghị giao ban vùng khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại tỉnh Bình Định.
Là khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ và đất đai, trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa lớn nhất cả nước là TP.HCM, miền Nam giữ vai trò là đầu tầu phát triển kinh tế với hai vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ đóng góp lớn nhất vào kinh tế của cả nước, chiếm gần 60% thu ngân sách, trên 70% kim ngạch xuất khẩu và là khu vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu cả nước, tỷ lệ dân số đô thị gần 50% (so với mức bình quân 25% của cả nước), còn Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa chính của cả nước. Trong quá trình phát triển, khu vực miền Nam có nhiều thời cơ, điều kiện thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đối với sự phát triển bền vững, đặc biệt là những thách thức trong quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, Bộ TN&MT sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các quý vị đại biểu, của các đồng chí và sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trong khu vực, cũng như trong cả nước.
Nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn
Hội nghị đã nghe ông Nguyễn Thành Minh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ TN&MT) báo cáo hoạt động quản lý Nhà nước về TN&MT các tỉnh, TP khu vực phía Nam giai đoạn 2006-2009 và định hướng 2010-2015. Ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT báo cáo về công tác thanh tra TN&MT từ 2006 đến nay.
Tại Hội nghị đã có 12 ý kiến phát biểu, trao đổi, bàn bạc rất sôi nổi, thiết thực, thẳng thắn của lãnh đạo UBND các tỉnh, TP và giám đốc nhiều Sở TN&MT về công tác quản lý của ngành. Các nội dung thảo luận chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực “nóng” hiện nay như: đất đai, môi trường, tài nguyên nước, tổ chức bộ máy…Những vấn đề được đề cập nhiều nhất là về công tác định giá đất, đền bù GPMB và tái định cư, quy trình thu hồi đất, ô nhiễm môi trường khu công nghiệp và khu dân cư…
Bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương hoan nghênh Bộ TNMT đã tổ chức hội nghị giao ban vùng, vì TN&MT là một lĩnh vực rất khó khăn, nhạy cảm, liên quan sâu rộng tới đời sống của nhân dân và toàn xã hội, nhằm rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý TN&MT tại các địa phương. Bà Vân kiến nghị
Bộ sớm tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện văn bản về giá đất, bởi hiện nay ở địa phương chưa xác định rõ nhiệm vụ giữa Sở TN&MT và Sở Tài chính.
Bức xúc về công tác định giá đất thực chất mới chỉ được bàn giao một nửa từ ngành tài chính về ngành TN&MT, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết, việc xác định giá đất sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường như quy định hiện nay là rất khó. Ông Hưng nêu một ví dụ: đất ở huyện Nhơn Trạch, giá Nhà nước quy định là 84.000 đồng/m2, giá giao dịch trên thị trường là 300.000 đồng/m2, nhưng chủ đầu tư lại mua của dân với giá 950.000 đồng/m2. Hơn nữa, theo ông Hưng giá đất của các khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh hiện nay không thể xác định được. Cụ thể là bao nhiêu do các địa phương không thống nhất được với nhau. Ông Hưng còn cho biết thêm, trong năm 2009, tỉnh Đồng Nai sẽ hoàn thành tổng điều tra về giá đất và sang năm 2010 sẽ xác định giá đến từng thửa đất. | |
Còn ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ bày tỏ sự lo lắng về ô nhiễm môi trường khi phát triển công nghiệp, đô thị hóa và nuôi trồng thủy sản tại Cần Thơ và khu vực Tây Nam Bộ, trong khi đó hệ thống tổ chức bộ máy bảo vệ môi trường ở địa phương còn quá thiếu. Đối với các vụ việc khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai kéo dài nhiều năm, ông Sơn kiến nghị Trung ương có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất quan điểm với địa phương để đề ra các giải pháp giải quyết dứt điểm, công khai cho dân biết. Ý kiến này của ông Sơn đã nhận được sự đồng tình của ông Phan Thanh Hiền, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang.
Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị phải quan tâm tới công tác hậu cấp phép khai thác nước ngầm, trong đó đề cao tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các đối tượng, cá nhân khai thác và sử dụng nước ngầm. Ông Thắng cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn cũng cần sớm được quan tâm đúng mức, bởi tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan và thải thẳng ra các nguồn nước. Chia sẻ những lo lắng về ô nhiễm nguồn nước, ông Trương Duy Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre cho biết, do ở cuối nguồn nước của sông Tiền và sông Hậu, nên Bến Tre rất mong muốn Bộ hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm quan trắc xử lý nước thải
Ông Nguyễn Văn Thiệp, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An cho biết: Long An đã sớm hoàn thành công tác đo đạc bản đồ từ năm 2008, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đạt 98%, đất đô thị đạt 86%…Theo ông Thiệp, tiêu chuẩn xả thải của chúng ta hiện nay không thống nhất ở các tỉnh cùng chung 1 lưu vực sông, vì vậy rất cần có 1 tiêu chuẩn xả thải liên vùng, thống nhất giữa các tỉnh cùng lưu vực. Về đất đai, Long An đã sớm tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điểm bất cập.
Ông Tống Lê Thắng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Cà Mau thì băn khoăn về quy hoạch đặc thù của Cà Mau là người dân sinh sống dọc theo hai bên bờ sông nên đã gây khó khăn cho công tác đo đạc và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Thắng kiến nghị Bộ nên có quy hoạch tổng thể, điều tra đánh giá tiềm năng khoáng sản biển của Cà Mau…
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM đã làm sôi nổi Hội nghị khi đề cập mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất (mới) được gộp từ “sổ đỏ” và “sổ hồng” vừa được Quốc hội thông qua. Nhân dịp này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã giới thiệu và phân tích khá kỹ những ưu điểm của mẫu giấy mới đang được trưng cầu ý kiến trước khi phát hành chính thức trên toàn quốc.
Tất cả những ý kiến của các địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước TN&MT đã được giải đáp ngay tại Hội nghị bởi các ông: Phùng Văn Nghệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai; Bùi Cách Tuyến, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Môi trường; Nguyễn Thái Lai, Cục trưởng Cục Tài nguyên nước; Nguyễn Văn Thuấn, Quyền Cục trưởng Cục Địa chất – Khoáng sản; Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT; Nguyễn Văn Quyến, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Lê Công Thành, Quyền Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu.
Kinh tế hóa ngành và tạo lập mối quan hệ chặt chẽ thường xuyên với địa phương
Đó là 2 nội dung chính trong phần kết luận Hội nghị của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên. Bộ trưởng cho rằng, một trong những yếu tố cơ bản để thực hiện thành công chủ trương kinh tế hóa toàn ngành TN&MT là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ mới được Chính phủ giao là định giá đất. Phải nắm được giá đất mới làm tốt được công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Từ đó tạo được nguồn “đất sạch” để đấu giá tạo nguồn thu phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hơn nữa, nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề giá đất, từ đó cũng sẽ cơ bản giải quyết được các khiếu nại, tố cáo kéo dài của nhân dân. Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003, Bộ trưởng cho biết, Bộ TN&MT đã chuẩn bị khá kỹ, tổ chức trên 20 cuộc hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế…Tuy nhiên, do có quá nhiều vấn đề lớn, phức tạp và nhạy cảm, liên quan sâu rộng tới toàn xã hội và đời sống của nhân dân, nên không thể nóng vội, cần phải chuẩn bị thật kỹ và xin ý kiến của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, để có thể xây dựng được một Bộ Luật Đất đai hoàn chỉnh. Một yếu tố quan trọng nữa để có thể thực hiện thành công chủ trương kinh tế hóa ngành TN&MT, được Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhắc đến nữa là phải định hướng lại và đổi mới tư duy trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng khẳng định từ nay trở đi, lãnh đạo Bộ TN&MT một năm hai lần sẽ gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo các địa phương để có thể giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý TN&MT, trong đó có việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân có liên quan đến đất đai. Đến cuối quý 3/2009, Bộ sẽ tổ chức giao ban trực tuyến với các Sở TN&MT, như vậy sẽ tạo được sự gần gũi, sát với thực tế ở địa phương, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Bộ với địa phương. Sau khi hoàn thành các số liệu điều tra, Bộ sẽ bàn giao ngay cho lãnh đạo các địa phương để phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước TN&MT. Ngược lại, nếu địa phương triển khai các vấn đề lớn và hệ trọng liên quan đến TN&MT, thì cũng nên gặp gỡ, trao đổi với Bộ để Bộ tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ địa phương làm đúng các quy định của pháp luật – Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên lưu ý.
Lan Nhi – Hải Đăng.