Tham dự buổi làm việc có Lãnh đạo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, một số thành viên trong ban soạn thảo; Lãnh đạo và chuyên viên các Tổng cục: Môi trường, Quản lý Đất đai, Biển và Hải đảo; các Cục: Quản lý tài nguyên nước, Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; các Vụ: Pháp chế, Kế hoạch, Tài chính, Khoa học - Công nghệ và Hợp tác quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, đây là buổi làm việc quan trọng, nhằm tập hợp ý kiến của đại diện các lĩnh vực về Chiến lược phát triển ngành trong giai đoạn tới. Đồng thời, đây cũng là dịp để các đơn vị đóng góp ý tưởng, quan điểm của mình về khía cạnh khoa học, tư tưởng và các nội dung cụ thể trong từng hạng mục của Dự thảo, cùng phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường sớm hoàn thiện Dự thảo Chiến lược ngành.
Tại buổi làm việc, Viện trưởng Nguyễn Văn Tài đã trình bày những nội dung chính của Dự thảo Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường. Theo nhóm nghiên cứu, ngành tài nguyên và môi trường chưa có chiến lược phát triển thống nhất trong giai đoạn 2001– 2010. Đến nay, một số chiến lược phát triển theo các lĩnh vực chuyên môn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Chiến lược Bảo vệ môi trường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ đến năm 2020, Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020 và một số chiến lược khác đang trong quá trình xây dựng. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có một chiến lược chung, tổng thể phát triển ngành tài nguyên và môi trường làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược phát triển các lĩnh vực chuyên ngành thuộc chức năng quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những định hướng cơ bản về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường làm cơ sở cho các Bộ, ngành và địa phương cùng thống nhất thực hiện.
Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã lắng nghe và chỉ đạo đại diện các đơn vị đánh giá mức độ bám sát thực tế và đáp ứng các yêu cầu đề ra đối với Chiến lược, tính phù hợp với các văn bản pháp lý, mức khái quát hay trọng tâm; cũng như đóng góp ý kiến vể nội dung của Dự thảo. Theo đó, Lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị đã thảo luận sôi nổi và góp ý giúp hoàn thiện Dự thảo. Đại diện các đơn vị nhận định, Dự thảo do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường soạn thảo có chất lượng tốt, bám sát mục tiêu và thực tiễn của ngành, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đạt hàm lượng chất xám cao, đảm bảo tính khoa học, thể hiện sự công phu và nghiêm túc của những người tham gia soạn thảo. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra quan điểm về tên gọi của Chiến lược, kết cấu, mục tiêu, giải pháp… Một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung phần đánh giá hiện trạng quản lý nhà nước và sự phát triển ngành hiện nay; cần thể hiện rõ nội dung về biến đổi khí hậu; đề cập toàn diện hơn đến các vấn đề quản lý tổng hợp biển và hải đảo…
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Văn Tài đã giải trình và có những trao đổi với các đại biểu, làm rõ một số vấn đề và cùng tìm hướng giải quyết các vướng mắc còn tồn tại trong quá trình soạn thảo.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao chất lượng của Dự thảo Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường. Thứ trưởng cho rằng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cần làm rõ thực trạng phát triển ngành, làm cơ sở lý luận, trong đó bao gồm cả đánh giá những bất cập hiện nay và nhận dạng các vấn đề, xu hướng trong tương lai. Thứ trưởng Trần Hồng Hà cũng thể hiện sự đồng tình với ý kiến của các đại biểu đã nêu, nội dung của Chiến lược phải bám sát, giải quyết những vấn đề thực tiễn bức xúc như: an ninh môi trường, tranh chấp tài nguyên…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu nhóm soạn thảo xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, tìm kiếm giải pháp nhằm đạt được mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể. Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện phải theo kịp giai đoạn, một mặt bám sát thực tiễn triển khai những chiến lược đã có, mặt khác phải góp phần xử lý các vấn đề đặt ra trong tương lai. Để làm được điều đó, Dự thảo phải nêu bật mục tiêu, nhiệm vụ của từng giai đoạn 2011-2015; 2016-2020 và lộ trình thực hiện. Thứ trưởng chỉ đạo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cần lập kế hoạch cụ thể, đánh giá các phần việc đã được thực hiện, xác định phần việc còn lại và dự kiến phần việc nào cần tham khảo ý kiến chuyên gia, phần việc nào cần hỗ trợ từ các đơn vị khác hoặc từ nguồn bên ngoài.
Để trợ giúp Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Thứ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu các đại biểu tham dự cuộc họp báo cáo với đơn vị mình về nội dung buổi làm việc và lãnh đạo các đơn vị cần nhanh chóng gửi góp ý bằng văn bản tới Lãnh đạo Bộ. Viện và các đơn vị cũng cần trao đổi trực tiếp để cùng làm rõ và hoàn chỉnh những nội dung liên quan đến từng lĩnh vực. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường có trách nhiệm tổng hợp, xử lý các ý kiến đóng góp và báo cáo giải trình với Lãnh đạo Bộ trong buổi làm việc tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà hoan nghênh Lãnh đạo và chuyên viên các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ đã quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến chuyên sâu, giúp làm rõ các vấn đề và hoàn thiện nội dung Dự thảo Chiến lược ngành. Thứ trưởng đặc biệt lưu ý, soạn thảo Chiến lược là nhiệm vụ quan trọng do Chính phủ giao. Đồng thời, Chiến lược này có tính định hướng cho hoạt động của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn tới. Vì vậy, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các cá nhân và đơn vị tiếp tục quan tâm và hợp tác với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường để sớm hoàn thiện Dự thảo, trình Bộ trưởng vào tháng 9 năm 2010 theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Văn phòng Viện