Ngày đăng:
28 | 09 | 2010
Ngày 27 tháng 9 năm 2010, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức cuộc họp chuyên gia góp ý Đề cương chi tiết báo cáo tổng hợp tiểu dự án 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường, đề xuất nguyên tắc, phương thức thực hiện, mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá và lộ trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
Cuộc họp được tổ chức trong khuôn khổ Dự án
Điều tra, phân tích cơ sở lý luận, thực tiễn và xây dựng khung chính sách tổng thể đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường (còn được gọi là Dự án
Kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường).
Tham dự cuộc họp có nhiều chuyên gia cao cấp, lãnh đạo thuộc các đơn vị: Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Kinh tế Việt Nam, Vụ Quản lý quy hoạch - Bộ Kế hoạch và Đầu tư… và một số chuyên gia đang làm việc tại các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân… TS. Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng chủ trì cuộc họp.
Sau lời phát biểu khai mạc của TS. Nguyễn Văn Tài, thay mặt nhóm nghiên cứu, Ths. Đặng Quốc Thắng (Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường) đã giới thiệu khái quát về Dự án Kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường, và trình bày Đề cương chi tiết báo cáo tổng hợp tiểu dự án 1 thuộc Dự án này.

Các chuyên gia tham dự buổi làm việc đã lắng nghe và đóng góp nhiều ý kiến, bày tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường, cũng như việc thực hiện chủ trương này tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Nhiều ý kiến đánh giá cao nội dung của Đề cương chi tiết và cho rằng, đề cương này đã được thực hiện công phu, nghiêm túc và kỹ lưỡng, có sự gắn kết chặt chẽ và phù hợp với nội dung dự định nghiên cứu. Bên cạnh đó, các chuyên gia đã thảo luận, phân tích và bổ sung nhiều ý kiến, nhằm hoàn thiện Đề cương chi tiết.
Bế mạc cuộc họp, TS. Nguyễn Văn Tài cảm ơn các chuyên gia đã quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. Đồng thời, TS. Nguyễn Văn Tài đã đưa ra kết luận, chỉ đạo các thành viên tham gia nghiên cứu tiếp thu ý kiến, tiếp tục tập trung triển khai các hoạt động nghiên cứu nhằm hoàn thiện Đề cương theo hướng: tập trung nghiên cứu các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; làm rõ hơn nữa vai trò hàng hóa của tài nguyên và môi trường cùng các ngoại ứng của chúng, để từ đó có những bước đi thích hợp; định hướng áp dụng các bài học thực tiễn khả thi thông qua việc tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế theo các nội dung cụ thể về tiếp cận thị trường trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; điều chỉnh phạm vi đề tài theo các vấn đề: (i) Điều tra cơ bản, (ii) Tài nguyên, (iii) Bảo vệ môi trường và (iv) Quản lý tổng hợp biển và hải đảo để phù hợp với định hướng chung của Chiến lược quốc gia về tài nguyên và môi trường.
Văn phòng Viện