Đối thoại quốc gia thu hút sự quan tâm và tham gia của hơn 100 đại biểu từ Ban Thư ký của GEF, các cơ quan thực hiện của GEF, Ban Chỉ đạo GEF-Việt Nam, đại diện của các Bộ/ngành liên quan, đại diện của các đầu mối Công ước quốc tế về môi trường, các nhà tài trợ song phương và đa phương, đại diện của các tổ chức NGO, đại diện của các cơ quan truyền thông, báo chí... Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà đã đến dự và phát biểu khai mạc.
Bắt đầu hoạt động từ năm 1991, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tập trung vào hỗ trợ cho các dự án mang lại các lợi ích môi trường toàn cầu theo các lĩnh vực trọng tâm: Biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, suy thoái đất, các vùng nước quốc tế và hóa chất. Việt Nam đã nhận được hỗ trợ từ GEF cho 34 dự án quốc gia. Việt Nam cũng tham gia vào hơn 28 dự án khu vực và toàn cầu. Tài trợ của GEF đã hỗ trợ Việt Nam trong bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, đóng góp cho các lợi ích môi trường quốc gia và toàn cầu.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Đối thoại quốc gia về GEF
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng "GEF đã và đang tích cực góp phần giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. Trong suốt 19 năm hoạt động, GEF đã mở rộng phạm vi tới 182 quốc gia. Sự hỗ trợ của GEF trong các lĩnh vực trọng tâm đã hỗ trợ các quốc gia ứng phó với các vấn đề môi trường của quốc gia cũng như mang lại các lợi ích môi trường toàn cầu. GEF đã khởi động chu kỳ 5 với những định hướng chiến lược cụ thể và những chính sách mới. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm nay, Hệ thống Phân bổ nguồn lực minh bạch (STAR) được áp dụng nhằm thúc đẩy sở hữu quốc gia trong việc vận động tài trợ của GEF. Việc hiểu rõ các chính sách mới và những mục tiêu GEF trong chu kỳ này có ý nghĩa hết sức quan trọng để kết hợp nguồn lực GEF với các nguồn lực khác của Việt Nam. Sự kiện này là một cơ hội để các bên liên quan cập nhật những ưu tiên và chính sách mới trong chu kỳ 5 giúp tối đa hóa nguồn lực của GEF, mang lại những lợi ích môi trường quốc gia và toàn cầu".

Các đại biểu tham dự Đối thoại quốc gia về GEF
Tại Đối thoại, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày về chính sách và chiến lược mới của GEF cũng như các cơ quan GEF; chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và triển khai thực hiện dự án GEF tại Việt Nam; góp phần tạo ra diễn đàn trao đổi về các ưu tiên quốc gia của Việt Nam trong chu kỳ 5; tìm kiếm các cơ hội và giải pháp cho việc điều phối và hợp tác giữa các bên liên quan trong quá trình xây dựng, vận động và thực hiện các dự án tài trợ của GEF.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về kinh nghiệm triển khai dự án GEF trong thời gian qua và trao đổi về đề xuất ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong chu kỳ tới.
Phát biểu bế mạc, TS. Nguyễn Văn Tài - Chánh Văn phòng GEF-Việt Nam đánh giá: "Sau hai ngày làm việc tích cực và sôi nổi, có thể nói Hội thảo Đối thoại quốc gia lần thứ 3 đã thu được những kết quả tốt đẹp. Tại hội thảo này, chúng ta đã có cơ hội cập nhật những chính sách mới của GEF trong chu kỳ 5, đặc biệt là khung phân bổ nguồn lực minh bạch (STAR) cho ba lĩnh vực: đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và suy thoái đất. Đồng thời, chúng ta cũng hiểu rõ thêm về quy trình vận động dự án GEF và chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án GEF. Đối thoại này thực sự là cơ hội để trao đổi một cách cởi mở về các ưu tiên quốc gia của Việt Nam nhằm vận động tài trợ trong chu kỳ này để tận dụng tối ưu nguồn lực của GEF, đáp ứng nhu cầu quốc gia và mang lại các lợi ích môi trường toàn cầu".
Sau hai ngày thảo luận tại Hội trường, các đại biểu đã tham dự chuyến thực địa tại dự án Bảo tồn và phát triển nguồn gien bưởi chín sớm vùng lũ sông Đáy, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.
Phòng Hợp tác quốc tế