Trong 2 ngày 15-16 tháng 11 năm 2010, Hội thảo Nền kinh tế carbon thấp ở Việt Nam hướng tới năm 2020 đã diễn ra tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dưới sự phối hợp tổ chức của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) và Hội đồng Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (USVTC). PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng và một số cán bộ nghiên cứu thuộc Viện đã tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh cho rằng, nền kinh tế carbon thấp được xem là một cách tiếp cận đồng thời đạt được hai mục tiêu: tăng trưởng kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính, giúp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tham tán về Môi trường, Khoa học – Công nghệ và Y tế của Đại sứ quán Hoa Kỳ, Ngài Eric Frater, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng phó với biến đổi khí hậu, về ý tưởng xây dựng một nền kinh tế carbon thấp ở Hoa Kỳ, và cam kết hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực hướng tới nền kinh tế carbon thấp trong thập kỷ tới.
Các bài tham luận được trình bày tại hội thảo đều hướng tới viễn cảnh xây dựng thành công một nền kinh tế carbon thấp ở Việt Nam năm 2020 và những định hướng cho lộ trình cần thiết để đạt được mục tiêu này. Cụ thể, đó là các bài trình bày chia sẻ kinh nghiệm chuyến khảo sát tại Hoa Kỳ về sáng kiến biến đổi khí hậu (PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, ISPONRE); sử dụng năng lượng hiệu quả (TS. Laura Ediger, tổ chức BSR); giảm mức phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng phục vụ ngành xây dựng (ngài Paul Hayes – Holcim Vietnam); tăng trưởng xanh và mối liên hệ tới nền kinh tế carbon thấp (TS. Nguyễn Trung Thắng, ISPONRE); thành tựu thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng tại Đà Nẵng (TS. Lê Quang Nam, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng); tiềm năng sản xuất năng lượng thay thế (ông Nguyễn Xuân Thắng, GE Energy Vietnam).

Phiên thảo luận nhóm xoay quanh việc xác định vấn đề trọng tâm cũng như cơ hội thúc đẩy nền kinh tế carbon thấp và vai trò của các nhóm chủ thể trong xã hội (Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức dân sự, Viện nghiên cứu, và cộng đồng). Hầu hết các nhóm thảo luận cho rằng Chính phủ có vai trò quyết định trong xây dựng chiến lược tổng thể và dài hạn cũng như đề ra những chính sách áp dụng các công cụ kinh tế nhằm khuyến khích những hoạt động thân thiện với môi trường. Vấn đề nghiên cứu và sử dụng năng lượng thay thế; hiện đại hóa nông nghiệp và nâng cao tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, tiêu dùng cũng được cho là vấn đề trọng tâm đòi hỏi sự tham gia phối hợp của nhiều bên. Nhiều đại biểu cũng trao đổi với các nhà tài trợ về nhu cầu xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Tổng kết hội thảo, Ngài Frank Mantero đến từ Quỹ GE, đơn vị tài trợ chính cho sự kiện này trình bày những nỗ lực và cam kết của GE tại Việt Nam thời gian qua và các hoạt động nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng một nền kinh tế carbon thấp trong thời gian tới.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành liên quan, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng đại diện các Viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức dân sự trong và ngoài nước, các nhà tài trợ và nhiều cơ quan truyền thông. Hội thảo là phiên đối thoại mở để thảo luận, đóng góp ý tưởng, đề xuất những chính sách, phương thức xây dựng một nền kinh tế carbon thấp ở Việt Nam.
Phòng Hợp tác quốc tế