Ngày đăng:
01 | 12 | 2010
Trong khuôn khổ hoạt động của Nhóm công tác về môi trường (WGE) của các nước Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS), từ ngày 29 đến 30 tháng 11 năm 2010, Trung tâm Hoạt động môi trường (EOC) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Cuộc họp bán thường niên WGE lần thứ 5 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự cuộc họp có hơn 70 đại biểu, bao gồm thành viên của WGE, đại diện các Bộ ngành liên quan của 6 nước GMS, các nhà tài trợ song phương và đa phương.
Cuộc họp đã tổng kết các kết quả đạt được của Chương trình Môi trường trọng điểm/Sáng kiến Hành Đa dạng sinh học (CEP/BCI) trong pha I, trình bày các nội dung của chương trình trong năm 2011 và đưa ra khung kế hoạch cho giai đoạn II của CEP/BCI với 4 hợp phần chính: (i) quá trình lập kế hoạch phát triển và khung chính sách được cải tiến; (ii) thích nghi với biến đổi khí hậu và lập kế hoạch đầu tư cho nền kinh tế ít carbon được tăng cường; (iii) thiết lập hệ thống quản lý xuyên biên giới các sinh cảnh bảo tồn để xây dựng sinh kế nông thôn bền vững và hỗ trợ các dịch vụ và hàng hóa môi trường trong khu vực và toàn cầu và (iv) bền vững tài chính để bảo tồn, quản lý hệ sinh thái.

Tại cuộc họp, đại diện của các nhà tài trợ và đối tác phát triển cũng trình bày các cơ hội hợp tác trong giai đoạn II của CEP/BCI thông qua các chương trình đang được triển khai cũng như những định hướng trong thời gian tới.
Cuộc họp đã thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp của Nhóm công tác môi trường của các nước thành viên GMS. Theo đó, tính chủ động của các nước GMS cần được tăng cường trong giai đoạn II. Ngoài ra, các ưu tiên đề xuất trong giai đoạn này cũng cần phải phù hợp với ưu tiên của mỗi quốc gia, đảm bảo tính hiệu quả của chương trình trong việc giải quyết các vấn đề môi trường của quốc gia và khu vực.
Đại diện nước chủ nhà Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sự hợp tác giữa các nước GMS sẽ được tăng cường hơn thông qua chương trình CEP/BCI, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ/đối tác phát triển để đảm bảo khung kế hoạch cho giai đoạn II có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Phòng Hợp tác quốc tế