Tham dự buổi họp có nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu của ngành tài nguyên và môi trường, các chuyên gia đến từ Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ… TS. Nguyễn Văn Tài - Viện trưởng chủ trì cuộc họp.
Khai mạc cuộc họp, TS. Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh, xây dựng Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viện. Đến nay, bản Dự thảo số 1 đã hoàn thành, ban soạn thảo mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực, nhằm sớm hoàn thiện Chiến lược, trình cấp có thẩm quyền ban hành trong thời gian tới.

Các chuyên gia tham dự cuộc họp đã thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều quan điểm, đóng góp những ý kiến khác nhau về nội dung và hình thức Dự thảo. Nhiều chuyên gia cho rằng, nội dung của Chiến lược cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, bám sát thực trạng quản lý ngành tài nguyên và môi trường Việt Nam hiện nay, phản ánh tương đối đầy đủ xu thế và tiềm năng phát triển của ngành trong thời gian tới; bố cục Chiến lược hợp lý, trình bày ngắn gọn và đủ ý, thể hiện sự công phu và cẩn trọng trong quá trình soạn thảo. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đầu ngành đã đóng góp ý kiến về nhiều mặt của Dự thảo. Một số ý kiến đánh giá, các giải pháp thực hiện đã được nêu lên trong bản Dự thảo này là khả thi, nhưng cần cụ thể hơn nữa để đạt hiệu quả tốt nhất khi thực hiện, trong đó có việc đưa ra lộ trình và mốc thời gian hoàn thành từng phần giải pháp; cần làm rõ hơn các vấn đề về đường lối pháp lý, công cụ thực hiện, ảnh hưởng của sự gia tăng dân số, các yếu tố thương mại và tiêu dùng; bổ sung dẫn chứng cho một số nhận định; gia tăng tính logic, nhất quán giữa các phần của Chiến lược; cần phải đặt Chiến lược như một công cụ cạnh tranh và tạo thêm nhiều điểm kết nối với các ngành, lĩnh vực khác; khắc họa rõ nét về tình hình và xu thế biến động quốc tế… Các đại biểu đặc biệt lưu ý, ngành tài nguyên và môi trường là một trong ba ngành chủ chốt, đối tượng quản lý của ngành tài nguyên và môi trường cũng là những thành phần được sử dụng, được khai thác, được nghiên cứu của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, Chiến lược cần có tầm nhìn sâu rộng, có tính hợp lý và thuyết phục, góp phần gia tăng nhận thức của các thành phần kinh tế, các ngành cũng như toàn xã hội, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Văn Tài tham gia thảo luận, cùng các chuyên gia làm rõ một số điểm và đưa ra hướng giải quyết một số vấn đề tồn tại.
Kết thúc cuộc họp, TS. Nguyễn Văn Tài cảm ơn các chuyên gia đã đến dự họp và đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Ban soạn thảo trân trọng tiếp thu các ý kiến và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của các chuyên gia để bản Dự thảo sớm được hoàn thiện và đạt chất lượng cao.
Văn phòng Viện