Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu cách tiếp cận, phương pháp luận thiết kế một xã hội phát thải ít các-bon do Nhật Bản phát triển hiện đã được áp dụng rộng rãi tại các nước châu Á; thảo luận về định hướng nghiên cứu xây dựng xã hội các-bon thấp (LCS) phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam; và tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan đang làm việc hoặc quan tâm đến các sáng kiến các-bon thấp.
Phát biểu khai mạc, TS. Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện JICA Việt Nam, ông Akira Shimizu nhấn mạnh LCS là một vấn đề liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong việc triển khai nghiên cứu, tiến tới xây dựng xã hội các-bon thấp ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, TS. Mikiko Kainuma, NIES đã khái quát mô hình tích hợp châu Á-Thái Bình Dương (AIM), công cụ thiết kế và đánh giá các lựa chọn chính sách để ổn định khí hậu toàn cầu tại khu vực. TS. cũng đã đề xuất 5 hành động thông qua nghiên cứu sơ bộ cho Việt Nam, bao gồm: giao thông thuận tiện, xây dựng xanh, cải tiến hiệu quả năng lượng, chuyển đổi nhiên liệu trong công nghiệp, và các nhà máy điện thông minh. TS. Shuzo Nishioka, Viện Chiến lược môi trường toàn cầu, Nhật Bản đã giới thiệu chi tiết các mô hình, lộ trình áp dụng của Nhật Bản hướng tới một nước Nhật các-bon thấp.

Các bài tham luận trình bày về kiểm kê khí nhà kính quốc gia năm 2000 và lựa chọn giảm nhẹ theo Thông báo quốc gia lần 2 (TS. Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng, Cục Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi khí hậu); dự án hỗ trợ bởi JICA về kiếm kê khí nhà kính (bà Ono Takako, JICA Việt Nam); kịch bản biến đổi khí hậu và Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và giới thiệu kế hoạch hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu (TS. Trần Thục, Viện trưởng, Viện Khí tượng, Thủy văn và Môi trường); vấn đề năng lượng liên quan đến LCS ở Việt Nam (bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Viện Năng lượng, Bộ Công thương) đã xác định được cơ hội và khả năng thúc đẩy xây dựng nền kinh tế các-bon thấp ở Việt Nam.
Đóng góp tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường giới thiệu về nghiên cứu được hỗ trợ bởi JICA về khả năng xây dựng xã hội các-bon thấp ở Việt Nam. Theo đó, nhóm nghiên cứu bao gồm ISPONRE với sự hợp tác của các chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước, với sự hỗ trợ kỹ thuật của nhóm AIM Nhật Bản sẽ tiến hành nghiên cứu, rà soát, thu thập các bộ số liệu, đánh giá tiềm năng giảm phát thải GHG ở Việt Nam, đề xuất khung chính sách, bước đầu đánh giá tác động của chính sách LCS đối với nền kinh tế và xây dựng một khung LCS ở cấp địa phương và tiến hành thử nghiệm. Kết quả của nghiên cứu sẽ góp phần hỗ trợ ra quyết định cho các nhà hoạch định chính sách và nâng cao nhận thức đối với các cơ quan, đối tác và cộng đồng về các hành động cấp thiết cần thực hiện nhằm đạt được đồng thời hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phiên thảo luận nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, xoay quanh các vấn đề về thách thức mà Việt Nam cần vượt qua để tiến tới xây dựng một xã hội các-bon thấp như đòi hỏi phải có năng lực tài chính lớn, năng lực công nghệ cao hay việc thiếu nhận thức đúng về khả năng áp dụng cơ chế phát triển các-bon thấp như là khoản đầu tư tốn kém mà không đem lại hiệu quả kinh tế trước mắt,… và khẳng định vai trò quyết định của Chính phủ trong xây dựng chiến lược tổng thể và dài hạn cũng như đề ra những chính sách áp dụng liên quan tới phát triển các-bon thấp.
Tổng kết hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tài cảm ơn sự quan tâm đóng góp ý kiến của các chuyên gia tham dự hội thảo, các đơn vị hỗ trợ và kêu gọi sự hợp tác, chia sẻ thông tin hơn nữa của các cơ quan, tổ chức quan tâm tới sáng kiến các-bon thấp nhằm xây dựng thành công nền kinh tế các-bon thấp cho Việt Nam trong thời gian tới.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 60 đại biểu, đại diện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các Nhà tài trợ quốc tế (UNDP, WB, DFID, AFD,…), nhóm chuyên gia Nhật Bản và các cơ quan thông tấn báo chí.
Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường