Sau lời phát biểu khai mạc seminar của TS. Nguyễn Trung Thắng, Ths. Huỳnh Thị Mai – Trưởng Ban Quản lý tài nguyên và đa dạng sinh học đã có phần trình bày ngắn gọn, giới thiệu các dịch vụ sinh thái rừng bao gồm bốn nhóm: (i) Dịch vụ sản xuất: thực phẩm, nước sạch, nguyên liệu giấy, vải…; (ii) Dịch vụ điều tiết: điều hòa khí hậu, phòng hộ đầu nguồn…; (iii) Dịch vụ văn hóa: tạo cảnh quan du lịch sinh thái; và (iv) Dịch vụ hỗ trợ: cấu tạo, hình thành đất, điều hòa dinh dưỡng…

Ông Nguyễn Quốc Dựng, chuyên gia thuộc Viện Điều tra Quy hoạch Rừng đã trình bày tham luận Quản lý rừng và môi trường rừng ở Việt Nam, với nhiều hình ảnh về các cánh rừng, sự đa dạng sinh học và diễn biến một số loài động, thực vật rừng trong những năm gần đây. Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến những tồn tại và thách thức trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng, như: khó khăn trong nghiên cứu và quy hoạch; áp lực đối với rừng và môi trường khi rừng đã và đang bị đe dọa lấn chiếm ngày càng trầm trọng, lâm sản bị khai thác bừa bãi, động vật hoang dã bị săn bắt, nguy cơ cháy rừng, những hậu quả do khai khoáng không đi đôi với hoàn nguyên; vấn đề tổ chức quản lý; chính sách hợp lý và đầu tư đáp ứng yêu cầu…
Chuyên gia UN-REDD, ông Lê Đức Chung, qua phần tham luận REDD+: Khái niệm, tiềm năng, thách thức và tiếp cận triển khai ở Việt Nam, đã cung cấp nhiều thông tin về REDD, nội dung và lộ trình thực hiện REDD, vấn đề có liên quan về nguồn lực tài chính và thị trường cũng như đánh giá sơ lược một số kết quả bước đầu của Việt Nam trong giai đoạn I của Chương trình UN-REDD. Tác giả cũng cho biết thêm về các mục tiêu đã được xác định cho giai đoạn II của Chương trình, nhìn nhận những cơ hội, xem xét một số yếu tố thuận lợi và thách thức khi triển khai giai đoạn mới của Chương trình.
Với phần trình bày của các chuyên gia, nhiều cán bộ Viện đã quan tâm đặt nhiều câu hỏi và cùng thảo luận xung quanh các vấn đề về kiểm kê tài nguyên rừng, tính thống nhất và chính xác của số liệu thu thập được, công tác giao đất giao rừng hiện nay và hướng giải quyết những bất cập, việc dán nhãn và kiểm soát sản phẩm lâm nghiệp…
Kết luận buổi seminar, TS. Nguyễn Trung Thắng cảm ơn các chuyên gia và cán bộ Viện đã quan tâm tham gia sự kiện và mong muốn, sau buổi seminar hướng tới Ngày Môi trường thế giới, mọi người sẽ thêm nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa để bảo vệ và phát triển rừng, vì cuộc sống hiện tại và cho tương lai vững bền. Trước đó, Phó Viện trưởng cho rằng seminar là một cơ hội tốt để cán bộ Viện tìm hiểu thêm về rừng và các giá trị của rừng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng của Việt Nam.
Văn phòng Viện