Ngày đăng:
19 | 07 | 2011
Ngày 19 tháng 7 năm 2011, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường đã phối hợp với các chuyên gia của Trung tâm hoạt động môi trường thuộc Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia về Chương trình môi trường trọng điểm và sáng kiến hành lang đa dạng sinh học (CEP-BCI) (2012-2016) của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).
Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường và ông Iain Craig chuyên gia ADB, nhằm lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan cũng như các chuyên gia trong việc xây dựng kế hoạch hành động cho giai đoạn II của CEP-BCI cho Việt Nam.
Đến tham gia Hội thảo có đại diện của các cơ quan ban ngành liên quan như Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương, Tổng cục lâm nghiệp, Tổng cục quản lý đất đai, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, và các chuyên gia của Viện Điều tra quy hoạch rừng, Viện Môi trường và phát triển bền vững, Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải, Đại học Tài nguyên và Môi trường, tổ chức WWF, các tổ chức cũng như các các nhân quan tâm khác.

Hội thảo đã nghe ông Iain Craig chuyên gia ADB trình bày các vấn đề tổng quan và khung chương trình hành động CEP-BCI cũng như dự thảo khung chương trình hành động của giai đoạn II đối với các lĩnh vực tập trung chính về năng lượng, nông nghiệp, du lịch và giao thông. Sau đó, các chuyên gia tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến cho nội dung của bốn hợp phần của giai đoạn II về (i) tăng cường hệ thống, công cụ và biện pháp bảo vệ cho việc lập kế hoạch; (ii) cải thiện sinh kế bền vững thông qua quản lý các cảnh quan bảo tồn; (iii) tăng cường khả năng ứng phó đối với biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển carbon thấp và; (iv) tăng cường thể chế và tài chính cho quản lý môi trường bền vững.
Kết thúc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thế Chinh và chuyên gia ADB cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia và đại diện các Cơ quan ban ngành. Những ý kiến đóng góp này hết sức cụ thể và thiết thực cho việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ chương trình chung của GMS thực sự hiệu quả, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ môi trường chung của quốc gia và khu vực.
Phòng Hợp tác quốc tế