Ngày đăng:
26 | 04 | 2011
Ngày 20 tháng 4 năm 2011, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức hội thảo khoa học về một số nội dung chính trong khuôn khổ đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ Nghiên cứu cơ sở lý luận và quy định về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của một số quốc gia trên thế giới, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam do TS. Nguyễn Thắng - Phó Viện trưởng và TS. Trần Tú Cường – Trưởng ban Quản lý Đất đai và Bất động sản, chủ nhiệm đề tài, đồng chủ trì.
Tham dự hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Phó Viện trưởng, các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện và nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, Hội Khoa học đất, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh…

Tại hội thảo, TS. Trần Tú Cường , đại diện nhóm nghiên cứu trình bày một số nội dung đề dẫn hội thảo. Theo đó, đề tài Nghiên cứu cơ sở lý luận và quy định về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của một số quốc gia trên thế giới, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là đề tài nằm trong chương trình nghiên cứu tổng thể nhằm mục tiêu nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 2003. Nội dung trọng tâm tại hội thảo là đi sâu bàn về (i) Cơ sở lý luận và thực tiễn quy định về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đai của một số quốc gia và (ii) Vấn đề quy định về chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam trong Luật Đất đai mới dự kiến trình Quốc hội vào năm 2012 (theo quan điểm của nhà khoa học).
Các chuyên gia tham dự hội thảo đã trình bày nhiều tham luận về chính sách đất đai, bất động sản và chế độ sở hữu đất đai của Đài Loan, Trung Quốc, một số nước phương Tây và khu vực Đông Á. Các nhà khoa học trao đổi, thảo luận đưa ra nhiều quan điểm xung quanh vấn đề học thuật và thực tiễn về sở hữu đất đai, đặc biệt nội dung kinh tế của sở hữu đất đai trong điều kiện nền kinh tế thị trường; bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Đã có trên 10 bài tham luận của các nhà khoa học được gửi đến hội thảo, các báo cáo khoa học này sẽ được biên tập thành kỷ yếu để các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm tham khảo.
Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Thắng thay mặt đơn vị chủ trì cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học và các đồng nghiệp đã quan tâm tham dự hội thảo, đóng góp nhiều ý kiến quý báu để công trình nghiên cứu được tiếp tục hoàn thiện.
Văn phòng Viện