Ngày đăng:
15 | 04 | 2016
Ngày 15/4/2016, Chi Đoàn Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Seminar khoa học "Biến đổi khí hậu - Tài chính xanh”. Đây là seminar khoa học đầu tiên trong chuỗi seminar khoa học được tổ chức với tinh thần chia sẻ gắn kết trong Chi Đoàn được quán triệt rõ trong buổi Đối thoại Trẻ diễn ra vào ngày 01/4/2016 vừa qua. Đây là nội dung được báo cáo viên Nguyễn Thị Yến - Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường chia sẻ trong đợt tham gia tập huấn tại Thái Lan mới đây về Tài chính Khí hậu cho các quốc gia Đông Nam Á. Dưới sự chủ trì của Viện trưởng - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh và Phó Viện trưởng – TS. Nguyễn Trung Thắng, cùng sự có mặt của các đoàn viên trong Chi đoàn, buổi Seminar khoa học đã diễn ra với những nội dung rất bổ ích.
Trong báo cáo, tài chính khí hậu là hàm ý về việc tài trợ/huy động vốn ở cấp vùng, quốc gia và xuyên quốc gia, có được từ khu vực công cộng, tư nhân và các nguồn khác, rất cần thiết cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu (BĐKH). Cụ thể hơn, trong các ngành mà phát thải khối lượng lớn khí nhà kính cần các hoạt động đầu tư với quy mô rộng nhằm giảm phát thải. Đồng thời, tài chính khí hậu quan trọng cho việc thích ứng, đặc biệt là các nguồn tài chính nhằm hỗ trợ cho các quốc gia thích ứng với các tác động có hại và giảm thiểu các tác động của BĐKH.


Báo cáo viên Nguyễn Thị Yến - Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường trình bày về Tài chính Khí hậu cho các quốc gia Đông Nam Á
Theo số liệu nghiên cứu được đưa ra, lượng phát thải CO2 của Châu Á Thái Bình Dương được đo lường khoảng 42,8% lượng phát thải CO2 của thế giới (năm 2010). Đến năm 2035, lượng phát thải CO2 của Châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng nhanh với tỷ lệ 2,0% mỗi năm, so với trung bình thế giới là 1,3% mỗi năm. Như vậy, đóng góp của khu vực Châu Á Thái Bình Dương được dự báo sẽ vượt quá một nửa lượng phát thải CO2 của thế giới vào năm 2035.
Chính vì vậy, việc các các quốc gia phát triển cung cấp các nguồn tài chính để hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển trong việc thực hiện đảm nhiệm các hoạt động với BĐKH là rất quan trọng đối với các bên. Chính phủ và các bên tham gia khác quan tâm cách thức các nguồn tài chính này sẽ được huy động như thế nào? Cách mà những nguồn tài chính này được chuyển giao đi và được tiếp nhận? Và với các quốc gia phát triển, điều quan trọng nhất là có thể quảng bá/thể hiện năng lực của họ có thể tiếp nhận hiệu quả và tận dụng được nguồn tài chính.

Viện trưởng - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh (trái) và Phó Viện trưởng – TS. Nguyễn Trung Thắng lắng nghe và góp ý cho phần trình bày


Những nghiên cứu viên có kinh nghiệm chia sẻ thêm về những vấn đề liên quan

Viện trưởng - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh khẳng định về ý nghĩa và cách thức tổ chức các buổi sermina khoa học
Qua phần trình bày của báo cáo viên và sự đóng góp ý kiến từ những nghiên cứu viên có kinh nghiệm và kiến thức sâu liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Trung Thắng nhắc nhở thêm việc các báo cáo viên, nghiên cứu viên sau khi tham dự những buổi tập huấn, hội thảo khoa học ở nước ngoài cần nắm vững và chủ động sàng lọc những nội dung phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của mình để đưa ra những đề xuất tốt hơn. Bên cạnh đó, Viện trưởng Nguyễn Thế Chinh cũng khẳng định về ý nghĩa và cách thức tổ chức các buổi sermina khoa học và nhấn mạnh việc nhân rộng những buổi trao đổi này là vô cùng cần thiết.
Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo