Ngày đăng:
14 | 06 | 2016
Ngày 14/6/2016, trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF), Cộng hòa Liên bang Đức, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation và Quỹ Á – Âu (ASEF) tổ chức Hội thảo "Các quốc gia Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV) trong triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”. Đến dự Hội thảo có đại diện quốc tế, các Bộ ngành, các đơn vị liên quan. Hội thảo diễn ra trong các ngày 14 và 15/6 do Viện trưởng ISPONRE - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh chủ trì.

Viện trưởng - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh phát biểu khai mạc
Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV) có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Chương trình đã đưa ra tầm nhìn cho giai đoạn phát triển 15 năm tới với 17 mục tiêu PTBV và 169 chỉ tiêu, định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động tiếp nối.
Viện trưởng Nguyễn Thế Chinh khẳng định: "Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận và tìm hiểu thông tin về các chiến lược tài chính và quản trị liên quan đến thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), thúc đẩy hợp tác khu vực giữa các quốc gia Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV) trong triển khai SDGs. Hội thảo cũng mong mở ra một diễn đàn trao đổi giữa các chuyên gia Á-Âu và đóng góp cho đối thoại Á-Âu về các vấn đề môi trường."
Bà Nguyễn Lệ Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học GDTNMT, Phó Chánh Văn phòng PTBV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: "Chúng ta phải coi việc thực hiện các mục tiêu PTBV là công việc của tất cả mọi người. Chính phủ một mình không thể thành công trong việc bảo đảm phát triển quốc gia cũng như đạt được các mục tiêu PTBV. Việc huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm các cơ quan của Chính phủ, xã hội dân sự, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác phát triển và toàn thể người dân là hết sức cần thiết để đạt được các mục tiêu PTBV. Huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan cũng chính là huy động nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu PTBV và điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực của chúng ta. Trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng khuyến khích và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác công, công tư, tạo dựng quan hệ đối tác mới với doanh nghiệp, với xã hội dân sự và với cộng đồng quốc tế nhằm huy động nguồn lực trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu PTBV".




Đại diện quốc tế và Việt Nam chụp ảnh lưu niệm
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai thực hiện các mục tiêu PTBV, đó là: Kinh tế phục hồi chậm, cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn. Năng lực cạnh tranh quốc gia chưa được cải thiện nhiều, nhất là về thể chế kinh tế. Các vấn đề về xã hội vẫn còn nhiều nổi cộm. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường gia tăng, sản xuất và tiêu dùng còn nhiều lãng phí và không hiệu quả. Tác động của Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng sẽ là yếu tố tác động không nhỏ tới những thành quả đạt được trong việc thực hiện Các mục tiêu PTBV trong 15 năm tới. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đang bắt đầu giảm mạnh, do vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về nguồn lực tài chính khi triển khai thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được các mục tiêu PTBV, việc tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu, thúc đẩy hợp tác phát triển giữa các quốc gia trong khu vực, kết hợp quan hệ đối tác nhiều bên nhằm huy động và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ và tài chính cho thực hiện các mục tiêu PTBV có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo