Ngày đăng:
29 | 06 | 2016
Ngày 29/6/2016, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo góp ý cho nhóm nghiên cứu thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá, xây dựng khung chính sách và pháp luật về không khí sạch ở Việt Nam” do Phó Viện trưởng – TS Nguyễn Trung Thắng chủ trì. Đến dự Hội thảo có đại diện của Cục Kiểm soát ô nhiễm, Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng Cục môi trường), Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực và đạt được một số thành tích trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm không khí, tuy nhiên, ô nhiễm không khí, nhất là ô nhiễm bụi vẫn đang ở tình trạng đáng báo động, đặc biệt tại các đô thị lớn và khu vực sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay,Việt Nam vẫn chưa có một luật riêng quy định về quản lý chất lượng không khí, các văn bản quy định chuyên ngành gần như chưa có; Hệ thống Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) quy định về một số chỉ số chất lượng không khí hoặc chưa phù hợp hoặc đã lỗi thời; Hệ thống quan trắc chất lượng vẫn còn rất khiêm tốn cả về số lượng và khả năng quan trắc; Cách tiếp cận trong quản lý không khí ở Việt Nam hiện vẫn nặng về phòng ngừa, kiểm soát mà chưa đi theo hướng tiếp cận tổng hợp.

Dự án “Điều tra, đánh giá, xây dựng khung chính sách và pháp luật về không khí sạch ở Việt Nam” được nhóm nghiên cứu thực hiện với mục tiêu chung: Hình thành hệ thống chính sách và pháp luật về quản lý chất lượng không khí ở Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nhiệm vụ của dự án là tổng hợp các tài liệu liên quan về quản lý và bảo vệ chất lượng không khí; Điều tra, phân tích, đánh giá tình hình ô nhiễm không khí và công tác quản lý chất lượng không khí ở Việt Nam; Đề xuất khung chính sách và pháp luật về không khí sạch đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Kết thúc Dự án, nhóm sẽ cho ra mắt Báo cáo khung chính sách và pháp luật về quản lý chất lượng không khí ở Việt Nam và Báo cáo tổng hợp trong đó thể hiện đầy đủ các nội dung đã thực hiện của nhiệm vụ.
Phần lớn góp ý của đại diện đến từ các đơn vị đều nhấn mạnh việc làm rõ hơn những căn cứ khoa học, pháp lý; bổ sung hiện trạng và những số liệu thực tế… Ngoài ra, cần bổ sung thêm lịch sử ô nhiễm ở các nước trên thế giới để có hướng đề xuất những phương pháp phù hợp ở Việt Nam. Đây là những đóng góp rất cần thiết, hữu ích để nhóm nghiên cứu có thêm căn cứ để hoàn thiện Dự án./.

Đại diện Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) (giữa) góp ý nội dung Dự án

Phó Viện trưởng - TS Nguyễn Trung Thắng

Nhóm thực hiện trao đổi thông tin về Dự án
Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo