Hội thảo hướng đến hai mục tiêu chính: Một là, xác định các cơ hội, thách thức, tầm nhìn và giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách trong các lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường để hướng tới phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới. Hai là, chia sẻ, trao đổi thông tin, tạo sự kết nối hiệu quả, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị quản lý các lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; qua đó nhằm kết nối hoạt động nghiên cứu khoa học với việc xây dựng chiến lược và chính sách.
Hiện nay, suy thoái kinh tế, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và đặc biệt là biến đổi khí hậu tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững của nhân loại. Từ năm 2012, tại Hội nghị Rio +20 Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh. Tháng 9 năm 2015, Chương trình nghị sự 2030 đã được thông qua và các nước đang bắt đầu tích cực triển khai thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong 15 năm tới. Đặc biệt, Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu vừa đạt được tại COP 21, tháng 12 năm 2015, đã đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử, trong việc đoàn kết các quốc gia trên thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể nhận thấy rằng, để bảo đảm phát triển bền vững, tư duy của con người đang có những bước chuyển đổi sâu sắc, ngày càng phải chú trọng hơn đến các vấn đề tài nguyên môi trường, phát triển hài hòa với thiên nhiên, tuân theo quy luật của tự nhiên.
Ở nước ta, sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội. Đất nước đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình thấp; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, sau 30 năm tập trung ưu tiên vào tăng trưởng kinh tế để thoát nghèo; tài nguyên và môi trường nước ta cũng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ô nhiễm, suy thoái môi trường tiếp tục gia tăng, cả về số lượng, quy mô, điển hình là sự cố ô nhiễm môi trường biển khu vực miền Trung từ tháng 4 năm 2016 vừa qua; ô nhiễm không khí ở các đô thị; nạn chặt phá rừng trái phép tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đến dự và chủ trì hội thảo
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng: “Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, ngành tài nguyên và môi trường cần phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, công tác nghiên cứu khoa học, kịp thời dự báo, nắm bắt những vấn đề mới; đánh giá những bất cập, tồn tại để đưa ra các giải pháp hoàn thiện phục vụ việc xây dựng chiến lược, chính sách quản lý tài nguyên môi trường là rất quan trọng. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phải là “cầu nối” giữa khoa học và chính sách; các kết quả nghiên cứu của Viện phải cung cấp được cơ sở khoa học, phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng chính sách của các đơn vị quản lý, các Cục, Tổng cục trong Bộ. Viện và các Cục, Tổng cục phải có mối liên hệ và hợp tác chặt chẽ, mật thiết, để bảo đảm việc xây dựng chính sách phải dựa trên cơ sở khoa học, dựa trên bằng chứng..”
Trong 10 năm xây dựng và phát triển, Viện đã từng bước trưởng thành, đã có những đóng góp đáng kể cho ngành chúng ta. Viện đã tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành một số chủ trương lớn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 29 tháng 01 năm 2009 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Luật Đa dạng sinh học 2008; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến 2020; Chiến lược khai thác sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đến 2020,...



Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo
Sau báo cáo đề dẫn “Quản lý tài nguyên và môi trường: cơ hội, thách thức, tầm nhìn và các giải pháp hướng tới phát triển bền vững” của PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng ISPONRE, các đại biểu tham dự lần lượt đưa ra những tham luận đóng góp cho hội thảo: Tham luận “Ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam: thực trạng và định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách đến năm 2020, tầm nhìn 2030” của GS. TS Mai Trọng Nhuận; "Đánh giá tính dễ bị tổn thương và Thích ứng dựa vào hệ sinh thái" - Ông Ivo Litzenberg; "Đánh giá thực trạng chiến lược, chính sách quản lý đất đai của Việt Nam, định hướng xây dựng chính sách đến năm 2020, tầm nhìn 2030" của TS. Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục quản lý đất đai; "Quản lý tổng hợp biển và hải đảo: thực trạng và các nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020, tầm nhìn 2030" của TS. Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng cục trưởng củaTổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam....
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp và đóng góp được nhiều giải pháp thúc đẩy, hoàn thiện công tác quản lý của từng lĩnh vực của ngành; đồng thời đề xuất các hoạt động cụ thể để thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị quản lý (các Cục, Tổng cục) của Bộ và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường hướng tới hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và môi trường./.



Khu vực trưng bày giới thiệu các ấn phẩm khoa học tại hội thảo
Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo