Nằm trong chuỗi các hoạt động đã đề ra của Đoàn Thanh niên trong năm 2016, ngày 29/4, Chi đoàn Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Sermina khoa học với Chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm đề xuất đề tài, dự án, đề án phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường”. TS Trần Tú Cường - Trưởng ban Đất đai và ThS. Đặng Quốc Thắng - Trưởng ban Kinh tế TN&MT là những cán bộ có kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm, có nhiều ý tưởng mới trong việc đề xuất đề tài, dự án, đề án phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường đại diện chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các các bộ nghiên cứu trẻ. Buổi sermina còn có sự tham gia của TS Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng và toàn thể Đoàn viên, thanh niên của Viện. Viện trưởng - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đã chủ trì buổi trao đổi.

TS Trần Tú Cường - Trưởng ban Đất đai
Theo TS Trần Tú Cường, có rất nhiều cách để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, điều đó tùy thuộc vào lĩnh vực, tùy thuộc vào con người và tùy thuộc vào giai đoạn lịch sử xã hội. Để lí giải sâu hơn về nhận định này, TS Trần Tú Cường đã đưa ra những ví dụ rất cụ thể. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, thậm chí xuất những thiên tài rất nhỏ tuổi đã phát minh ra những thứ mà xã hội lúc bấy giờ chưa có, chưa biết đến (nhà bác học Edison khi còn đi học đã phát minh ra máy điện báo...). Nhưng trong lĩnh vực khoa học xã hội lại đòi hỏi sự kết hợp qua lại giữa quá trình tĩnh lũy tri thức và quá trình kiểm nghiệm thực tế, yêu cầu thực tiễn của xã hội. Trong lĩnh vực nghiên cứu chiến lược, chính sách cũng vậy, việc một cán bộ nghiên cứu phát hiện ra vấn đề và nghiên cứu cách giải quyết đòi hỏi nền kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm xã hội. Vậy để tìm được điểm gặp nhau giữa những nhà khoa học (với rất nhiều vấn đề được phát hiện) và Nhà nước (những đơn vị đặt hàng các nhà khoa học để giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh) thì những nhà khoa học ngoài năng lực chuyên môn cần có kỹ năng quảng bá, giới thiệu để xã hội tiếp nhận mình.
TS Trần Tú Cường nhấn mạnh, lao động khoa học là một hình thức lao động trí óc vô cùng cực khổ, công sức bỏ ra không đong đếm được bằng thời gian, năng lượng mà đòi hỏi sự hy sinh, trăn trở để cống hiến cho xã hội. Lợi thế của các bạn thanh niên hiện nay là tiềm năng của tuổi trẻ với quỹ thời gian còn nhiều, khả năng thu nhận tri thức lớn, vì vậy nên dành quỹ thời gian nhất định để học, học bằng mọi cách để tích lũy dung lượng kiến thức, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin, để tìm được những gợi ý tốt, gợi mở những vấn đề hay để kế thừa và phát triển.

ThS Đặng Quốc Thắng - Trưởng ban Kinh tế TN&MT
ThS Đặng Quốc Thắng với kinh nghiệm nghiên cứu của mình, đã đưa ra một hệ thống hướng dẫn chi tiết đầy đủ quy trình, cách thức từ khi đặt vấn đề nghiên cứu đến khi vấn đề được giải quyết và nghiệm thu để các nghiên cứu viên, đặc biệt là những nghiên cứu viên còn ít kinh nghiệm hình dung rõ hơn cách thức để thực hiện một đề tài, một đề án hay dự án phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường.

Viện trưởng - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh (trái) và Phó Viện trưởng - TS Nguyễn Trung Thắng
TS Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng dành cho các bạn nghiên cứu viên trẻ lời khuyên để làm tốt công việc của mình, trước hết hãy xác định rõ mục tiêu làm việc, hiểu rõ năng lực, vị trí, mong muốn của mình để có thể phát huy hết khả năng, thế mạnh của bản thân, đóng góp cho xã hội bằng nhiều cách bởi vì lao động nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự đam mê và hy sinh rất lớn.
Buổi sermina kết thúc với rất nhiều những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích được chia sẻ. Chính vì vậy, Viện trưởng Nguyễn Thế Chinh khẳng định, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cần tăng cường những buổi sermina khoa học để giúp những nghiên cứu viên trẻ có hướng tiếp cận nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả và chất lượng hơn.

Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo