TIN TỨC-SỰ KIỆN

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày đăng: 13 | 02 | 2023

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 80/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh bao gồm toàn bộ tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền 6.206,9 km2 và phần diện tích biển có ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm một khoảng cách 06 hải lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố, với 13 đơn vị hành chính gồm: 04 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 02 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều) và 07 huyện (Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô).

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Về mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 10%/năm, cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 3 - 4%; công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 47 - 48%; dịch vụ chiếm khoảng 38 - 39% và Thuế sản phẩm 9 - 10%; GRDP bình quân đầu người đạt 19.000 - 20.000 USD.

Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 1,9%/năm; đến 2030 dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người, trong đó dân số thường trú khoảng 1,63 triệu người; Duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh ở nhóm 5 tỉnh thành phố đứng đầu cả nước; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%;...

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.

Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao

Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó với ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế.

Phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than; đầu tư nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, bảo vệ môi trường.

Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch; giai đoạn 2021 - 2030, sản lượng khai thác than của Quảng Ninh cơ bản ổn định và tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 1,2%/năm; đến năm 2030, sản lượng khai thác đạt trên 49 triệu tấn.

Quảng Ninh là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế

Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; phát triển Quảng Ninh là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; sân bay quốc tế Vân Đồn thành một trung tâm logsitics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho khu vực Đông Nam Á.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, giá trị gia tăng lớn; Quảng Ninh là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế; đón khách quanh năm, phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 25 triệu lượt du khách (trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế), đạt tốc độ tăng trưởng du khách bình quân khoảng 6%/năm.

Xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước

Về kinh tế biển Quyết định nêu rõ, xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển - ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.

Đồng thời xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước.

Phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển (nuôi biển) công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; khuyến khích nuôi các đối tượng làm dược liệu biển và thực phẩm dinh dưỡng từ sản phẩm biển; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch,... để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển. Quy hoạch không gian ven biển, ven bờ (ven đảo lớn) cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội ở Quảng Ninh.

Ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm "lợi ích kép" trong phát triển. Chuyển dần sang phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Coi trọng hợp tác quốc tế và khu vực trong phát triển kinh tế biển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực biển hiệu quả.

Tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển; phân bổ không gian biển, vùng ven biển và đảo cho các ngành/lĩnh vực theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích và giảm xung đột không gian trong khai thác, sử dụng cùng một vùng ven biển, đảo và biển, giữa các tập thể và cá nhân.

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; đồng thời giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đặc trưng Quảng Ninh để phát triển du lịch bền vững. Phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển của tỉnh theo phương thức quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia thực chất của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

(Theo baotainguyenmoitruong.vn)

NỘI DUNG KHÁC

Khởi động chiến dịch Ngày Nước Thế giới 2023: Thúc đẩy sự thay đổi

14-2-2023

Chiến dịch cho Ngày Nước Thế giới năm 2023 hiện đang hoạt động. Trọng tâm của chiến dịch này là thúc đẩy thay đổi để giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Họp triển khai nhiệm vụ “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với Biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”

14-2-2023

Ngày 13/02/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với Biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Cuộc họp diễn ra tại trụ sở Viện, với sự tham gia của Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng và các thành viên thực hiện nhiệm vụ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên và môi trường năm 2023

15-2-2023

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 576/BTNMT-VP gửi các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về tài nguyen và môi trường năm 2023.

Lễ khởi động dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”

16-2-2023

Ngày 16/02/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam dưới sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức Lễ khởi động dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”. Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng đã tham dự và phát biểu tại buổi lễ.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) ký thỏa thuận hợp tác (MOU) giai đoạn 2023 - 2025 với Viện Hanns Seidel Foundation (HSF)

16-2-2023

Ngày 16/02/2023, tại trụ sở, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) đã diễn ra Lễ ký thỏa thuận hợp tác (MOU) với Viện Hanns Seidel Foundation (HSF). PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng ISPONRE và ông Micheal Siegner, Trưởng đại diện HSF đã đại diện hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác. Tham dự Lễ ký kết còn có lãnh đạo Viện ISPONRE, bà Nguyễn Thu Trang – Cán bộ chương trình và thủ trưởng một số đơn vị thuộc ISPONRE.

Ban hành Quyết định thành lập Hội đồng EPR quốc gia: Tư vấn quản lý, giám sát trách nhiệm tái chế chất thải

17-2-2023

Thực hiện quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Quyết định số 252/QĐ-BTNMT ngày 14/02/2023 thành lập Hội đồng EPR quốc gia.

Mực nước biển dâng gây ra những rủi ro “không tưởng” cho hành tinh

17-2-2023

Mực nước biển dâng gây ra những rủi ro “không thể tưởng tượng được” đối với hàng tỷ người trên khắp thế giới, với những tác động sâu sắc đối với an ninh, luật pháp quốc tế, nhân quyền và cơ cấu xã hội.

Dự kiến Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vào cuối năm 2023

17-2-2023

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 16/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023, trong đó nhấn mạnh đến những định hướng trong sửa đổi Luật Tài nguyên nước.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 với thông điệp: “Sách: Nhận thức – Đổi mới – Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”

17-2-2023

Thực hiện Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023. Ngày 15/02/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành công văn số 794/BTNMT-VP về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường sinh hoạt chi bộ tháng 02/2023    

27-2-2023

Ngày 24/02/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 2 dưới sự chủ trì của Bí thư Chi bộ Mai Thanh Dung cùng sự tham dự của toàn thể các đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường. Đây là buổi sinh hoạt chi bộ đầu tiên có sự tham dự đầy đủ của các đảng viên thuộc Trung tâm Phát triển và Ứng dụng khoa học công nghệ về đất đai và Tạp chí Môi trường sau khi chuyển giao. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số đảng viên của Chi bộ Viện tăng lên 76 đảng viên, trong đó có 72 đảng viên chính thức, 04 đảng viên dự bị.

Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

27-2-2023

Ngày 25/02/2023, tại Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo, các bộ, ngành liên quan; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Viện trưởng – PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ đã tham dự Hội nghị.

Hội thảo “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”

27-2-2023

Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023), ngày 27/02/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hội thảo “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển” do 4 cơ quan là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Hội thảo diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp với sự có mặt khoảng 250 đại biểu và trực tuyến với đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố. Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường – TS. Nguyễn Trung Thắng đã tham dự Hội thảo.