Ngày đăng:
26 | 07 | 2023
Ngày 26/7/2023, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khởi động nhiệm vụ “Rà soát, xây dựng phương pháp kiểm kê khí nhà kính (KNK) và hướng dẫn giám sát – báo cáo – thẩm tra (MRV); đề xuất danh mục các bon thấp và thử nghiệm đánh giá kiểm kê KNK cho 3 thành phố (Huế, Hà Giang, Vĩnh Yên)”. Đây là hoạt động nghiên cứu thuộc khuôn khổ dự án “Lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II” do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường được Bộ Tài nguyên Môi trường giao làm Chủ dự án, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường là cơ quan đồng thực hiện. Đến dự và chủ trì Hội thảo có ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường/Giám đốc Ban QLDA; TS. Nguyễn Trung Thắng – PVT Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, cùng các đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành, các Viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, chuyên. Đặc biệt là sự có tham dự của đại diện các cơ quan thuộc các tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên Huế.
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường/Giám đốc Ban QLDA
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một trong những thách thức lớn trong thế kỷ XXI, tác động đáng kể đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến các khu vực trong lãnh thổ Việt Nam. Kể từ khi Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư Kyoto vào tháng 9 năm 2002, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành nội dung chính trong chương trình nghị sự phát triển của quốc gia. Việt Nam đã cam kết ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương và tăng khả năng phục hồi. Chủ động ứng phó với BĐKH là quan điểm xuyên suốt trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26) yêu cầu Việt Nam phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải.
Trong bối cảnh Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trong tiến trình phát triển đô thị, với tốc độ gia tăng dân số đô thị, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp hơn nảy sinh từ quá trình đô thị hóa, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu. Việc triển khai đồng bộ các hoạt động phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của BĐKH là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững đô thị nói chung, đô thị loại II nói riêng.
TS. Nguyễn Trung Thắng – PVT Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (giữa) đồng chủ trì Hội thảo
Việt Nam đã triển khai kiểm kê khí nhà kính (KNK) và tiến hành xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ nhất vào năm 1994, Thông báo quốc gia lần thứ hai vào năm 2010, Báo cáo cập nhật hai năm một lần (BUR) vào năm 2000, BUR2 vào năm 2013, Thông báo quốc gia lần thứ 3 vào năm 2014 và BUR3 vào năm 2016 đối với 05 lĩnh vực: năng lượng; quy trình công nghiệp; nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF); và chất thải. Ở cấp địa phương, kiểm kê KNK đã được triển khai tại một số tỉnh. Tuy nhiên, công tác kiểm kê KNK tại cấp thành phố, đặc biệt tại các đô thị loại II vẫn chưa được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Từ năm 2017, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng và triển khai một số dự án, chương trình liên quan đến hệ thống Đo đạc - Báo cáo – Thẩm tra (MRV) các cấp.
Hội thảo khởi động nhiệm vụ “Rà soát, xây dựng phương pháp kiểm kê khí nhà kính (KNK) và hướng dẫn giám sát – báo cáo – thẩm tra (MRV); đề xuất danh mục các bon thấp và thử nghiệm đánh giá kiểm kê KNK cho 3 thành phố (Huế, Hà Giang, Vĩnh Yên)” được tổ chức nhằm giới thiệu về mục tiêu, nội dung, phương pháp thực hiện và xin ý kiến các Bộ/ngành, địa phương và các chuyên gia về kế hoạch và sự phối hợp trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường năng lực thể chế bảo vệ môi trường và chống chịu BĐKH phục vụ phát triển các đô thị loại II.
Toàn cảnh Hội thảo

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường