TIN TỨC-SỰ KIỆN

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Ngày đăng: 05 | 10 | 2023

Ngày 4/10/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Công điện số 916/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4. Công điện nêu: Sau gần 06 năm triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) và qua 03 đợt thanh tra thực tế của Đoàn Thanh tra EC, kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sau đợt thanh tra lần thứ 3 (vào tháng 10 năm 2022) của EC đến nay, kết quả triển khai các khuyến nghị của EC tại địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU như: (i) Tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; (ii) Thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi vi phạm khai thác IUU còn chưa nghiêm; (iii) Chưa hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản; (iv) Chậm triển khai xử lý đối với các phát hiện của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 liên quan đến một số tàu cá nhập khẩu, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và cảng cá xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác có dấu hiệu vi phạm quy định IUU…

ttxvnngu dan danh bat hai san
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Nếu không sớm giải quyết dứt điểm hiện trạng vi phạm khai thác IUU như hiện nay, không những không gỡ được cảnh báo "Thẻ vàng" mà nguy cơ bị cảnh báo "Thẻ đỏ" là rất cao, trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành và lực lượng chức năng tại địa phương chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 4 của EC (từ ngày 10 đến 18 tháng 10 năm 2023), không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Thủy sản, đời sống sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; đặc biệt là làm giảm uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan cần phải đặt trách nhiệm cao nhất tại thời điểm hiện nay, nghiêm túc chấn chỉnh, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU giao tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2023, Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2023 và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan; từ nay đến trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam lần thứ 4 cần tập trung nguồn lực, xử lý dứt điểm các nội dung trọng tâm, cấp bách sau:

1. Các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan đảm bảo nguồn lực, kinh phí khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế; chuẩn bị nội dung và các điều kiện tốt nhất để đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không dung túng, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng cố tình thực hiện hành vi trái phép làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC, đặc biệt là chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC đảm bảo đạt kết quả tốt nhất.

- Trong quá trình Đoàn Thanh tra EC công tác tại Việt Nam, tận dụng mọi cơ hội giải thích, chứng minh cho Đoàn Thanh tra EC hiểu, nắm được hoàn cảnh, điều kiện ngành thủy sản Việt Nam, quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của các cơ quan liên quan của Việt Nam trong chống khai thác IUU để trên cơ sở đó Đoàn có ý kiến ủng hộ gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần này.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả sau khi Đoàn Thanh tra EC kết thúc làm việc tại Việt Nam.

3. Bộ Quốc phòng:

- Tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn không để tái diễn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài:

+ Tăng cường lực lượng chức năng, phối hợp với chính quyền địa phương nắm chắc các địa bàn trọng điểm, đối tượng có nguy cơ cao vi phạm, theo dõi, chặn ngay từ bờ và tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển giáp ranh với các nước, tại các đảo, cửa sông, cửa lạch, xử lý triệt để các đối tượng tham gia khai thác hải sản không tuân thủ quy định pháp luật.

+ Rà soát, củng cố lại toàn bộ danh sách, hồ sơ dữ liệu xử phạt tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất số liệu tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; đặc biệt là số liệu tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng:

+ Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các thủ tục cho Đoàn Thanh tra EC và Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cảng biển chỉ định do Bộ Quốc phòng quản lý thực hiện Hiệp định về Biện pháp các quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cho tàu nước ngoài cập cảng để thực hiện chương trình làm việc theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra EC.

+ Tăng cường lực lượng biên phòng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, cảng vụ tại cảng biển chỉ định thực hiện Hiệp định PSMA và cơ quan quản lý thủy sản tại cảng cá để chuẩn bị tốt nội dung, phương án làm việc với Đoàn Thanh tra EC.

+ Rà soát, lưu trữ hồ sơ đảm bảo thống nhất số liệu kiểm soát tàu cá giữa lực lượng biên phòng và cảng cá tại địa phương, kịp thời cung cấp hồ sơ xử lý các hành vi khai thác IUU theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra EC; cập nhật đầy đủ kết quả xử phạt vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

4. Bộ Công an: Đảm bảo an toàn, an ninh trước, trong và sau thời gian Đoàn Thanh tra EC làm việc tại Việt Nam.

5. Bộ Ngoại giao: Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đón, tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra EC.

6. Bộ Tài chính: Chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải… trong trao đổi thông tin, cung cấp hồ sơ liên quan trong việc thực hiện quy định của Hiệp định PSMA và kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu bằng tàu Container.

7. Bộ Giao thông vận tải:

- Chỉ đạo các cảng biển chỉ định phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan chuẩn bị kỹ hồ sơ kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác của tàu nước ngoài cập cảng theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hiệp định PSMA.

- Bố trí nguồn lực, địa điểm và các điều kiện cần thiết khác để tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra EC tại các cảng biển chỉ định.

8. Bộ Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan định hướng thông tin tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền về nỗ lực phòng, chống khai thác IUU của Việt Nam.

9. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển:

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quy định pháp luật trong công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, cụ thể:

- Đảm bảo nắm được toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương; nắm rõ, cập nhật hiện trạng hàng ngày đối với các tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác (tàu đang neo đậu ở đâu, tình trạng tàu…).

- Chỉ đạo lực lượng biên phòng kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh và tàu cá của tỉnh khác phải đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định; đặc biệt thiết bị VMS trên tàu cá từ 15 mét trở lên phải mở máy, hoạt động bình thường từ lúc rời cảng, đến khi cập cảng.

- Điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về VMS, trước mắt tập trung xử lý 100% tàu cá có chiều dài 24 mét trở lên vi phạm theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tổng hợp danh sách, tổ chức làm việc trực tiếp với từng chủ tàu để hướng dẫn thủ tục, thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép và cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

- Khẩn trương xây dựng chi tiết kế hoạch, chương trình, nội dung đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4; chuẩn bị kỹ hồ sơ, tài liệu liên quan, công tác hậu cần, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Đoàn Thanh tra EC đảm bảo đạt kết quả tốt nhất; đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Đoàn Thanh tra EC trong thời gian làm việc.

- Bố trí địa điểm, cán bộ nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, khả năng trình bày báo cáo và trả lời các yêu cầu của Đoàn Thanh tra EC; rà soát, sắp xếp, lưu trữ hồ sơ cả bản giấy và trên phần mềm điện tử đảm bảo hồ sơ thực hiện được liên kết theo chuỗi truy xuất được nguồn gốc, lưu trữ khoa học để dễ dàng truy xuất, cung cấp kịp thời theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra EC (đặc biệt là tại cảng cá, Chi cục Thủy sản, Văn phòng thanh tra kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá, lực lượng biên phòng, doanh nghiệp xuất khẩu…), tránh để xảy ra các tình huống bị động, sai xót ảnh hưởng đến kết quả thanh tra của Đoàn Thanh tra EC.

10. Các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Theo Chinhphu.vn

NỘI DUNG KHÁC

Quy hoạch không gian biển là công cụ quan trọng để cụ thể hóa “Quy hoạch tổng thể quốc gia”

9-10-2023

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị công tác tuyên truyền thời gian tới cần nhấn mạnh Quy hoạch không gian biển là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực; là quy hoạch đa ngành, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam…Ngày 6/10, tại thành phố Hạ Long, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 10. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy dự và chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Nguyễn Quế Lâm, Phó trưởng ban Chuyên trách, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Đình Tĩnh, Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao cùng các đồng chí là Trưởng ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo các đơn vị của tỉnh Quảng Ninh.

Đề xuất chu kỳ đánh giá tác động môi trường cho hoạt động nạo vét tuyến hàng hải

10-10-2023

Tại dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, Bộ Giao thông vận tải đề xuất cần sửa đổi chu kỳ thực hiện các thủ tục trên nhằm giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, giảm các thủ tục hành chính cho các dự án, công trình nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải. Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP quy định: "Đối với các dự án, công trình nạo vét duy tu với khối lượng thực hiện hàng năm có tính quy luật, việc đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện theo thời hạn từng năm hoặc theo chu kỳ đến 5 năm". Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông vận tải, việc hàng năm lập hồ sơ chưa phù hợp với thời gian tổ chức nạo vét duy tu cũng như trữ lượng của bãi chứa (có một số công trình phải triển khai trong 2 năm).

Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng xanh hướng đến phát triển bền vững

10-10-2023

Xu hướng tiêu dùng bền vững, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây được xem là thị trường tiềm năng cho các ngành sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững, thúc đẩy ứng dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch và công nghệ bền vững trong lĩnh vực tiêu thụ năng lượng chuyên sâu và ô nhiễm môi trường đã đạt 60 – 70%; 50% doanh nghiệp sản xuất đã áp dụng các giải pháp sản xuất và tiết kiệm năng lượng sạch hơn; 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được đào tạo và thực hiện các giải pháp sản xuất và tiết kiệm năng lượng sạch hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam đã áp dụng chứng nhận phân phối xanh cho nhà phân phối, phát triển thành công và dần mở rộng chuỗi cung ứng bền vững cho các sản phẩm chính trong nền kinh tế, chuỗi bán lẻ xanh.Thông qua nhiều cơ chế chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn, những năm qua, tỷ lệ sản phẩm bền vững trong tổng khối lượng sản phẩm xuất khẩu chính tại Việt Nam đang tăng dần của. Xu hướng hiện nay là tăng cường các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế (3Rs) các sản phẩm như: túi nhựa, giấy, dầu, sắt và thép, đặc biệt là chất thải rắn đô thị. Nhiều địa phương áp dụng biện pháp thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng trong xử lý chất thải, ước tính 90% chất thải giấy và dầu thải sẽ được tái chế, 75% chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu hồi để tái sử dụng và tái chế.

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10): Đưa chuyển đổi số lan tỏa, tác động đến mọi người dân

12-10-2023

Năm 2023 là năm thứ hai Ngày Chuyển đổi số quốc gia (ngày 10/10) được tổ chức. Đây là dịp khơi dậy và lan tỏa niềm tự hào dân tộc, thổi bùng lên nhiệt huyết và tinh thần đóng góp cho dân tộc, đất nước bằng sự đổi mới, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả những chương trình, nhiệm vụ để chuyển đổi số thành công. Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia đã quyết định ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là ngày để đánh giá, nhìn nhận và đẩy nhanh các hành động với một tầm nhìn 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đồng thời, hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp – cùng chung tay để hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường 2045.

Chia sẻ tài nguyên nước nhìn từ mô hình Ban điều phối lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn

12-10-2023

Sự ra đời của Ban điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, thúc đẩy an toàn an ninh nguồn nước. Vấn đề cấp thiết được đặt ra là cần có một tổ chức lưu vực sông, đặc biệt khi Vu Gia - Thu Bồn liên quan đến nguồn nước trực tiếp phục vụ sinh hoạt cho nhân dân Quảng Nam và Đà Nẵng. Vu Gia - Thu Bồn là 1 trong 10 lưu vực sông lớn nhất Việt Nam và có lượng mưa trung bình lưu vực lớn nhất Việt Nam. Thế nhưng, trên thực tế, tài nguyên nước trên lưu vực không dồi dào do luôn phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng gây mất an ninh nguồn nước. Việc phân bố dòng chảy không đều giữa mùa mưa, mùa khô và dưới tác động gia tăng của BĐKH làm cho mưa được dự báo tăng trong mùa mưa, giảm trong mùa khô. Đi kèm với đó là quá trình mặn hóa, xâm thực bờ biển, ngập lụt và sạt, lở bờ sông ngày càng diễn biến phức tạp hơn trước.

Tăng nguồn cung hàng hóa các-bon

12-10-2023

Trong khi thị trường các-bon nội địa (hay còn gọi là thị trường bắt buộc) phải có thời gian để định hình, một nhánh khác là thị trường tín chỉ các-bon tự nguyện đang phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức tham gia sản xuất tín chỉ các-bon song song với triển khai giải pháp giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Thị trường các-bon tự nguyện hình thành trên nhu cầu tiêu dùng khác nhau của các công ty, tổ chức nằm ngoài quy định giảm phát thải của Nhà nước. Nó cho phép các công ty và cá nhân có thể bù đắp trực tiếp lượng phát thải KNK của họ mà không cần ràng buộc pháp lý giữa các quốc gia và có thể được công nhận ở các hệ thống giao dịch phát thải tùy theo quy định của nước sở tại. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước và công ty FDI tuyên bố cam kết trung hòa các-bon hay phát thải ròng bằng “0”, nhu cầu cho tín chỉ bù đắp phát thải đang tăng nhanh.

Cuộc họp tham vấn chuyên gia về dự án “Quản lý tổng hợp cảnh quan bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”

13-10-2023

Ngày 13 tháng 10 năm 2023, trong khuôn khổ dự án “Quản lý tổng hợp cảnh quan bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF)  tài trợ, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức cuộc họp tham vấn các bên liên quan nhằm hoàn thiện nội dung và kế hoạch thực hiện dự án. PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng chủ trì cuộc họp.

Việt Nam ký hiệp định mang tính lịch sử về biển cả

16-10-2023

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký Hiệp định trong khuôn khổ chuyến làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Sáng ngày 20/9 (giờ New York), trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Hơn 60 quốc gia tham gia ký Hiệp định trong tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tìm giải pháp phát triển ngành năng lượng Việt Nam

18-10-2023

Vừa qua, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam”, nhằm đánh giá kết quả cũng như nhìn nhận lại khó khăn, tồn tại trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch sang năng lượng sạch; đồng thời, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp (DN), từ đó thảo luận, trao đổi về hiện trạng, tiềm năng và đưa ra giải pháp hữu hiệu góp phần phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam trong tương lai. Đây cũng là vấn đề có tính thời sự, đang được Phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập ở nội dung giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.
Trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng, bởi các nguồn năng lượng truyền thống gây ra nhiều tác động tiêu cực lên môi trường. Thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại COP 26. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, sạch và an toàn cho sức khỏe con người.

Giảm rủi ro thiên tai sẽ thúc đẩy bình đẳng, cải thiện khả năng phục hồi

19-10-2023

Để chống lại sự bất bình đẳng vì một tương lai an toàn và công bằng hơn cho tất cả mọi người, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres vừa kêu gọi các quốc gia ở khắp mọi nơi tăng cường khả năng phục hồi và ứng phó với rủi ro thiên tai.Theo nhiều ước tính khác nhau, hiện nay, có tới 75% các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu và hiện tượng này gia tăng bởi lượng khí thải carbon. Những quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất do thiên tai là những nước ít gây ra vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu nhất. Theo số liệu của Liên hợp quốc, từ năm 1970 đến năm 2019, khoảng 91% tổng số ca tử vong do các mối nguy hiểm về thời tiết, khí hậu và nước xảy ra ở các nước đang phát triển. Bất bình đẳng và tình trạng dễ bị tổn thương do thiên tai là hai mặt của cùng một vấn đề: khả năng tiếp cận các dịch vụ không đồng đều như tài chính và bảo hiểm khiến những người có nguy cơ cao nhất phải đối mặt với nguy cơ thiên tai. Trong khi đó, tác động của thiên tai làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và đẩy những người có nguy cơ cao nhất vào cảnh nghèo đói.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức buổi Gặp mặt - Chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

20-10-2023

Vào ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam” và được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 là ngày đầu tiên trong lịch sử nước ta, một đoàn thể quần chúng của phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Trải qua bao thăng trầm của xã hội, người phụ nữ Việt Nam ngày càng có tri thức, có sức khỏe, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng. Nhân dịp này, ngày 20/20/2023, Công Đoàn và Đoàn Thanh niên Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã phối hợp tổ chức buổi Gặp mặt Chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 nhằm tôn vinh phụ nữ Việt Nam, cũng như thay mặt Viện gửi đến chị em lời chúc mừng, động viên chân thành vì đã luôn khắc phục khó khăn, giỏi việc nước, đảm việc nhà, cống hiến vì sự phát triển chung của Viện. Thay mặt Lãnh đạo Viện, Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung và Phó Viện trưởng Nguyễn Minh Trung đã đến dự, đại diện cho phái mạnh của Viện gửi tặng chị em lời chúc tốt đẹp và những bó hoa tươi thắm.

Chuẩn bị phát động Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2023

23-10-2023

Ngày 19/10, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp về việc tổ chức xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2023. Giải thưởng nhằm biểu dương, tôn vinh các tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và nhân rộng điển hình tiên tiến. Tại cuộc họp, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường đã trình bày các nội dung dự thảo Quyết định của Bộ TN&MT về việc Tổ chức xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2023. Theo đó, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2023.