TIN TỨC-SỰ KIỆN

Ngành Tài nguyên và Môi trường cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp hướng tới kinh tế xanh

Ngày đăng: 20 | 03 | 2023

Phát biểu tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) sáng 19/3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên khẳng định: Ngành tài nguyên và môi trường cam kết luôn lắng nghe, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để hoàn thiện cơ chế chính sách, nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Trước đó, tại phiên kỹ thuật Diễn đàn VBF, Bộ TN&MT đã nhận được 28 ý kiến từ các Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề: Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) sáng 19/3

Phản hồi các ý kiến này tại phiên họp cấp cao Diễn đàn VBF, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, Bộ đã cử các cán bộ có trách nhiệm trực tiếp ghi nhận và trao đổi để tháo gỡ.

Về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, hiện nay, mặc dù thời hạn góp với dự thảo Luật đã kết thúc, nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT vẫn hoan nghênh và tiếp thu toàn bộ các ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Mục tiêu để dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào phiên họp cuối năm nay sẽ là một dự thảo có chất lượng tốt nhất. Trong đó, những quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tiếp cận tài nguyên đất sẽ có tính khả thi và cởi mở hơn.

Về lĩnh vực tài nguyên nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2023, Bộ TN&MT dự kiến sẽ xây dựng và trình dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trong đó, có các quy định về phân bổ, sử dụng nguồn nước một cách hài hòa, hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo mục tiêu an ninh nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Về lĩnh vực khai thác khoáng sản, một số ý kiến cho rằng các quy định hiện hành chưa cởi mở, trong đó có vấn đề thuế tài nguyên cũng như là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở Việt Nam chưa cạnh tranh. Bộ TN&MT ghi nhận, thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở Việt Nam nằm trong nhóm nước có mức thu còn cao, thiếu tính cạnh tranh. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) đang được xây dựng và dự kiến trình Quốc hội ban hành vào năm 2024. Trong đó sẽ có những quy định để làm sao thu hút được các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các tập đoàn, công ty lớn của quốc tế vào lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng, ví dụ như khai thác bauxite ở Tây Nguyên, khai thác titan ở Bình Thuận và miền Trung, khai thác đất hiếm tại khu vực Tây Bắc của Việt Nam…

Một lĩnh vực cũng có nhiều ý kiến quan tâm, đó là lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT cũng đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có một số vấn đề vướng mắc nổi lên trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Bộ đang khẩn trương rà soát toàn diện để sẵn sàng có thể bổ sung, sửa đổi các nội dung của Nghị định này, nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, tại phiên họp kĩ thuật, Bộ TN&MT đã nhận được các khuyến nghị tập trung vào các vấn đề lớn. Trước hết là vấn đề thu hút nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon. Theo kịch bản phát triển trong điều kiện thông thường, trong 10 đến 20 năm tới, Việt Nam sẽ phát triển theo hướng năm sau cao hơn năm trước.

Trong bối cảnh đó, để thực hiện mục tiêu lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035 và hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, theo tính toán, Việt Nam sẽ cần nguồn vốn rất lớn khoảng 380 tỷ USD. Đây là một nguồn lực rất lớn chủ yếu đến từ doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Bộ TN&MT đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để có chính sách phù hợp nhằm loại bỏ các rủi ro pháp lý, đồng thời, phân bổ các rủi ro khác một cách hiệu quả để giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư vào việc giảm phát thải khí nhà kính.

Về vấn đề thuế carbon có thể tạo nguồn tài chính cho Quỹ tài chính xanh trong khu vực, Bộ TN&MT tiếp nhận ý kiến này với quan điểm rất tích cực. Hiện nay, theo chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và có thể vận hành thị trường carbon trong nước, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính bắt đầu từ năm 2025.

Cuối cùng, liên quan đến phát triển kinh tế biển, theo kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch sẽ có nhiều nội dung có tính khả thi nhằm khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên biển, trong đó có nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện gió ngoài khơi.

(Theo baotainguyenmoitruong.vn)

NỘI DUNG KHÁC

Hội thảo tham vấn các mô hình ưu tiên trong kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

21-3-2023

Trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ về xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn (KHHĐQG), Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp cùng Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo tham vấn các mô hình ưu tiên trong kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”. Phó Viện trưởng – TS. Mai Thanh Dung đã chủ trì Hội thảo.

Rà soát lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam

22-3-2023

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 85/TB-VPCP ngày 21/3/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Dự thảo Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Sẵn sàng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn

23-3-2023

Sáng 23/3 tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3) và Chiến dịch giờ trái đất năm 2023.Phát biểu tại Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3) và Chiến dịch giờ trái đất năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng với sự chuẩn bị chu đáo của Việt Nam, tất cả đã sẵn sàng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn.

Tăng cường hợp tác quản lý tài nguyên nước, chống biến đổi khí hậu

23-3-2023

Bên lề Hội nghị của Liên Hợp Quốc rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu trong thập kỷ hành động "Nước vì sự phát triển bền vững" giai đoạn 2018-2022, ngày 22/3 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hoa Kỳ Debra Haaland, Bộ trưởng Phát triển bền vững và Môi trường Singapore Grace Fu, Bộ trưởng Nước sạch và Vệ sinh Ấn Độ Gajendra Singh Shekhawat.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gặp Nhà vua Hà Lan, Tổng Thư ký LHQ

23-3-2023

Nhân dịp dự Hội nghị của LHQ rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu trong thập kỷ hành động "Nước vì sự phát triển bền vững" giai đoạn 2018-2022, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã có các cuộc gặp với Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander Claus George Ferdinand, Tổng Thư ký LHQ António Guterres.

Quản lý tài nguyên nước tổng thể, tổng hợp, công bằng

24-3-2023

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ quan điểm này tại phiên đối thoại cấp cao Hợp tác về nước trong khuôn khổ Hội nghị của Liên Hợp Quốc về nước năm 2023, chiều 23/3 (giờ địa phương).

Thống nhất các quy định về tài chính, giá đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

24-3-2023

Ngày 24/03/2023, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Tài chính về hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì buổi làm việc. Tham dự có ông Tạ Lê Thanh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài Chính.

Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, hội nhập, hiệu quả:  Khối Thi đua số V hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022

24-3-2023

Ngày 24/3/2023, Khối thi đua số V - Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng và tuyên truyền năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023. Theo Quyết định số 601/QĐ-BTNMT ngày 30/3/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công nhận Khối trưởng, Khối phó các Khối thi đua năm 2022, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường là Khối trưởng Khối thi đua số V, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ là Khối phó Khối thi đua số V.

Giờ Trái đất 2023: Cả nước tiết kiệm 298.000 kWh điện

27-3-2023

Sự kiện tắt đèn trong vòng một giờ hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 diễn ra từ 20h30 đến 21h30, Thứ Bảy, ngày 25/03/2023 với thông điệp “Tiết kiệm điện – thành thói quen”, nhấn mạnh vào tính cấp bách của hành động. Qua theo dõi số liệu về phụ tải tiêu thụ điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, ssau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2023 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 25/03), cả nước đã tiết kiệm 298.000 kWh, tương đương số tiền 555,6 triệu đồng.

Những vướng mắc qua thực tiễn 1 năm triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020

29-3-2023

Qua hơn 1 năm Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, việc cấp giấy phép môi trường cho các doanh nghiệp còn gặp nhiều bất cập, thậm chí các văn bản quy định có hiện tượng chồng chéo, gây trở ngại cho các doanh nghiệp. Để tháo gỡ, Bộ TN&MT đang trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Tập trung giải quyết những hạn chế, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất

3-4-2023

Tại Nghị quyết số 37/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chính phủ yêu cầu tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất.

Chiến lược khai thác, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

4-4-2023

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.