TIN TỨC-SỰ KIỆN

HỘI NGHỊ KỸ THUẬT CHĂN NUÔI BÒ THỊT VIỆT - ÚC

Ngày đăng: 15 | 11 | 2023

Sáng 14-11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã khai mạc Hội nghị kỹ thuật Chăn nuôi bò thịt Việt – Úc về tăng cường hợp tác kỹ thuật, thương mại và đầu tư ngành chăn nuôi bò thịt Việt – Úc.

Hội nghị kỹ thuật Chăn nuôi bò thịt Vệt – Úc về tăng cường hợp tác kỹ thuật, thương mại và đầu tư ngành chăn nuôi bò thịt Việt – Úc” (Sau đây gọi tắt là “Hội nghị”) được tổ chức trong khuôn khổ Dự án Hợp tác phát triển thương mại và đổi mới trong lĩnh vực thịt bò và gia súc giữa Úc và Việt Nam do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tài trợ trong khuôn khổ Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Úc – Việt Nam. Hội nghị là sự kiện được phối hợp tổ chức bởi 3 cơ quan là Đại học Griffith - Úc, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty Tư vấn FocusGroup Go. Hội nghị cũng là một sự kiện quan trọng đánh dấu mối quan hệ 50 năm hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Úc trong lĩnh vực nông nghiệp và mở ra giai đoạn 50 năm tiếp theo với quan hệ sâu hơn và bền vững hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến - Phát biểu tại hội nghị - Ảnh Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn

Mục tiêu chính của Hội nghị nhằm tăng cường đổi mới, hợp tác kỹ thuật, đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Úc trong các lĩnh vực chủ chốt, nhằm cải thiện sự phát triển của ngành chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam. Thông qua các thảo luận trong Hội nghị kỹ thuật sẽ giúp xác định các lĩnh vực và cơ hội mà từ đó hai quốc gia Việt và Úc có thể tận dụng thế mạnh và trình độ kỹ thuật của mình để nâng cao năng suất cũng như hiệu quả kinh tế.

Hội nghị diễn ra trong 02 ngày, từ 14/11 - 15/11/2023 tại Khách sạn Pan Pacific, Số 1, đường Thanh Niên, Tây Hồ, Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự và phát biểu khai mạc của ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngài Đại sứ  Andrew Goledzinowski, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam. Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 đại biểu, bao gồm các đại diện từ khối chính phủ, các chuyên gia kỹ thuật, các Hiệp hội ngành, doanh nghiệp, các trường đại học và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt của cả Việt Nam và Úc.

Đại sứ  Andrew Goledzinowski, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam - Ảnh Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn

Hội nghị gồm có 7 phiên với các nội dung chính về: (1) Thực trạng và các ưu tiên ngành chăn nuôi bò thịt, thị trường, tình hình thương mại; (2) Các giải pháp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt; (3) Hệ thống thức ăn thô xanh và vỗ béo có lợi nhuận; (4) Cải thiện giống và di truyền ở Việt Nam; (5) Ứng dụng các phương pháp nhân giống và cải tiến di truyền; (6) Hiện đại hóa hệ thống chế biến, gia tăng giá trị và tính toàn vẹn; và (7) Thông điệp chính của các bên liên quan và các bước tiếp theo.

Bên cạnh đó, Hội nghị tập trung vào tìm hiểu các thách thức mà ngành bò thịt ở cả Việt Nam và Úc phải đối mặt, từ đó tìm ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác và đổi mới công nghệ giữa Úc và Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt. Hội nghị cũng sẽ đóng vai trò là nền tảng để xác định cơ hội cho cả hai quốc gia áp dụng và triển khai các công nghệ và thực hành tiên tiến trong ngành bò thịt, đảm bảo ngành này duy trì tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, Hội nghị cũng giúp tăng cường hợp tác song phương giữa Úc và Việt Nam trong ngành bò thịt bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác giữa các quan chức chính phủ, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, thúc đẩy các mối quan hệ cùng có lợi, và liên kết sản xuất kinh doanh ngành hàng bò thịt bền vững./.

Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn

NỘI DUNG KHÁC

Hội nghị Tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản trị nhân sự

9-11-2023

Ngày 7-8/11/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị Tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản trị nhân sự trong bối cảng đổi mới và cải cách dịch vụ công, do Vụ Tổ chức Cán bộ phối hợp với Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại thành phố Bắc Ninh.

Hội thảo “Chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế và phát triển nông nghiệp sinh thái” ngày 01/11/2023

8-11-2023

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cụ thể hóa quan điểm, định hướng phát triển được xác định tại Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chiến lược phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức hội thảo “Chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế và phát triển nông nghiệp sinh thái” tại Khách sạn Candle, 301 Phường Đội Cấn, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội.

HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA HỆ THỐNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ LOGISTICS TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG SẢN

8-11-2023

Ngày 02/11/2023 - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đã tổ chức hội thảo khoa học "Định hướng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống cung ứng dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị nông sản". Hội thảo được tổ chức trực tuyến và trực tiếp với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, hiệp hội, doanh nghiệp logistics.

Tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản tháng 10/2023

8-11-2023

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 10 năm 2023 ước đạt 4,81 tỷ Đô la Mỹ, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 10 tháng đầu năm 2023 đạt 43,08 tỷ Đô la Mỹ, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 21,94 tỷ Đô la Mỹ, tăng 17%; Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 402 triệu USD, tăng 22%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt 7,45 tỷ Đô la Mỹ, giảm 20,5%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đạt 11,65 tỷ Đô la Mỹ, giảm 19,3%; Giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,64 tỷ Đô la Mỹ, giảm 20,3%; Giá trị xuất khẩu muối đạt 4,6 triệu Đô la Mỹ, tăng 10,9%.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cập nhật các chỉ số phát triển bền vững liên quan đến Lương thực và Nông nghiệp năm 2023

8-11-2023

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc đã công bố Báo cáo “Theo dõi các chỉ số phát triển bền vững liên quan đến Lương thực và Nông nghiệp năm 2023”. Báo cáo phân tích 21 chỉ số phát triển bền vững dưới sự giám sát của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc và 10 chỉ số phát triển bền vững khác có ảnh hưởng đến lĩnh vực lương thực và nông nghiệp. Các chỉ số liên quan tới nhiều tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) bao gồm SDG 1 (xoá nghèo), SDG 2 (không còn nạn đói), SDG 5 (bình đẳng giới), SDG 6 (nước sạch và vệ sinh), SDG 10 (giảm bất bình đẳng), SDG 14 (bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển) và SDG 15 (bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học).

Nông nghiệp năm 2023 tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế

7-11-2023

Sau gần 35 năm đổi mới, ngành nông nghiệp đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, là ngành duy nhất liên tục xuất siêu. Nông nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội và là cứu cánh cho nền kinh tế trong các giai đoạn khó khăn.

Hoạt động tham vấn xây dựng sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ Chỉ tiêu giám sát Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn

7-11-2023

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Để phục vụ việc giám sát thực hiện Chiến lược, 30 nhóm chỉ tiêu nhằm phản ánh các mục tiêu, quan điểm, định hướng của Chiến lược được phân thành 3 nhóm là kinh tế, xã hội và môi trường với 111 chỉ tiêu cụ thể đã được ban hành tại Quyết định số 3572/QĐ-BNN-KH ngày 21 tháng 9 năm 2022.

Mô hình Hợp tác xã đổi mới để phát triển tại Đông Xuyên, Thái Bình

7-11-2023

Trong 10 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/06/2013 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đã có những kết quả nhất định trong phát triển, cơ cấu lại các tiểu ngành. Các địa phương trên cả nước cũng đều đã và đang tích cực triển khai các hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng. Thái Bình là một trong những tỉnh điển hình đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện tái cơ cấu đầu tiên của cả nước và của vùng đồng bằng sông Hồng.

Nghiên cứu phân tích đặc tính kinh tế lĩnh vực lâm nghiệp nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế bền vững, giảm áp lực lên đa dạng sinh học tại Việt Nam

7-11-2023

Nghiên cứu này đã sử dụng phương pháp tiếp cận kế thừa (dựa trên kết quả nghiên cứu của Sáng kiến Thúc đẩy Cam kết Đa dạng sinh học - BIODEV2030.1) và phương pháp phân tích dựa trên chuỗi cung ứng để xác định và đánh giá các nhân tố trực tiếp hoặc gián tiếp tác động lên đa dạng sinh học, các nhân tố tạo ra hoặc giảm thiểu tác động lên đa dạng sinh học và vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan/chủ thể đối với suy giảm đa dạng sinh học dọc theo các chuỗi cung ứng chủ lực trong lâm nghiệp; qua đó, cung cấp cơ sở cho các cuộc đối thoại và xây dựng các chính sách quản lý và phát triển các chuỗi cung ứng bền vững góp phần ngăn ngừa suy thoái/giảm áp lực lên đa dạng sinh học trong  lĩnh vực lâm nghiệp của Việt Nam.

Quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu: Thách thức và cơ hội của cà phê Việt Nam

7-11-2023

Ngày 16/5/2023, Nghị viện Châu Âu thông qua quy định chống phá rừng. Lộ trình của quy định này là từ tháng 11/2021, Ủy ban Châu Âu đề xuất; tháng 6/2022, cách tiếp cân chung của Hội đồng Châu Âu; tháng 9/2022, Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu; tháng 11/2022, thỏa thuận chính trị sơ bộ giữa Nghị viện và Hội đồng Châu âu; tháng 5/2023, thông qua; tháng 12/2024 có hiệu lực; đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lùi thời hạn đến tháng 6/2025.

Kinh nghiệm một số nước ứng phó với các tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraina

7-11-2023

Cuộc xung đột đã gây ra lo ngại về an ninh lương thực trong các quốc gia Liên minh Châu Âu. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và tăng giá các sản phẩm nông nghiệp gây ra sự thiếu hụt thực phẩm và ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong khu vực Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia nhập khẩu khác. Điều này đặt ra thách thức đối với các quốc gia Liên minh Châu Âu trong đảm bảo nguồn cung ứng ổn định và đa dạng hóa nguồn cung cấp thực phẩm. Mặt khác, thiếu hụt và chi phí năng lượng tăng cao, điển hình giá trần điện và khí đốt tăng lên từ 80-100% kể từ xung đột diễn ra. Tại thị trường châu Âu, giá khí đốt đạt mức kỷ lục 345 euro/MWh hồi tháng 3/2022 và mức giá này đã tăng 5,5 lần chỉ trong vòng 12 tháng  Lạm phát ở mức cao nhất trong 3-4 thập kỷ qua

Thực hiện bình đẳng giới trong xây dựng nông thôn mới

7-11-2023

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu: “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Trong bối cảnh đó, các dữ liệu cơ bản về bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm rõ thực trạng bình đẳng giới và những tiến bộ của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực. Các dữ liệu này sẽ làm căn cứ cho việc tổng kết thực hiện chính sách giai đoạn hiện nay và khuyến nghị, đề xuất xây dựng các chính sách về bình đẳng giới nói chung.