TIN TỨC-SỰ KIỆN

Nâng cao giá trị nông sản - Chưa tương xứng tiềm năng

Ngày đăng: 24 | 12 | 2019

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như: lúa gạo, hạt điều, cà phê, thủy sản... từng bước thâm nhập thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp Việt Nam đóng gói nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Việt Nam là nước có điều kiện thuận lợi để sản xuất và xuất khẩu nhiều loại nông sản khác nhau. Tuy nhiên, chất lượng và an toàn thực phẩm đang là rào cản lớn nhất khiến nông sản Việt khó cạnh tranh và tiếp cận những thị trường xuất khẩu khó tính. Để vượt qua rào cản đó, cần có chiến lược toàn diện trong việc nâng cao chất lượng và giá trị cho nông sản Việt.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như: lúa gạo, cà phê, tiêu, thủy sản, các mặt hàng khác như: rau củ, trái cây cũng đã từng bước thâm nhập thị trường quốc tế với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp phần lớn duy trì ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún trong phạm vi hộ gia đình với phương thức canh tác thủ công, hạn chế về cơ giới hóa và chế biến nên phần lớn nông sản vẫn đang xuất khẩu thô, giá trị mang lại không cao.

Cơ giới hóa thiếu đồng bộ 

Cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, nhiều khâu sản xuất nông nghiệp có mức độ cơ giới hóa cao như: làm đất lúa, mía, thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long giúp nông dân giảm thiểu công việc nặng nhọc, đảm bảo thời vụ gieo trồng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…

Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp đánh giá, trình độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và thiếu tính đồng bộ.

Hiện hơn 93% máy làm đất, máy kéo có công suất nhỏ, năng lực chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu. Các loại động cơ, máy kéo, máy nông nghiệp công suất lớn đều phải nhập khẩu với chi phí đắt đỏ, nông dân không thể chi trả.

Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nêu dẫn chứng, trong lĩnh vực trồng trọt mới chỉ có cây lúa có mức độ cơ giới hóa cao ở nhiều khâu từ làm đất, gieo xạ, phun thuốc và thu hoạch. Các loại cây trồng khác như: mía, ngô, rau quả chỉ mới cơ giới hóa ở khâu làm đất, gieo hạt và chưa áp dụng được trong khâu thu hoạch.

Đối với chăn nuôi, việc cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa mới được áp dụng ở một số công ty, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, phần còn lại chỉ cơ giới hóa ở một vài công đoạn nhất định. Đặc biệt, trong lâm nghiệp việc đưa máy móc vào sản xuất hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu, hơn 70% lượng công việc bao gồm trồng, chăm sóc, chữa cháy, bốc xếp sau khai thác đều được làm thủ công, tiêu tốn rất nhiều nhân công.

Theo ông Trần Công Thắng, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng thấp và chưa toàn diện, đồng đều giữa các vùng miền. Cơ giới hóa chỉ mới tập trung cho cây lúa trong khi cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch cây ăn quả, rau màu, thủy sản, lâm nghiệp còn hạn chế. Với các loại cây trồng và công đoạn đã được cơ giới hóa thì trình độ trang bị máy móc cũng còn lạc hậu, chỉ thích hợp với quy mô nhỏ.

Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết. Cả nước hiện có 8,5 triệu hộ làm nông nghiệp; trong đó hơn 88% hộ có diện tích canh tác dưới 1ha (một nửa trong số đó có diện tích canh tác dưới 0,2ha), số hộ có diện tích canh tác 1-2ha chiếm 7,7%.

Đường giao thông liên vùng, liên xã và quy mô đồng ruộng phân tán khiến kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp khó ứng dụng cơ giới hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, đầu tư cho nghiên cứu, phát triển lĩnh vực cơ giới hóa phục vụ nông nghiệp mặc dù được quân tâm nhưng chưa đúng mức, do đó chưa có nhiều máy móc, thiết bị thực sự đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức sử dụng máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa mà chưa được áp dụng một cách đồng bộ từ khâu giống, canh tác, bón phân, tưới nước, đến thu hoạch trên một diện tích sản xuất lớn. Chính vì vậy, hiệu quả cơ giới hóa chưa cao, sản lượng, chất lượng nông sản không đồng đều và thiếu ổn định.

Dẫn chứng trong ngành lúa gạo, ngành được đánh giá là có tỷ lệ cơ giới hóa cao thì tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cũng còn rất lớn, gần 11% tổng sản lượng lúa (trị giá khoảng 13.700 tỷ đồng). Chưa kể, 85% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có chất lượng thấp so với mặt bằng của các nước xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vì thế cũng thấp hơn gạo các nước khác từ 35 -100 USD/tấn tùy thời điểm.

Tỷ lệ nông sản chế biến thấp

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian gần đây, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khoảng 5 -7%/năm.

Đến nay, cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm với hơn 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, ngoài ra còn có hàng chục nghìn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình thực hiện sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước.

Ông Trần Công Thắng cho biết, ngành công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam phát triển song song với lộ trình tăng trưởng xuất khẩu. Đến nay đã có một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư chế biến nông sản, chỉ riêng từ năm 2018 đến nay có 30 dự án đầu tư lớn vào chế biến nông sản với tổng vốn trên 20.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, một số ngành và sản phẩm như: chế biến hạt điều, lúa gạo, thủy sản…có công nghệ, thiết bị chế biến tương đối hiện đại so với khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu chất lượng và an toàn thực phẩm các thị trường xuất khẩu khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU.

Mặc dù vậy, xét tổng thể năng lực chế biến nông sản của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Công nghệ chế biến nông sản chủ yếu là sơ chế thô, tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn thấp, mới đạt khoảng 15-20%.

Thêm vào đó, chất lượng nguyên liệu và sản phẩm sau chế biến chưa cao, chủng loại sản phẩm chế biến cũng chưa phong phú, đa dạng. Tính đến năm 2018, sản phẩm qua chế biến mới đạt 44% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước, phần còn lại đều xuất khẩu nguyên liệu thô với giá trị thấp.

Điển hình với ngành cà phê, sản lượng cà phê chế biến hàng năm là hơn 1,5 triệu tấn, tuy nhiên trong đó chủ yếu là chế biến dạng thô cho ra hạt cà phê nhân, còn sản phẩm chế biến sâu hơn như cà phê rang xay, cà phê hòa tan còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm tỷ lệ 12% tổng sản lượng.

Tương tự, với nhóm mặt hàng xuất khẩu mới nổi trong thời gian gần đây như: rau củ, trái cây, cả nước hiện có 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm nhưng sản lượng sản xuất thực tế hiện nay mới đạt được khoảng 50%.

Còn lại phần lớn cơ sở chế biến, bảo quản rau quả đều có quy mô hộ gia đình với trang thiết bị thô sơ chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Rau, củ, quả hiện chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng tươi, tỷ lệ nguyên liệu đưa vào chế biến mới chỉ đạt 5 -10% tổng sản lượng.

Không ít doanh nghiệp chia sẻ, sở dĩ hiện chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu lớn tham gia vào công nghiệp chế biến bởi đầu tư một nhà máy chế biến nông sản có dây chuyền hiện đại đòi hỏi kinh phí rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Trong khi đó, các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ có nhiều nhưng chưa đi vào thực tế do chưa xác định được các nguồn lực triển khai thực hiện./.

Xuân Anh
Nguồn: Vietnam+/ TTXVN

NỘI DUNG KHÁC

Giữ danh tiếng nông sản Việt: Giống tốt thôi chưa đủ!

23-12-2019

Niềm vui với ST25 - gạo ngon nhất thế giới - đến cùng với chuyện buồn sau mùa dịch tả heo châu Phi và thời sự xâm ngập mặn ở ĐBSCL. Nhà nông lại đau đáu với chuyện cây giống, con giống và làm sao sống khỏe trên mảnh đất của mình.

Bộ NN&PTNT hoàn thành 6 nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử

23-12-2019

Trong năm 2020, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành, xây dựng Chính phủ điện tử, Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ NN&PTNT nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Sức bật mới đầu tư vào nông nghiệp

23-12-2019

Năm 2019, đã có 17 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khánh thành, đi vào hoạt động.

Nông nghiệp Việt đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2020 đạt hơn 42 tỷ USD

23-12-2019

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 của cả nước dự kiến đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018.

Bộ NN-PTNT không cấp hạn ngạch nhập khẩu thịt lợn

23-12-2019

Bộ NN&PTNT khẳng định, Bộ không cấp định mức (quota) nhập khẩu thịt lợn, cũng như bất kỳ động vật, sản phẩm động vật.

Ngành nông nghiệp nỗ lực vượt khó

20-12-2019

Dịch bệnh gây thiệt hại chưa từng có trong ngành chăn nuôi; hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản đối mặt với những biến động gây bất lợi lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã khép lại năm 2019 với kết quả hoàn thành và vượt chỉ tiêu theo kế hoạch.

Thông báo triệu tập thí sinh tham dự vòng phỏng vấn kỳ xét tuyển viên chức năm 2019

1-11-2019

Thông báo triệu tập thí sinh tham dự vòng phỏng vấn kỳ xét tuyển viên chức năm 2019

Thông báo kế hoạch kiểm tra sát hạch

31-10-2019

Thông báo kế hoạch kiểm tra sát hạch

Thông báo kết quả kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển

30-10-2019

Thông báo kết quả kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển

Siết chặt quản lý chất lượng trái cây xuất khẩu

19-12-2019

Theo Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua, công tác đàm phán tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật để mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan.

Những dấu ấn chỉ đạo, điều hành nổi bật của Bộ NNPTNT năm 2019 (2)

18-12-2019

Năm 2019, ngành nông nghiệp đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức, nhiều mặt hàng xuất khẩu bị thu hẹp, song bằng các giải pháp "xoay trục", ngành nông nghiệp vẫn kịp cán đích với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt trên 41,3 tỷ đồng với sự tăng trưởng ngoạn mục của ngành xuất khẩu gỗ.

Những dấu ấn chỉ đạo, điều hành nổi bật của Bộ NNPTNT năm 2019 (1)

18-12-2019

Năm 2019, nông nghiệp nước ta tiếp tục hội nhập sâu hơn, đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh nông sản hàng hóa còn yếu, lại chịu tác động lớn bởi dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi... Tuy nhiên, Bộ NNPTNT đã có những điều hành, chỉ đạo kịp thời để "về đích" với nhiều chỉ tiêu nổi bật.