TIN TỨC-SỰ KIỆN

Kinh tế HTX: Đâu là giải pháp nâng tầm?

Ngày đăng: 03 | 05 | 2019

PTT Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX, nhận định: Kinh tế HTX là thành phần kinh tế quan trọng, nhưng khi chuyển sang kinh tế thị trường đã gặp nhiều lúng túng nhất định, nhất là vấn đề pháp lý và thị trường.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thăm HTX nông nghiệp Mường Động chuyên sản xuất các loại quả có múi ở tỉnh Hoà Bình. Ảnh: VGP/Thành Chung.

Tại Diễn đàn Pháp lý Liên minh Hợp tác xã (HTX) Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX, nhận định: Kinh tế HTX là thành phần kinh tế quan trọng, nhưng khi chuyển sang kinh tế thị trường đã gặp nhiều lúng túng nhất định, nhất là vấn đề pháp lý và thị trường.

Vẫn khó

Theo Liên minh HTX Việt Nam, tính đến cuối năm 2018, nước ta có 22.456 HTX đang hoạt động theo mô hình kiểu mới. Trong số này  có 13.172 HTX nông nghiệp, 7.563 HTX phi nông nghiệp, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân và 74 liên hiệp HTX. Thành phần kinh tế này thu hút 6,9 triệu thành viên, tạo  việc làm cho 2 triệu lao động, đóng góp 4% tổng GDP, tạo điều kiện cải thiện thu nhập cho các thành viên.

Doanh thu bình quân năm 2018 đạt trên 4 tỷ đồng/HTX, tăng 4,9%. Hiện, có khoảng 15% HTX nông nghiệp và hơn 60% HTX phi nông nghiệp sản xuất gắn liền với chuối giá trị.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng, cần cấp thiết phải có khuôn khổ pháp lý riêng cho HTX nông nghiệp, vì mỗi ngành nghề mỗi khác nhau. Đồng Tháp hiện có đến 80% số lượng HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tương tự, tại Việt Nam có đến hơn một nửa số lượng HTX có xã viên nông nghiệp, còn các loại hình dịch vụ khác như xây dựng, vận tải, thương mại, quỹ tín dụng nhân dân,... vẫn còn rất ít.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: Kinh tế HTX là thành phần kinh tế quan trọng, nhưng khi chuyển sang kinh tế thị trường đã gặp nhiều lúng túng nhất định. Khu vực này thoát ra khỏi tình trạng yếu kém đã kéo dài trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn chưa đồng đều và việc chuyển đổi mô hình kiểu cũ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề pháp lý như: giải thể doanh nghiệp, xử lý các tồn đọng về tài sản và tài chính, hay nhu cầu thành lập doanh nghiệp ngay trong mô hình HTX. Trên thực tế, các chính sách hiện hữu về tiếp cận đất đai, tín dụng, quản lý thuế hay đào tạo nhân lực,... vẫn chậm đi vào cuộc sống.

Liên kết tạo nên sức mạnh

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện, ở tất cả các địa phương của ĐBSCL đều có HTX nông nghiệp, tổ chức cộng đồng giúp nông dân ứng phó với BĐKH hiệu quả, cụ thể như hàng chục HTX nông nghiệp ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang tổ chức nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ 2 vụ lúa sang mô hình lúa - tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, thu lợi nhuận 52,2 triệu đồng/ha/năm, trong khi canh tác thuần lúa chỉ có lợi nhuận 39,20 triệu đồng/ha/năm.

Nhiều hộ nông dân đã xin vào HTX nuôi tôm Cái Bát ở Cà Mau khi HTX này nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sản xuất, tổ chức thả giống đồng loạt, liên kết với doanh nghiệp ứng dụng quy trình nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, giúp bà con nâng cao thu nhập và đặc biệt là hạn chế rủi ro trong sản xuất.

Tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, mô hình HTX nông nghiệp đang ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất lúa gạo trên quy mô cả chục ngàn hecta, đã giúp nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế.

Một điển hình liên kết hiệu quả là Nhà máy Tanifood (Công ty cổ phần Lavifood) ở tỉnh Tây Ninh với quy mô đầu tư 90 triệu USD, hiện xuất khẩu sản phẩm đến 20 thị trường, bắt tay dài hạn với Amazon hay Walmart. Điểm mấu chốt là có đến 200 HTX quản lý  xã viên trồng nguyên liệu và có trung tâm hỗ trợ nông dân.

Theo đó, các trung tâm này giúp HTX toàn bộ các khâu trong logistic từ đầu vào đến đầu ra, như giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, tập huấn, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.

Theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty cổ phần Lavifood (sở hữu Nhà máy Tanifood), mô hình của Lavifood là phải có thị trường rồi mới làm vùng trồng. Nhà máy sẽ bao tiêu sản phẩm của nông dân theo kỹ thuật mà đơn hàng yêu cầu, từ đó tạo nên chuỗi giá trị của ngành.

Sản xuất rau an toàn ở Hợp tác xã nông nghiệp Nà Tu, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông - Bắc Kạn).

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Nông nghiệp hữu cơ cũng cho rằng, nhà máy không tranh việc của HTX, mà chỉ làm tốt việc phát triển thị trường, khâu logistic. Khu vực sản xuất sẽ nhường chỗ lại cho nông dân. Đã đến lúc cần doanh nghiệp lớn đầu tư vào thị trường, từ đó tạo kết nối thúc đẩy cho HTX và nông dân.

“Cởi trói” cho kinh tế HTX

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ đang tổng kết 15 năm kinh tế tập thể kể từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2002 và sửa đổi vào năm 2012 để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề pháp lý, ở góc độ khác, HTX khó phát triển vì yếu tố kinh doanh không đi theo đúng thị trường. Hiện nay, phần lớn HTX trong lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ cung cấp dịch vụ đầu vào, rất ít doanh nghiệp kết nối với thị trường để cung ứng dịch vụ đầu ra cho người nông dân.

Làm thế nào để gia tăng hiệu quả và đánh giá hiệu quả của HTX vẫn còn là câu hỏi. Nhưng, lợi ích rõ ràng của việc tham gia HTX đối với xã viên là tăng thu nhập. Bài học của 13 tỉnh Đông Nam Bộ cho thấy, mô hình HTX kiểu mới giúp xã viên giảm chi phí đầu vào 9%, tăng 4% giá trị đầu ra, trung bình toàn khu vực tăng 13% so với những người không tham gia.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất vẫn là sự liên kết 4 nhà, các khúc mắc giữa việc hợp tác và sản xuất của xã viên. Dù vậy, Đồng Tháp hiện được xem là điển hình thành công trong việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới, khi xã viên cùng ngành vào cùng một hội, sinh hoạt đời thường và hỗ trợ kinh doanh cùng nhau.

“Một vấn đề khác mà các HTX đang phải đối mặt là khả năng tiếp cận tín dụng. Hiện nay, mới chỉ có 0,04% số giá trị đầu ra tiếp cận được tín dụng ngân hàng”, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho hay.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, Bộ Tài chính sớm tham mưu cho Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có việc xoá nợ khê đọng của HTX kiểu cũ, tạo thuận lợi cho HTX chuyển đổi sang mô hình mới; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định tổ chức hoạt động của Quỹ HTX Trung ương và địa phương, có việc bảo lãnh tín dụng cho HTX vay vốn.

Các địa phương dùng nguồn vượt thu hằng năm để bổ sung cho Quỹ phát triển HTX địa phương nhằm nuôi dưỡng các HTX hoạt động hiệu quả, tạo ra nguồn thu lâu dài cho địa phương và xã viên.

Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu triển khai một hội nghị chuyên đề về tín dụng cho nông nghiệp, trong đó có HTX; nghiên cứu xây dựng nghị định riêng của Chính phủ về HTX nông nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư hướng dẫn về hoạt động của kinh tế trang trại, giúp liên kết giữa các hộ nông dân, kinh tế trang trại với HTX. Các bộ Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường phối hợp xây dựng môi trường sáng tạo-khởi nghiệp cho các HTX.

Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB, các ngân hàng từ trước đến nay ngại cho vay xã viên nông nghiệp nói riêng và HTX nói chung không chỉ vì những rủi ro về mặt tài chính, tài sản đảm bảo, mà còn vì chưa có niềm tin vào cách thức hoạt động của mô hình HTX hiện tại, hay cách mà xã viên tham gia vào hợp tác xã.

Tuy nhiên, điều này sẽ sớm thay đổi trong thời gian tới. Cùng với Aribank, SCB là ngân hàng tư nhân duy nhất tham gia ký kết tài trợ cho các dự án trong chuỗi giá trị của Lavifood.

“SCB sẵn sàng tham gia cho vay nếu doanh nghiệp đảm bảo được đầu ra cho xã viên. Các khoản vay trực tiếp tới từng xã viên với lãi suất sẽ ưu đãi hơn 1,5-2% so với thị trường”, ông Văn cho biết.

Theo KTNT

NỘI DUNG KHÁC

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ngành nông nghiệp đối mặt với ba thách thức lớn

2-5-2019

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ngành nông nghiệp đối mặt với ba thách thức lớn

Những ‘nút thắt’ khiến nông nghiệp Việt chưa thể cất cánh

4-5-2019

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, tất yếu, đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, công nghiệp 4.0.

Nông sản sang Trung Quốc: Cửa vẫn rộng nếu không 'chộp giật'

4-3-2019

Song song với các chính sách thắt chặt, cơ chế mới từ thị trường Trung Quốc mặt khác cũng “mở cửa” thênh thang hơn cho những nhà sản xuất đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật, có sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn về ATTP và minh bạch nguồn gốc.

Doanh nghiệp Việt vẫn "loay hoay" với thị trường ASEAN

12-4-2019

Sau 3 năm tham gia AEC, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa tìm ra mặt hàng chiến lược cho thị trường ASEAN - Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM.

Lời “cảnh báo” cho nông sản Việt!

12-2-2019

Việc Trung Quốc siết nông sản nhập khẩu bằng các rào cản kỹ thuật đang là lời “cảnh báo” cho nông sản Việt xuất khẩu bởi thị trường 1,4 tỷ dân này không còn dễ tính như trước.

Nông sản Việt và bài toán “thị trường mới”!

18-2-2019

Việc mở rộng thị trường thông qua những hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại lợi ích hết sức lớn cho các mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nông sản.

“Xây chuỗi” xuất khẩu nông sản Việt

10-3-2019

Sản xuất sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất chế biến với tiêu thụ đúng nhu cầu thị trường.

Xuất khẩu thực phẩm sang EU: Sản phẩm hữu cơ chiếm ưu thế

12-4-2019

Nhu cầu tiêu dùng thị trường EU có sự thay đổi rõ rệt, từ sản phẩm sạch sang sản phẩm hữu cơ.

Hội thảo “Tương lai cà phê sẽ bền vững như thế nào?”

27-3-2019

Hội thảo “Tương lai cà phê sẽ bền vững như thế nào?” được tổ chức bởi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) phối hợp với Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP) và nước chủ nhà Kenya diễn ra vào ngày 25/3/2019.

IPSARD tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, người lao động 2018

11-1-2019

Sáng 11/01/2019, tại Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT đã tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, người lao động 2018 nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019.

IPSARD gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp đón xuân Kỷ Hợi 2019

11-1-2019

Trong không khí đầu năm 2019 và chuẩn bị đón tết Kỷ Hợi, ngày 11/01 tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD) tổ chức gặp mặt tri ân các cán bộ hưu trí.

Công bố quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Ánh Tuyết

7-1-2019

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT đã ban hành Quyết định số 5166/QĐ-BNN-TCCB, ngày 27/12/2018 điều động, bổ nhiệm Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và HTQT, Viện Khoa học Thủy lợi VN giữ chức Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD).