THỊ TRƯỜNG

Nỗi lo mùa mía mới

Ngày đăng: 04 | 09 | 2013

Còn chưa đầy tháng nữa, người dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) sẽ thu hoạch hơn 9.000ha mía (niên vụ 2013-2014). Tuy nhiên, điều bà con lo lắng trong nhiều năm qua là vấn đề giá cả cũng như thời gian cụ thể bắt đầu vào vụ ép của các nhà máy đường.

Lo giá mía thấp
Vụ mía năm nay, các nhà máy đường trên địa bàn Hậu Giang đều đưa ra mức giá ký hợp đồng bao tiêu với người dân là 830 đồng/kg mía 10CCS tại cầu cảng nhà máy - xí nghiệp, giảm 70 đồng/kg so với vụ trước. Mức giá này khiến người trồng mía lo lắng về một mùa “mía đắng” có thể xảy ra. 
Ông Trương Văn Cứ ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng cho biết: “Với giá bao tiêu như thế thì vụ mía năm nay, mức lợi nhuận của người dân rất thấp, khả năng không đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình và tái đầu tư cho mùa vụ sau. Bởi đây chỉ là mức giá mà các nhà máy đường đưa ra khi nông dân trực tiếp bán mía cho nhà máy và mía phải đạt 10CCS. Nhưng trên thực tế, có được mấy hộ vận chuyển mía đến nhà máy mà chủ yếu bán thông qua thương lái, còn đạt chữ đường 10CCS thì thật khó khăn. Qua nhiều năm bán mía thấy, giá mía bán tại ruộng luôn thấp hơn giá sàn từ 50-80 đồng/kg. Như vậy, căn cứ theo mức giá nhà máy đường đưa ra thì vụ mía này, bà con chỉ có thể bán được giá 730-750 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất đã lên đến 700 đồng/kg”.
Cùng chung nỗi lo trên, ông Nguyễn Văn Tùng ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương bộc bạch: “Tuy vụ mía năm nay, tiền mua hom giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và mướn nhân công chăm sóc đầu vụ không cao hơn so với cùng kỳ nhưng tính ra giá thành sản xuất cũng không dưới 700 đồng/kg. Như vậy, với giá bao tiêu 830 đồng/kg thì coi như người trồng mía khó có lợi nhuận, vì từ trước tới giờ ít ai bán được bằng hoặc cao hơn giá bao tiêu”. Ông Tùng nhẩm tính, nếu giá thành sản xuất 700 đồng/kg, năng suất mía trung bình 13 tấn/công (1.000m2), thì 1ha nông dân phải đầu tư khoảng 90 triệu đồng. Khi thu hoạch mía, nếu bán được giá 780 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận khoảng 12 triệu đồng/ha (tính luôn công nhà), còn trừ công nhà thì đạt khoảng 20 triệu đồng/ha. Với 20 triệu đồng này, đem chia đều cho cả năm thì đời sống người dân rất khó khăn. 
Chưa thống nhất ngày vào vụ
Nhiều năm qua, việc không thống nhất ngày vào vụ ép luôn là đề tài nóng được các nhà máy đường đưa ra tranh luận mỗi khi vụ sản xuất mía chuẩn bị bắt đầu. Theo Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), năm nay đơn vị dự kiến bắt đầu vào vụ ép từ ngày 15 đến 25/9. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Casuco cho biết: “Qua kinh nghiệm sản xuất nhiều năm và theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời gian thu hoạch và sản xuất tối thiểu khi mía phải từ 9 tháng tuổi trở lên. Nếu thu hoạch sớm hơn, mía còn non, chữ đường thấp, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và nông dân. Ngoài ra, căn cứ vào kết quả điều tra thời gian sinh trưởng của cây mía trên địa bàn tỉnh mà công ty đưa ra thời gian dự kiến vào vụ ép, riêng trường hợp lũ về sớm thì đơn vị chạy sớm hơn”.
Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc Casuco Nguyễn Thành Long cho biết: Sở dĩ giá hợp đồng bao tiêu mía cho người dân năm nay thấp hơn cùng kỳ là do, giá đường trên thị trường luôn tuột giảm, việc tiêu thụ đường của các doanh nghiệp vô cùng khó khăn và đang còn tồn kho một số lượng lớn. Nguyên nhân chính là do đường lậu từ Thái Lan đưa sang. Theo dự báo, trong thời gian tới đây, giá đường trên thị trường có khả năng không hơn 14.000 đồng/kg, đây là mức giá gần tương đương so với giá thành sản xuất tại nhà máy. Trong khi, giá đường là một yếu tố quan trọng quyết định đến giá thu mua mía nguyên liệu cao hay thấp.
Không giống với Casuco, Công ty cổ phần Mía đường cồn Long Mỹ Phát lại đưa ra ngày dự kiến vào vụ ép sớm hơn khoảng nửa tháng, tức từ ngày 5 đến 15/9. Bà Bùi Thị Quy, Tổng giám đốc Công ty lý giải: “Hiện tại, các vùng mía của đơn vị được UBND tỉnh phân bổ chủ yếu nằm ở vùng trũng, thấp và thường xuyên bị ngập sâu khi lũ về. Để hạn chế thiệt hại do lũ gây ra cho nông dân, công ty lên lịch chạy sớm trước khi lũ về”.
Đến thời điểm này, việc chưa thống nhất ngày vào vụ ép không chỉ gây khó khăn cho các nhà máy đường mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý của ngành chức năng. Ông Huỳnh Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng cho rằng: “Việc nhà máy đường đợi mía có đủ chữ đường mới vào vụ ép và tiêu thụ mía cho dân, bên cạnh mặt lợi cũng kèm theo cái hại. Cụ thể, thu hoạch cùng một lúc dẫn đến mía thường bị ứ đọng tại nhà máy đường, người dân thiếu nhân công đốn mía dẫn đến giá liên tục tăng,… Trong khi cơ cấu giống mía hiện nay rất đa dạng, nhà máy có thể xem xét mua những giống chín sớm để giãn vụ. Hiện tại, tuy địa phương đã được UBND tỉnh đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê bao chống lũ (giai đoạn 1), với diện tích 1.212ha/1.800ha mía của xã nhưng trước tình hình giá mía thấp, việc vận động người dân bơm nước nhằm kéo dài thời gian sinh trưởng cho cây mía sẽ khó khăn. Vì càng bơm nông dân càng lỗ do tốn tiền xăng, dầu, nhưng giá mía không cải thiện, đặc biệt ai cũng muốn bán sớm để sạ lại vụ lúa liếp”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho hay: Đầu tháng 9, Sở và UBND tỉnh sẽ có buổi làm việc với các nhà máy đường trên địa bàn để thống nhất ngày vào vụ ép, đồng thời đề nghị nhà máy đường xem xét đưa ra giá thu mua mía nguyên liệu trong dân tốt hơn, cố gắng giúp bà con có được lợi nhuận để an tâm bám với cây mía… 
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2013/9/43221.html

NỘI DUNG KHÁC

Kim ngạch xuất khẩu gạo 8 tháng đạt gần 2 tỷ USD

4-9-2013

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 8, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 521.681 tấn gạo, đạt kim ngạch 223,844 triệu USD. Lũy kế 8 tháng xuất khẩu gạo đạt 4,583 triệu tấn, trị giá 1,966 tỷ USD.

Gập ghềnh tôm xuất khẩu

20-8-2013

Quyết định cuối cùng của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chính thức quyết định áp mức thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 9 tới. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, ngành thủy sản cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cần có những bước đi thuyết phục và quyết liệt để ngăn chặn sự ảnh hưởng tới đời sống của hơn 600.000 lao động trong ngành nuôi và chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam.

Nguồn cung hồ tiêu đã cạn: Cần thận trọng giao dịch

20-8-2013

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2013, sản lượng tiêu của cả nước chỉ đạt khoảng 95.000 tấn, thế nhưng trong 7 tháng đầu năm đã xuất khẩu tới 94.000 tấn. Cân đối với lượng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang, thì từ nay đến khi thu hoạch vụ tiêu mới còn 5 tháng nữa, nhưng nguồn cung tiêu cho xuất khẩu chỉ còn chưa đầy 15.000 tấn.

Ồ ạt đốn bỏ cacao

14-8-2013

Bến Tre được xem là “thủ phủ” cây cacao vùng ĐBSCL với hơn 10.000ha. Thế nhưng, do giá bán xuống thấp nên nhiều nông dân đốn bỏ chuyển sang trồng các loại cây khác. Hàng loạt nhà máy chế biến cacao đang có nguy cơ “đói hàng”.

Thực phẩm sạch lên ngôi

13-8-2013

Những thông tin liên tiếp từ rau xanh, thực phẩm tươi sống đến thực phẩm chế biến bị phát hiện có chất độc hại đã khiến người tiêu dùng lo lắng. Thực tế này làm cả tiểu thương, nhà sản xuất phải thay đổi thói quen sản xuất kinh doanh lâu nay để tồn tại.

Chuối chín ’siêu tốc’ nhờ hóa chất

13-8-2013

Tuýp hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc to cỡ ngón tay, đem hòa với 2 lít nước rồi phun đều lên những nải chuối xanh xếp dưới nền đất. Chỉ sau một đêm, những nải chuối này sẽ vàng ruộm trông cực kỳ bắt mắt.

Vụ dùng hóa chất làm trắng gạo: Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu TP.HCM vào cuộc làm rõ

3-8-2013

Sẽ đưa gạo vào danh mục kiểm soát an toàn thực phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết như vậy tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương về công tác quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, tổ chức sáng 2.8.

Thực hư chuyện giá lúa chỉ bằng… giá rơm

2-7-2013

Giá lúa chỉ bằng… giá rơm - thông tin trên báo chí khiến người đọc thấy chua xót cho người nông dân đồng bằng sông Cửu Long.

Xuất khẩu các nông sản chính đồng loạt giảm mạnh

14-6-2013

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ đạo như gạo, cà phê và cao su đều chứng kiến sự suy giảm cả về khối lượng lẫn kim ngạch...

Nhập khẩu vật tư nông nghiệp nhiều: Lãng phí

14-6-2013

Đầu năm 2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra định hướng giảm lượng phân bón nhập khẩu, theo đó chỉ nhập 2,5 triệu tấn phân bón các loại, giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2012. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông - lâm - thủy sản 5 tháng đầu năm 2013 đạt 6,97 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012. Khối lượng phân bón nhập khẩu trong tháng 5/2013 ước đạt 332.000 tấn, tiêu tốn 132 triệu USD; đưa khối lượng nhập khẩu phân bón 5 tháng đạt 1,41 triệu tấn, trị giá 573 triệu USD.

Nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp

14-6-2013

Chiều 12/6, giải trình trước Quốc hội về trách nhiệm để phân bón giả, kém chất lượng vẫn đang lưu hành trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận hiện nay tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đối với một số loại vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón vô cơ vẫn là sự nhức nhối trong dư luận và nó gây tác hại không nhỏ đến quyền lợi của người nông dân, cũng như khả năng cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam.

Giá lúa gạo tiếp tục giảm

13-6-2013

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục giảm từ 50-100 đồng/kg tùy loại.