THỊ TRƯỜNG

Gập ghềnh tôm xuất khẩu

Ngày đăng: 20 | 08 | 2013

Quyết định cuối cùng của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chính thức quyết định áp mức thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 9 tới. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, ngành thủy sản cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cần có những bước đi thuyết phục và quyết liệt để ngăn chặn sự ảnh hưởng tới đời sống của hơn 600.000 lao động trong ngành nuôi và chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam.

Phán quyết vô lý
Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục khẳng định: các nhà sản xuất, chế biến một số mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam nhận được sự trợ cấp từ phía Chính phủ, do vậy đã quyết định áp thuế chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nước ta đang đối mặt với nguy cơ sản phẩm tôm bị đánh thuế 2 lần tại thị trường Mỹ. Theo đó, Công ty Thuỷ sản Minh Quý - một trong hai bị đơn - sẽ phải chịu mức thuế 7,88%; thuế suất đối với bị đơn thứ hai là Công ty Thuỷ sản Nha Trang là 1,15%. Các công ty xuất khẩu còn lại của Việt Nam chịu mức thuế 4,52%.
 
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, quyết định này không công bằng và đây là vụ kiện phi lý. “Tôi thấy quyết định này hoàn toàn vô lý, vì tôm Việt Nam và Mỹ hoàn toàn khác nhau. Tôm của Mỹ là tôm đánh ở biển. Còn tôm Việt Nam là tôm nuôi. Hai vấn đề này không hề liên quan đến nhau. Thực chất, các nhà sản xuất của Mỹ muốn bảo hộ bằng luật của Mỹ. Đấy là quyết định chưa có tiền lệ. Càng nhân sự vô lý lên gấp bội”, ông Dũng nói.
Theo ông Lê Hữu Tình, Phó giám đốc Công ty Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên), cáo buộc mà phía Mỹ đưa ra là thiếu cơ sở. Vì trên thực tế, người nuôi tôm và ngay cả các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu ở Việt Nam tiếp cận vốn vay từ ngân hàng còn khó khăn, nói gì đến việc nhận trợ cấp từ phía Chính phủ. Vì vậy, nếu ngành tôm Việt Nam bị áp mức thuế chống trợ cấp tại thị trường Mỹ, thì không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mà còn tác động lớn tới đời sống của hơn 600.000 người trong ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam. 
Ông Hữu Tình nói: “Đây là cạnh tranh không công bằng, vì tôm Việt Nam không được bảo hộ, nay lại bị đánh thuế chống trợ cấp làm cho tôm Việt Nam cạnh tranh thấp đi. Doanh nghiệp và VASEP cần có tiếng nói chung để đi đến kết luận là tôm Việt Nam không nhận được hỗ trợ từ Nhà nước. Việt Nam có điều kiện thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ, nên tôm Việt Nam nuôi được tốt hơn so với các nước khác chứ nông dân Việt Nam không được bảo trợ nuôi tôm”.
Bà Phạm Hương Giang, Phó trưởng ban Phòng vệ thương mại (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) cho biết, thực tế, vụ việc này còn phải phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của ITC, dự kiến công bố vào ngày 26/9 tới. Nếu ITC xác nhận các doanh nghiệp Mỹ không bị thiệt hại thì vụ kiện sẽ chấm dứt hoàn toàn, toàn bộ các khoản tiền ký quỹ đã thu sẽ được hoàn trả cho các doanh nghiệp.
Theo bà Giang, Cục Quản lý cạnh tranh đang phối hợp với luật sư tư vấn của Chính phủ cũng như phía hiệp hội và doanh nghiệp bị đơn để làm rõ hơn về phương pháp tính biên độ trợ cấp đối với tôm tươi, tức là nguyên liệu đầu vào. Do hiện nay mức thuế suất rất cao. Trong trường hợp cần thiết và phát hiện có sai sót trong cách tính toán của cơ quan điều tra, Chính phủ Việt Nam sẽ đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét sửa đổi kết luận về chương trình này.
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đang chịu mức thuế chống bán phá giá trong vụ việc điều tra chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ trước đây, với mức thuế dao động từ 0,53 - 2,76%. Vì thế, nếu áp thêm mức thuế chống trợ cấp nữa thì mức thuế xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ sẽ rất cao vì cùng lúc chịu hai thứ thuế, sản phẩm sẽ giảm sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Do đó, điều mong muốn của doanh nghiệp và người nuôi tôm lúc này là cơ quan chức năng cần khẩn trương phối hợp thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam.
- Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật Bản. Theo Vasep, tính từ đầu năm đến ngày 15/7, kim ngạch xuất khẩu tôm vào Mỹ đạt 289 triệu đô la Mỹ, chiếm 23,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam, so với 26,3% (tương đương với giá trị xuất khẩu 323 triệu đô la Mỹ) vào thị trường Nhật Bản.
- Theo quyết định của Bộ Thương mại Mỹ, Công ty Thuỷ sản Minh Quý của Việt Nam, một trong 2 bị đơn bắt buộc sẽ phải chịu mức thuế chống trợ cấp 7,88%, trong khi thuế suất đối với bị đơn còn lại là Công ty Thuỷ sản Nha Trang sẽ là 1,15%. Thuế suất toàn quốc đối với các công ty xuất khẩu khác của Việt Nam sẽ ở mức 4,52%. Mức thuế đối với 4 nước bị đơn còn lại (Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Malaysia) cũng rất cao, dao động từ 10,54 - 54,5%.
Doanh nghiệp Mỹ phản đối 
Trong buổi điều trần cuối cùng về vụ kiện tại ITC ngày 14/8, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng phản đối yêu cầu áp thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm đông lạnh. 
Đại diện của Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ cáo buộc rằng trợ cấp chính phủ đã tạo ra cạnh tranh không lành mạnh giữa tôm nhập khẩu và tôm khai thác tự nhiên, gây thiệt hại lớn đối với ngành tôm nước này.
Phía nguyên đơn cho rằng, áp thuế chống trợ cấp là biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp khai thác, chế biến và tiêu thụ tôm trong nước. Tuy nhiên, lập luận này đã bị chính các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối tôm cũng như chuyên gia kinh tế Mỹ phản bác.
Ông Eric Buckner, Giám đốc phụ trách thủy sản của Tập đoàn Sysco cho biết, là một trong những nhà phân phối tôm lớn nhất nước Mỹ, Sysco phân loại rõ ràng các mặt hàng tôm nhập khẩu và tôm khai thác tự nhiên cũng như xuất xứ của từng loại. Ông khẳng định, tôm nuôi nhập khẩu và tôm đánh bắt là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau, dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau và do vậy không thể cạnh tranh với nhau.
Chia sẻ quan điểm trên, Guy Pizzuti, Giám đốc phụ trách thủy sản của Publix Super Markets, 1 trong 10 chuỗi siêu thị lớn nhất Hoa Kỳ, cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ tôm nuôi nhập khẩu và tôm đánh bắt là 2 sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với nhau. Công ty chúng tôi có kế hoạch tiếp thị và tiêu thụ khác nhau cho từng mặt hàng trên. Ngay cả các nhà cung cấp của chúng tôi cũng không có hiện tượng cạnh tranh chéo. Các nhà cung cấp tôm nhập khẩu cạnh tranh với nhau và các nhà cung cấp tôm khai thác cũng vậy. Tôm nuôi có những ưu điểm mà tôm khai thác không thể có như sản lượng ổn định, chất lượng đồng đều và đảm bảo thời hạn giao hàng”.
Phó chủ tịch Công ty nhập khẩu thủy sản Censea, Jeff Stern cho biết, công ty này nhập rất ít tôm khai thác trong nước vì các nhà cung cấp không thể đảm bảo số lượng cũng như chất lượng theo yêu cầu.
Theo ông Stern, việc đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng cũng như kích cỡ đồng đều của sản phẩm là điều tối quan trọng đối với khách hàng và điều này vượt quá khả năng của các nhà cung cấp trong nước. Nguồn cung suy giảm do dịch bệnh tại một số nước xuất khẩu tôm vào Mỹ đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Censea, khiến công ty mất nhiều khách hàng cũng như cơ hội mở rộng kinh doanh.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng khiến Mỹ không còn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu tôm nữa và kết quả là người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.
Ông Stern nói: ”Chúng tôi rất lo ngại về nhu cầu tiêu thụ tôm ngày càng tăng tại châu Á, nhất là Trung Quốc, khiến chúng tôi gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn cung. Kinh tế phát triển, các nước sẽ tiêu thụ nhiều thủy sản hơn và các nhà xuất khẩu cũng thu được lợi nhuận không kém tại Mỹ. Nhu cầu bên ngoài tăng sẽ khiến xuất khẩu vào Mỹ sụt giảm, đẩy giá thành sản phẩm tăng vọt”.
Chuyên gia James Dougan thuộc Công ty tư vấn kinh tế Economic Consulting Services trích dẫn các thống kê cho thấy, trong 3 năm qua, sản lượng và thị phần của ngành công nghiệp tôm Mỹ luôn ổn định, trong khi mức tiêu thụ tôm của người Mỹ không suy giảm. Hơn nữa, phần lớn giá thành sản phẩm của các công ty Mỹ đều tăng ở mức 2 con số, lượng nhân công, số giờ làm việc cũng như tiền công lao động đều tăng từ 3,5 đến 10%. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp đánh bắt thủy sản Mỹ còn được nhận khoản bồi thường hơn 100 triệu USD sau sự cố tràn dầu của hãng BP tại vùng Vịnh vào năm 2010.
Luật sư Matthew Nicely thuộc Công ty luật Hughes Hubbard & Reed nhận định về kết quả vụ kiện: “Tôi cho rằng cơ hội thắng kiện của Việt Nam và các nước bị đơn khác là rất lớn vì 2 lý do. Thứ nhất, tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp tôm Mỹ đang khá thuận lợi vào thời điểm hiện tại. Các doanh nghiệp trong nước cho rằng lợi nhuận của họ hiện rất thấp, chưa tới 1% nhưng trên thực tế thì họ đang làm ăn còn tốt hơn trước, một phần nhờ khoản tiền bồi thường lớn của BP.
Với thực tế trên, tôi cho rằng ngành tôm của Hoa Kỳ không thiệt hại chút nào. Điểm thứ 2 và vô cùng quan trọng là giá tôm nhập khẩu đã giảm trong khoảng thời gian từ năm 2010 cho đến 2012 trong khi tôm khai thác nội địa lại tăng cả về giá thành lẫn sản lượng. Do vậy, giả sử như ngành tôm của Hoa Kỳ bị thiệt hại thì tôi cho rằng tôm nhập khẩu cũng không phải là nguyên nhân”.
Theo ông Nicely, vấn đề tồn tại lâu nay của ngành tôm Hoa Kỳ là không tìm được phương cách tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả, tức là không thể thuyết phục khách hàng về sự khác biệt của tôm đánh bắt tự nhiên để khẳng định vì sao mặt hàng này lại xứng đáng với giá bán cao.
Trước đó, trang web của Hiệp hội Thủy sản Mỹ cũng cho rằng, ngành công nghiệp tôm nội địa cần tìm giải pháp lâu dài để duy trì sức cạnh tranh thay vì kêu gọi chính phủ áp thuế chống phá giá hoặc chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu.
Theo Kinh tế nông thôn

NỘI DUNG KHÁC

Nguồn cung hồ tiêu đã cạn: Cần thận trọng giao dịch

20-8-2013

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2013, sản lượng tiêu của cả nước chỉ đạt khoảng 95.000 tấn, thế nhưng trong 7 tháng đầu năm đã xuất khẩu tới 94.000 tấn. Cân đối với lượng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang, thì từ nay đến khi thu hoạch vụ tiêu mới còn 5 tháng nữa, nhưng nguồn cung tiêu cho xuất khẩu chỉ còn chưa đầy 15.000 tấn.

Ồ ạt đốn bỏ cacao

14-8-2013

Bến Tre được xem là “thủ phủ” cây cacao vùng ĐBSCL với hơn 10.000ha. Thế nhưng, do giá bán xuống thấp nên nhiều nông dân đốn bỏ chuyển sang trồng các loại cây khác. Hàng loạt nhà máy chế biến cacao đang có nguy cơ “đói hàng”.

Thực phẩm sạch lên ngôi

13-8-2013

Những thông tin liên tiếp từ rau xanh, thực phẩm tươi sống đến thực phẩm chế biến bị phát hiện có chất độc hại đã khiến người tiêu dùng lo lắng. Thực tế này làm cả tiểu thương, nhà sản xuất phải thay đổi thói quen sản xuất kinh doanh lâu nay để tồn tại.

Chuối chín ’siêu tốc’ nhờ hóa chất

13-8-2013

Tuýp hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc to cỡ ngón tay, đem hòa với 2 lít nước rồi phun đều lên những nải chuối xanh xếp dưới nền đất. Chỉ sau một đêm, những nải chuối này sẽ vàng ruộm trông cực kỳ bắt mắt.

Vụ dùng hóa chất làm trắng gạo: Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu TP.HCM vào cuộc làm rõ

3-8-2013

Sẽ đưa gạo vào danh mục kiểm soát an toàn thực phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết như vậy tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương về công tác quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, tổ chức sáng 2.8.

Thực hư chuyện giá lúa chỉ bằng… giá rơm

2-7-2013

Giá lúa chỉ bằng… giá rơm - thông tin trên báo chí khiến người đọc thấy chua xót cho người nông dân đồng bằng sông Cửu Long.

Xuất khẩu các nông sản chính đồng loạt giảm mạnh

14-6-2013

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ đạo như gạo, cà phê và cao su đều chứng kiến sự suy giảm cả về khối lượng lẫn kim ngạch...

Nhập khẩu vật tư nông nghiệp nhiều: Lãng phí

14-6-2013

Đầu năm 2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra định hướng giảm lượng phân bón nhập khẩu, theo đó chỉ nhập 2,5 triệu tấn phân bón các loại, giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2012. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông - lâm - thủy sản 5 tháng đầu năm 2013 đạt 6,97 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012. Khối lượng phân bón nhập khẩu trong tháng 5/2013 ước đạt 332.000 tấn, tiêu tốn 132 triệu USD; đưa khối lượng nhập khẩu phân bón 5 tháng đạt 1,41 triệu tấn, trị giá 573 triệu USD.

Nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp

14-6-2013

Chiều 12/6, giải trình trước Quốc hội về trách nhiệm để phân bón giả, kém chất lượng vẫn đang lưu hành trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận hiện nay tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đối với một số loại vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón vô cơ vẫn là sự nhức nhối trong dư luận và nó gây tác hại không nhỏ đến quyền lợi của người nông dân, cũng như khả năng cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam.

Giá lúa gạo tiếp tục giảm

13-6-2013

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục giảm từ 50-100 đồng/kg tùy loại.

Giá gà giảm, người chăn nuôi lao đao

12-6-2013

Trong 2 tháng trở lại đây, giá gà thịt, gà giống trên địa bàn Bình Định liên tục giảm mạnh, khiến người chăn nuôi thua lỗ, nhiều trang trại, gia trại phải bỏ trống chuồng.

Tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL: Bán nhiều, mua ít

12-6-2013

Từ đầu tháng 6-2013 đến nay, vấn đề tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL nóng lên từng ngày khi nông dân đã thu hoạch hàng ngàn ha lúa nhưng giá đang giảm mạnh và khó bán. Trước thực trạng lúa rớt giá, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) vụ hè thu. Song, nhiều người vẫn lo âu trong bối cảnh xuất khẩu gạo khó khăn, còn nông dân lo mất vốn…