TIN TỨC-SỰ KIỆN

Nông dân và doanh nghiệp - Vì sao khó hợp tác?

Ngày đăng: 07 | 07 | 2006

NNVN đã có bài viết về sự phát triển trở lại của cây thanh hao hoa vàng trên đất Sóc Sơn (Hà Nội). Điều đáng nói, đến nay loại cây này đã phát triển rầm rộ, nông dân và DN vẫn chưa thực hiện hợp đồng liên kết. Nguy cơ đổ bể, mất cân đối cung cầu sẽ rất khó tránh khỏi.

NNVN đã có bài viết về sự phát triển trở lại của cây thanh hao hoa vàng trên đất Sóc Sơn (Hà Nội). Điều đáng nói, đến nay loại cây này đã phát triển rầm rộ, nông dân và DN vẫn chưa thực hiện hợp đồng liên kết. Nguy cơ đổ bể, mất cân đối cung cầu sẽ rất khó tránh khỏi.|

“Chúng tôi rất muốn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhưng chưa có xã, huyện nào giúp dân làm điều này. Không có hợp đồng nhà máy chúng tôi cũng không thể có vùng nguyên liệu ổn định, còn nông dân sản xuất tự phát khó tránh khỏi cung vượt cầu và dư thừa sản phẩm” - Đó là ý kiến của ông Đường Ngọc Hà, TGĐ Cty TNHH Dược phẩm Sao Kim (KCN Quang Minh - Vĩnh Phúc), nói với chúng tôi về quan hệ bạn hàng giữa nhà máy và công ty ông. Là DN gắn bó với sản phẩm cây thanh hao hoa vàng từ năm 1994, ông Hà cho biết đây là lần thứ 2 diện tích cây thanh hao hoa vàng của nông dân tự phát gieo trồng, lên tới vài ngàn ha ở các tỉnh phía Bắc. Thời kỳ đầu từ năm 1994 đến 1997 thị trường trong nước tiêu thụ lượng không đáng kể, thị trường thế giới chưa được khai thông, sản phẩm dư thừa, nhà chế biến và nông dân cùng thua lỗ. Từ năm 1997 cây thanh hao hoa vàng được vực dậy, khi một số DN trong nước ký kết hợp đồng tiêu thụ được với nước ngoài với sản lượng lớn (CtyTNHH dược phẩm Sao Kim là một trong số các DN này, những năm trước đây khi còn ở vị thế độc tôn, sản phẩm của DN này xuất khẩu chiếm tỷ trọng trên 90 % lượng tinh dầu thanh hao cả nước). Theo ông Hà, khi đã có nhà máy, muốn sản xuất bền vững không thể tách khỏi vùng nguyên liệu. Vì thế, DN của ông có đội ngũ nông vụ lớn, không chỉ xuống với các làng xã hướng dẫn nông dân gieo trồng, thu hoạch và sơ chế sản phẩm mà còn sẵn sàng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân. Song khi đến với các địa phương, ở Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Hoà Bình… lãnh đạo đón tiếp niềm nở, nhưng khi bàn đến chuyện tổ chức sản xuất thu mua thế nào thì vẫn là chuyện của nhà máy và nông dân. Những năm gần đấy cây thanh hao có giá, ở vùng đồi khô hạn không cấy được lúa và rau màu, nhưng trồng thanh hao đều cho năng suất cao có thu nhập gấp 3-5 lần cấy lúa, vì thế không cần vận động, nông dân tự phát theo nhau mở rộng diện tích thanh hao, điều này rất nguy hại vì năng lực của nhà máy ổn định, hợp đồng xuất khẩu với bạn hàng cũng đã ký kết, nhà máy không thể sản xuất dư thừa, có nghĩa là sẽ không thể mua hết sản phẩm tự phát gieo trồng của nông dân. Nếu nông dân ký kết với nhà máy, trong vùng được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, các vùng khác không có ký kết có thể tìm cây trồng khác. Mong muốn này của nhà máy rất khó thực thi bởi theo ông Ngô Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn), nơi có trên 150 ha, chiếm gần 60% diện tích canh tác, thì trừ chi phí rồi cây thanh hao có thu nhập gấp 4-5 lần cấy lúa, thế nên bảo dân trồng cây khác không hề đơn giản. Vậy nên dân cứ trồng tự phát, nổi chìm dân tự chịu, cả huyện và xã chưa lần nào tiếp cận với nhà máy để lo đầu ra cho dân. Chúng tôi hỏi ông Đường Ngọc Hà “Nếu xã và huyện đến đặt vấn đề ký hợp đồng vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy thì ông có ký hợp đồng không ?” - Chúng tôi mong muốn quá. Vì sẽ có được vùng nguyên liệu gần nhà máy như ở huyện Sóc Sơn này. Mặt khác, có vùng nguyên liệu ổn định sẽ giúp chúng tôi hoàn thành hợp đồng giao hàng, giữ được uy tín của DN. Nhưng đó mới chỉ là ước muốn của nhà sản xuất thôi, thực tế chả có xã nào huyện nào đứng ra kết nối với nhà máy. Chúng tôi cũng đã ký hợp đồng với dân nhưng luôn bị phá bởi khi giá cao thì dân bán ra ngoài, khi giá thấp không ai mua thì đổ về nhà máy, vật tư giống vốn đầu tư cho dân không thu được sản phẩm, nhà máy thua thiệt chẳng có ai phân xử.

Câu chuyện về nhà máy chiết suất tinh dầu thanh hao của Cty TNHH Dược phẩm Sao Kim chẳng khác gì các nhà máy chế biến đường, chế biến dứa ở nước ta hiện nay. Xem ra việc hợp tác giữa nông dân và nhà máy vẫn còn nhiều trắc trở.

(Nguồn tin: NNVN)

NỘI DUNG KHÁC

Việt Nam và Vòng đàm phán DOHA

6-7-2006

Việt Nam có thể chính thức gia nhập WTO vào cuối năm 2006. Vì vậy, nếu vòng đám phán DOHA kết thúc theo đúng kế hoạch đặt ra vào cuối năm nay thì Việt Nam sẽ không có cơ hội tham gia vào các cuộc đàm phán, nhưng sẽ phải thực hiện những điều khoản phù hợp của các cam kết từ vòng đàm phán DOHA.

Luật Hợp tác xã 2003 những điều cần bàn.

5-7-2006

Kinh tế hợp tác nói chung và hợp tác xã nói riêng là những hình thức tổ chức kinh tế-xã hội ra đời một cách khách quan trong quá trình phát triển của nền kinh tế. Trong điều kiện của Việt Nam, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã được xem là bộ phận quan trọng nhất của thành phần kinh tế tập thể, một trong hai thành phần kinh tế cơ bản của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngành chăn nuôi trước ngưỡng cửa WTO

3-7-2006

Cục trưởng Cục chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Vang khẳng định sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngành chăn nuôi vẫn sẽ đứng vững trước những khó khăn trong quá trình cạnh tranh với các loại thực phẩm nước ngoài, đồng thời có cơ hội rất lớn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm.

Phương pháp điều tra nông thôn

27-6-2006

Trong tháng 4 và tháng 5 năm 2006, Ban chỉ đạo Trung ương Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2006 đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ Tổng điều tra. Cuộc Tổng điều tra này đã và đang được giới nghiên cứu trong và ngoài ngành quan tâm và trông đợi.

Thông tư thực hiện nghị định 115 cởi trói nghiên cứu

26-6-2006

Ngày 05/6/2006, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ đã ban hành thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT/ BKHCN-BTC-BNV về việc Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

WTO: Cánh cửa đã mở

22-6-2006

Chiều 31-5, thỏa thuận song phương VN - Hoa Kỳ về việc VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã được chính thức ký kết lúc 17g15 tại dinh Thống Nhất, TP.HCM. Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự và phó đại diện thương mại Mỹ Karan Bhatia đã cùng đặt bút ký kết bản thỏa thuận này với sự chứng kiến của Phó thủ tướng Vũ Khoan cùng đoàn đàm phán hai bên.

Những thách thức của sự phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam

20-6-2006

Chương trình Đổi mới ở Việt Nam đã được tiến hành trong 20 năm qua và trong thời gian đó, nền kinh tế đã được chuyển đổi. Mọi người thường nhắc tới những thay đổi hoàn toàn trong nông nghiệp, từ chỗ lạm phát tăng nhanh và thiếu thốn lương thực tới việc bình ổn giá cả, tăng thu nhập nông thôn và là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Điều gì đón đợi ngành nông nghiệp khi gia nhập WTO

15-6-2006

Đánh giá về những cơ hội của tự do mậu dịch khi VN gia nhập WTO sẽ thấy ngay một thị trường  rộng mở cho những mặt hàng nông sản có thế mạnh của nước ta....Thứ cơ hội hai đó là việc đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, sơ chế hoặc chế biến nông sản, mở mang những vùng đất hoang hóa, sản xuất những sản phẩm nông nghiệp độc đáo.

Phát triển mô hình Hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường

14-6-2006

Tính đến cuối năm 2005, ở khu vực phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) có 5.782 Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) bao gồm cả chuyển đổi, chưa chuyển đổi và mới thành lập. Qua quá trình đổi mới và phát triển, các HTX đang dần chuyển đổi từ các hoạt động dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh tế hộ xã viên ít tính cạnh tranh sang phát triển các dịch vụ của mình theo định hướng nhu cầu thị trường, ngày càng chuyên môn hoá trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và phát triển ngành nghề.

Nông sản trong cơn bão dầu

6-6-2006

Liệu giá dầu sẽ giữ nguyên hay tiếp tục tăng? Các nhận định của giới chuyên gia trong hội thảo ở Singapore cho rằng giá dầu sẽ có xu hướng giảm? tuy nhiên bao giờ giá sẽ giảm xuống? Câu hỏi này quan trọng vì nó có hàm ý về mặt chiến lược và chính sách rất lớn cho các quốc gia theo hướng (i), đầu tư vào các nguồn nguyên liệu thay thế; (ii), hoặc các nước sản xuất dầu mỏ đầu tư xây dựng các nhà máy lọc dầu; hay (iii),  có chiến lược điều tiết các hoạt động kinh tế theo hướng sử dụng tiết kiệm năng lượng.

©2025 Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: vienclcs@mae.gov.vn