THỊ TRƯỜNG

Nghịch lý đường - muối: Ngành đường: Loay hoay xử lý tình huống

Ngày đăng: 13 | 03 | 2012

Trong lúc niên vụ mía đường 2011 - 2012 vào giai đoạn “chạy nước rút” thì các nhà máy đường “kêu trời” vì đường tồn kho quá lớn, lên đến 300.000 tấn; trong khi đầu ra bế tắc. Hệ lụy là giá bán buôn đường của các nhà máy giảm mạnh, kéo giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân giảm theo. Nghịch lý của ngành mía đường được cảnh báo nhiều năm, nay tiếp tục rơi vào thế khó.

Tồn kho 300.000 tấn đường
Tính đến ngày 9-3, nhiều nhà máy đường áp dụng liên tiếp 3 lần giảm giá mua mía nguyên liệu 150 đồng/kg, còn 1.050 đồng/kg. Nếu như những năm trước, càng về cuối vụ giá mía càng tăng, buộc các nhà máy phải tranh mua quyết liệt để có nguyên liệu sản xuất, nhưng nay ngược lại.
Giải thích việc này, lãnh đạo các nhà máy đường ở ĐBSCL thừa nhận mía giảm là do ảnh hưởng giá đường trên thị trường xuống thấp. Thời điểm đầu vụ sản xuất, giá đường trên thị trường dao động từ 19.000 - 19.500 đồng/kg, lúc đó nhà máy mua mía cho dân tại cầu cảng 1.200 đồng/kg (mía đạt 10 chữ đường). Nay giá đường chỉ còn 16.000 đồng/kg, thậm chí chỉ 15.500 - 15.700 đồng/kg, buộc các nhà máy phải giảm giá mía nguyên liệu xuống 150 đồng/kg để cắt lỗ. 
Giá đường giảm, lượng tồn kho nhiều đã tác động đến giá mía giảm theo.
 
Giá mía giảm đã khiến nhiều hộ trồng mía ở Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng… mất ngủ. Ông Nguyễn Văn Minh, ở xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nói giọng chua chát: “Trước đây mía được giá và hút hàng bao nhiêu thì nay rớt giá và khó tiêu thụ bấy nhiêu. Sau khi các nhà máy đồng loạt giảm giá thì thương lái “đè” giá mía mua tại ruộng xuống mức rất thấp 700 - 750 đồng/kg (bao vận chuyển, công đốn mía…), với giá này sau khi trừ chi phí, nông dân lời rất ít, trong khi vụ mía kéo dài gần cả năm”.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, huyện Cù Lao Dung là một trong những huyện có vùng chuyên canh mía lớn nhất ở ĐBSCL, với hơn 7.800ha. Thời điểm này, Cù Lao Dung còn khoảng 3.000ha mía chưa thu hoạch, tập trung ở các xã Đại Ân 1, An Thạnh Đông, An Thạnh Nam, An Thạnh 2…
Ông Phạm Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, lo lắng: “Hầu hết diện tích mía đã vượt ngưỡng 10 chữ đường nhưng tiến độ thu mua của các nhà máy quá chậm làm cho nông dân bất an. Cái khó hiện nay là mặn xâm nhập mạnh, trong khi thương lái đốn mía cứ đỏng đảnh, tình hình này kéo dài sẽ khó kết thúc vụ vào cuối tháng 4-2012”. 
Tại Trà Vinh và Bến Tre, việc tiêu thụ mía cũng chậm lại dù giá đã giảm, nguyên nhân là do lượng đường tồn động quá lớn và tắc đầu ra nên các nhà máy thiếu vốn trầm trọng. Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, chỉ tính lượng đường tồn kho của 2 nhà máy Vị Thanh và Phụng Hiệp (thuộc Casuco) lên đến gần 30.000 tấn, đã “giam” vốn công ty trên 300 tỷ đồng. Đường không bán được, nhiều nhà máy chẳng biết lấy đâu ra tiền mua mía cho dân.
Tiếp tục vòng luẩn quẩn
Còn nhớ thời điểm này năm ngoái, các nhà máy đường trong cả nước “ôm” lượng đường tồn kho lên đến 400.000 tấn, buộc phải bán đổ bán tháo để quay vòng đồng vốn. Bài học của năm 2011 vẫn chưa được rút kinh nghiệm thì nay chuyện tồn kho trên 300.000 tấn đường tiếp tục tái diễn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc dự báo sản lượng cung cầu và điều tiết thị trường chưa hợp lý đã dẫn đến tình trạng sản xuất và tiêu thụ trái ngược nhau.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam phân tích, nếu như vụ mía đường năm ngoái tổng sản lượng sản xuất cả nước hơn 1,1 triệu tấn, thì năm nay tăng lên hơn 1,4 triệu tấn. Cộng với 100.000 tấn đường tồn kho, 71.000 tấn đường nhập khẩu theo cam kết WTO, đường sản xuất thủ công… nâng tổng nguồn cung gần 1,6 triệu tấn (chưa kể đường Thái Lan nhập lậu từ Campuchia tràn qua biên giới Tây Nam). Trong khi ảnh hưởng suy thoái tác động nên sức tiêu thụ đường trong nước không tăng, dự báo khoảng 1,3 triệu tấn; tính ra còn thừa gần 300.000 tấn. Thừa đường nên chúng ta xuất khẩu là cần thiết. 
Từ việc cân đối cung cầu trên, nên Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị các bộ ngành chức năng xem xét cho xuất 250.000 tấn đường, nhằm giải quyết lượng tồn kho và giúp các nhà máy quay vòng đồng vốn để mua mía nguyên liệu tái sản xuất. Tuy nhiên, ngành chức năng cho rằng, chưa hết niên vụ nên chưa biết lượng đường sản xuất cụ thể bao nhiêu và thừa nhiều hay ít. Vì vậy Bộ Công thương chỉ đồng ý về nguyên tắc cho xuất 120.000 tấn, cộng với đầu năm 2012 cho xuất 30.000 tấn; tổng cộng là 150.000 tấn, thấp hơn 100.000 tấn so với đề nghị của hiệp hội.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, bức xúc: “Đến ngày 8-3, hiệp hội vẫn chưa nhận được công văn chính thức của các bộ ngành chức năng về việc cho xuất khẩu 150.000 tấn đường, mà chỉ nghe đồng ý chủ trương trong cuộc họp. Việc cho xuất quá chậm đã bỏ qua cơ hội, bởi đối tác nước ngoài nắm được lượng đường tồn kho lớn nên giảm nhu cầu nhập khẩu. Trong khi đường Thái Lan nhập lậu ào ạt tràn qua biên giới Tây Nam, đẩy đường nội vào cảnh khốn đốn”.
"Trước mắt, sẽ đề xuất Chính phủ cho phép xuất khẩu đường chính ngạch và tiểu ngạch với hạn mức 250.000 tấn. Bộ NN-PTNT cũng sẽ đề nghị các cơ quan có liên quan thực hiện giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng đường nhập lậu qua biên giới Campuchia" - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần
Ông Nguyễn Thành Long thừa nhận, dự báo sản lượng cung cầu và điều tiết thị trường đường còn nhiều bất cập. Chúng ta chưa có một cơ chế rõ ràng, mà cứ loay hoay xử lý tình huống. Nhà nước muốn kiềm giá đường xuống thấp để có lợi cho người tiêu dùng, thế nhưng giá đường thấp sẽ dẫn đến giá mía nguyên liệu thấp, nông dân lỗ và họ sẽ đồng loạt phá bỏ đồng mía. Khi đó chủ trương phát triển ngành mía đường sẽ đảo lộn. 
Làm gì để hài hòa lợi ích giữa 3 bên “nông dân trồng mía - nhà máy đường - người tiêu dùng”, đang là bài toán khó đặt ra từ lâu nhưng chưa có lời giải.
Theo Sài Gòn giải phóng

Nguồn:http://www.sggp.org.vn/kinhte/2012/3/283333/

NỘI DUNG KHÁC

Được cấp chứng nhận VietGAP: Cơ hội cho thanh long Chợ Gạo

13-3-2012

Công ty cổ phần Giám định và khử trùng FCC vừa tổ chức trao giấy chứng nhận VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) cho Tổ hợp tác sản xuất thanh long Chợ Gạo, xã Quơn Long (Chợ Gạo - Tiền Giang).

XK gạo: Nên bỏ lượng, theo chất

12-3-2012

Hội thảo chuyên đề “Việt Nam có nên mở rộng XK gạo?” do Viện chính sách chiến lược phát triển NN-NT (Ipsard) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo, cho biết, XK gạo năm nay khó khăn.

Xuất khẩu cà phê: Khó càng thêm khó?

12-3-2012

Theo quy định mới, từ tháng 10/2012 trở đi, mỗi doanh nghiệp thuộc Hiệp Hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) sẽ bị thu phí 2 USD đối với mỗi tấn cà phê khi xuất khẩu.

Nghịch lý đường - muối: Muối đắng

12-3-2012

Những ngày đầu tháng 3-2012, các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đồng loạt - vào vụ thu hoạch muối. Năm nay thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài khiến nhiều đồng muối ở Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu… không chịu kết tinh, sản lượng giảm mạnh. Nguy cơ một mùa muối trắng tay đang là nỗi lo của hàng ngàn diêm dân.

Trăn trở con đường từ lúa thành gạo

8-3-2012

“Năm 2011, ĐBSCL sản xuất hơn 4 triệu ha lúa, sản lượng hơn 23 triệu tấn. Thất thoát lúa khi thu hoạch và sau thu hoạch khoảng 13,7%, tương đương 3,17 triệu tấn lúa”. Đây là con số thất thoát kỷ lục được các nhà khoa học đưa ra tại hội thảo “Nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa gạo - Các giải pháp sau thu hoạch” do Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Cần Thơ ngày 7-3.

Găm cà phê chờ giá - Có lợi không?

28-2-2012

Trong thời gian qua, giá cà phê trên địa bàn Tây Nguyên giảm mạnh so với đầu vụ. Vì thế, nhiều nông dân và đại lý đang găm cà phê chờ giá. Không biết giá cà phê tới đây thế nào, găm hàng liệu có lợi hay không?

Nhiều thách thức đối với xuất khẩu thủy sản năm 2012

22-2-2012

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt mục tiêu năm 2012 cả nước phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, để được mục tiêu này, ngành thủy sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đối thoại gỡ nút thắt ngành thủy sản

22-2-2012

Ngày 20/2, tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp thủy sản xung quanh nhiều khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu thủy sản hiện nay.

Giá lúa gạo giảm mạnh

22-2-2012

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến cuối tuần rồi, giá lúa khô loại thường ở ĐBSCL đã giảm từ mức 5.650–5.750 đ/kg của tuần trước xuống còn 5.250-5.400 đkg (giảm 350-400 đ/kg), lúa khô chất lượng cao cũng từ mức 5.800–5.900 đ/kg giảm xuống còn 5.450–5.600 đ/kg (giảm 300-350 đ/kg). Gạo hàng hóa cũng giảm mạnh.

Ấn Độ và bài toán cho xuất khẩu gạo VN

21-2-2012

Được đánh giá là "ứng cử viên sáng giá" cho vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vài tháng trước, Việt Nam hiện được cho là khó có khả năng chen chân với Ấn Độ cho vị trí trên vì nước này đã vượt Thái Lan để trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Thu phí XK cà phê 2USD/tấn: Nông dân có thể chịu thiệt

21-2-2012

Việc thu phí xuất khẩu cà phê (dự kiến bắt đầu thực hiện từ 1.10.2012) không chỉ bị các doanh nghiệp phản đối mà trong quan điểm của lãnh đạo Hiệp hội Cà phê VN (VICOFA) cũng đang có những ý kiến khác nhau.

Cơ hội lớn cho gạo thơm Việt Nam

21-2-2012

Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết, trong tháng 1.2012 các doanh nghiệp đã xuất được gần 18.000 tấn gạo thơm.