HỘI THẢO

Hòa Bình nhân rộng mô hình trồng rau hữu cơ

Ngày đăng: 13 | 11 | 2011

Rau hữu cơ hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Việc diệt sâu bệnh được trị bằng thuốc sinh học gừng, tỏi, ớt, ngải cứu, rượu…

Khi đặt chân đến huyện Lương Sơn, Hòa Bình, chúng tôi choáng ngợp bởi những thửa ruộng bạt ngàn màu xanh của rau sạch. Đó là kết quả của một dự án phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới do Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha thực hiện.
Niềm vui của người phụ nữ Mường trước ruộng rau hữu cơ vào mùa thu hoạch
HTX kiểu mới có sự liên kết “4 nhà” - nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước. Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhà chế biến, cung cấp thiết bị quản lý truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm; đầu tư hệ thống lưới che chắn cây trồng tránh rủi ro về thời tiết, tư vấn thiết lập mô hình quản lý chất lượng sản phẩm hữu cơ, thông tin tuyên truyền quảng bá hình ảnh về HTX và các sản phẩm kinh doanh của HTX.
Mô hình này được thực hiện thí điểm trước khi được nhân rộng ra các khu vực ở tỉnh Hòa Bình và một số tỉnh thành khác, trong cả nước. Kết quả ban đầu cho thấy hiệu quả đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thủy, người dân tộc Mường cho biết, thu nhập chị có được từ việc trồng rau hữu cơ gấp đôi so với việc trồng lúa trước đây của mình. Mỗi tháng chị kiếm được khoảng 2 triệu đồng, số tiền đó cũng đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày của gia đình.
Trước khi tham gia vào HTX, chị Thủy đã được huấn luyện 3 tháng về phương pháp trồng và chăm sóc rau hữu cơ. Chị cho biết khóa học này rất bổ ích và việc tham gia vào Hợp tác xã đảm bảo cho gia đình chị nguồn thu nhập ổn định.
Anh Phạm Duy Hưng, người có thâm niên trong việc trồng rau, cho rằng bước khó nhất là việc pha chế thuốc trừ sâu từ ớt, tỏi và gừng để ngăn sâu bọ phá hoại mùa màng. “Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của các chuyện gia từ Viện Chiến lược, việc pha chế này đã trở thành một công đoạn không mấy phức tạp,” anh Hưng nói.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lương Sơn, ông Nguyễn Xuân Tề, cho biết hơn 80 hộ gia đình người dân tộc Mường được hưởng lợi từ dự án này. Theo ông, toàn bộ số rau sạch được trồng trên diện tích 1,5 hecta được sản xuất theo tiêu chuẩn PGS – một tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo chất lượng về quy trình sản xuất rau hữu cơ.
Ông Phạm Bền Ngọc, đại diện của công ty Green Link chuyên cung cấp rau sạch, nói rằng công ty ông tiêu thụ khoảng 1,2 tấn rau sạch mỗi tháng với giá cao gấp đôi so với giá bình quân trên thị trường. Rau hữu cơ được sản xuất tới đâu đều được công ty thu mua hết đến đấy, đảm bảo nguồn cung cho thị trường ngày càng có nhu cầu cao về rau sạch.
Ông Ngọc giải thích rằng, giá rau sạch cao là do chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn PGS, hơn nữa thời gian để thu hoạch rau thường dài hơn. “Tuy vậy, khách hàng vẫn ưa chuộng rau sạch, đặc biệt là ở thành phố lớn như Hà Nội vì ai cũng muốn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,” ông nói.
Rau hữu cơ hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Việc diệt sâu bệnh được trị bằng thuốc sinh học gừng, tỏi, ớt, ngải cứu, rượu được trộn với nhau theo tỷ lệ nhất định rồi phun, hoặc trồng những cây dẫn dụ như cây rau húng có mùi rất hắc có tác dụng xua đuổi côn trùng, hoặc cây hoa có màu sặc sỡ để dụ côn trùng đẻ trứng. Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng của rau hữu cơ dài hơn rau an toàn khoảng 30% do đó tích lũy đủ lượng đạm, ăn đậm giòn ngọt hơn.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, nhấn mạnh mô hình thử nghiệm trồng rau hữu cơ với sự chung tay giữa người nông dân, các nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước là bước đi đầu tiên của các địa phương, đồng thời mang tới thị trường sản phẩm rau sạch, an toàn cho sức khoẻ và có giá trị kinh tế đối với người trồng.
Ông cho biết “Đây là một nội dung của Dự án 1956 Chính phủ nhằm cung cấp những khóa đào tạo nghề cho lao động vùng nông thôn”.
Theo ông Nguyễn Đức Xưởng, Chủ tịch HTX nông nghiệp hữu cơ tại Lương Sơn, với thành công và kết quả hiện nay, mô hình này sẽ được nhân rộng trên tất cả các địa phương trong tỉnh Hòa Bình cũng như trong nhiều tỉnh thành khác./.
Theo VOVonline

Nguồn: http://vov.vn/Home/Hoa-Binh-nhan-rong-mo-hinh-trong-rau-huu-co/201111/191443.vov

NỘI DUNG KHÁC

Hậu Giang xây dựng kho chế biến, dự trữ lúa gạo

21-10-2011

Ngày 19/10, lãnh đạo Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang về kế hoạch chuẩn bị xây dựng tổng kho chế biến, phơi sấy và dự trữ lúa gạo với tổng công suất 200.000 tấn/năm.

Thanh Hoá: Cần nhân rộng mô hình lúa lai năng suất cao

21-10-2011

Sáng 20/10, tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hoá – Thanh Hoá) đã diễn ra buổi lễ tổng kết báo cáo kết quả thực hiện mô hình “trình diễn lúa sản xuất, lúa lai năng suất cao”. Đây là dự án do Hội giống cây trồng và vật tư nông nghiệp Thanh Hoá phối hợp với Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred Việt Nam, tổ chức trình diễn bước đầu đã mang lại hiệu quả cao, ngoài mong đợi.

Nghệ An: Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

20-10-2011

Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An vừa tổ chức "Hội nghị giao ban công tác quý IV. Triển khai thực hiện chỉ thị số 2783/CT-BNN-TY ngày 27/9/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn".

Hiệu quả nông nghiệp xã điểm Hải Đường

19-10-2011

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng NN-PTNT tại Hội nghị ngày 16/3/2011 sơ kết công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập của người dân tại 11 xã điểm nông thôn mới, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã cùng xã Hải Đường (Hải Hậu - Nam Định) triển khai mô hình phát triển SX lúa mùa chất lượng cao, cây vụ đông hàng hóa.

Yên Đồng - đồng lòng làm nông thôn mới

19-10-2011

Được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Yên Đồng (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đang phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí về NTM trước sự đồng lòng, hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong xã.

Huyện Vũ Thư (Thái Bình): Người dân hiến đất làm đường

19-10-2011

Khi biết xã có chủ trương xây dựng NTM, bà Vũ Thị Lan, ở thôn Đồng Đại I, xã Đồng Thanh (huyện Vũ Thư, Thái Bình) đã tự nguyện hiến hơn 60m2 đất, tức bằng diện tích của một ngôi nhà cho thôn để mở rộng đường giao thông.

Đồng Nai: Cây ca cao cho hiệu quả kinh tế cao

19-10-2011

Cây ca cao đã được đưa vào trồng ở tỉnh Đồng Nai gần 30 năm, tuy nhiên, mãi cho đến năm 2003, thông qua chương trình “Cây ca cao quốc gia” với việc các doanh nghiệp ở Đồng Nai tham gia vào chương trình, từ đầu tư canh tác đến bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu, hiệu quả kinh tế từ loại cây này mới ngày càng được khẳng định, trở thành cây trồng có thế mạnh trên địa bàn.

Hội Nông dân Sơn La: Điểm tựa vững chắc của nông dân

19-10-2011

Xác định vị thế là cơ quan có nhiệm tụ tập trung lực lượng, dẫn dắt ND xóa đói - giảm nghèo, góp phần đưa Sơn La thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, Hội ND tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp hay, hiệu quả giúp ND.

Mô hình tổ hợp tác và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch: Hướng mở cho diêm dân Nghệ An

18-10-2011

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Nghệ An đã phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Diễn Châu thực hiện thành công mô hình "Tổ hợp tác và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch" tại Hợp tác xã Vạn Nam, xã Diễn Vạn.

Chè Nghệ An bí đầu ra

7-10-2011

Dọc trên các con đường của huyện Con Cuông (Nghệ An), nhiều hộ dân chất từng đống chè búp tươi bên đường, mòn mỏi chờ người đến thu mua. Người trồng chè đang đứng trước tình trạng được mùa, nhưng méo mặt, tình cảnh hết sức khó khăn.

Ngắc ngoải mô hình "mỗi làng một sản phẩm"

7-10-2011

Trong 5 năm qua, xuất phát từ mô hình ở Nhật Bản và Thái Lan, TPHCM đã tiên phong học tập kinh nghiệm và triển khai xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm”. Kết quả, các làng nghề vẫn trong tình trạng èo uột, công nghệ sản xuất lạc hậu và mang tính tự phát…

Thu 5 tỷ đồng/năm từ heo

7-10-2011

Với trang trại heo, mỗi năm anh Tạ Hoàng Thạch, 33 tuổi, ở Phước Lễ, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh có thu nhập trên 5 tỷ đồng.