THỊ TRƯỜNG

Nước mắm Nha Trang mất dần thương hiệu

Ngày đăng: 04 | 10 | 2011

Hầu hết cơ sở chế biến nước mắm ở Nha Trang đã chuyển sang sản xuất nước mắm nguyên liệu, không còn mặn mà với thương hiệu đã gây dựng hàng trăm năm.

Nước mắm Nha Trang từ lâu nổi tiếng và được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị thơm, ngon đặc trưng. Hiện nay, do gặp nhiều khó khăn nên hầu hết các cơ sở chuyển sang sản xuất nước mắm nguyên liệu cho các doanh nghiệp ở địa phương khác thay vì sản xuất hoàn chỉnh nước mắm Nha Trang như trước đây.
Ông Nguyễn Phi, chủ một cơ sở chế biến nước mắm ở phường Vĩnh Trường cho biết, mấy năm gần đây ông đã dừng hẳn việc sản xuất nước mắm chai hoàn chỉnh để chuyển sang làm nước mắm nguyên liệu cho các doanh nghiệp.
Nước mắm nguyên liệu bà con thường gọi là mắm thô. Chỉ cần doanh nghiệp đến kiểm tra rồi ký hợp đồng cung cấp số lượng là cơ sở này chế biến hàng loạt. Mỗi tháng, ông Phi cung cấp khoảng 30.000-50.000 lít nước mắm cho một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương.
“Tính ra giá bán thấp hơn giá thị trường nhiều nhưng tiêu thụ với số lượng lớn, lấy tiền một lần nên dễ trang trải nhiều việc khác”, ông Phi cho biết.
Ông Trần Văn Trực, chủ Cơ sở sản xuất nước mắm Ngọc Hà cho biết, giá bán nước mắm thô không cao bằng nước mắm chai, nhưng được đảm bảo đầu ra ổn định, không phải mất thời gian tìm kiếm thị trường như mắm chai.
Mỗi năm cung cấp hàng trăm ngàn lít nước mắm thô, việc sản xuất nước mắm chai, xây dựng thương hiệu nước mắm Nha Trang ngày càng trở nên xa vời với ông Trực bởi nhiều lẽ, trong đó khâu tiếp thị không có.
Theo Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, hiện toàn thành phố có khoảng 70 doanh nghiệp, cơ sở, mỗi năm sản xuất khoảng 40 triệu lít nước mắm. Trước đây, các cơ sở này đều tập trung sản xuất nước mắm thành phẩm, đóng chai có thương hiệu riêng để tiêu thụ.
Do khó khăn trong việc xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra cho nướ mắm chai nên đa số doanh nghiệp đều nhận sản xuất nước mắm thô cho các doanh nghiệp lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương.
Một số cơ sở vì tiếc thương hiệu của gia đình bao năm gầy dựng nên sản xuất cầm chừng nước mắm chai bên cạnh nước mắm thô. Những hộ không đủ sản lượng để hợp đồng cung cấp nước mắm thô thì thu hẹp dần quy mô sản xuất.
Trong khi đó, nước mắm thô của Nha Trang được các doanh nghiệp nhập về pha chế cộng thêm những chiến dịch quảng bá rầm rộ, mạng lưới phân phối phủ rộng đến với người tiêu dùng bằng những thương hiệu khác đã dần thay thế nước mắm chai cổ truyền của Nha Trang.
Chị Nguyễn Thị Sinh, một trong những hộ còn lại sản xuất nước mắm chai cổ truyền ở đường Tân Hải, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang lo lắng: “Nước mắm cổ truyền bây giờ rất khó khăn, chỉ còn khoảng 30-40% so với trước kia. Vài năm nữa khó mà theo được vì thu hồi vốn chậm, giá lại cao nên không bán được”.
Cách đây 5 năm, nhãn hiệu nước mắm Nha Trang được Cục Sở hữu trí tuệ trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Hiệp hội Nước mắm Nha Trang cũng được thành lập với hơn 30 thành viên để tập hợp cơ sở chế biến nước mắm nhằm phát triển và bảo vệ thương hiệu nước mắm Nha Trang. Thế nhưng, đến nay, chỉ còn chưa đến 10 hội viên, rất nhiều người đã chuyển hẳn sang gia công thay vì tập trung phát triển thương hiệu nước mắm Nha Trang.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Thư ký Hiệp hội Nước mắm Nha Trang chia sẻ, điều trăn trở nhất là những người làm nước mắm Nha Trang chưa có một tiếng nói đồng thuận. Đèn nhà ai nhà nấy rạng, mạnh ai nấy làm, ảnh hưởng đến giá trị, chất lượng, thương hiệu của nước mắm Nha Trang. Bản thân Hiệp hội chưa có sức thuyết phục, người dân chưa thấy hiệu quả mà Hiệp hội mang lại.
Thực tế, hầu hết cơ sở chế biến nước mắm ở Nha Trang không còn mặn mà với thương hiệu đã gây dựng hàng trăm năm. Nếu như các ban, ngành ở địa phương không có giải pháp hiệu quả thì thương hiệu nước mắm Nha Trang bị mai một là điều khó tránh khỏi./.
Theo VOVonline

 

NỘI DUNG KHÁC

Thị trường gạo châu Á tháng 9/2011 và dự báo

4-10-2011

Thị trường gạo thế giới tháng 9 sẽ tương đối trầm lắng chờ thời điểm chính phủ Thái Lan bắt đầu chương trình can thiệp đầy nghi ngờ, nếu không có sự tham gia xuất khẩu trở lại của Ấn Độ.

Lũ lụt ảnh hưởng đến giá gạo Thái Lan, Việt Nam và Philippines ra sao?

4-10-2011

Thời gian gần đây, tình hình lũ lụt nghiêm trọng gây thiệt hại trên khắp các khu vực trồng lúa lớn tại châu Á.

Thị trường cà phê tháng 9/2011

4-10-2011

Giá cà phê robusta mất 15%, cà phê arabica giảm 20,8% - tháng ảm đạm nhất trong năm nay - do USD mạnh lên, nỗi lo kinh tế suy thoái và triển vọng vụ mùa bội thu.

Cà phê xuất khẩu “khổ” vì tin đồn

4-10-2011

Lịch thời vụ thu hoạch cà phê hàng năm ở Việt Nam thường từ đầu tháng 10, nhưng tin mới nhất từ Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết vụ thu hoạch 2011/2012 sẽ chỉ có thể bắt đầu từ cuối tháng 11 và sản lượng có thể bị ảnh hưởng bởi mưa bão nhiều vào cuối năm nay.

Không để thiếu hàng, sốt giá lương thực, thực phẩm

3-10-2011

Trường hợp cần thiết phải hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân sản xuất vụ Đông ở miền Bắc…

Việt Nam thu hoạch muộn hơn dự kiến, giá cà phê chịu áp lực tăng

3-10-2011

Khả năng giá tăng là rất lớn bởi nhiều nhà xuất khẩu đã huỷ hợp đồng do không thu mua đủ hàng khiến kho hàng của nhiều nhà nhập khẩu hiện đang trống rỗng.

Giá lúa, gạo có khả năng tăng mạnh

3-10-2011

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa thường trong nước hiện dưới 7.000 đồng/kg, dự báo sẽ tăng lên 8.000 đến 9.000 đồng/kg, tùy loại vào tháng tới. Theo dự báo, thời gian tới, giá gạo xuất khẩu của Thái-lan tăng mạnh, sẽ kéo giá lúa gạo của các nước xuất khẩu tăng theo đáng kể.

Giá phân bón lại tăng đột biến

3-10-2011

Trong vòng 1 năm qua, giá nhiều loại phân bón tăng đến 100%.

Tôm chân trắng ở Bến Tre

3-10-2011

Tôm chân trắng là đối tượng nuôi mới được Bộ NN-PTNT cho phép nuôi tại các tỉnh ĐBSCL từ đầu năm 2008. Qua hơn 3 năm phát triển tôm chân trắng đã mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt cho người dân trên địa bàn 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.

Nhu cầu giữ giá đường trên thị trường thế giới ở mức cao

3-10-2011

Rabobank dự đoán giá đường trên thị trường thế giới giảm gần đây, thúc đẩy hoạt động mua vào, dự trữ và nguồn cung trên thị trường có thể thu hẹp. Đối trọng với phần còn lại của thế giới, nhu cầu đường tại Trung Quốc vẫn mạnh trong suốt những tháng vừa qua.

Gạo Việt Nam và châu Á cùng nhau tăng giá

29-9-2011

Giá gạo châu Á tuần này tăng mạnh khi chỉ còn một tuần nữa là tới thời điểm Thái Lan thực hiện chương trình thu mua lúa gạo gây nhiều xôn xao trên thị trường lúa gạo thế giới cũng như sự quan tâm của các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam tới chương trình này.

CP Thái Lan tăng giá thu mua lúa: Giá lúa ở VN cũng tăng theo

29-9-2011

Giá lúa thường trong nước hiện dưới 7.000 đồng/kg, dự báo sẽ tăng lên 8.000 – 9.000 đồng/kg, tùy loại vào tháng tới.