TIN TỨC-SỰ KIỆN

Đào tạo nghề cho nông dân: Phải thiết thực mới hiệu quả

Ngày đăng: 28 | 09 | 2011

Chủ trương đào tạo nghề cho nông dân là đúng, cấp thiết, nhưng thực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người học, nhiều tiêu chí khó khả thi.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm cải thiện đời sống nông dân. Trong đó, Quyết định 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” là một trong những chủ trương lớn. Thực hiện đề án này, bên cạnh những thành quả bước đầu, còn không ít khó khăn trong thực tiễn.
Các đại biểu chụp ảnh tại hội nghị.
 
Chưa hấp dẫn người học
Bà Phạm Thị Thu Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương, chia sẻ: Đào tạo nghề cho nông dân góp phần tạo việc làm cho họ, đặc biệt là những vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Bởi thực tế, khi chuyển đổi mục đích, nhiều thách thứuc, khó khăn đặt lên vai nông dân và nó cũng ảnh hưởng đến công tác dạy nghề cho họ. Mặc dù chủ trương theo Đề án 1956 là tốt, nhưng khi triển khai tại cơ sở vướng mắc vì hiện nay người ở lại nông thôn, trực tiếp làm nông nghiệp chủ yếu có tuổi tương đối cao, còn thanh niên thường rời quê đi làm ăn xa. Do đó, đối tượng học nghề khó tiếp thu kiến thức. Nông dân hiện vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm, thói quen. Với họ, nếu có thể, chỉ hăng hái tham gia khoá học 1- 2 buổi, còn học 2 – 3 tháng cho từng nghề sẽ rất khó khăn, ít người tham gia.
Bà Phạm Thị Thu Bình
Chia sẻ của bà Bình cũng là trăn trở chung của nhiều đại biểu tham gia hội thảo “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong đào tạo nghề cho nông dân ở Việt Nam” ngày 26-27/9/2011. Đa số các đại biểu cho rằng, lao động ở lại nông thôn hiện nay phần lớn là người già, phụ nữ chưa qua đào tạo nghề. Đây không chỉ là một trở ngại trong đào tạo nghề cho họ, mà chính các đối tượng này còn là những người hàng ngày đang phải chạy ăn cho gia đình (ngoài việc tại ruộng đồng, không ít lao động phải ra thành phố làm thêm đủ loại việc những lúc rỗi vụ). Trong khi đó, mục tiêu đào tạo nghề là hướng đến cho nhu cầu của tương lai. Do đó, dù là chỉ 1 hoặc 2 – 3 năm sau sẽ cho kết quả nhưng cũng khó thu hút nhiều nông dân mặn mà việc học.
Không những thế, những người làm nghề nông thường chưa được đánh giá bình đẳng trong xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân về tâm lý nhưng có tác dộng rất lớn đến khả năng lựa chọn nghề của lao động nông thôn. Ông Udo Folgart, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đức, đơn vị nhiều năm hợp tác giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp, đánh giá: “Một trong những nguyên nhân khiến ít thanh niên nông thôn mặn mà với nghề nông, không muốn làm việc trực tiếp trên quê hương mình là vì xã hội còn có cái nhìn, cách đối xử với họ thường thấp hơn những ngành nghề khác”.
Cơ chế, phương pháp còn xa thực tiễn…
Bà Phạm Thị Thu Bình cho rằng: “Về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, mặc dù đã có rất nhiều cởi mở, nhiều sự hỗ trợ cho nông dân, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng thực tiễn. Ví dụ, với một hộ gia đình nông dana, họ có thể vừa có ruộng trồng lúa, ruộng trồng hoa màu, ao nuôi cá, thậm chí có cả chuồng để nuôi con. Nhưng quy định một nôgn dân chỉ được học một nghề, đã học chăn nuôi thì không được học trồng trọt, không học thuỷ sản nữa… Như vậy, cơ chế này chưa đáp ứng được mô hình làm nghề đa dạng ở nông thôn”.
Bên cạnh đó, có những người được tham gia học, nhưng không có khả năng về vốn, đất đai… để “tiêu hoá” kiến thức đã học vào sản xuất, để lâu lại… quên kiến thức. Kế hoạch phát triển kinh tế vật nuôi, cây trồng, nghề phụ… của không ít địa phương còn chủ quan, thiếu chiến lược, không sát thực tiễn. Chúng ta từng có nhiều bài học nhãn tiền về tình trạng nông dân đổ xô nuôi cá tra, basa vì giá bán lúc đó rất cao; Họ không hiểu, nếu cứ làm ồ ạt sẽ xảy ra tình trạng dội chợ, rớt giá;… Tiếp đến là điệp khúc “bỏ lúa, trồng mía” hoặc “bỏ mía, nuôi tôm”, “phá rừng trồng sắn”… khá phổ biến ở nhiều vùng sản xuất. Thế nhưng nhiều nông dân vẫn thấy cây, con gì có giá là đổ xô tìm giống nuôi, trồng.
TS Phạm Thanh Hải
TS Phạm Thanh Hải (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc Bộ) chỉ ra nhiều hạn chế trong đào tạo nghề cho nông dân hiện nay. Đó là: Chưa có giải pháp hữu hiệu để thay đổi thói quen, hành vi lạm dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu trong sản xuất của nông dana, làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm; Thiếu giáo viên dạy nghề nông nghiệp vừa tâm huyết, vừa có phương pháp giảng dạy phù hợp cho nông dân, đặc biệt là người có thể vừa dạy lý thuyết vừa hướng dẫn thực hành; Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ, giáo trình, tài liệu đào tạo nghề còn chậm đầu tư, đổi mới cho kịp thời. Đào tạo nghề chưa có chiến lược theo từng hướng phát triển để tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nông thôn tương lai.
Ngoài ra, yêu cầu với chương trình dạy nghề là “phải có nội dung về kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp để người lao động sau học nghề biết huy động vốn, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá” cũng là quá tham vọng và khó khả thi, khi mà hầu hết các khoá đào tạo chỉ là ngắn hạn, chỉ kéo dài khoảng vài ba tháng.
TS Nguyễn Hồng Minh (Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH) đánh giá: Dạy nghề ở nước ta vẫn chủ yếu theo hướng cung; mạng lưới dạy nghề tăng nhanh nhưng quy mô nhỏ, phân bố chưa hợp lý; đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là lao động trong các KCN, KCX và các vùng kinh tế trọng điểm, cho xuất khẩu lao động và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Ông Trần Văn Cứng
Ông Trần Văn Cứng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân An Giang cũng chia sẻ: “Tại An Giang, cơ sở vật chất dạy nghề cho nông dân rất thiếu. Hội chỉ huy động được hơn 30 giáo viên, trong khi mỗi năm bình quân có khoảng 30.000 người bước vào tuổi lao động. Lực lượng này phần lớn là ở nông thôn, nhu cầu học nghề rất lớn nhưng Hội chưa đáp ứng nổi”.
Bất cập nữa là công tác đào tạo nghề chưa song hành với công tác nâng cao kiến thức của ngườiq ản lý trực tiếp tại cơ sở và nông dân về thị trường, tiêu chuẩn sản phẩm. Vì không hiểu thị trường, đầu tư sản xuất sẽ không hiệu quả. Thiếu kiến thức về nghề, công tác quản lý sẽ khó sát thực tiễn.
Ông Udo Folgart, chia sẻ kinh nghiệm tại Đức: “Ở Đức, chủ nông hộ, chủ nhiệm HTX phải có bằng nghề được đào tạo nghiêm túc. Các cấp Hội Nông dân phải tư vấn, cung cấp dịch vụ phong phú cho nông dân. Hội phải chủ động đàm phán giúp bà con mua sản phẩm đầu vào - sản phẩm đầu ra, đặc biệt là mua nguyên liệu sản xuất với giá rẻ nhất có thể”.
Ông Udo Folgart
Với những trở ngại nêu trên, có thể thấy, nếu không nhấn mạnh đến hiệu quả và chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, Đề án 1956 đưa ra những chỉ tiêu về số lượng cụ thể (phải đào tạo nghề cho 1 triệu nông dân/năm), rất dễ nảy sinh việc đầu tư kiểu phong trào. Bởi lẽ, các địa phương sẽ rất dễ bỏ qua chất lượng và chạy theo số lượng, tìm cách tốt chức lớp học… để “véo” ngân sách (gần 26.000 tỷ đồng) thực hiện Đề án.
Câu chuyện buổi đầu thực hiện đào tạo nghề cho nông dân ở Hải Dương (từ năm 2004) do bà Phạm Thị Thu Bình kể rằng, có lần tỉnh tổ chức đào tạo nghề thuỷ sản, có xã cử toàn cán bộ đi học, trong khi các cán bộ này không có ao nuôi thuỷ sản, thành ra lãng phí khoá học.
Rõ ràng, đào tạo nghề cho nông dân đang trở thành vấn đề cấp thiết và cần được ưu tiên. Nhưng muốn đào tạo nghề nông hiệu quả, cần nắm bắt được đúng nhu cầu của người học, triển khai hợp lý, tránh bệnh phong trào, lãng phí./.
Theo VOVNEWS

Nguồn: http://vov.vn/Home/Dao-tao-nghe-cho-nong-dan-Phai-thiet-thuc-moi-hieu-qua/20119/187158.vov

NỘI DUNG KHÁC

Bảo vệ nghiêm ngặt đất lúa

28-9-2011

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, hoàn thiện Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng đất lúa, trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất. Tinh thần chung là đất lúa được bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, đảm bảo nhu cầu cho đất nước phát triển.

Một nhà khoa học người Việt đoạt Giải thưởng danh giá Eureka 2011 của Australia

28-9-2011

TS. Chu Hoàng Long cùng các cộng sự đoạt giải thưởng danh giá với công trình sử dụng lượng nước tưới cho nông nghiệp, mà không gây hại môi trường.

Vẫn “ăn” đất lúa

28-9-2011

Giữ vững diện tích đất lúa là quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, với sân gôn có lẽ là ngoại lệ, bởi kể cả khi có “ăn” vào đất lúa, nó vẫn được chấp thuận.

Đề nghị thu hẹp đất lúa

28-9-2011

Đề xuất này được chính một chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp đưa ra trong hội thảo về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 diễn ra tại Hà Nội hôm qua (27.9).

Tăng cường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong những tháng cuối năm

28-9-2011

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn cơ bản được khống chế và kiểm soát trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ bùng phát. Do vậy, để đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết Nguyên Đán năm 2011, cần phải tăng cường phòng chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm.

Tình hình kinh tế 9 tháng: Những kết quả tích cực và vấn đề đặt ra

28-9-2011

Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do lạm phát cao, các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế đã nâng cao tính chủ động, sáng tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tập trung phát triển nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước

28-9-2011

Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Phát triển bền vững ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Mô hình mới để phát triển bền vững ngành nông nghiệp

28-9-2011

Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp với khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hàng năm, sản xuất nông nghiệp đều phải gánh chịu các tổn thất rất lớn do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Nhiều địa phương triển khai hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn

28-9-2011

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang xúc tiến xây dựng các cánh đồng mẫu lớn nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, mang lại giá trị thu nhập cao trên một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân.

Cảnh giác với sâu bệnh hại lúa trên diện rộng

27-9-2011

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo, các địa phương cần cảnh giác với nguy cơ sâu bệnh hại lúa lây lan trên diện rộng. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ động đối phó với đợt rầy di trú vào cuối tháng 9.

Thời tiết vụ đông 2011: Bắc bộ thuận lợi, Bắc Trung bộ cảnh giác mưa lớn

27-9-2011

Hôm 22/9, Trung tâm Dự báo KTTVTƯ đã tổ chức thảo luận lần cuối và chính thức đưa ra dự báo mới nhất về diễn biến tình hình thời tiết trong mùa đông năm 2011.

Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về dự thảo Luật Giá: Nóng phương pháp bình ổn giá

27-9-2011

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng tình với việc để giá hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường nhưng phải có bàn tay quản lý nhà nước để bình ổn giá trong tình huống cần thiết.