TIN TỨC-SỰ KIỆN

Tư hữu đất đai: Nên hay không?

Ngày đăng: 01 | 09 | 2011

Quá trình xem xét, rà soát sửa đổi Luật Đất đai 2003 đang được ban soạn thảo gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Có khá nhiều nội dung của luật được cho là không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhiều hành vi mới nảy sinh không nằm trong diện điều chỉnh của luật, đặc biệt là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cũng như định giá đất đai trong nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, vấn đề mấu chốt khiến Luật Đất đai 2003 càng ngày càng bộc lộ sự tụt hậu so với cuộc sống, đồng thời gây nên những bế tắc trong giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, chính là sự nhập nhằng giữa vấn đề tư hữu và công hữu trong đất đai.
Chính sách quản lý đất đai hiện vẫn còn nhiều bất cập cần sửa đổi
 
Nhà nước hay toàn dân?
Điều 17 của Hiến pháp năm 1992 của nước ta quy định, đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước là người đại diện chủ sở hữu đất đai trên toàn lãnh thổ. Theo các nhà làm luật, cơ sở của việc định đoạt này được xuất phát từ việc đất đai vốn là một sản phẩm của tự nhiên, tồn tại ngoài ý muốn của con người, có trước con người và không phải do con người tạo ra.
Hơn nữa, bất kỳ một quốc gia nào thì tài nguyên đất đai cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành và phát triển của cả dân tộc, đồng thời nó cũng là kết quả của cả một quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên của nhiều thế hệ cư dân.
Theo ông Tôn Gia Huyên, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, trong lần sửa đổi Luật Đất đai sắp tới, có một quan hệ pháp lý quan trọng cần được chú ý về mặt sở hữu đất đai và người đại diện, chính là sự thống nhất và cần phân biệt rõ ràng giữa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và quyền sở hữu nhà nước đối với loại tài sản đặc biệt này.
Theo ông Huyên, khi nói về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là đề cập đến một hệ thống quy chế chung trong quan hệ đất đai mà toàn dân là chủ thể, nhưng “toàn dân” không thể đứng ra thực hiện quyền năng cụ thể (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt...) của chế độ sở hữu này, mà phải cử người đại diện, nhân danh mình để làm việc đó. Trong trường hợp này chỉ có nhà nước là đủ tư cách nhất.
“Quyền sở hữu nhà nước đối với đất đai mà bản chất là sở hữu toàn dân về đất đai là hai mặt của một vấn đề. Nếu xét về mặt pháp lý thì sở hữu toàn dân là một chế độ, một thể chế, còn quyền sở hữu nhà nước lại là sự biểu hiện của các quyền năng cụ thể của chủ sở hữu để thực hiện chế độ nói trên, nên cần phải đặc biệt lưu ý”, ông Huyên khuyến nghị.
Tại hội thảo góp ý cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2003 do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Hội Khoa học đất tổ chức cuối tuần qua, một cuộc tranh luận “nảy lửa” đã diễn ra giữa các chuyên gia về việc chế độ sở hữu đất đai nên đi theo hướng nào trong lần sửa đổi sắp tới.
Theo TS. Lê Cao Đoàn (Viện Kinh tế Việt Nam), ruộng đất là vấn đề cơ bản và đơn giản nhất trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, song thực tế ở Việt Nam, vấn đề này đến nay vẫn bất ổn. Khảo sát của Viện tại nhiều nước trên thế giới, cho thấy chính sách đất đai của hầu hết các quốc gia đều “xong” ngay từ đầu với những thế chế, quy chế phù hợp với lợi ích của cả quốc gia lẫn từng người dân cụ thể.
Quan điểm được TS. Đoàn đưa ra là, tư hữu hay công hữu về đất đai đều không quan trọng, mà quan trọng là hình thức sở hữu đó phải “đem lại hiệu quả cao nhất và chi phí thấp nhất cho mọi người dân”.
Đồng thời, hình thức sở hữu đó phải tạo ra được cơ sở để giải quyết mọi tranh chấp khi có mâu thuẫn xảy ra. Thế nhưng, đáng tiếc là Luật Đất đai 2003 chưa đáp ứng được điều này, nên mới nảy sinh những bất cập không đáng có.
Nên thừa nhận tư hữu về đất đai?
Một số nhà khoa học đã đề xuất nên thừa nhận hình thức sở hữu tư nhân về đất đai trong lần sửa đổi luật sắp tới. Về điều này, TS. Lê Cao Đoàn cho rằng, chính sở hữu tư nhân là một hình thức cơ bản giúp mọi đối tượng có trách nhiệm hơn, giúp xã hội có căn cứ để kiểm soát anh ta. Ông nhấn mạnh: “Sở hữu tư nhân không có lỗi”.
Theo TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng bộ môn Luật Đất đai (Đại học Luật Hà Nội), vấn đề đất đai ngày càng bộc lộ nhiều phức tạp bởi nó liên quan đến câu chuyện “chính danh”. Về mặt pháp lý, đất đai phải có chính danh, tức là phải có người chủ thực sự. Thế nhưng, trong thực tế hiện nay, ngay từ đầu đất đai đã chưa được chính danh, tức là luật chưa đi vào cuộc sống.
“Nhiều nước trên thế giới họ quy định rõ ràng, đất đai nào là của nhà nước, đất đai nào là của người dân nên luật của họ ổn định, tức là họ chính danh. Còn tại nước ta, nhà nước đại diện chủ sở hữu về đất đai nhưng không ít công chức đã lạm dụng quyền lực để tham nhũng đất đai, nên mới xảy ra khiếu kiện, tố cáo hàng loạt”, ông Tuyến nói.
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mà Nhà nước là người đại diện đang tạo ra một kẽ hở vô cùng thuận lợi cho một bộ phận cán bộ công quyền, bởi quyền chuyển mục đích sử dụng đất lại nằm trong tay chính quyền địa phương.
“Một mảnh đất nông nghiệp có giá trị không đáng là bao nhưng chỉ cần một chữ ký thôi thì giá trị của nó tăng lên hàng trăm, hàng nghìn lần, nhưng toàn bộ khoản chênh lệch đó gần như nhà nước không kiểm soát được”, TS. Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư chia sẻ.
“Nếu có một quy định kiểm soát chặt chẽ, một sắc thuế nghiêm ngặt để kiểm soát phần giá trị chênh lệch khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì chẳng cần đến nhà nước phải ký chuyển đổi, mà người nông dân có quyền thỏa thuận với chủ dự án trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phần chênh lệch được nộp vào ngân sách nhà nước”.
“Cơ chế chỉ có chủ tịch tỉnh mới có quyền cấp phép dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là cơ chế đặc quyền đặc lợi. Đây là cơ chế tạo ra tham nhũng chứ không phải là đẩy lùi tham nhũng”, TS. Thục nói tiếp.
Theo TS. Lê Cao Đoàn, nếu quy định sở hữu toàn dân thì cũng gần như là chúng ta để khối tài sản có giá trị như đất vô chủ. Không những thế, nói về bản chất sự việc, chỉ có người chủ mới có quyền quyết định giá cả đất đai, song với việc định ra sở hữu toàn dân thì ai sẽ là người quyết định giá đất, bởi dù là sở hữu toàn dân nhưng dân lại không được quyết định giá đất.
Trong khi đó, một chuyên gia đến từ Bộ Xây dựng cho rằng, về bản chất, bất động sản không thể tách rời nhà và đất được. Thế nhưng, hiện nay quyền sở hữu đất đai lại thuộc về nhà nước, trong khi quyền sở hữu nhà lại thuộc cá nhân. Chính sự không thống nhất này đã dẫn tới nhiều chính sách trong đất đai, bất động sản không được thuận buồm xuôi gió vì mâu thuẫn lợi ích giữa cá nhân và tập thể.
Được biết, mọi ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được các tổ chức, cơ quan ban soạn thảo tập hợp gửi lên Thủ tướng xem xét trong thời gian tới.
Theo VnEconomy

Nguồn: http://vneconomy.vn/2011083102395262P0C17/tu-huu-dat-dai-nen-hay-khong.htm

NỘI DUNG KHÁC

Không thể coi nhẹ nghề nông

1-9-2011

Sau hai năm triển khai thí điểm Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo QĐ 1956 của Thủ tướng Chính phủ, hiệu quả thiết thực mà mô hình đem lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tại Hội nghị giao ban toàn quốc sơ kết thực hiện Đề án 1956 diễn ra chiều qua, các đại biểu đã mổ xẻ và làm rõ những khúc mắc này.

TCT Lương thực Miền Bắc: Bàn giao 151 căn nhà cho các đối tượng chính sách ở huyện Minh Hoá

1-9-2011

Thực hiện nghị quyết 30a của Thủ tướng Chính phủ, TCT Lương thực Miền Bắc đã có kế hoạch hỗ trợ làm nhà ở cho 151 hộ gia đình thuộc các đói tượng chính sách tại huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp trong tháng 8

1-9-2011

Theo số liệu của Bộ Công Thương, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,93% so với tháng 7. Đây là mức tăng thấp so với các tháng trước, giá cả một số hàng hóa thiết yếu cũng đã chững lại.

Tháng 8: Sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh và ổn định

1-9-2011

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình sản xuất nông nghiệp tháng 8 phát triển nhanh và ổn định, chủ yếu tập trung vào gieo cấy lúa mùa, lúa thu đông và thu hoạch lúa hè thu.

Tháng 8: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 18,5 nghìn tỷ đồng

1-9-2011

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 ước tính đạt 18,5 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 4,6 nghìn tỷ đồng; vốn địa phương 13,9 nghìn tỷ đồng.

Sẽ mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn

1-9-2011

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, dự kiến đến năm 2013, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có cánh đồng mẫu 200.000 héc ta để trồng lúa theo tiêu chuẩn "Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt" (VietGap) để phục vụ xuất khẩu.

Sản xuất ngô vụ đông: Khó đạt mục tiêu

31-8-2011

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức Hội nghị phát triển sản xuất ngô vụ đông và vụ xuân ở các tỉnh phía Bắc, tại Sơn La. Hội nghị tập trung mổ xẻ khó khăn trong sản xuất ngô hiện nay, mà nan giải trước mắt là thời vụ ngô đông bị chậm!

Công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2010: Nợ đọng thuế gần 30.000 tỷ đồng

31-8-2011

Quản lý chặt chẽ hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) là một trong những đòi hỏi bức thiết nhằm bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động tài chính quốc gia.

"Cánh đồng mẫu lớn" - Những chấm phá ban đầu

31-8-2011

Mặc dù mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” mới được chính thức phát động từ tháng 3/2011 với 7.800 ha đất canh tác thu hút 6.400 hộ nông dân tham gia nhưng thực chất nó đã được xây dựng thí điểm từ trước tại rất nhiều điểm trình diễn, với quy mô từ vài ha đến vài chục ha ở các tỉnh: Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang… từ vụ hè thu 2008-2009 với tên gọi “liên kết 4 nhà”.

Việt Nam hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn

31-8-2011

Hôm 29/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức họp báo công bố những hoạt động thiết thực trong Lễ phát động quốc gia nhằm hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2011 được tổ chức trên toàn cầu từ 16-18/9.

Hiện đại hóa tàu cá: Ngư dân thiếu mặn mà?

31-8-2011

Việc xây dựng đội tàu cá hiện đại có đủ khả năng hoạt động ở các vùng biển xa bờ đã và đang được đặt ra đối với ngành thủy sản ngoài mục đích nâng cao sản lượng đánh bắt còn đảm bảo tính an toàn cho ngư dân... Tuy nhiên, việc hiện đại hóa tàu cá không hề dễ dàng mà một trong những nguyên nhân là do ngư dân chưa thực sự mặn mà. Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại Hội thảo Hiện đại hóa tàu cá do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức sáng nay (30/11) tại Hà Nội.

Điểm tin báo chí nông nghiệp nông thôn tháng 07 năm 2011

31-7-2011

Xin trân trọng kính mời quý vị theo dõi tin tức báo chí tổng hợp về nông nghiệp nông thôn trong tháng 07 năm 2011 của chúng tôi.