TIN TỨC-SỰ KIỆN

Tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế - xã hội

Ngày đăng: 28 | 04 | 2011

Với 54 dân tộc, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó dân tộc Kinh là đông nhất, chiếm 86,2% dân số (khoảng 74 triệu người), các dân tộc khác chiếm 13,8% (khoảng 12 triệu người). Đa số các dân tộc thiểu số đông dân nhất sống ở miền núi và vùng sâu, vùng xa ở miền Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, đồng bào các dân tộc luôn đoàn kết để đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cùng nhau phát triển. Sự phát triển của từng dân tộc luôn gắn chặt với sự phát triển chung của đất nước, tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đòi hỏi phải tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hoá, xã hội, vững mạnh về an ninh - quốc phòng. Đây là một trong những nhân tố quy định cho sự phát triển bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy vậy, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc ở nước ta không đều nhau. Dân tộc Kinh đông nhất và là dân tộc phát triển nhất, là lực lượng chủ yếu, trong phát triển kinh tế - xã hội. Một số dân tộc thiểu số như Thái, Tày, Nùng,… có trình độ phát triển kinh tế - xã hội khá cao, trong khi nhiều dân tộc thiểu số trình độ phát triển còn thấp. Thực tiễn cho thấy, nhìn chung, đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số còn thấp, lạc hậu, khoảng cách về sự phát triển; khoảng cách về giàu nghèo đang có xu hướng gia tăng. 
Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ các dân tộc Việt Bắc (1959)
 
Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, Đảng ta cũng yêu cầu các cấp, các ngành cần: “Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”. Có thể thấy, quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc ngày càng sáng tỏ, toàn diện hơn, đầy đủ hơn, để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”.
Có thể thấy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương và thực hiện chính sách dân tộc nhất quán, với những nội dung cơ bản là “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”. Trên nền tảng đó, tình hình miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có bước chuyển biến tích cực. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản đã được Hiến pháp xác định và được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điểm đáng chú ý, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Nếu như Quốc hội khoá XI, số đại biểu Quốc hội có 68 đại biểu trong tổng số 498 đại biểu, chiếm 13,65%, thì đến Quốc hội khoá XII, số lượng này đã tăng lên 78 đại biểu trong tổng số 493 đại biểu, nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số lên 15,82%.... Tình đoàn kết giữa các dân tộc không ngừng được củng cố, góp phần quan trọng để hình thành và phát triển kinh tế nhiều thành phần ở miền núi và các vùng dân tộc, tạo nền tảng quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá. Việc triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư như Chương trình 135 về Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số; Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững (Nghị quyết 30a của Chính phủ); chính sách định canh định cư; chính sách trợ giá;… đã làm cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở nhiều vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.
Theo số liệu của Uỷ ban Dân tộc, tăng trưởng kinh tế tại các địa phương vùng dân tộc và miền núi luôn đạt tỷ lệ 8 - 10%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4,2 triệu đồng/năm. Không còn hộ đói kinh niên; công tác xoá đói giảm nghèo đạt kết quả to lớn, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã khó khăn giảm từ 47% năm 2006 xuống còn 28,8% năm 2010; bình quân mỗi năm giảm 3-4% hộ nghèo. Các huyện vùng dân tộc đã có trung tâm y tế, các xã có trạm y tế và cán bộ y tế cơ sở. Nhờ đó, các loại dịch bệnh cơ bản được ngăn chặn và từng bước được đẩy lùi, đồng bào dân tộc khám, chữa bệnh được thuận lợi hơn. Đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số phát triển phong phú hơn, nâng cao hơn. Văn hoá truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Hiện, đã có 80% hộ được xem truyền hình, 90% hộ gia đình được nghe đài phát thanh, 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã...
Cũng theo số liệu của Uỷ ban Dân tộc, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đã hoàn thành, và đang tiến tới hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Về vấn đề giáo dục, theo Vụ Giáo dục dân tộc - Bộ Giáo dục và Ðào tạo, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú đang ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh các dân tộc. Kết thúc năm học 2009-2010, cả nước có 294 trường phổ thông dân tộc nội trú gồm: 6 trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 294 trường thuộc tỉnh và 239 trường huyện với khoảng 84 nghìn học sinh dân tộc theo học. Năm học 2009-2010 có 5.506/5.919 học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú thi đỗ tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 93,02%. Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và khá của các trường đạt hơn 95%. Để góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng Dự thảo Hướng dẫn thực hiện việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Tuy đạt được những thành tựu rất quan trọng, nhưng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn những hạn chế, đó là: Kinh tế ở miền núi và các vùng đồng bào dân tộc vẫn còn chậm phát triển; tập quán canh tác còn lạc hậu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt được kết quả như mong đợi. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất còn hạn chế. Các nhà máy chế biến nông sản chưa nhiều, làm cho chất lượng lượng sản phẩm chưa cao. Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở như giao thông thấp, làm cho việc tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Tuy thu nhập bình quân đầu người đã được cải thiện đáng kể (4,2 triệu đồng/năm), nhưng so với bình quân chung của cả nước (25,2 triệu đồng), thì khoảng cách thu nhập còn khá lớn (thấp hơn 6 lần). Mặt khác, tốc độ bình quân giảm nghèo mỗi năm từ 3-4%, năm 2010 chỉ còn 28,8% hộ nghèo, nhưng còn khá cao so với bình quân chung của cả nước (tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 9,6%). Điểm đáng chú ý, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục.
Hệ thống giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế tuy đã được đẩy mạnh, nhưng nhìn chung, chất lượng, hiệu quả còn thấp. Một số tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan có xu hướng phát triển. Một số bản sắc tốt đẹp trong văn hoá của không ít dân tộc thiểu số đang bị mai một. Mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào còn thấp. Mặt khác, do trình độ dân trí còn thấp, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý nhìn chung thiếu, yếu về năng lực tổ chức, làm cho năng lực chỉ đạo điều hành của hệ thống chính trị ở nhiều vùng dân tộc và miền núi chưa cao....

Để “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết nghĩ, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới; Đẩy mạnh việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tới mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; Cần tiếp tục nghiên cứu ban hành những chính sách mới để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, đáp ứng được yêu cầu mới; Đa dạng hoá nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, dự án đầu tư ngoài việc tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng cơ sở để tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, cần xác định những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư như xoá đói giảm nghèo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng thiết chế văn hoá,… ở vùng dân tộc và miền núi. Nhanh chóng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc trên cơ sở xây dựng được chiến lược quy hoạch cán bộ; Tăng cường lực lượng cán bộ ở tất cả các ngành, các lĩnh vực có năng lực, phẩm chất đến công tác ở vùng dân tộc; Tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; Đẩy mạnh công tác vận động đồng bào dân tộc, thực hiện tốt các chính sách dân tộc bằng nhiều hình thức, nhất là những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=456967

NỘI DUNG KHÁC

Hàn Quốc muốn nhập gạo Việt Nam

28-4-2011

Doanh nghiệp nhập khẩu gạo Hàn Quốc cho biết họ đang muốn tìm đối tác xuất khẩu gạo của Việt Nam theo quy chế tiếp cận thị trường tối thiểu (MMA).

Giá cà phê lập kỷ lục mới 49,5 triệu đồng/tấn

28-4-2011

Người trồng cà phê đang chờ đợi giá vượt 50 triệu đồng/tấn mới bán ra.

Giúp nông dân hiểu thêm về bảo hiểm

28-4-2011

Hôm qua (26.4) tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết thoả thuận hợp tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội và y tế năm 2011 giữa Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN và các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội T.Ư.

10 tỷ đồng cho hoạt động nghiệp vụ NTM

28-4-2011

Ngày 25.4, Bộ NNPTNT đã phê duyệt Quyết định về kế hoạch triển khai hoạt động nghiệp vụ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về NTM năm 2011.Theo đó, kinh phí cấp cho các hoạt động nghiệp vụ cả năm nay sẽ là 10 tỷ đồng.

Hội nghị chỉ đạo quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng: Kiến nghị cho nuôi

28-4-2011

Ngày 26/4, tại TP Sóc Trăng, hơn 150 đại diện các sở NN-PTNT của 8 tỉnh vùng ven biển ĐBSCL, các nhà khoa học các Viện Nuôi trồng thủy sản 2, Trường ĐH Cần Thơ, Cơ quan Thú y vùng VII và Hiệp hội các nhà nuôi tôm tham dự hội nghị chỉ đạo quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng do Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức.

Sớm xúc tiến thành lập tổ hợp tác xã

27-4-2011

Sau khi đăng loạt bài về “Thừa nguồn lực, thiếu cú hích” phản ánh những bất cập của Nghị định 41, NTNN đã nhận được nhiều hiến kế của chuyên gia, nhà quản lý, đại diện ngân hàng.

Làm lúa theo VietGAP: Tăng hiệu quả sử dụng phân bón

27-4-2011

Một loại phân bón đáp ứng được tiêu chuẩn của VietGAP đã được Công ty Phân bón Bình Điền nghiên cứu, sản xuất và đưa vào ứng dụng thành công.

Gần 105 tỷ đồng cho dự án nông nghiệp cấp bách

27-4-2011

Bộ NN và PTNT chuyển từ khởi công mới sang chuẩn bị thực hiện 13 dự án cấp bách của ngành…

Thống nhất hỗ trợ 13,21 tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu mía

27-4-2011

Trong thời gian qua, tình trạng mua mía nhỏ giọt diễn ra ở các huyện Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ (Quảng Ngãi). Những nơi này còn đến hàng chục ngàn tấn mía cây chín rộ nhưng chưa được phát phiếu thu họach. Người trồng mía ở Quảng Ngãi đang hết sức lo lắng vì mía cháy khô ngoài đồng và nhiều đồng mía đã trổ cờ, làm giảm sút năng suất và chất lượng.

Bảo hộ giống cây trồng còn hạn chế

27-4-2011

Công tác đầu tư của Nhà nước cho đào tạo và phát triển giống lúa được ưu tiên. Tuy nhiên, theo thống kê, tỷ lệ giống lúa được đăng ký bảo hộ còn rất hạn chế.

Liên kết chăn nuôi, các bên cùng có lợi

26-4-2011

Trước thực trạng giá thức ăn chăn nuôi leo thang từng ngày, trong khi đầu ra không ổn định, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Diên Lộc (Diên Khánh - Khánh Hòa) đã liên kết để sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận khi tiêu thụ sản phẩm.

Bảo hiểm bò sữa ở Mộc Châu: Một cách làm hiệu quả

26-4-2011

Tháng 7 tới đây, bảo hiểm nông nghiệp bắt đầu được triển khai thí điểm ở 21 tỉnh, thành phố trên một số đối tượng cây trồng - vật nuôi nhưng tại Mộc Châu (Sơn La), bảo hiểm bò sữa do Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu triển khai trong 7 năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, được người chăn nuôi nhiệt tình hưởng ứng. Qua mô hình này, người ta thấy rõ mối liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp khi quyền lợi và trách nhiệm hài hòa.