THỊ TRƯỜNG

Bạc Liêu: Muối đã mặn, còn... chát

Ngày đăng: 25 | 04 | 2011

Vào những ngày nắng nóng tháng tư này, chúng tôi về miệt biển Bạc Liêu, tỉnh có diện tích và sản lượng lớn nhất nước đang vào vụ thu hoạch muối.

Nắng nóng chuyển mùa oi bức hầm hập cùng với gió biển thổi mạnh mang theo vị mặn, khiến cho người nơi khác đến rất khó chịu. Nhưng với diêm dân thì coi như được trời ưu ái, bởi nắng nóng kéo dài càng được mùa muối. Hiện tại, nhiều cánh đồng muối Bạc liêu thu hoạch chưa được bao nhiêu. Những cơn mưa trái mùa như lưỡi dao cứa vào lòng diêm dân.
 
Từ thị xã Bạc Liêu sang xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (Hòa Bình), Điền Hải, Long Điền Đông (Đông Hải) những ngày này đâu đâu cũng thấy muối chất cao đầy đồng. Nhưng rất ít thương lái đến mua, thỉnh thoảng có vài ghe nhỏ đến ăn hàng nhưng giá thương lái đưa ra quá thấp với 16.000 – 17.000 đồng/giạ muối (33kg/giạ) bằng 1/2 năm ngoái. Giá muối xuống thấp, diêm dân sản xuất không có lãi thậm chí còn lỗ do muối tiêu thụ không được, làm diêm dân điêu đứng.
Vụ muối năm nay, Bạc Liêu có hơn 3.200ha sản xuất muối, trong đó 80% diện tích là sản xuất muối đen, tăng hơn 500ha so cùng kỳ các năm trước. Diêm dân Trần Văn Trung (xã Vĩnh Thịnh – Hoà Bình) cho biết: “Hai năm trước muối sản xuất bao nhiêu cũng có người đưa ghe vào tận ruộng để mua với giá cao, nhưng từ đầu vụ muối mới đến nay tôi cào được trên 5.000 giạ muối đen mà chưa bán được hạt nào, vì giá muối rẻ như bèo”.
Vụ muối trước, diêm dân xã Điền Hải (Đông Hải) trúng lớn, năng suất đạt đến 87 tấn/ha. Do tiêu thụ chậm nên lượng muối tồn đọng còn khoảng 40%, cộng với hàng chục ngàn tấn của vụ này, khiến bà con hết sức lo lắng, nhất là trong hoàn cảnh giá muối giảm gần một nửa so với vụ trước. Anh Hồ Minh Chiến ở xã Long Điền Đông – Đông Hải nói với giọng buồn: “Vụ muối năm nay tôi sản xuất được 6 công, nhờ có sự chuẩn bị nguồn nước, cải tạo ao kỹ, nên năng suất đạt 70 tấn/ha, gia đình lên tận Bạc Liêu kêu thương lái quen đến mua nhưng đi năm lần bảy lượt rồi mà chẳng thấy thương lái đến xem muối”.
Rời đồng muối, tôi vẫn còn nghe văng vẳng lời anh Trần Văn Trung: “Diêm dân khổ lắm. Họ đối mặt với thời tiết thất thường, giá cả trồi sụt như thời tiết và số phận giàu – nghèo của họ lại tuỳ thuộc vào quyết định có cho nhập muối ngoại hay không”. Cắn hạt muối trắng Bạc Liêu, ngoài vị mặn đặc trưng, đầu lưỡi tôi lại có thêm một vị khác đắng nghét. Muối ơi, mặn đủ rồi, xin đừng đắng nữa.
Từ trước đến nay, muối Bạc Liêu được tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái. Những người này là dân địa phương hoặc ở các vùng lân cận đến mua muối, rồi dùng ghe chở đi tiêu thụ khắp nơi để nấu muối bọt, làm nước mắm, ướp cá, sản xuất muối i-ốt…
Chưa hết lo vì giá muối giảm, tiêu thụ khó khăn thì diêm dân lại khốn đốn vì những ngày qua liên tục xảy ra mưa lớn đã biến hàng ngàn hecta muối đang phơi đồng tan chảy thành nước, nhiều người bỗng chốc rơi vào cảnh trắng tay. Tại tỉnh Bạc Liêu, mưa lớn trái mùa đã làm khoảng 2.500ha muối với sản lượng 23.000 tấn tan thành nước, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Ở huyện Đông Hải, mưa trái vụ cũng làm thiệt hại trên 50.000 tấn muối, diêm dân không còn khả năng phục hồi sản xuất. Vừa mất muối, diêm dân vừa phải tốn thêm chi phí sửa lại khuôn, ao, sân để khôi phục sản xuất.
Vài năm gần đây, nghề muối cứ “một lên hai xuống”, sau vài vụ bị ép giá, diêm dân đồng loạt giảm diện tích, sản lượng giảm. Ai cũng thừa nhận rằng, giá cả là do thị trường quyết định. Hơn ai hết, diêm dân mong Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu bình ổn giá muối theo chiều hướng có lợi. Bao giờ những vướng mắc trong việc bao tiêu muối được tháo gỡ? Và đến bao giờ cuộc sống của hàng chục ngàn lao động nghề muối mới ổn định?
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/77373/Default.aspx

NỘI DUNG KHÁC

Ngành lúa gạo Australia: Bài học tham khảo về mô hình tổ chức ngành hàng

23-4-2011

"Tổ chức chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo Úc không hẳn là mới đối với ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Từ những năm trước 1990, các tổng công ty lương thực đều có mạng lưới các hợp tác xã sản xuất và hệ thống kho tàng bảo quản và chế biến lương thực; mỗi thành phần kinh tế trong chuỗi cung đều đảm trách từng khâu công việc cụ thể và khép kín từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và lưu thông. Điểm khác biệt là các tổng công ty lương thực do Nhà nước nắm giữ nên hoạt động theo cơ chế mệnh lệnh, quan liêu và trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước." Đây là ý kiến nhận xét của ông Trịnh Văn Tiến - chuyên gia phân tích ngành hàng của IPSARD trong chuyến công tác tại Australia. Sau đây, Agroinfo xin gửi tới quý vị bạn đọc bài viết "Ngành lúa gạo Australia: Bài học tham khảo về mô hình tổ chức ngành hàng" để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Sản phẩm mới cho cây cà phê

22-4-2011

Giá cà phê đang ở mức cao đã kích thích nông dân tăng đầu tư mạnh có tính đột biến trong năm 2011. Mặt khác biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đặc biệt là những loại cây trồng có chu kỳ sinh trưởng theo 2 mùa mưa – khô như cây cà phê. Thông thường, trong mùa khô là lúc cây cà phê vừa phục hồi sau khi thu hoạch, vừa phân hóa mầm hoa. Khi có nước cây sẽ bung hoa đồng loạt.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng trưởng mạnh tại hai thị trường “nóng”

22-4-2011

Bất chấp nhiều biện pháp ngăn cản "đường đi" của cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ, trong 2 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng trưởng mạnh tại 2 thị trường "nóng" là Mỹ và Braxin. Đây là nỗ lực của các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp.

Sản xuất sạch hơn: Hướng đi bền vững cho ngành chế biến dừa

22-4-2011

Việt Nam có thể coi là "vương quốc" của dừa, song ngành công nghiệp này vẫn chưa phát triển mạnh. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp trong ngành chế biến dừa vẫn chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc sản xuất sạch hơn (SXSH) và áp dụng nó vào sản xuất...

Giá phân bón lại sắp tăng

22-4-2011

Cho rằng hàng loạt các yếu tố đầu vào tăng giá như tỷ giá, điện, xăng dầu, cao su, lưu huỳnh và mới đây nhất là giá than tăng 40% cho sản xuất phân bón, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vừa thông báo sẽ lại phải tăng giá phân bón khi vụ hè thu đang đến gần.

Giá cà phê arabica cao nhất 34 năm

21-4-2011

Lần đầu tiên kể từ năm 1977, giá cà phê arabica vượt mốc 3 USD/lb.

Xuất khẩu dừa nguyên liệu sẽ phải chịu thuế 3%

21-4-2011

Hàng năm Bến Tre xuất khẩu trên 100 triệu quả dừa, chiếm khoảng 1/3 sản lượng dừa của tỉnh.

Giá tiêu ngày càng "nóng"

21-4-2011

Việc thị trường hạt tiêu thế giới năm nay thiếu nguồn cung trầm trọng là cơ hội để nông dân Việt Nam có thêm một năm hưởng lợi lớn.

Bán cao su non để… ăn chơi

21-4-2011

Tiền vay ngân hàng để trồng cao su chưa trả, nhưng hàng chục hộ dân đã lấy tiền cho thuê vườn cao su để mua sắm, ăn chơi. Nhưng đau hơn là họ bán vườn với cái giá rất “bèo”.

Ngành mía đường: Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn

20-4-2011

Cây mía và ngành làm mật, đường không lạ với nông dân nước ta, nhưng ngành công nghiệp đường Việt Nam thì chỉ mới thực sự hình thành nhờ chương trình 1 triệu tấn đường vào năm 2000 của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu như sản lượng đường sau 10 năm vẫn “giậm chân tại chỗ” đã là điều đáng nói, thì chuyện đáng quan ngại hơn là diện tích và sản lượng mía vẫn đang trong quá trình tụt dốc, khiến các mục tiêu phấn đấu càng xa hơn. Vậy làm thế nào để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này?

Giá tiêu tăng kỷ lục

20-4-2011

Cách đây một tuần, giá của hạt tiêu đen tại Chư Sê (Gia Lai) là 135.000đ/ kg, mức giá kỷ lục theo lời ông Hoàng Phước Bính, phó chủ tịch chi hội tiêu Chư Sê.

Khắc phục tình trạng khan hiếm tôm sú giống ở ĐBSCL

20-4-2011

Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Hiện nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bước vào chính vụ nuôi tôm năm 2011. Do người nuôi tôm thả giống đồng loạt, cộng thêm thời tiết bất lợi, mưa trái mùa diễn ra liên tục, kéo dài, nên nhiều địa phương rơi vào tình trạng khan hiếm tôm giống.