TIN TỨC-SỰ KIỆN

Tiến gần hơn tới việc thực thi Luật An toàn thực phẩm

Ngày đăng: 15 | 04 | 2011

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức buổi hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP). Đây là góp ý cho bản dự thảo nghị định lần thứ 16. Dự kiến Luật ATTP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay.

Mục tiêu của hội thảo là nhằm đưa ra những góp ý, làm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực thi Luật ATTP. 
Theo các ý kiến, dự thảo nghị định còn nhiều hạn chế, chưa tạo sự phù hợp, thống nhất hoàn toàn với các quy phạm pháp luật liên quan hiện có...
Dự thảo nghị định cần nêu rõ tên các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương được giao trực tiếp thực hiện trách nhiệm hướng dẫn các đối tượng thực hiện đúng quy định của luật cũng như thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải đăng ký bản công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 
Về thực phẩm biến đổi gen, cần công bố cụ thể danh mục sinh vật biến đổi gen đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thực phẩm. Trên thực tế, những sản phẩm như: dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột, sữa chế biến...có thể chứa nguyên liệu có nguồn gốc từ sản phẩm biến đổi gen (ví dụ sữa đậu nành, sữa bột, tinh bột ngô, tinh bột sắn...). Như vậy, cần thiết phải có quy định rõ ràng về “thực phẩm biến đổi gen” trong phạm vi quản lý của nghị định này. 
Các đại biểu cũng khuyến nghị về việc quản lý an toàn thực phẩm tại nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, căng tin… và phải có cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ tạm, chợ địa phương.
Cụ thể trách nhiệm cho từng Bộ
Trong dự thảo nghị định cũng phân công rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản l‎ý Nhà nước về ATTP.
Theo đó, cả ba Bộ: Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đều có trách nhiệm quản lý ATTP. Cụ thể, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về ATTP; quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên; thực phẩm chức năng...
Bộ NN&PTNT quản lý ATTP đối với sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối; thực phẩm có nguồn gốc thực vật, động vật, thủy sản...
Bộ Công Thương quản lý ATTP đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột...; quản lý điều kiện ATTP đối với các chợ, siêu thị, chợ đầu mối và hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm.
Cũng trong dự thảo này, việc cấp phép cho sản phẩm thực phẩm cũng được chia đều cho 3 bộ quản lý. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cho rằng nên quy định việc tiếp nhận công bố hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm về một Bộ.
Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng - nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng cho rằng việc chia nát khâu cấp phép này cũng không phù hợp với quy định của Luật ATTP.
Theo ông, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý 9 ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 7 ngành hàng nhưng chỉ chịu trách nhiệm ở khâu nguyên liệu, sản xuất, chế biến, kinh doanh chứ không chịu trách nhiệm về tiêu dùng. Bộ Y tế phụ trách 5 nhóm mặt hàng nhưng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, cũng nên quy định, Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm đối với thực phẩm ở khâu tiêu dùng. Nghĩa là Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm xác định sản phẩm đó có đủ điều kiện cho 87 triệu người dân đưa vào miệng hay không – ông nhấn mạnh. 
Đồng tình với quan điểm trên, GS-TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam, thẳng thắn: “Phân công trách nhiệm thế nào thì luật đã chỉ rất rõ, DN chỉ đến một cơ quan để tiếp nhận bản hợp quy, hợp chuẩn chứ không thể chạy vòng quanh để lo thủ tục công bố chất lượng sản phẩm”. Đại diện phía DN, ông Nguyễn Hồng Uy, Giám đốc quy chế Abbott, đề nghị chỉ nên có một Bộ phụ trách về vấn đề cấp phép thực phẩm. Nhiều ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo cần cụ thể trách nhiệm cho từng Bộ để khi thực hiện được dễ dàng hơn./.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế Việt Nam

NỘI DUNG KHÁC

Dạy nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại

15-4-2011

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của Ðảng đề ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại...; Xây dựng cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, hiệu quả; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, đào tạo nghề chiếm 55% tổng lao động xã hội; Ðẩy mạnh dạy nghề và tạo việc làm; Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thị hóa... Ðây là định hướng rất cơ bản nhưng cũng là thách thức rất lớn, vì hiện nay nguồn lao động nước ta dồi dào, nhưng chất lượng thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tìm giải pháp tăng đàn lợn

15-4-2011

Ngay sau bài phản ánh về tình trạng thiếu thịt lợn nghiêm trọng tại các địa phương, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT về vấn đề này.

Doanh nghiệp Hoành Sơn hỗ trợ phân bón giá rẻ

15-4-2011

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh, doanh nghiệp tư nhân Hoành Sơn đã liên hệ với các công ty phân bón mua hàng ngàn tấn phân bón về bán giá ưu đãi cho tất cả nông dân vùng lũ tỉnh Hà Tĩnh.

Nhiều mặt hàng thủy sản nhập khẩu có thuế suất 0%

15-4-2011

Nhiều mặt hàng thủy sản nhập khẩu như tôm, cua, hàu, vẹm, điệp, mực, bạch tuộc dùng làm nguyên liệu chế biến sau đó tái xuất đã được Bộ Tài chính dự kiến áp dụng thuế suất 0%.

Khi nông dân được trang bị “cần câu”

15-4-2011

Hiệu quả từ mô hình liên kết “bốn nhà” tại xã Hồng Phong (An Dương, Hải Phòng) là kết quả bước đầu từ đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.

Hà Nội: Giá rau “hạ nhiệt”, thực phẩm vẫn cao

14-4-2011

Thời tiết ấm áp, tạo thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây trồng đã khiến giá bán của mặt hàng rau xanh hạ nhiệt, song đối với thực phẩm, mức giá nhìn chung vẫn khá cao.

Tháo gỡ khó khăn thực hiện dự án ODA ở Phú Yên

14-4-2011

Chiều ngày 13/4, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về tình hình thực hiện các dự án ODA: Phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung và Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005.

Sắp có giá sàn và quỹ bảo hiểm XK cà phê

14-4-2011

Giá sàn thu mua - XK và Quỹ Bảo hiểm XK cà phê sẽ sớm được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập nhằm hỗ trợ cho các DN và bảo vệ quyền lợi cho nông dân trồng cà phê khi thị trường có những biến động bất lợi.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vượt Thái Lan

14-4-2011

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trở nên sôi động hơn trong 2 tuần qua, ngược lại với một vài dự báo ảm đạm của nhiều chuyên gia .

Hạn chế thiệt hại lúa vụ Đông Xuân, đẩy nhanh xuống giống vụ Hè Thu

14-4-2011

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các địa phương miền Bắc tập trung chăm sóc lúa Đông Xuân, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết đối với năng suất lúa. Các tỉnh miền Nam tích cực thu hoạch lúa Đông Xuân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ Hè Thu nhằm đảm bảo thời vụ và cơ cấu chuyển đổi, nhằm thực hiện tốt việc tăng 1 triệu tấn lúa trong năm 2011 như chỉ đạo của Chính phủ.

Đồng bằng sông Cửu Long: Vụ lúa Đông Xuân 2010- 2011 đạt sản lượng trên 10 triệu tấn

14-4-2011

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, đến thời điểm này, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân 2010- 2011 với sản lượng trên 10 triệu tấn, tương đương với vụ Đông Xuân trước, năng suất bình quân đạt 6,6 tấn/ha, có nơi đến 7,4 tấn/ha.

Rà soát hoạt động thu mua, xuất khẩu nông sản

14-4-2011

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ NNPTNT, Bộ KHĐT, Hiệp hội Cà phê, cacao Việt Nam (Vicofa) đề nghị rà soát lại hoạt động thu mua và xuất khẩu nông, lâm sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông, lâm sản.