TIN TỨC-SỰ KIỆN

Vỡ nợ cà phê tại Đăk Lăk: "Chó cắn áo rách"

Ngày đăng: 17 | 03 | 2010

Hàng trăm hộ dân xã Ea Kênh, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk đã đặt toàn bộ tài sản cá nhân vào một đại lý ký gửi cà phê chỉ bằng “lời hứa”. Đến khi chủ tuyên bố vỡ nợ, cùng với giá cà phê “bết bát” đã đẩy họ vào bước đường cùng.

Xã Ea Kênh vẫn yên bình như bao ngày khác, thế nhưng khi hung tin bà Phan Thị Kim Hoa, một đại lý chuyên nhận ký gửi cà phê bị vỡ nợ do chính bà này "phát" ra đã khiến vùng quê này không yên ả nữa. Một tuần sau cái tin động trời ấy được đưa ra, gia đình chị Dương Thị Lanh, ở đội 3 thôn Ea Đun, xã Ea Kênh vẫn không tin đó là sự thật bởi toàn bộ tài sản của gia đình gồm 2,3 tấn cà phê thu hoạch vụ vừa qua ký gửi cho bà Hoa, chỉ tính theo giá cà phê rẻ mạt hiện nay cũng trên 50 triệu đồng. Đáng nói toàn bộ số tiền chị Lanh vẫn chưa lấy đồng nào.

Vợ chồng chị Lanh buồn bã trao đổi với PV NNVN

Gặp chúng tôi, chị bật khóc: "Nhà tôi có 0,8 ha cà phê, ngoài ra không một tấc đất. Toàn bộ sinh hoạt gia gia đình và nuôi bốn đứa con ăn học (hai đứa đại học) chỉ nhìn vào hạt cà phê. Vậy mà bây giờ...trắng tay". Nói đến đây chị Lanh lại khóc nức nở. Anh Hợi, chồng chị Lanh ngồi gần đó góp chuyện: "Vợ chồng tôi bàn nhau ra tết sẽ chốt giá vài tấn lấy tiền gửi các cháu ăn học và mua dầu bơm nước tưới cà phê. Khổ nỗi nhà lại bán được con bò 11 triệu nên tính cuối tháng 3 mới chốt giá. Chậm một bước đâm ra thế này".

Nhìn ngôi nhà cấp bốn, chẳng có gì trị giá bởi anh chị làm được bao nhiêu dành dụm nuôi con ăn học, tái đầu tư vào rẫy cà phê. Mất cà phê anh chị không biết lấy đâu ra tiền chi tiêu. Bên cạnh đó, đang cao điểm mùa khô, vườn cà nhà chị Lanh rất cần bơm nước mà mỗi lần bơm tốn cả bạc triệu. Giờ không “xoay” được tiền chị Lanh bỏ mặc cho vườn cây bị khô hạn.

Đường dẫn vào các thôn của xã Ea Kênh chẳng khác gì bàn cờ, nếu không có anh Vũ Minh Thành, công an xã dẫn đường thì tôi không biết đường nào mà đi. Con đường đất đỏ bụi mù khiến không khí càng trở lên ngột ngạt. Anh Trần Minh Tú, đội 2 thôn Ea Đun đang cuộn tấm lưới B40 mà anh mới lấy từ tường rào khu chế biến cà phê của bà Hoa gần nhà coi như...trừ nợ. Hoàn cảnh nhà anh Tú cũng thê thảm không kém, cả nhà (4 người) anh chỉ biết nhìn vào 1ha cà phê mà vợ lại bị bệnh tim nay ốm, mai đau.

Lò chế biến cà phê của bà Hoa đã bị phá tanh bành

Vụ cà phê vừa qua do mất mùa anh chỉ thu được 1,9 tấn cà phê. Giữa lúc giá vật tư không ngừng leo thang thì giá cà lại tụt thê thảm, nếu bán hết anh cũng chỉ thu được 43 triệu đồng, mà tiền đầu tư đã hết 25 triệu. Toàn bộ cà thu được anh đem ký gửi bà Hoa, cũng may trước Tết anh đã chốt giá 1,2 tấn nên giắt lưng được 27 triệu đồng trả nợ ngân hàng và các cửa hàng bán gạo, phân bón, thuốc trừ sâu…Số cà phê còn lại anh định đến tháng 4 sẽ lấy nốt mua phân bón vì nếu lấy trước sẽ tiêu hết. Giờ số tiền còn lại (15 triệu) chắc gì đòi được.

Chúng tôi đi ngang qua nhà bà Hoa nằm gần trụ sở UBND xã. Tất cả đã tan hoang, trong nhà không còn gì, từ cánh cổng, mái tôn, tường rào đều bị người ký gửi cà phê đến lấy đi hết. Đây có lẽ là hậu quả cơn cuồng lộ của người dân khi bị bà Hoa lừa đảo. Để có cú lừa “ngoạn mục”, bà Hoa đã tạo được lòng tin tuyệt đối của người dân. Anh Tú kể: Những năm trước đây em ký gửi cà phê cho bà Hoa, nếu cần tiền ra chốt giá bất kể giá đang cao ngất bà ấy đều vui vẻ thanh toán. Nhiều lúc không có tiền, cần đưa vợ đi thành phố chữa bệnh gấp, bà ấy sẵn sàng cho vay 5- 10 triệu không tính lãi.

Còn cô Dương Thị Huấn ở thôn Tân Đông ký gửi bà Hoa 6,85 tấn cà phê, mọi năm sau Tết là cô rút tiền ngay để lấy vốn tái đầu tư. Nhưng năm nay giá cà phê xuống thấp quá cô tính chờ giá cà lên mới chốt, giờ số cà phê gần 150 triệu đồng không biết có lấy được không, cô Huấn mếu máo cho biết: "Trước đây tôi cũng sợ ký gửi tư nhân sẽ có ngày không lấy được tiền vì đã có nhiều vụ vỡ nợ ở địa phương này. Nhưng bà Hoa xuống vận động riết quá, vả lại tôi thấy bà ấy cũng thực thà nên an tâm ký. Cái niềm tin ấy giờ phải trả giá bằng sự trắng tay".

Có dấu hiệu lừa đảo

Bà Hoa là ai? Qua tìm hiểu được biết trước đây bà Hoa bán rau ngoài chợ kiếm sống. Khoảng năm 2006 bà chuyển sang nhận ký gửi cà phê, nhờ sự khôn khéo bà đã tạo được lòng tin nơi người dân. Từ lúc bà Hoa tuyên bố vỡ nợ đến nay đã có 72 hộ dân đến trình báo với xã đã ký gửi cà phê cho bà Hoa mà chưa lấy tiền với số lượng 231 tấn (giá trị 5 tỷ đồng), ngoài ra còn có 4 hộ cho bà Hoa vay 315 triệu tiền mặt.

Anh Trần Thành Vinh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Bà Hoa tuyên bố vỡ nợ, nhưng chúng tôi nhận định không phải vỡ nợ mà chính là lừa đảo. Bởi vỡ nợ là nhận ký gửi cà phê lúc giá thấp rồi bán hết, khi giá cà phê lên cao người dân mới chốt giá. Đằng này bà ấy nhận cà phê lúc giá cao 25 triệu đồng/tấn, nay cà phê 22,5 triệu đồng/tấn thì không có lý do gì mà vỡ nợ được. Mặt khác một tuần trước khi tuyên bố vỡ nợ, bà Hoa còn đi vận động người dân cho bà ấy vay tiền, cứ 19 – 20 đồng thì bà Hoa trả 1 tấn cà phê. Thấy chênh lệnh 2 – 3 triệu đồng lên nhiều người nảy sinh lòng tham đã cho bà ấy vay, còn những hộ ký gửi cà phê bà ấy lại khuyến khích để cuối năm lấy tiền sẽ trả bằng 1,2 tấn cà phê.

Hiện nay vụ việc đang được Công an huyện Krông Păk thụ lí. Nhưng bài học về sự cả tin của người dân một lần nữa lại phải trả giá quá đắt.

PV-MT

Phạm Khánh ( Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam)

NỘI DUNG KHÁC

Diễn biến dịch lùn sọc đen: Công bố dịch từ Quảng Trị trở ra

16-3-2010

* Lập BCĐ chống dịch Diễn biến dịch lùn sọc đen (LSĐ) hại lúa ĐX tại Thái Bình cũng như nhiều tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ đang ngày càng phức tạp. Hôm qua, lần thứ 2 trong tuần này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lại phải về Thái Bình chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác phòng trừ dịch cho các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra.

Đói thấu mùa giáp hạt

15-3-2010

LTS: Nhiều đúc kết của người xưa có thể không còn đúng nữa nhưng thành ngữ “tháng ba ngày tám” với không ít nông dân vẫn còn là nỗi ám ảnh, nhắc nhở về cái đói thấu ruột mùa giáp hạt. Việt Nam là một cường quốc xuất khẩu gạo, nói đến cụm từ đói cơm, nhiều người cho đó là nghịch lý nhưng cái nghịch lý ấy vẫn tồn tại một cách hiển nhiên và dai dẳng. Những câu chuyện mà người dân nghèo kể cho phóng viên trong loạt phóng sự này cũng chính là những mong mỏi về một sự thay đổi để họ bớt cơ cực hơn.

Khai trương VTC16 - Kênh truyền hình về nông nghiệp

15-3-2010

VTC16, một kênh truyền hình chuyên cung cấp thông tin liên quan tới nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn của Đài VTC sẽ ra mắt quý khán giả trong tháng Tư.

Xã Liêng Srol với mô hình trồng chanh dây

12-3-2010

KTNT - Trong lúc nhiều người dân ở Liêng Srol (Đam Rông - Lâm Đồng) vẫn đang loay hoay tìm một loại cây trồng thích hợp, cho hiệu quả kinh tế cao thì ông Lâm Tấn Sơn ở thôn I đã có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm nhờ trồng chanh dây (mác mác).

Làm sao "giải cứu" những bao lúa đồng bằng?

12-3-2010

Thời điểm này đi về nông thôn ĐBSCL ta thấy lúa vào bao chất đầy nhà khó bán được vì giá hạ, thương lái lại ít mua. Có nơi lúa tràn cả ngoài trời.

Làng gốm Bát Tràng, một bức tranh đa diện

5-3-2010

AGROINFO - Trong khuôn khổ nghiên cứu về tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đối với làng nghề, đoàn cán bộ nghiên cứu của IPSARD đã thực hiện quá trình thực địa nghiên cứu tại Bát Tràng...

Đắk Lắc: Hệ thống giám sát hộ phát huy hiệu quả

5-3-2010

AGROINFO - Vưa qua, chúng tôi theo chân Tiến sĩ Vũ Trọng Bình – GĐ Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn - Viện chính sách và chiến lược PTNNNT đến 2 xã Giang Reh và Hoà Sơn của huyện Krông Bông - tỉnh Đắk Lắc để tìm hiểu về Hệ thống giám sát nông hộ đang được triển khai ở đây.

Xây dựng nông thôn mới: Không chờ đợi!

26-2-2010

Trong khi nhiều xã được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM) chưa kịp hoàn thiện dự án, chưa xong quy hoạch chi tiết thì ở một số địa phương của tỉnh Thái Bình, mọi việc đã triển khai khá suôn sẻ.

Nghệ An: Giải pháp để phát triển chăn nuôi

26-2-2010

AGROINFO - Vừa qua, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông hộ chăn nuôi Nghệ An trong điều kiện chuyển đổi kinh tế”.