Người dân phải là trọng tâm của trọng điểm phát triển
Sau khi ThS. Phạm Quang Diệu – Giám đốc Trung tâm Thông tin PTNNNT (AGROINFO) trình bày vấn đề “Nguồn lực phát triển kinh tế nông thôn”, ThS. Trịnh Văn Tiến với nghiên cứu về “Khả năng và nhu cầu tiếp cận nguồn lực phát triển của cư dân nông thôn miền núi”, các chuyên gia, khách mời và cán bộ tham dự đã sôi nổi thảo luận, phát biểu ý kiến.
Vấn đề phát triển nông thôn liên quan đến nhiều ngành, nhiều đối tượng, bao gồm không chỉ người nông dân, mà còn là các hộ phi nông nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể, hợp tác xã, khu vực tư nhân, cơ quan Trung ương và địa phương, các đơn vị thuộc lĩnh vực công và các nhà cung cấp dịch vụ… Nhưng người dân vẫn là trọng tâm của phát triển nông thôn, vì vậy họ cần được trao quyền và được quản lý các nguồn lực của chính bản thân họ, để thực sự tham gia tích cực vào quá trình phát triển.
Theo đó, ông Nguyễn Đình Hùng - Cán bộ IPSARD đề xuất: Nên chăng hướng đầu tư nguồn lực đúng và hiệu quả là tập trung vào con người, còn có nghĩa là cung cấp nhiều hơn cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, các nội dung “phần mềm” như là trao quyền, thông tin, kiến thức, kỹ năng… quan trọng hơn. Nếu không có những nội dung này thiết yếu này thì việc cải thiện cơ sở hạ tầng chỉ có nghĩa là tăng mức khai thác người dân nông thôn chứ không phải vì mục đích phát triển. Vì vậy, người dân phải là trọng tâm của chính sách, họ thực sự phải được tham gia vào chính quá trình phát triển nông thôn, khuyến khích sở hữu và phân quyền cho địa phương.
Vấn đề tăng cường phân cấp quản lý Chương trình 135
Những năm gần đây, trên các địa bàn đặc biệt khó khăn có nhiều chương trình, dự án đã và đang được thực hiện với nội dung tăng cường phân cấp quản lý xuống cơ sở. Đó là các chương trình quốc gia: Chương trình Mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và việc làm, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa, cùng với các Dự án nước ngoài như Dự án Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng, Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc …..
Ông Nguyễn Minh Sao – Cán bộ Viện xã hôi học nhận định, việc tăng cường phân cấp quản lý Chương trình 135 cho xã làm chủ đầu tư là một yêu cầu quan trọng của Chương trình 135 giai đoạn II. Mục tiêu là để nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cấp cơ sở. Thông qua thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, chủ đầu tư cấp xã có khả năng thực hiện các công việc: Chuẩn bị đầu tư, quản lý thi công và phối hợp tốt với đơn vị thi công, thanh quyết toán công trình, huy động nguồn lực trong dân hiệu quả, nhất là trong việc giải phóng mặt bằng và giám sát chất lượng công trình. Từ năm 1999 đến nay, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã ban hành một số văn bản pháp luật về việc phân cấp/ trao quyền cho các cấp huyện, xã trong quản lý chương trình 135 để triển khai mục tiêu phân cấp quản lý chương trình xuống cấp xã, tạo cơ sở đầy đủ cho hành lang pháp lý.
Cần tích cực đẩy mạnh công tác khuyến nông
Theo bà Trần Ngọc Yến – Cán bộ AGROINFO, vấn đề còn tồn tại của cư dân miền núi là sản xuất đạt năng suất thấp, quy hoạch sản xuất chưa sát, chưa gắn với cơ sở chế biến, thiếu dịch vụ đầu vào, thị trường đầu ra chưa phát triển, kiến thức và kỹ năng sản xuất còn kém.
Sản xuất ở các địa bàn này trước hết bị chi phối bởi điều kiện tự nhiên khó khăn. Mặc dù đã có chính sách khai hoang nhưng diện tích đất sản xuất vẫn còn thiếu thốn. Sự phát triển của các trung tâm cụm xã tuy đã góp phần thúc đẩy giao lưu thương mại trong khu vực nhưng nhìn chung thị trường các yếu tố sản xuất đầu vào gồm giống, phân bón, dịch vụ còn thiếu thốn. Bên cạnh đó, yếu tố kỹ thuật và cán bộ đào tạo khuyến nông khuyến lâm còn hạn chế. Quy hoạch sản xuất còn chưa sát, chưa có định hướng phát triển cây con, lâm nghiệp, thuỷ sản. Công tác chế biến sau thu hoạch còn kém, thị trường đầu ra kém phát triển nên sản xuất ra không bán được. Một lý do quan trọng nữa là kỹ năng tổ chức sản xuất và tập quán của địa phương còn lạc hậu, chưa biết sử dụng đồng vốn hiệu quả cho sản xuất.
Về công tác khuyến nông, kinh nghiệm cho thấy các phương pháp tiếp cận khuyến nông lồng ghép như hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà sản xuất ở miền núi về cả nội dung lẫn cách tiếp cận. Một phần lý do là vốn đầu tư quá ít, các mô hình mới chỉ thiết kế xây dựng theo phong trào mà chưa thực hiện việc đẩy mạnh sản xuất.
Ông Ngô Văn Hải – Cán bộ IPSARD cho rằng, chính sách phát triển nông thôn nhằm khuyến khích người lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn đặc biệt ở miền núi cần rất thực tế thiết thực, đặc biệt là các chính sách về hỗ trợ kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, về chế biến, tiêu thụ sản phẩm, về khuyến nông - khuyến lâm, về trợ giá, trợ cước (TGTC) các mặt hàng phát triển sản xuất và các chính sách về phát triển nông thôn... Bài học kinh nghiệm ở các tỉnh cho thấy, có nhiều chính sách hỗ trợ rất phù hợp: Như chính sách TGTC giống lúa, ngô lai, giống lúa ngô chịu hạn. Chính sách TGTC giống cây lương thực đã trực tiếp giúp cho bà con nông dân nghèo vùng miền núi tiếp cận và biết cách sử dụng các giống lúa, ngô lai năng suất cao; chuyển đổi dần sang phương thức canh tác mới...
Theo ông Chu Tiến Quang – Cán bộ Viện nghiên cứu CIEM, Hội thảo Nguồn lực và tiếp cận nguồn lực phát triển của cư dân nông thôn miền núi là một hoạt động thiết thực có vai trò quan trọng trong việc đánh giá tác động của các chính sách hiện hành cũng như trong quá khứ, với cách tiếp cận rõ ràng, có chiều sâu, đáng tin cậy và cập nhật nhiều thông tin.