TIN TỨC-SỰ KIỆN

Hãy giữ nông dân khỏi nguy cơ “ra rìa”

Ngày đăng: 03 | 09 | 2008

Nhà báo Hữu Thọ đã có cuộc trò chuyện về nông dân, từ vị trí “xông lên phía trước” đến hiện tại đang đứng ở phía sau, ở bên ngoài công cuộc làm giàu đất nước. Từng làm đến Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW, Trợ lý Tổng Bí thư…giờ đây, điều quan tâm nhất của ông là vấn đề nông dân- vấn đề ông theo đuổi suốt cuộc đời làm báo, từ PV đến Trưởng ban Nông nghiệp của ND.

Trong bài viết này, Nhà báo Hữu Thọ đã dành cho Tổ Quốc cuộc trò chuyện về nông dân, từ vị trí “xông lên phía trước” đến hiện tại đang đứng ở phía sau, ở bên ngoài công cuộc làm giàu đất nước. Từng làm đến Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW, Trợ lý Tổng Bí thư…giờ đây, điều quan tâm nhất của ông là vấn đề nông dân- vấn đề ông theo đuổi suốt cuộc đời làm báo, từ PV đến Trưởng ban Nông nghiệp của ND.

Ông Hữu Thọ nói:

- Mọi cuộc khởi nghĩa, cách mạng thì người đứng đầu đều là đại điền chủ, trí thức nhưng lực lượng chủ chốt vẫn là nông dân. Cách mạng tháng Tám của chúng ta, cả nước có 30 triệu người, 95% là nông dân. Cho đến 1960, tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bác Hồ đã nói: “Vấn đề dân tộc Việt Nam thực chất là vấn đề nông dân, cách mạng dân tộc thực chất là cách mạng của nông dân.”

Từ đó, tôi nhận thấy, trong mọi thời kỳ, giải quyết vấn đề nông dân luôn luôn là quan trọng nhất trong các chủ trương chính sách của Đảng. Tôi vốn người Hà Nội, khi vỡ mặt trận Hà Nội thì về công tác ở Thái Bình, ở nông thôn. Không lăn lộn cùng nông dân thì không có hầm mà núp. Trong chống Mỹ, tuyệt đại đa số liệt sĩ là con em nông dân, chủ trương bấy giờ là: Giữ công nhân và trí thức để sau này làm công nghiệp hoá. Chỉ từ 1971, khi thiếu quân quá mới lấy đến sinh viên trí thức. Tiếc rằng ít ai trong chúng ta còn nhớ đến tinh thần của một thời: “Nông dân là quân chủ lực” (1945-55) và “Xe chưa qua, nhà không tiếc” (1965-75)

Rất may là cuộc sống có quy luật điều chỉnh của nó. Năm 1979, những bức xúc của nông nghiệp sa sút đã khiến hội nghị TW 6 Khóa IV vốn chỉ định bàn về công nghiệp, thủ công nghiệp mà rồi do nhiều ý kiến quá, phải bàn rồi ra thêm một nghị quyết riêng về nông nghiệp: Khái niệm “bung ra” và “3 lợi ích,” trong đó lợi ích của người lao động phải ưu tiên số 1 chứ không còn là lợi ích tập thể nữa, là có từ Nghị quyết này. Như thế, chúng ta đã gián tiếp thừa nhận cơ chế có trói buộc, như cái áo giáp chật mà người mặc thì đã lớn lên.

Nông dân, nông nghiệp và nông thôn giữ vị trí chiến lược quan trọng

+ Thưa ông, như thế có thể hiểu là TW ngày đó rất mạnh? Chính Nghị quyết về các vấn đề cấp bách mà ông đang nói đã là tiền để cho Chỉ thị 100, khoán đến nhóm và người lao động – thực ra là khoán hộ?

- Chân lý bắt đầu từ số 1, nó là tiền đề của số 100, còn số 0 thì mãi mãi chỉ là con số 0. Tôi muốn nói thêm về nông dân. Đắp 2.000 km đê, công trình có thể sánh với Vạn lý trường thành, là nông dân. Mở bờ cõi, san lấp Thủy Chân Lạp thành vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long tuy có con số 1, số 2 là Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Công Trứ nhưng lực lượng vẫn là nông dân. Hai linh hồn của dân tộc là Thánh Gióng và Sơn Tinh đã cộng lại mà rèn luyện người nông dân trở thành lớp người có chí khí và giàu óc sáng tạo. Chính ông Kim Ngọc đã học hỏi nông dân Vĩnh Tường mà ra được nghị quyết khoán hộ. Như vậy là từ cuộc sống vào nghị quyết.

Hồi sang thăm Trung Quốc, tôi đến tỉnh An Huy. Trong bảo tàng của An Huy có lưu lá đơn xin khoán hộ của 12 nông dân. Tôi lên Vĩnh Phúc, phải là Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá TW mới được anh Trưởng ban Tuyên giáo cho mượn xem Nghị quyết khoán hộ của Vĩnh Phú. Đó là một tờ giấy bản, lâu ngày thấm ẩm đã hơi mủn, chỉ viết rất ít dòng và tuyệt nhiên không có dòng nào về nông dân Vĩnh Tường.

+ Xin ông nói kỹ về nội dung từ cuộc sống vào nghị quyết?

- Đó là vấn đề thú vị. Tôi nghiệm ra rằng, nghị quyết nào do cuộc sống đòi hỏi, do cuộc sống ùa vào nghị quyết thì nghị quyết trở lại, đi vào cuộc sống rất dễ. Ngược lại, từ duy ý chí thì vào cuộc sống rất khó. Nhưng, đổi mới nào thì cũng khó khăn, vì nó phủ định cái cũ.

+ Vâng, và người cũ thì đang điều hành, thậm chí còn là “tác giả” của cơ chế duy ý chí?

- Nhưng khi vượt qua được lực cản thì rất nhanh chóng lại có thêm sáng tạo mới. Khoán hộ của ông Kim Ngọc có tới hai ba thường vụ bị kỷ luật, trước Chỉ thị 100 thì một đội trưởng HTX của Đào Xá bị đi tù, nhưng chỉ sau khi có chỉ thị thì Thiên Hương, Kiến Thụy, Hải Phòng đã có thêm khoán theo đơn giá, sau khoán hộ 1988, ở Vĩnh Phú đã có ngay khoán đấu thầu, có gia trại – tiền thân của trang trại hôm nay.

+ Đúng là gừng càng già càng cay! Thưa ông, ông Nguyễn Công Tạn, khi thực hiện Nghị quyết X Bộ Chính trị khóa VI là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – PTNT có nói: Nghị quyết X không có nghị định triển khai của Chính phủ, không có văn bản hướng dẫn, nội dung cũng không dài dòng mà rồi nó đã “tự nguyện” đi vào cuộc sống rồi gần như là lập tức phát huy hiệu quả, tạo ra xung lực xã hội mới: Chỉ sau 8 tháng thực hiện, từ một nước đói ăn, phải nhập cả triệu tấn gạo, chúng ta đã xuất khẩu nửa triệu tấn! Còn, mới đây, chúng ta đã có Nghị quyết TW 7 Khóa X; ông nhận xét, dự cảm thế nào về Nghị quyết này?

- Tôi cũng chưa thỏa mãn, nhưng đã thấy có cuộc sống ở trong Nghị quyết 7. Đã xác định vị trí chiến lược của nông dân, nông nghiệp và nông thôn; là cơ sở lực lượng quan trọng để phát triển ổn định chính trị đất nước. Trong tư duy lý luận mới của Nghị quyết, rất mừng là “có mặt” tư duy ngành báo chí của chúng ta. Như thế là anh em mình có được Đảng ghi nhận về quá trình phản ánh, như báo Nông thôn Ngày nay, báo Nông nghiệp Việt Nam và các báo khác, về nguy cơ nông dân bị ra rìa trong quá trình CNH, về thực trạng mất đất thất nghiệp, về chênh lệch giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn. Đặc biệt là nội dung nới rộng hạn điền và thời gian giao đất lâu dài để yên tâm đầu tư; khi bị thu hồi thì được đền bù theo giá thị trường.

+ Nhưng vẫn còn đó vấn đề nông dân mất đất và chỉ được đền bù rất thấp, vì người ta lại “quy định” giá đất thị trường (?) tại thời điểm thu hồi. Ông có biết ở Nam Định, khi thu hồi đất ruộng, người ta đền bù 19.000 đ/ m2. Nhà đầu tư sau khi bỏ tiền làm đường, làm rãnh thoát nước khoảng 100.000 đ/ m2 nữa; rồi rao bán 10.000.000 đ – 5.000.000 đ/ m2? Sau 5 năm theo dõi khái niệm sát giá thị trường, tôi chưa bao giờ thấy tỷ lệ lợi nhuận giữa nhà đầu tư và nông dân thay đổi, bao giờ nó cũng vào khoảng 50/1. Tôi có đem cái tỷ lệ kinh dị này hỏi một vị chủ tịch tỉnh, ông ấy nói có đầu tư thì mới có giá trị đất ấy, chứ không, thì giá đất rất rẻ. Vậy thì không biết ông chủ tịch tỉnh kia là làm việc vì ai? Tôi thiết nghĩ, ông ta phải có trách nhiệm làm trọng tài công bằng cho cái tỷ lệ kia, bởi vì công sức mà ông bỏ ra (ký quy hoạch, ký giấy quyết định cho nhà đầu tư khiến đất đai bắt đầu có giá…) đã được nhân dân, trong đó 70% là nông dân trả lương bằng tiền thuế rồi chứ ạ?

- Đúng là còn có những chuyện như thế, nên có lần tôi đã nói “phương hướng rất quan trọng, nhưng nông dân không ăn được phương hướng.” Phương hướng chỉ trở nên có giá trị khi nó được luật hóa bằng Pháp lệnh, bằng Nghị định của Chính phủ. Và khi có các cái ấy rồi thì lại phải tổ chức thực hiện. Chất lượng bức tranh chưa phải là tranh. Nhưng đây là việc còn phải chờ, như Tam quốc diễn nghĩa hay nói, muôn biết chuyện này ra sao, xin xem hồi sau mới rõ.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

NỘI DUNG KHÁC

Giá cả các mặt hàng thực phẩm tiếp tục ổn định.

1-9-2008

Sau khi giảm 5 tấn/ngày vào tuần 9/8 và không đổi vào tuần 16/8, lượng thịt lợn về chợ Hóc Môn tuần ngày 23/8 giảm tiếp 5 tấn/ngày (giảm 2,59%), xuống còn 188 tấn/ngày. Tại chợ Bình Điền, lượng thịt lợn về chợ tuần 23/8 không đổi so với tuần 16/8, ổn định ở lượng 160 tấn/ngày.

Kết quả sơ bộ điều tra người tiêu dùng thịt lợn.

28-8-2008

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực của người chăn nuôi nhỏ trong điều kiện thị trường chuyển đổi của Việt Nam”. Ngày 22/08/2008 Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp (CAP) đã tổ chức “ Hội thảo giữa kỳ công bố kết quả điều tra người tiêu dùng thịt lợn”

Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc

28-8-2008

Hà Nội (TTXVN) - Ngày 1/6, Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc đã được ký kết tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh...

Dư luận Trung Quốc về những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam

28-8-2008

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa đến lúc khủng hoảng. Việt Nam là quốc gia tương đối nhỏ, mức độ khống chế hành chính của Nhà nước tương đối mạnh nên dễ khống chế một số vấn đề kinh tế xuất hiện”…

Tư duy kinh tế Việt Nam - Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989

28-8-2008

Về chặng đường gian nan, cam go của nền kinh tế Việt Nam vực dậy sau chiến tranh, đã có nhiều tài liệu đề cập đến nhưng vẫn chưa đề cập sâu đến vấn đề cốt lõi nhất, được quan tâm nhiều: Tư duy kinh tế. Đây chính là nội dung mà cuốn sách Tư duy kinh tế Việt Nam xoáy sâu vào.

SCAP dời trụ sở văn phòng

27-8-2008

Từ ngày 01/9/2008, Scap sẽ dời trụ sở làm việc đến địa điểm mới là: 196/1/8 Cộng Hoà, P12, Q. Tân Bình, TP. HCM.

Giá thịt lợn mông sấn tại chợ đầu mối Hóc Môn tiếp tục giảm mạnh. Nhu cầu tiêu dùng thịt có thể tăng trong tháng tới

27-8-2008

Tuần này, lượng cung thịt về chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh đã tăng trở lại. Lượng thịt lợn về chợ Hóc Môn sau 4 tuần giảm liên tiếp đã ổn định ở mức 193 tấn/ngày (không đổi so với tuần trước). Lượng thịt lợn về chợ Bình Điền tăng 6 tấn/ngày (tăng 3,9% so với tuần 9/8), ở mức 160 tấn/ngày. Như vậy, tổng lượng thịt lợn về 2 chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh tuần 16/8 là 353 tấn/ngày, tăng 1,73% so với tuần trước. Mặc dù lượng thịt về chợ Hóc Môn tuần 16/8 không đổi nhưng giá thịt lợn mông sấn bán buôn tại chợ Hóc Môn trong tuần vẫn tiếp tục giảm mạnh, xuống còn 51.000 đồng/kg, giảm 11.000 đồng/kg so với tuần 9/8. Còn tại chợ Bình Điền, giá thịt lợn mông sân sau đợt giảm mạnh vào tuần 2/8 và không đổi vào tuần 9/8 thì đến tuần 16/8 giá quay đầu tăng, lên 55.000 đồng/kg (tăng 6.000 đồng/kg so với tuần 9/8).

Thực trạng các doanh nghiệp ngành mây tre đan và các giải pháp thúc đẩy phát triển

25-8-2008

Phát triển ngành nghề truyền thống tại các vùng nông thôn là một trong những giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có tại các địa phương về nguyên liệu, lao động, kinh nghiệm, v.v… Trong các làng nghề khác nhau tại Việt Nam, làng nghề mây tre đan, chiếm tới 24% tổng số làng nghề tiểu thủ công nghiệp trong cả nước.

Những vấn đề giáo dục hiện nay: Quan điểm và giải pháp

20-8-2008

Chưa bao giờ những vấn đề cốt lõi và nổi cộm của nền giáo dục nước nhà lại được đặt ra một cách bức xúc và rốt ráo như thời gian vừa qua. Các cuộc thảo luận lớn, nhỏ triền miên, các kiến nghị ngắn, dài được đề xuất liên tiếp... với bao nhiêu công sức, thời gian và tâm huyết.

Bàn về mô hình doanh nghiệp ngành nông nghiệp hoạt động theo Luật DN trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)

20-8-2008

Tiếp sau Hội thảo "Cơ hội đầu tư vào NNNT trong bối cảnh mới" tổ chức ngày 19-8 tại Hà Nội do báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Viện Chính sách Chiến lược PTNNNT đồng tổ chức, chúng tôi giới thiệu với độc giả bài tham luận của TS. Đinh Quang Tuấn - Ban chỉ đạo sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh Trung ương.

Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Cơ hội song hành cùng thách thức

19-8-2008

Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh mới” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức khai mạc 8h30 hôm nay (19/8).