>> Vượt bão: Cởi chiếc áo chật của cơ chế
VietNamNet giới thiệu nội dung cuộc trực tuyến này.
 |
3 vị khách mời và nhà báo Nguyễn Anh Tuấn trong cuộc Bàn tròn trực tuyến ngày 9/5
"Chung sức để vượt bão" |
Nhận ra sai lầm sẽ là tiền đề của đổi mới
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa quí vị độc giả, lúc này 3 vị khách mời: Ông Nguyễn Trung, TS. Nguyễn Quang A và ông Trần Đức Nguyên đã có mặt ở trường quay để cùng toạ đàm về chủ đề “Chung sức vượt bão” trong bối cảnh kinh tế đất nước đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Sau một chặng đường phát triển với những thành quả về kinh tế như chỉ số tăng trưởng cao, đời sống kinh tế xã hội có nhiều bước phát triển tốt, rõ ràng đất nước vẫn đang đứng trước rất nhiều thách thức và trăn trở.
Xin hỏi ông Nguyễn Trung, ông có cảm nhận thế nào về bức tranh kinh tế ngày hôm nay và ông có những suy tư gì?
Ông Nguyễn Trung: Nếu nói một cách hình ảnh, thì tôi muốn nói rằng nền kinh tế VN đang là nền kinh tế trẻ, có sức sống mạnh. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận là hiện đang có hai mảng: triển vọng phát triển tốt, mặt khác, chúng ta đang gặp một thách thức rất lớn, thể hiện rõ qua lạm phát trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Thật ra, lạm phát là vấn đề của tài chính tiền tệ, chi tiêu... Nhưng lạm phát kì này còn là hệ quả của tình hình rất lâu dài nằm trong cơ cấu kinh tế, hệ thống điều hành của chúng ta. Nếu khắc phục được mặt khó khăn này, nhất là trong lúc nước chúng ta đang ở vị thế, cơ hội mới, chắc chắn chúng ta vẫn có thể đưa kinh tế VN tiến bước mạnh mẽ.
TS Nguyễn Quang A: Tôi thấy, thực sự chúng ta đang đứng trước khó khăn rất lớn. Điều này thể hiện ở vài con số: lạm phát đã đành, thâm hụt ngân sách liên tục ở mức cao, trong nhiều năm, nhập siêu liên tục ở mức cao và ngày càng tăng. Xu hướng đó đã kéo dài cả chục năm. Những cái đó có nguyên nhân sâu xa, từ rất lâu chứ không phải vài ba tháng nay mới bộc lộ ra.
Và có lẽ tất cả các quan chức nhà nước trong thời gian dài đều cho rằng thâm hụt ngân sách và cán cân thương mại là bình thường với nước đang phát triển, không có vấn đề gì cả.
Người ta còn so sánh nước Mỹ và các nước khác cũng thâm hụt ngân sách hơn ta. Họ không thấy đó là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, lẽ ra phải chăm chú đến nó từ lâu rồi. Đến bây giờ, là thời điểm bục ra. Đấy là những vấn đề cần cảnh tỉnh tất cả mọi người.
Tôi có nghe một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam nói rằng, các chiến dịch, trận đánh của VN thành công lớn thường là các chiến dịch mà chúng ta biết nhận ra cái sai của mình, sau đó thay đổi chiến lược, chiến thuật nhanh, phù hợp với tình hình mới. Nhờ vậy, các chiến dịch đó đã chiến thắng.
Chúng ta cần nhận rõ được sai lầm tích tụ từ lâu và thay đổi một cách quyết liệt.
"Báo cáo trước Quốc hội của Thủ tướng thể hiện sự nhận thức rõ các vấn đề, cũng như các yếu kém của Chính phủ. Nếu đã biết rồi, và điềm tĩnh tìm ra giải pháp, có thể đó sẽ là tiền đề cho một bước đổi mới, nhảy vọt hơn." - TS Nguyễn Quang A |
Điều may mắn là các vị lãnh đạo và chính phủ đã nhận ra trong một thời gian ngắn. Ví dụ, các phát biểu của Thủ tướng đầu tháng 3 khi ở Anh là khác, sau vài tuần đã hoàn toàn khác. Như vậy, đã có quá trình thay đổi nhận thức và nhận ra vấn đề. Báo cáo trước Quốc hội của Thủ tướng thể hiện sự nhận thức rõ các vấn đề, cũng như các yếu kém của Chính phủ.
Nếu đã biết rồi, và điềm tĩnh tìm ra giải pháp, có thể đó sẽ là tiền đề cho một bước đổi mới, nhảy vọt hơn.
Những nhà kinh tế học theo trường phái Áo nói rằng, lúc đi kinh tế đi theo chiều lên thì đáng lo hơn lúc hiệu chỉnh bởi bản thân thị trường sẽ có sự hiệu chỉnh và sàng lọc. Nếu ta biết nắm cơ hội để điều chỉnh trong đà phát triển mới sẽ rất tốt.
Ví dụ, cách đây 10 năm, khi khủng hoảng kinh tế khu vực diễn ra, có một thời chúng ta giảm phát, thì Chính phủ thực hiện kích cầu. Như vậy là đúng, nhưng khi cầu được kích lên rồi thì chúng ta phải dừng lại ngay, để cho thị trường tự điều chỉnh và phải biết tích lũy. Nhưng chúng ta đã không làm như vậy, mà tiếp tục kích cầu. Đó là hiện tượng ham tăng trưởng.
Đến một lúc nào đó, chu kỳ xuống thì phải xuống. Kinh nghiệm thế giới và tham khảo ý kiến của các chuyên gia, có thể thấy chu kỳ kinh doanh thường xuyên thay đổi, vì kinh tế của VN phải chấp nhận hiện tượng thông thường của kinh tế thị trường là chu kỳ kinh doanh.
Đó là vấn đề rất cần lưu ý và nếu điều hành khéo thì có thể tạo cơ hội phát triển được nhưng trước hết cần có sự thay đổi lớn trong tư duy. !!
Chăm chăm quy trách nhiệm sẽ không giải quyết được tình hình
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông Trần Đức Nguyên, ông có nhận định gì về vấn đề này và ý kiến của ông Quang A trong một bài báo gần đây trên VietNamNet về việc chúng ta nên lưu ý đến tìm giải pháp hơn là qui trách nhiệm cho nhau trong lúc này?
Ông Trần Đức Nguyên: Những ý mà anh Quang A và anh Nguyễn Trung vừa nói được thể hiện khá rõ nét trong báo cáo của Thủ tướng vừa rồi.
Tôi muốn lưu ý rằng, báo cáo lần này của Thủ tướng khác với thường lệ. Bởi vì, theo thường lệ, báo cáo đầu năm do Phó Thủ tướng thường trực báo cáo, còn Thủ tướng phải đến kỳ họp cuối năm mới báo cáo.
Nhưng lần này, Thủ tướng trực tiếp báo cáo. Đó là tín hiệu cho thấy, Thủ tướng đã nhận thấy tình hình có những phức tạp nghiêm trọng. Dù chúng ta không bi quan nhưng cần tỉnh táo nhận định.
Tôi đồng tình với anh Quang A là nhận định tình hình bây giờ không khó, cái khó là tìm ra giải pháp.
Anh Quang A gần đây đã nói, các định hướng của Chính phủ vượt ra khỏi tình hình khó khăn hiện nay, và như anh Tuấn dùng hình ảnh “vượt bão” là trúng, nhưng, lựa chọn ra được những gì đích đáng nhất để tập trung sức lực, để tạo chuyển biến quyết liệt thì còn cần dày công góp ý thêm.
"Bây giờ ngồi nhìn quy trách nhiệm xử lý người này hay người khác thì không thể không làm, nếu việc đó đích đáng. Nhưng nếu chăm chăm vào điều đó mà không thấy được điều quan trọng là tìm giải pháp thì sẽ không giải quyết được tình hình." - Chuyên gia Trần Đức Nguyên |
Bây giờ ngồi nhìn quy trách nhiệm xử lý người này hay người khác thì không thể không làm, nếu việc đó đích đáng. Nhưng nếu chăm chăm vào điều đó mà không thấy được điều quan trọng là tìm giải pháp thì sẽ không giải quyết được tình hình.
Vừa qua, Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho biết: Cuối tháng 4 vừa rồi, khi có cơn sốt gạo, mấy công ty lương thực quốc doanh không sốt sắng vào cuộc.
Thậm chí, có người được quyết định đưa gạo ra cung cấp lúc đó lại đưa gạo xấu đã bị mối mọt ra thị trường. Buộc lòng các anh em phụ trách thương mại trong TP.HCM kiên quyết không đồng ý đưa loại gạo xấu này ra và phải đi tìm loại gạo khác.
Rõ ràng, trong chuyện này trách nhiệm cá nhân là rất lớn. Nếu như báo chí đưa đúng thì tại sao không truy ra và xử lý đến nơi đến chốn? Đã là DNNN phải là chỗ dựa cho nhà nước để nhà nước ứng phó với những tình huống bất thường. Đằng này, anh chẳng những không tham gia vào giải quyết tình hình khó khăn mà lại vì lợi ích riêng và nhận thức không đúng đắn để xảy ra như vậy thì cần phải xử lý đích đáng.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tại các cuộc họp của Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh, các tập đoàn kinh tế nhà nước, với tư cách chủ đạo trong nền kinh tế, được hưởng những ưu đãi lớn nhất của Chính phủ phải chung vai gánh vác khó khăn và phải có trách nhiệm rõ ràng. Vậy thì giải pháp nào để xử lý những trường hợp này?
Ông Nguyễn Trung: Nói một chút nguyên nhân để tìm ra giải pháp. Chúng ta vấp phải khủng hoảng lần này giữa lúc nền kinh tế có cơ hội phát triển thuận lợi nhất. Các chỉ số tăng trưởng đều đẹp, cơ hội nguồn vốn bên ngoài rất cao. Vậy thì tại sao đột nhiên tình hình xấu lộ ra rõ từ quý IV năm 2007?
Cái này có nhiều nguyên nhân, kiểm điểm của Thủ tướng là rất rõ nhưng vẫn phải nói thêm, trong vấn đề điều hành có vai trò rất lớn của kinh tế quốc doanh.
Sòng phẳng mà nói, chúng ta không đi tìm và “đổ lỗi” trách nhiệm cá nhân, nhưng trên bình diện kinh tế, theo tôi, vai trò góp phần của các tập đoàn vào tình hình khó khăn vừa qua phải nhìn nhận cho thật kỹ. Đây là vấn đề phải nêu ra chứ không bỏ qua mãi được.
Chúng ta nói kinh tế quốc doanh là chủ đạo nhưng nếu phân tích toàn bộ khó khăn mà chúng ta đang phải đối phó, thì chủ yếu do tác động từ thành phần của các tập đoàn lớn. Thấy rõ hoạt động của các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực nhạy cảm: Chứng khoán, bất động sản gây ra những tác động tiêu cực rất rõ. Đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật. Không nên nói chung chung nữa.
"Các tập đoàn nhà nước sử dụng 80% số vốn huy động một năm, chiếm rất nhiều tài nguyên mà làm ra khối lượng của cải, tài sản nhỏ hơn khu vực tư nhân. Có số liệu nói rằng họ chỉ làm ra khoảng 40% GDP, còn khu vực tư nhân với số vốn ít hơn lại làm ra nhiều tài sản hơn, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn...." - Chuyên gia Nguyễn Trung |
Các tập đoàn nhà nước sử dụng 80% số vốn huy động một năm, chiếm rất nhiều tài nguyên mà làm ra khối lượng của cải, tài sản nhỏ hơn khu vực tư nhân. Có số liệu nói rằng họ chỉ làm ra khoảng 40% GDP, còn khu vực tư nhân với số vốn ít hơn lại làm ra nhiều tài sản hơn, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn...
Đó là sự thật cần nhìn nhận thẳng thắn trước khi đi vào tìm giải pháp.
Cần cơ chế khuyến khích tiếng nói của chuyên gia độc lập
TS Nguyễn Quang A: Nói chung các tập đoàn sử dụng nguồn lực rất lớn, gần 40% tổng đầu tư xã hội là của khu vực kinh tế quốc doanh. Nhưng tạo ra phần đóng góp vào GDP, việc làm, thu ngân sách, nhiều khi “Thu ngân sách” là khái niệm tù mù. Nếu nói là thuế đóng vào bao nhiêu thì đó không phải là thành tích của họ. Tất nhiên, các tập đoàn là nguồn lực rất quan trọng. Bây giờ họ vẫn còn rất quan trọng. Nhưng thực sự, phải rà soát lại hoạt động của họ.
Quay lại các biện pháp, có hai loại: trước mắt, kiểu chữa cháy, và một loại dài hơi.
Về chuyện dài hơi, trước hết Quốc hội và chính phủ phải tập trung hơn nữa giải quyết tất cả các khúc mắc về môi trường pháp lý. Làm sao để khuyến khích các DN hoạt động hiệu quả, đỡ tốn chi phí. Ngoài ra, còn vấn đề minh bạch thông tin, đỡ vòi vĩnh, tham nhũng giảm bớt...
Thứ hai là hệ thống hạ tầng cơ sở. Đụng đến hạ tầng cơ sở là nói đến các đại gia quốc doanh. Họ nhận được nhiều nguồn lực để làm nhưng làm rất dàn trải. Điện lực bao nhiêu dự án nhưng dự án nào cũng chậm.
Phải xốc vào, đẩy nhanh dự án hạ tầng cơ sở. Giải quyết ngay nút thắt hạ tầng cơ sở.
Ba là vấn đề nguồn nhân lực. Đây là vấn đề rất mệt mỏi từ công nhân cho đến quản lý. Ta chưa chú ý lắm đến kỹ năng quản trị, không chỉ ở khu vực DN, mà nên đầu tư nhiều hơn vào quản trị của chính bộ máy nhà nước. Bản thân bộ máy nhà nước với chính sách của mình là một tài nguyên quan trọng. Nếu làm tốt, thì có thể góp phần lớn vào việc phát triển bền vững của nền kinh tế.
Đó là ba điểm dài hơi chúng ta liên tục phải làm.
Còn về những giải pháp tình thế, có lẽ Chính phủ nên tập trung những người có thể góp ý được, lắng nghe ý kiến của họ để tìm giải pháp trước mắt giải quyết những vấn đề nóng bỏng: lạm phát, dần giảm bớt thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách.
Ngoài ra, Chính phủ cần cố gắng đưa những thông điệp thật rõ ràng, minh bạch và không mâu thuẫn với nhau.
Nhiều khi Thủ tướng nói thế này, Bộ trưởng nói thế khác. Bộ trưởng này nói thế này, Bộ trưởng này lại nói thế khác. Lạm phát gắn rất nhiều tới kỳ vọng của người dân. Ví dụ, giữ không tăng giá hết tháng 6, người ta nghĩ sắp sửa sẽ tăng. Chỉ cần người ta nghĩ giá sẽ tăng thì bản thân việc nghĩ đó đã làm giá tăng rồi.
Các chính sách đối với Ngân hàng nhà nước chẳng hạn, chính sách thắt chặt cung tiền, giảm tín dụng là rất trúng nhưng tôi không thể hiểu được tại sao lại đưa ra trần lãi suất? Bởi nó làm hệ thống ngân hàng, thậm chí cả nền kinh tế khó khăn.
Cần lắng nghe, thậm chí cãi nhau, bàn với nhau để đi đến một biện pháp thống nhất, và có biện pháp tương đối nhất quán, đừng có biện pháp gây thêm khó khăn cho tình hình vốn đã khó khăn như một số chính sách tiền tệ vừa rồi.
Tương tự như thế với vấn đề giá lương thực, xăng dầu và vấn đề về ổn định kinh tế vĩ mô khác. Có lẽ nên tập trung lọc ra 5-7, 10 điểm mấu chốt và thực hiện. Tất nhiên, không ai là thánh cả, và phải chấp nhận việc thử.
Thấy bàn cãi chán rồi, nhưng vẫn luôn có thể điều chỉnh. Luôn phải mở khả năng hiệu chỉnh. Tất cả hiệu chỉnh đó phải nói với nhà đầu tư nước ngoài, người dân, DN hiểu rõ, đừng để họ phải hoang mang.
Ông Trần Đức Nguyên: Báo cáo của Thủ tướng đã nói đến yếu kém, bất cập trong quản lý điều hành, và thừa nhận là thiếu kinh nghiệm khi hội nhập quốc tế nhưng chưa nói một điều rất quan trọng là chúng ta đi vào kinh tế thị trường trong tình huống bộ máy quản lý còn yếu về cả kiến thức và kinh nghiệm.
Đó là chưa nói tới những suy nghĩ biến dạng do lợi ích. Chính vì lẽ đó, Chính phủ nên có cơ chế, biện pháp khuyến khích những tiếng nói của các chuyên gia am hiểu và có nhiều trăn trở với tình hình.
Tôi lược lại một loạt các tư liệu tập hợp, thì phát hiện ra tất cả những điều có thể dẫn đến những bất ổn kinh tế vĩ mô đã được các chuyên gia nói từ đầu năm 2007.
Tất nhiên, chuyên gia trong bộ máy nhà nước có đề cập, nhưng họ khó nói khách quan, độc lập, nhiều khi vẫn phải chiều theo ý người này người khác.
Rất cần tiếng nói của chuyên gia độc lập, không ở trong bộ máy nhà nước, không kiềm tỏa bởi vị trí, có cả các chuyên gia người Việt và người nước ngoài đang sống và làm việc ở trong và ngoài nước.
Làm sao để những người đó mạnh dạn góp ý và phải có cơ chế, cách làm tập hợp được những ý kiến ấy
Nhìn lại các ý kiến đấy mình thấy trong đó có sự trăn trở, nghiên cứu sâu sắc, phát biểu có căn cứ và có tấm lòng mong muốn đóng góp đổi mới và phát triển đất nước.
Đây là giải pháp cơ bản khắc phục điểm yếu.!!
Đã đến lúc phải trở lại các giải pháp thị trường
Ông Nguyễn Trung: Tôi nghĩ rằng không có bài thuốc tiên nào cả, chung quy 2 việc: tiết kiệm, và hiệu quả đầu tư hơn nữa.
Điểm lại, tôi thấy, vừa qua, trong tình thế bắt buộc, Chính phủ đã phải đề ra một loạt biện pháp hành chính, giảm sốc của lạm phát và tranh thủ thời gian cho các biện pháp khác.
Các biện pháp này đã làm xong chức năng của nó. Đến lúc phải trở lại các giải pháp cơ bản để xử lý các vấn đề của kinh tế.
Tức là phải trở lại, thừa nhận và vận hành nền kinh tế theo quy luật của kinh tế thị trường. Không nên tin tưởng và kéo dài quá lâu các biện pháp hành chính dù đó là cần thiết cho tình hình nóng bỏng lúc đó.
Các biện pháp chống lạm phát, xử lý các vấn đề kinh tế vĩ mô thì 7 giải pháp được nêu trong thông điệp Thủ tướng đã khá rõ. Vấn đề là thực hiện như thế nào.
Đương nhiên, chúng ta tin tưởng vào kỷ luật, ý thức tổ chức, nhưng chỉ là một mặt, cần chương trình hành động, kiểm soát cụ thể.
Ví dụ, từ ngày Thủ tướng ban hành thông điệp đã 1 tháng rồi nhưng chưa có chương trình hành động cụ thể, chưa biết cái gì cắt, giảm. Mọi thứ vẫn là ý tưởng nhiều hơn, còn đi vào phương án bộ này giảm gì, tỉnh kia giảm gì thì chưa có. Đã đến lúc phải đi vào biện pháp rốt ráo, không thể kêu gọi được nữa.
"Càng sớm càng tốt phải trở lại các hoạt động đúng theo quy luật kinh tế thị trường. Không nên tin tưởng và kéo dài quá lâu các biện pháp hành chính dù đó là cần thiết cho tình hình nóng bỏng lúc đó. " - Chuyên gia Nguyễn Trung |
Càng sớm càng tốt phải trở lại các hoạt động đúng theo quy luật kinh tế thị trường. Cuối tháng 6, là hết thời gian kiềm chế giá một số mặt hàng nhất định. Ngay từ bây giờ phải chuẩn bị tất cả các mặt để trở lại vận hành kinh tế thị trường.
Ngoài ra, biện pháp quan trọng là minh bạch, công khai. Bộ, ngành, địa phương, hằng ngày công bố địa phương, đơn vị mình làm gì, phải có báo cáo hàng ngày. Đã đến lúc hành động rồi.
Trường hành động của Chính phủ đã khó hơn xưa
TS Nguyễn Quang A: Thực sự có nhiều bài thuốc để trị những căn bệnh này. Cái quan trọng là phải dùng tối đa cơ chế thị trường để giải quyết.
Việt Nam đã quen dùng biện pháp hành chính từ xa xưa, lưu cữu trong XH, trong đầu mọi người.
Vừa qua, nhiều biện pháp lẽ ra dùng công cụ thị trường nhưng không tận dụng mà lại dùng biện pháp hành chính. Đó là cái tôi cho rằng chúng ta phải dám dứt bỏ.
Bởi nó đụng đến ham muốn quyền lực của người ta, “tôi là sếp, tôi lệnh phải nghe”. Chính phủ có lẽ cũng nên nhận ra trường hành động của Chính phủ bây giờ khác xưa, khó hơn nhiều, hạn hẹp hơn nhiều.
"Trường hành động của Chính phủ bây giờ khác xưa, khó hơn nhiều, hạn hẹp hơn nhiều. Ngay cả Thủ tướng cũng khó ra lệnh cho DN quốc doanh, tập đoàn, chưa nói cả nền kinh tế. Do đó, cần sử dụng các công cụ thị trường như lãi suất, tỉ giá, thuế, cung tiền và kể cả vấn đề hạn ngạch nếu có thể làm được." - TS Nguyễn Quang A |
Như anh Nguyên nói, chúng ta chưa có kinh nghiệm là đúng, nhưng bản thân trường hoạt động của Chính phủ, ngay cả dùng biện pháp hành chính cũng không rộng được như xưa.
Bây giờ, ngay cả Thủ tướng cũng khó ra lệnh cho DN quốc doanh, tập đoàn, chưa nói cả nền kinh tế. Do đó, cần sử dụng các công cụ thị trường như lãi suất, tỉ giá, thuế, cung tiền và kể cả vấn đề hạn ngạch nếu có thể làm được.
Nhà nước nên rà soát lại trong 10 công cụ tôi có thể dùng được, cố gắng dùng những công cụ đó mà thôi, đừng dùng những công cụ hành chính. Khó chứ không dễ, bởi quán tính của thời xưa tưởng đã xa nhưng vẫn hằn sâu trong nếp nghĩ của từng con người.
Cải cách thể chế phải đi trước một bước cải cách kinh tế
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có những ý kiến cho rằng, đối mặt với kinh tế khó khăn là điều bình thường trong qui trình phát triển, không nên than vãn và bi quan quá nhiều. Vấn đề là nhìn vào thị trường. Nhiều người nhận thức rằng nên bình tâm vun trồng cho cái gốc: môi trường kinh doanh thông thoáng, cơ chế tập hợp được trí tuệ của toàn xã hội. Dân tộc ta vốn giàu tiềm năng trí tuệ. Đó mới là cái căn cơ để nuôi trồng trái ngọt hơn là ăn sổi. Các ông nghĩ sao?
Ông Nguyễn Trung: Trong các biện pháp ổn định phát triển kinh tế vĩ mô mà Thủ tướng nêu lên trong báo cáo trước QH, tôi tán thành mấy điểm: Mau chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý và điều hành đất nước. Thứ 2 là ra sức phát triển kết cấu hạ tầng vật chất, kỹ thuật.
Đó là những suy nghĩ rất đúng.
"Sau 22 năm đổi mới, kinh tế đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển cao hơn. Tình hình này đòi hỏi cải cách thể chế, hệ thống quản lý, cơ chế quản lý quốc gia phải đi trước một bước cải cách kinh tế." - Chuyên gia Nguyễn Trung |
Trên cơ sở đó, tôi kiến nghị, sau 22 năm đổi mới, kinh tế đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển cao hơn. Tình hình này đòi hỏi cải cách thể chế, hệ thống quản lý, cơ chế quản lý quốc gia phải đi trước một bước cải cách kinh tế.
Thời kỳ cải cách hành chính, thể chế có thể đi sau, hoặc song song cải cách kinh tế qua rồi.
Sau khi chúng ta hội nhập, nền kinh tế bắt đầu chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Với nền kinh tế có độ mở cực lớn, tình hình này đặt ra vấn đề chín muồi cho cải cách thể chế, hành chính, phải đi trước một bước. Có như vậy mới hỗ trợ cho phát triển kinh tế quốc gia.
Nhân việc chống lạm phát, khắc phục đổ vỡ vừa qua, rà soát lại các biện pháp quản lý của Chính phủ, chống lạm phát không chỉ để chống mà còn cần tạo điều kiện nền tảng tốt hơn. Đây là vấn đề cần thiết ta cần làm được.
TS Nguyễn Quang A: Tôi xin bổ sung một ý nữa, thực sự nền kinh tế đã đi trước rồi. Thực tế đó làm cho chiếc áo quản lý đã không còn thích hợp nữa. Muốn phát triển nữa, chắc chắn phải có cải cách về thể chế, về toàn bộ bộ máy.
Hiện giờ, thể chế bây giờ đang đi sau. Bây giờ ít ra phải chạy cho kịp cải cách kinh tế.
Ông Trần Đức Nguyên: Tôi muốn bổ sung thêm một điểm nữa, đó là phải có hướng cải cách mạnh của kinh tế nhà nước.
Tại sao? Môi trường kinh doanh có thể có những qui chế chung cho mọi thành phần kinh tế, nhưng hướng quan trọng là để thúc đẩy 2 khu vực: tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Cái khó của ta là làm sao để những đầu tư dự kiến đưa vào thực tế. Khu vực NN hiện nay chiếm tỷ trọng lớn, những mặt tác động tới tình hình kinh tế vĩ mô này có tác động mạnh của kinh tế nhà nước. Đây là vấn đề có tính chất vừa trước mắt, vừa cơ bản lâu dài.
Chung quanh việc chấn chỉnh đầu tư, quan trọng là chấn chỉnh đầu tư công, còn tư nhân và nước ngoài không có vấn đề lớn.
Thiếu hiệu quả nhất là đầu tư công, trong khi chiếm tới 60% đóng góp cho tốc độ tăng trưởng, 20% số lao động và 20% năng suất tổng hợp. Đây là bức tranh rất rõ minh họa ý kiến: Bao lâu nay, ta chỉ phát triển theo chiều rộng.
Nói nhập siêu lớn kéo dài, nếu phân tích kỹ sẽ thấy: DN có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu. Còn nhập siêu thuộc về phần trong nước, trong đó khu vực kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng lớn.
Về lâu dài, nguồn lực của ta tập trung vào khu vực kinh tế nhà nước, nếu không chấn chỉnh hiệu quả làm ăn thì không thể phát triển theo chiều sâu.
Điều trước mắt phải làm là công khai minh bạch về hoạt động của DNNN. Phải kiểm toán và công bố kiểm toán hằng năm.
Hiện nay, chúng ta có muốn góp ý kiến cũng khó vì không nắm được số liệu thực. Theo con số thống kê tôi có, khu vực kinh tế NN nắm phần lớn nhất tổng số vốn quốc dân, chiếm tới 56% tài sản cố định, chưa tính hết phần đất đai, nhưng chỉ đóng góp 36% tổng doanh thu, 37,9% ngân sách.
Rõ ràng, giữa cái anh nắm trong tay và cái anh đóng góp có sự chênh lệch lớn. Tôi kiến nghị trước hết phải nắm đầy đủ thông tin về tất cả các hoạt động, đầu tư, lao động, hiệu suất của DNNN...
Tôi lấy làm lạ, năm 2006, kiểm toán công bố Vinashin đạt tỷ lệ lãi trên vốn là 0,42%. Làm sao nuốt nổi 750 triệu USD tiền trái phiếu Chính phủ bán ra nước ngoài, trong khi khoản vay này đã phải chịu lãi suất chính thức 7,5%? Năm sau lại nói Vinashin lãi trên 10%.
Có thể các doanh nghiệp nhà nước có những hoạt động cần thiết, nhưng bây giờ bức tranh rất tù mù, nên khó có biện pháp chấn chỉnh. !!
Chấn chỉnh ngay hoạt động của các tập đoàn nhà nước
Bạn đọc Hoàng Việt Hùng, Tp HCM: Tôi đồng ý với quan điểm của ông Nguyễn Quang A về việc nên tập trung tìm giải pháp, tránh truy trách nhiệm, nhưng tôi cũng đồng tình với ý kiến của ông Trần Đức Nguyên: Cần qui trách nhiệm cụ thể của DNNN độc quyền, dù nắm nhiều nguồn lực. Ví dụ, EVN còn góp phần làm cho kinh tế khó khăn hơn khi liên tục cắt điện?
Ông Trần Đức Nguyên: Nhìn toàn diện, không chỉ riêng EVN. Tất cả các tập đoàn đều có vấn đề, nhưng không ai nắm được thực tế họ hoạt động như thế nào. Cần chấn chỉnh nhưng chấn chỉnh như thế nào cần nghiên cứu.
Ông Nguyễn Trung: Thông tin, số liệu thống kê hiện nay thiếu và tù mù. Nhưng những gì đã lên báo chí thì không thể nói là tù mù được nữa.
Ví dụ, than một năm xuất khẩu lậu 10 triệu tấn, điện thiếu cắt lên cắt xuống, trong khi ngành điện lại có một khoản vốn khá lớn đem đầu tư ngành khác. Thông tin có thể chưa đủ nhưng cần thay đổi cách kinh doanh của tập đoàn và quản lý của Nhà nước.
Không nền kinh tế nào không cần tập đoàn mạnh nhưng tập đoàn phải đúng nghĩa của nó. Không phải tôi dồn mọi vốn liếng, dành cho anh mọi nguồn lực, ưu đãi, đặc quyền để anh thích làm gì thì làm. Không thể duy trì mô hình tập đoàn như EVN và Than của chúng ta được.
"Nếu thấy họ làm ăn không hiệu quả, thì lập tức cách chức, tuyển người khác thay. Đó là áp lực mạnh để họ phải làm tốt hơn." - TS Nguyễn Quang A |
TS Nguyễn Quang A: Tôi lại thấy giải quyết vấn đề DNNN và tập đoàn là dễ chứ không phải khó bởi chủ sở hữu của các DN này là Nhà nước. Nếu thấy họ làm ăn không hiệu quả, thì lập tức cách chức, tuyển người khác thay. Đó là áp lực mạnh để họ phải làm tốt hơn.
Họ là công ty của tất cả người dân, người dân có quyền được biết họ làm ăn như thế nào, đầu tư vào đâu, lỗ lãi như thế nào.
Nếu thực sự Chính phủ muốn làm thì có thể làm được rất nhanh. Nhưng ở đây, có thể đụng đến vấn đề tế nhị: các nhóm lợi ích liên kết với nhau.
Nếu Chính phủ muốn cải tổ thực sự thì hoàn toàn có thể. Với quyền là người chủ sở hữu, Chính phủ hoàn toàn có thể làm được.
Đầu tiên là cấm hẳn việc mở ngân hàng, đầu tư vào tài chính, tiền tệ, bất động sản... Cấm đầu tư chéo lẫn nhau, làm bức tranh tài chính không minh bạch.
Nếu đó là công ty vốn của tư nhân thì họ muốn làm gì thì làm, không ai phản đối. Nhưng với tư cách là công ty nhà nước, với tư cách chủ sở hữu, nhà nước có thể làm.
"Nên bình tâm lắng nghe để tìm giải pháp, nhưng không có nghĩa là khi tìm ra người có trách nhiệm rành rành, nếu Quốc hội “dám” cách chức ngay thì có thể tạo cú sốc cho cách suy nghĩ hiện nay, có thể thúc đẩy cho cải cách, cải tổ hiện nay." - TS Nguyễn Quang A |
Nên bình tâm lắng nghe để tìm giải pháp, nhưng không có nghĩa là khi tìm ra người có trách nhiệm rành rành, nếu Quốc hội “dám” cách chức ngay thì có thể tạo cú sốc cho cách suy nghĩ hiện nay, có thể thúc đẩy cho cải cách, cải tổ hiện nay.
Ông Nguyễn Trung: Theo số liệu của niên giám thống kê mới, năm 2000 ngành than sản xuất ra 11,6 triệu tấn. Năm 2007 là 43,2 triệu tấn, chưa tính 10 triệu tấn xuất lậu. Xuất khẩu là 32 triệu tấn, chưa tính 10 triệu tấn lậu.
Chủ tịch HĐQT ngành than không chấp nhận con số than xuất lậu này nhưng có căn cứ trên con số nhập khẩu của 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Sau khi trừ đi con số qua Hải Quan thì ra con số nhập lậu.
Ngay trong báo cáo của Thủ tướng, giá bán than trong nước bằng 80% giá xuất khẩu. Ngành than dựa vào lí lẽ giá bán trong nước rẻ hơn nên xuất khẩu nhưng không cần thiết phải xuất nhiều như thế? Tôi không thể hình dung nổi tài nguyên đang khan hiếm như thế mà lại xuất nhiều đến vậy.
TS Nguyễn Quang A: Cơ cấu của DNNN chủ yếu là nhờ bán tài nguyên. Nhập khẩu cũng chủ yếu ưu ái cho lĩnh vực thay thế hàng nhập khẩu.
Tỷ suất lợi nhuận của DN làm hàng thay thế hàng nhập khẩu lớn. Chính sách của Chính phủ không ưu ái điều đó, nhưng những con số vẫn nói lên điều đó. Cơ cấu của nền kinh tế cũng rất đáng bàn.
Không thể mãi quản lý kiểu "kiểm điểm sâu sắc"
Ông Nguyễn Trung: Cần làm rõ cách chúng ta quản lý các tập đoàn như thế nào. Các tập đoàn được lập Ngân hàng riêng bất chấp nhiều ý kiến phản đối. Không phải là người dân không biết, và đã có cảnh báo. Đây là nguy cơ tích tụ có thể làm sụp đổ nền kinh tế bất cứ lúc nào.
Khi chuyện than vỡ lỡ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tận nơi làm việc với Tổng công ty than và khoáng sản Quảng Ninh, tôi có được đọc kết luận cuối cùng do Văn phòng Chính phủ công bố: Các bên hữu quan kiểm điểm sâu sắc và từ nay không được làm như vậy nữa.
Nếu còn quản lý theo kiểu này, không có cách gì vực nền kinh tế lên được. Đó là những ví dụ rất rõ trong cách quản lý tập đoàn nhà nước của chúng ta như thế nào.
Đó là kết luận hòa cả làng. Đó là chưa nói tới chuyện, có tin ban đầu Bí thư Quảng Ninh có thể bị dọa giết, nhưng lại có tin Bí thư tỉnh Quảng Ninh cũng có thể có đường dây xuất lậu than riêng. Dư luận đặt câu hỏi: Quản lý thế nào mà địa phương như thế, ngành lại như vậy, không có trật tự nào cả.
Biện pháp hoàn toàn trong tầm tay là cách quản lý các tập đoàn nhà nước.
Cần dũng cảm chính trị để tư duy lại vai trò mới của Nhà nước
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy bắt nguồn từ đâu? Ai làm? Ai có quyền hạn để cải cách tập đoàn nhà nước bây giờ?
TS Nguyễn Quang A: Trước hết là Thủ tướng ra lệnh kiểm toán toàn diện, công bố đầy đủ, công khai. Thực chất thế nào, các con số sẽ nói lên tất cả.
Ông Nguyễn Trung: Chúng ta đã nói nhiều về hệ thống pháp luật này kia, nhưng căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện có, nếu chúng ta tận dụng đúng đắn và triệt để, thì ta đã có khá nhiều công cụ để kiểm soát tập đoàn. Chứ không phải là chúng ta “bắt giặc tay không”.
TS Nguyễn Quang A: Đổi mới hệ thống, thể chế phải xuất phát từ nhận định lại vai trò mới của Nhà nước là gì? Nhà nước chỉ làm những việc Nhà nước phải làm, kiên quyết không làm những việc không phải là của mình. Việc này cần dũng cảm chính trị nhiều lắm và phải luật hóa thành thể chế.
Hai là tổ chức lại con người. Cách tuyển dụng, cất nhắc, đánh giá con người của chúng ta có vấn đề rất lớn. Nếu nói hơi nặng thì có thể là sai cơ bản theo tiêu chí quản trị hiện đại bây giờ.
Cần đi từ hai điểm quản trị cơ bản: quản trị con người, tuyển dụng, theo dõi, cất nhắc, hoàn toàn có thể học được và học không khó để làm nhưng từ trước tới nay ta không làm một cách bài bản như vậy.
Chuyện mua quan bán chức như hiện tượng Cà Mau nổi lên có lẽ khá phổ biến từ trước đến nay.
Chừng nào xác định được Nhà nước làm gì, thể chế hóa rằng Nhà nước chỉ làm những việc ấy, phân công phân nhiệm giữa các bộ, phân cấp địa phương, từ đó mà ra vấn đề con người, đào tạo người, đào tạo quan chức nhà nước.
Học viện Hành chính Quốc gia là cơ quan quan trọng, giờ đổi tên là Học viện Chính trị Hành chính, không thiên về đào tạo đội ngũ quan chức hoạt động chuyên nghiệp, vô tư, khách quan thì rất khó. Đó là hai điểm mấu chốt.
Hút người giỏi vào khu vực công: Hãy từ chối những việc nhà nước không nên làm!
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Còn hệ thống tuyển dụng bổ nhiệm con người trong hệ thống chính trị cần phải như thế nào?
TS Nguyễn Quang A: Các tổ chức trong xã hội cho đến cơ quan nhà nước làm ra sao, quản lý như thế nào, có vấn đề gì không khó. Thế giới đã có nhiều kinh nghiệm, chúng ta có thể tổng kết để làm, nhưng ta không lưu ý lắm đến chuyện xác định rõ vai trò là gì, nhiệm vụ làm đến đâu. Ngoài những nhiệm vụ đó, không được làm thêm bất kỳ cái gì, từ cơ quan quyền lực cao nhất cho đến cấp cơ sở. Cần kiên quyết từ bỏ công việc không phải của nhà nước.
Để thực hiện được điều này, đòi hỏi quyết định chính trị rất lớn và phải rất dũng cảm.
Ví dụ: Bộ GD quy định thi cho trường Đại học. Đó không phải là chuyện của Bộ, mà là việc của trường: họ tuyển ai, phong ai giáo sư, họ dạy như thế nào là việc của trường. Đấy không phải là việc của Bộ và Bộ nên dứt khoát từ chối không làm. Bộ đừng ôm vào nhiều làm gì.
Xác định lại Nhà nước chỉ làm những việc thế này, kiên quyết từ chối không làm những việc của mình, thì đội ngũ viên chức nhà nước có thể giảm đi rất gọn, có thể giải quyết được vấn đề lương bổng và từ đó thu hút được người giỏi vào khu vực công.
Giải quyết những việc chốt như thế mới thực sự là cải cách hành chính, mà chúng ta đã nói cả 10 năm nay rồi.
Cải cách hành chính phải từ đổi mới lãnh đạo của Đảng
Ông Nguyễn Trung: Đến nay không phải chúng ta thiếu thông tin, thiếu vấn đề kỹ thuật hay khoa học về quản lý Nhà nước. Mỗi năm Nhà nước cử không biết bao nhiêu đoàn đi học, nghiên cứu vấn đề này, nhận không biết bao nhiêu viện trợ ODA cho chương trinh cải cách.
"Vấn đề chính không phải là do thiếu hiểu biết, không tìm ra kỹ năng để thực hiện những điều ta mong muốn. Cái thiếu là ý chí muốn thay đổi cơ chế. Chừng nào chưa có ý chí này, thì các nỗ lực khác vô nghĩa." - Chuyên gia Nguyễn Trung |
Vấn đề chính không phải là do thiếu hiểu biết, không tìm ra kỹ năng để thực hiện những điều ta mong muốn. Cái thiếu là ý chí muốn thay đổi cơ chế. Chừng nào chưa có ý chí này, thì các nỗ lực khác vô nghĩa. Thống kê bao nhiêu đoàn ra, tiền chi cho vấn đề này, bao nhiêu viện trợ chi, kết quả thế nào thì không rõ.
Một bạn đọc ở Nha Trang: Tôi đồng cảm với những đề nghị của ông Nguyễn Trung, nhưng ai cần ý chí cao nhất? Quyền hạn cần được trao cho ai để làm tổng chỉ huy cải cách?
Ông Nguyễn Trung: Tôi xin nói thẳng, ở nước ta, Đảng phải là người đi đầu.
TS Nguyễn Quang A: Tôi đồng ý với anh Nguyễn Trung, nhưng người dân, báo chí cũng phải lên tiếng, góp ý cho các vị lãnh đạo. Phải nói thẳng cho họ rằng nếu họ muốn phát triển thì phải làm thế. Những ý kiến đó phải đa dạng, và phải được đưa lên, không thể kiểm duyệt, cấm nói, hoặc nói mà bị đì.
Ông Nguyễn Trung: Tôi đã tiếp tiếp xúc với người nghỉ hưu, đi dự thính các buổi họp chi bộ thì có tiếng nói chung: chừng nào cải cách hành chính không bắt đầu bằng đổi mới sự lãnh đạo của Đảng thì không làm được.
Ông Trần Đức Nguyên: Cần phải đề cập tới một vấn đề nữa, đó là công tác tư tưởng. Đã là đổi mới thường không phải là ý kiến của đa số, mà chỉ số ít người. Sau đó, qua trao đổi, thực tiễn mới thành ý kiến đa số.
Đổi mới là không chấp nhận, tán thành cái cũ, do đó thường trái với ý kiến đang hiện hành. Phải chấp nhận điều đó. Bắt mọi người nghĩ theo một khuôn sẽ không có đổi mới.
Phải có đổi mới về hai phương diện: Nhân sự và cách chúng ta lâu nay gọi là "lãnh đạo tư tưởng".
Người nắm việc phải có quyền nắm người
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đổi mới chính sách cán bộ thì cần đổi mới như thế nào?
Ông Trần Đức Nguyên: Làm sao đối với mọi tổ chức cơ quan bầu ra phải được tôn trọng, dân chủ. Ở đây, dân chủ phải cụ thể. Bầu trực tiếp, đừng có chỉ bầu tròn. Phải tôn trọng kết quả bầu. Đến khi vào bộ máy hành chính phải đề cao người nắm việc, phải có quyền nắm người.
Tôi là người chịu trách nhiệm công việc mà nhân sự lại do người khác sắp xếp thì làm sao qui trách nhiệm cho tôi được? Đó là đối với nhân sự không phải do bầu, còn những nhân sự thông qua bầu cử phải thực sự do người dân bầu, trong nội bộ Đảng phải do Đảng bầu.
TS Nguyễn Quang A: Làm như hiện nay là trái khoa học. Tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá là hiệu quả làm việc, thành tích chứ không thể dựa vào cái khác.
Bạn đọc Nguyễn Sơn, Vinh: Chúng tôi đồng ý với các ông là phải qui trách nhiệm và giao quyền hạn cho người đứng đầu. Nhưng hiện nay Thủ tướng có được cách chức Bộ trưởng, lãnh đạo tập đoàn không hoàn thành nhiệm vụ không?
Ông Nguyễn Trung: Nếu Thủ tướng chưa được làm thì phải giao cho Thủ tướng quyền này. Đó là quan điểm của tôi.
Ông Trần Đức Nguyên: Hiện nay Thủ tướng chưa được giao quyền này mà mới chỉ được tạm đình chỉ chức vụ để sau đó xem xét.
TS Nguyễn Quang A: Muốn trao quyền như thế thì phải có quy định rõ ràng, quy chuẩn rõ ràng. Còn trường hợp tù mù, trao rất nhiều quyền quyết định cho 1 người dễ thành độc đoán. Đó là hai mặt của vấn đề.
Người điều hành phải có quyền về nhân sự, tổ chức bộ máy, nhưng bản thân quyền của người đấy phải được giới hạn theo thủ tục và tiêu chuẩn nhất định mà thôi.
Bạn đọc Đinh Hoa, TP HCM: Tôi đồng ý rằng cần đổi mới từ phương thức lãnh đạo của Đảng. Khi thành công, thì ai cũng có phần nhận thành tích, nhưng khi khó khăn mà chưa phải đến mức chưa vượt qua được thì lại đổ lỗi cho nhau, trút lên đầu Chính phủ, mà thực chất là cả hệ thống chính trị đang vận hành nhà nước. Điều quan trọng hơn, là tìm cho ra giải pháp chính xác, hoạch định những bước đi tốt hơn, mang tính cốt lõi. Điều tôi lo lắng là liệu ta có ý chí thực hiện điều này hay không?
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ Chính phủ đã nhận ra khuyết điểm, dùng lời lẽ mạnh bạo, dũng cảm. Tôi hy vọng các vị lãnh đạo sẽ nghiền ngẫm và có hành động.
Như anh Nguyễn Trung đã nói, ý chí đó không mua được. Người dân có thể góp ý, nhưng ý chí đó phải ở chính người lãnh đạo ra quyết định.
Tình hình khó khăn nhưng không đến nỗi quá bí, có nhiều cách để ra, có nhiều cơ hội để vượt lên. Câu hỏi này phải đặt cho chính các vị lãnh đạo.
Ông Nguyễn Trung: Ý kến của tôi rất đơn giản: Muốn giữ vai trò lãnh đạo phải có ý chí.
Ông Trần Đức Nguyên: Tiếng nói của dân, của người trăn trở về sự nghiệp của đất nước rất quan trọng. Bản báo cáo của Thủ tướng ra Quốc hội đã phần nào thể hiện ý chí. Ý chí phải luôn được nâng cao, bồi dưỡng thêm.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tóm lược lại, rõ ràng kinh tế VN đang đối mặt với thách thức, nhưng chúng ta yên tâm, tin tưởng rằng ta đã nhận ra yếu kém, thành tâm và đủ quyết tâm khắc phục. Trong toàn xã hội cần bình tĩnh nhìn ra đây là cơ hội cải tổ sâu sắc hơn, phù hợp với trình độ phát triển của đất nước. Đó là quyết tâm chính trị của Đảng lãnh đạo, là cơ hội đưa đất nước vượt lên. Chúng ta không nhìn khó khăn mà nao núng, ngược lại, nên xem đây là động lực thúc đẩy, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước vượt qua khó khăn và vươn đến phát triển cao hơn.
Ông Trần Đức Nguyên: Tôi xin góp thêm một câu: Mong VietNamNet phát huy được vai trò thu thập, tập hợp ý kiến của người dân đóng góp cho đất nước tình hình này.
Ông Nguyễn Trung: Hi vọng những giá mà ta phải trả cho việc chống lạm phát sẽ là động lực để chúng ta quyết tâm vượt lên nữa.
TS Nguyễn Quang A: Nếu biết cách làm thì có thể biến những thách thức lớn này thành cơ hội để đi tiếp.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Biến thách thức thành cơ hội là tài lãnh đạo mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng làm được trong lịch sử.
Xin cảm ơn 3 vị khách mời và cảm ơn bạn đọc đã tham gia buổi trực tuyến ngày hôm nay!