TIN TỨC-SỰ KIỆN

Chìa khoá nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Ngày đăng: 09 | 10 | 2007

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam muốn cạnh tranh được trong nền kinh tế quốc tế thì phải giải phóng “đôi tay” của chính mình.

Hiện nay, các doanh nghiệp lớn mới chỉ cạnh tranh bằng “một tay”, còn “một tay” kia đang bị trói. “Tay bị trói” kia chính là đầu tư cho giáo dục đào tạo nghiệp vụ, nâng cao tay nghề cho đội ngũ người lao động và mở rộng đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ.

Việc đánh giá và phân tích kết quả của cuộc khảo sát 200 sản xuất doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam do UNDP tiến hành từ cuối năm 2006 đến tháng 5/2007 nhằm mục đích tìm hiểu xem các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang dần thích ứng như thế nào với môi trường kinh doanh biến đổi. Danh sách 200 doanh nghiệp được lựa chọn thông qua xếp hạng các doanh nghiệp trong bản khảo sát của Tổng cục Thống kê. Cụ thể, gồm có 122 doanh nghiệp nhà nước, 22 doanh nghiệp tư nhân (chủ yếu là các ngân hàng thương mại, ngân hàng thương mại cổ phần) và 56 doanh nghiệp nước ngoài.

Nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh

Kết quả phỏng vấn trực tiếp của nhóm nghiên cứu đối với Ban giám đốc của những doanh nghiệp lớn này cho thấy rõ 3 chiến lược lớn của các doanh nghiệp.

Một là các doanh nghiệp đang mở rộng và nâng cấp các hoạt động kinh doanh chủ chốt. Hai là mở rộng thị trường xuất khẩu. Ba là đa dạng hoá sang các lĩnh vực kinh doanh mới, bất động sản, du lịch và đầu tư vào các thị trường vốn đang nổi lên.

Đây không phải là những chiến lược tách biệt nên nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi đồng thời 2 hoặc cả 3 chiến lược trên. Cạnh tranh từ Trung Quốc đã khiến các nhà xuất khẩu Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn, để có thể tồn tại, Công ty May 10 đã chuyển sang sản xuất áo sơ mi và đồ vét chất lượng cao hơn đòi hỏi công nghệ tiên tiến hơn, đầu tư nhiều hơn và lao động có kỹ năng cao hơn.

Nhiều công ty may lớn khác cũng đã có những bước đi tương tự. Hay tại Nhà máy đóng tàu Huyndai Vinashin, một kỹ sư cấp cao cho biết cạnh tranh với Trung Quốc dường như là động lực chính để công ty tìm cách rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, kiểm soát chi phí và nâng cao chất lượng.

Chuyên gia phân tích chính sách tài chính Jago Penrose phân tích: “Như vậy, vấn đề cơ bản là doanh nghiệp muốn đầu tư lớn hơn vào lĩnh vực kinh doanh cơ bản, chủ đạo của mình nhằm tạo ra nhiều giá trị hơn. Lợi nhuận có thể đạt được thông qua phát triển tay nghề và công nghệ.

Tuy nhiên, công nghệ thì rất đắt và khó nắm bắt, còn công nhân cần được đào tạo và phải hiểu thị trường. Mà khả năng nâng cấp lại phụ thuộc nhiều vào việc tăng khả năng nắm bắt và kết hợp các công nghệ cũng như quy trình sản xuất mới. Điều này lại phụ thuộc vào tay nghề của lực lượng lao động trong doanh nghiệp”.

Một tình trạng chung hiện nay đã được nhiều cơ quan, tổ chức và bản thân các doanh nghiệp chỉ ra rằng lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay tuy rất dồi dào nhưng lại thiếu hụt về kỹ năng. Bởi giáo dục đào tạo là vì lợi ích chung nên các chuyên gia của UNDP kiến nghị rằng, bên cạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn tới các thị trường xuất khẩu và thu lượm được các công nghệ mới, Chính phủ cần đảm bảo hơn để lực lượng lao động có thể tiếp cận được với các bậc đào tạo cao hơn để nâng cao tay nghề, đồng nghĩa với nâng cao thu nhập cho người lao động. Chính điều này sẽ tạo cho Việt Nam có bước nhảy vọt trong tương lai.

Phải đào tạo lao động tay nghề cao

Việc mở rộng thị trường xuất khẩu và chuyển sang sản xuất sản phẩm chất lượng cao hơn không phải là những chiến lược duy nhất mở ra cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Một số doanh nghiệp chỉ đơn giản đa dạng hoá sang các sản phẩm tương tự, ví dụ từ tôm sang cá da trơn. Hoặc những doanh nghiệp đang chuyển sang sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, chẳng hạn như các đồn điền cao su tìm cách chuyển sang sản xuất cao su.

Nhưng nếu xét tới những khó khăn và thời gian học hỏi dài để đạt được các sản phẩm chất lượng cao hơn thì không ai có thể biết được là các doanh nghiệp này có thành công hay không. Mà qua đó thấy được một dấu hiệu tích cực là các doanh nghiệp này đang chủ động đón thách thức và tìm cách thích nghi và mở rộng để đối phó với cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã và đang có ý định theo đuổi chiến lược thứ ba thì các chuyên gia của UNDP lại cho rằng đó chính là điều đáng lo ngại. Bởi nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang những lĩnh vực không liên quan, nhất là bất động sản, du lịch và tài chính.

Một ví dụ điển hình như Công ty Sản phẩm nông nghiệp và gia súc Cần Thơ (Cataco) hiện đang có nguồn thu nhập chủ chốt từ thuỷ sản nhưng lại đang bỏ các đơn vị kinh doanh khi các đơn vị này thực hiện cổ phần hoá để lấy tiền đầu tư cho các dự án tập trung vào khách sạn và nhà hàng. Hiện nay, sự bùng nổ khu vực bất động sản đã hấp dẫn nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Việc nắm được tài sản như một phần trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp không phải là vấn đề lớn nếu khoản lợi nhuận thu được từ tài sản của doanh nghiệp được tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh hay các lĩnh vực chủ chốt có tiềm năng đối với tăng năng suất và tạo việc làm thì chiến lược này có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, chiến lược này cần phải dự tính dựa trên tính ổn định và sự phát triển liên tục của khu vực bất động sản và thị trường cổ phiếu. Việc dựa vào các khoản đầu tư mang tính đầu cơ như nguồn lợi nhuận chủ đạo sẽ càng làm tăng mức độ rủi ro của các doanh nghiệp.

(Nguồn: Vneconomy)

NỘI DUNG KHÁC

Hiệp hội Chè Việt Nam trên con đường phát triển – Bài phỏng vấn Ông Nguyễn Tấn Phong, Tổng thư ký Hiệp hội

8-10-2007

Trong khuôn khổ nghiên cứu “Thực trạng giải pháp về tổ chức và hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam”, ngày 13/9/2007, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Nguyễn Đình Long làm trưởng đoàn đã có buổi trao đổi và thảo luận với Ông Nguyễn Tấn Phong, Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam.

Bộ NN&PTNT-Chương trình công tác tháng 10 năm 2007

7-10-2007

Chương trình công tác tháng 10 năm 2007 (Văn bản số 2724/CTr-BNN-VP ngày 4 tháng 10 năm 2007)

Khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 115 ở vùng sâu, vùng xa

5-10-2007

Nghị định 115 ra đời được xem là động lực mạnh mẽ thúc đẩy lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN) của đất nước phát triển. Tuy nhiên, tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất còn yếu kém, lạc hậu; đội ngũ cán bộ KH-CN còn mỏng, cho nên việc thực hiện Nghị định gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan hữu quan

Phẩm chất của phóng viên giỏi

4-10-2007

Nhiều phóng viên tự cảm thấy họ đứng trên xã hội. Tôi từng chứng kiến một "quan nhà báo" lớn tiếng trên một chuyến bay khi tiếp viên đến nhắc nhở chuyện ông này cư xử hơi quá đà do ma men. "Cô có biết tôi là ai không? Tôi là nhà báo," ông này lên giọng. Tôi ngồi cách đó mấy hàng ghế, và lúc ấy nếu có ai hỏi thì chắc không dám nhận mình làm nghề gì.

Thông cáo báo chí: Viện Chính sách Chiến lược PTNNNT khởi động "Dự án Thông tin thị trường Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam"

3-10-2007

(AGROINFO) - Việt Nam là một trong những nước ở Đông Nam Á được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều loại trái cây đặc sản, nhiều nhất và phong phú nhất về chủng loại ở Nam bộ. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 755.000 ha diện tích trồng cây ăn trái với sản lượng đạt 6,5 triệu tấn.

Các phương tiện truyền thông đưa tin về “Cổng thổng tin DN NN NT” - www.agro.gov.vn

3-10-2007

(AGROINFO) – Từ tháng 9/2007, “Cổng thông tin Doanh nghiệp Nông nghiệp Nông thôn-www.agro.gov.vn” của Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (AGROINFO), Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn đã chính thức đi vào hoạt động. Sự kiện chưa từng có này tại Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm và phản ánh của các cơ quan truyền thông đại chúng lớn trong nước.

Bộ NN&PTNT - Báo cáo công tác tháng 9 và nhiệm vụ công tác tháng 10 năm 2007

2-10-2007

Báo cáo số 2700/BC-BNN-VP ngày 01 tháng 10 năm 2007 của Bộ NN&PTNT về tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác tháng 9 và nhiệm vụ công tác tháng 10 năm 2007.

Kinh nghiệm chuyển đổi của Viện Nghiên cứu Nấm ăn Côn Minh

2-10-2007

Viện Nghiên cứu Nấm ăn Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) là đơn vị nghiên cứu hàng đầu về nấm ở Trung Quốc. Nhiệm vụ chính của Viện là bảo tồn nguồn gen nấm ăn, khai thác những giống nấm mới, làm sạch các giống nấm, lựa chọn giống nấm, kiểm định chất lượng các sản phẩm nấm ăn...

Quan hệ Trung Quốc – Asean – Nhật Bản trong bối cảnh mới và tác động của nó tới Việt Nam

2-10-2007

Cuốn sách nhằm mục tiêu làm rõ bản chất, đặc điểm và xu hướng phát triển quan hệ của ba thực thể (Trung Quốc, ASEAN và Nhật Bản) trong bối cảnh mới; đánh giá tác động của mối quan hệ đó đến Việt Nam và trên cơ sở đó sẽ đề xuất các giải pháp chính sách trong quan hệ song phương và đa phương của Việt Nam với thực thể nêu trên.

"Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam thiếu cập nhật"

2-10-2007

Đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về Báo cáo Môi trường kinh doanh 2008 (Doing Business 2008).

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: “Chống nhập siêu - Không khó”

2-10-2007

Thừa nhận tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam chưa đến mức báo động, nhưng chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đó là “chỉ báo” dành cho các doanh nghiệp trong nước cần sớm nâng cao sức cạnh tranh nội địa. Tuy nhiên, ông cũng khuyến khích, giải pháp chống nhập siêu tích cực nhất không phải “phòng thủ” mà là chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.