ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050

Ngày đăng: 24 | 04 | 2024

Quy hoạch tổng hợp LVS Mã thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích LVS Mã nằm trong lãnh thổ Việt Nam thuộc địa giới hành chính các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An, được phân chia thành 8 tiểu vùng quy hoạch gồm: thượng sông Mã; trung sông Mã; Nam sông Mã - Bắc sông Chu; Bắc sông Mã; LVS Bưởi; LVS Âm; thượng sông Chu; Nam sông Chu.

1. Một số thách thức để quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn nước trên lưu vực sông lưu vực sông Mã

    Lưu vực sông (LVS) Mã là một trong số các LVS lớn của Việt Nam, tổng diện tích toàn lưu vực khoảng 28.400 km2, trong đó phần diện tích thuộc lãnh thổ Việt Nam là 17.653 km2, nằm trên địa giới hành chính của 5 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Tổng lượng nước mặt trung bình của LVS Mã khoảng 19,73 tỷ m3, trong đó phần sản sinh tại Việt Nam khoảng 14,86 tỷ m3 (chiếm 75% tổng lượng nước toàn lưu vực) và tại Lào khoảng 4,87 tỷ m3 (chiếm 25% lượng nước toàn lưu vực). Tiềm năng nguồn nước LVS Mã ở mức trung bình so với các LVS lớn trên toàn quốc và phân phối không đều theo không gian, thời gian. Những năm gần đây với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên lưu vực rất nhanh chóng đặc biệt là khu vực hạ lưu và cửa sông đã tạo nên những áp lực lớn đối với an ninh nguồn nước và môi trường. Mặt khác, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và việc khai thác, sử dụng nước giữa thượng lưu và hạ lưu chưa có sự thống nhất dẫn đến diễn biến tài nguyên nước càng trở nên phức tạp và đang phải đối mặt với các thách thức như:

    (1) Chưa có quy hoạch tổng hợp LVS, trong khi quy hoạch tổng hợp LVS là nền tảng để xây dựng và thực hiện các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước. Ngoài ra, một số quy hoạch có khai thác, sử dụng nước ở các địa phương đã và đang tổ chức thực hiện như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch cấp nước nông thôn, quy hoạch cấp nước đô thị, tuy nhiên các quy hoạch này còn nhiều bất cập, bị điều chỉnh và hết hiệu lực khi quy hoạch tỉnh được ban hành.

    (2) Do vùng thượng lưu sông Mã có địa hình dốc và hẹp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt, lở bờ sông. Vùng hạ lưu sông Mã (tỉnh Thanh Hóa) do lòng sông mở rộng, độ dốc nhỏ nên thường xuyên xảy ra lũ, lụt ở nhiều nơi như vùng sông Hoạt, vùng Hậu Lộc - Hoằng Hóa, vùng Thiệu Hóa - Thọ Xuân...

    (3) Bên cạnh lũ lụt, tình trạng hạn hán, thiếu nước trong những năm gần đây thường xảy ra nhất là ở các vùng thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hạn hán, thiếu nước có những năm làm giảm từ 20 đến 30% năng suất cây trồng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Ngoài ra tình trạng ô nhiễm nước ngày càng trở nên nghiêm trọng, tình trạng nước thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường đã làm cho nhiều nguồn nướckhông bảo đảm chất lượng để khai thác, sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

    (4) Khan hiếm nước trong mùa khô và thiếu nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa đang diễn ra ở nhiều nơi trên lưu vực sông. Điều kiện tiếp cận với nguồn nước của người dân ở những vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa rất khó khăn, nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước mưa, nước dưới đất. Đây là thách thức lớn nếu như không có giải pháp kịp thời để quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn nước trên lưu vực sông trong tương lai. Hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp với các Bộ, các tỉnh điều tra, đánh giá, tìm kiếm nguồn nước để cấp nước cho sinh hoạt tại 13 vùng khan hiếm nước để xây dựng các công trình cấp nước phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của nhân dân trên LVS Mã.

    LVS Mã có tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 19,73 tỷ m3

    Từ những thách thức trên, nhằm quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, khôi phục, giảm thiểu suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước và thích ứng với BĐKH cho tài nguyên nước quốc gia nói chung, LVS Mã nói riêng,ngày 8/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng hợp LVS Mã thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tổng hợp LVS Mã đã phân chia vùng quy hoạch thành các tiểu vùng và các phân khu tính toán (gồm 8 tiểu vùng quy hoạch, 53 phân khu tính toán). Đồng thời, Quy hoạch đã quy định cụ thể chức năng nguồn nước và dòng chảy tối thiểu đối với các sông chính, quan trọng trong phạm vi vùng quy hoạch; xây dựng các giải pháp, quy định trách nhiệm cụ thể đối với từng Bộ và địa phương có liên quan nhằm tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm hiệu quả.

2. Phân phối công bằng, hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước trên LVS Mã

    Quy hoạch tổng hợp LVS Mã thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích LVS Mã nằm trong lãnh thổ Việt Nam thuộc địa giới hành chính các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An, được phân chia thành 8 tiểu vùng quy hoạch gồm: thượng sông Mã; trung sông Mã; Nam sông Mã - Bắc sông Chu; Bắc sông Mã; LVS Bưởi; LVS Âm; thượng sông Chu; Nam sông Chu.

    Quy hoạch được ban hành dựa trên các quan điểm tài nguyên nước được quản lý tổng hợp theo LVS, thống nhất về số lượng, chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu, liên vùng, liên tỉnh, giữa các địa phương trên cùng lưu vực sông, bảo đảm phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy định của điều ước quốc tế, hợp tác song phương mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, Quy hoạch phải được xây dựng trên cơ sở lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, xác định BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu phải sống chung và chủ động thích ứng; gắn kết hiện trạng, định hướng sử dụng tài nguyên nước với tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác. Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, nâng cao giá trị sử dụng nước, bảo đảm an ninh nguồn nước và thích ứng với BĐKH; bảo đảm việc khai thác, sử dụng hợp lý, chia sẻ hài hòa nguồn nước giữa các ngành, các vùng, các địa phương trong vùng quy hoạch. Bảo vệ tài nguyên nước trên cơ sở bảo vệ chức năng nguồn nước đáp ứng chất lượng nước cho các mục đích sử dụng, bảo vệ nguồn sinh thủy, phù hợp với điều kiện phát triển KT - XH và văn hóa trên LVS.

    Mục tiêu tổng thể của Quy hoạch nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên LVS, tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm phủ thực vật và đa dạng sinh học. Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, di sản, di tích lịch sử văn hóa; có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với BĐKH. Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường, các ngành có khai thác, sử dụng nước.

    Quy hoạch phấn đấu đến năm 2030, 60% các vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát, có lộ trình giám sát tự động, trực tuyến phù hợp; 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; 80% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng không được san lấp được công bố và quản lý chặt chẽ; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung...

    Tầm nhìn đến năm 2050, duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân phối nguồn nước bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với BĐKH, bảo vệ di sản, di tích lịch sử văn hóa và phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia. Tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển KT - XH và giảm thiểu tối đa tác hại do nước gây ra. Phòng, chống sạt, lở bờ sông, suối có hiệu quả, kiểm soát được cao độ đáy sông, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; bố trí lại dân cư ven sông và các biện pháp khác để từng bước nâng cao giá trị cảnh quan ven sông. Nội dung chính của Quy hoạch, bao gồm:

    Chức năng cơ bản của nguồn nước: Các nguồn nước mặt trong vùng quy hoạch có một hoặc nhiều chức năng cơ bản sau đây: (i) cấp nước cho sinh hoạt; (ii) sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; (iii) cấp nước cho sản xuất công nghiệp, cấp nước cho thủy điện; (iv)giao thông đường thủy nội địa, hàng hải; (v) tạo cảnh quan, môi trường; phát triển du lịch; (vii) bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái thủy sinh, đa dạng sinh học; (viii) trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước. Chức năng nguồn nước được xác định trên cơ sở đặc điểm phân bố của nguồn nước, hiện trạng, mục tiêu sử dụng nước, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH theo từng thời kỳ (đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050); định kỳ thực hiện rà soát, điều chỉnh chức năng nguồn nước để phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu sử dụng nguồn nước phục vụ triển KT - XH…

    Quản lý, điều hòa, phân phối nguồn nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước: Hằng năm, cần khai thác nguồn nước mặt, nước dưới đất có thể sử dụng trên toàn vùng quy hoạch từ 17.323 triệu m3 (năm ít nước ứng với tần suất 85%) đến khoảng 21.411 triệu m3 (năm nước trung bình ứng với tần suất 50%), góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nước.

    Trong điều kiện bình thường, đủ nước, UBND tỉnh chủ động điều hòa điều tiết nước bảo đảm phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền ban hành, phù hợp kế hoạch chi tiết điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng nước cho khu vực sử dụng nước có hiệu quả kinh tế cao (thuộc tiểu vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu).

    Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh có liên quan xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước (cả năm và cập nhật vào đầu mùa cạn) trên cơ sở hiện trạng và dự báo xu thế diễn biến lượng mưa, xu thế diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa theo các thời kỳ trong năm. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh có liên quan chủ động chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc khai thác, sử dụng nước phù hợp, bảo đảm ưu tiên nước cho sinh hoạt, các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và hài hòa lợi ích giữa các tiểu vùng quy hoạch.

    Trường hợp dự báo có xảy ra hạn hán, thiếu nước, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh có liên quan xây dựng phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước.

    Quản lý khai thác, sử dụng nước mặt bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông: Việc khai thác, sử dụng nguồn nước trên sông, suối phải bảo đảm giá trị dòng chảy tối thiểu đã được Bộ TN&MT công bố quy định tại Phụ lục VI kèm theo Quyết định này. Trong trường hợp thực hiện hoạt động phát triển KT - XH đòi hỏi phải bổ sung, điều chỉnh giá trị dòng chảy tối thiểu, căn cứ vào điều kiện thực tế, đặc điểm nguồn nước, UBND cấp tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

    Các công trình khai thác sử dụng nước trên sông, đoạn sông, suối (trừ hồ chứa, đập dâng) và tầng chứa nước bảo đảm không vượt quá lượng nước có thể khai thác và ngưỡng giới hạn khai thác theo quy định. Trong kỳ Quy hoạch này, hạn chế việc bổ sung vào quy hoạch các công trình chuyển nước, điều tiết, khai thác, sử dụng nước trên dòng chính sông Mã và dòng chính sông Chu…

    Bảo vệ tài nguyên nước: Việc khai thác, sử dụng phải gắn với bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ nguồn sinh thủy, bảo đảm lưu thông dòng chảy, bảo vệ các hồ, ao, sông, suối có chức năng điều hòa, cấp nước, phòng, chống ngập úng và các chức năng cơ bản của nguồn nước, gồm: (i) Quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện có thuộc các tỉnh trong vùng quy hoạch. Duy trì, bảo vệ, phát triển tỷ lệ che phủ rừng góp phần bảo vệ nguồn sinh thủy, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; (ii) Quản lý không gian tiêu thoát nước, bảo đảm lưu thông dòng chảy trên các sông, suối theo quy định. Các dự án kè bờ, gia cố bờ sông, san, lấp, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông phải bảo đảm các yêu cầu quy định về bảo vệ hành lang nguồn nước và quy định về quản lý lòng, bờ, bãi sông; (iii) Quản lý các hồ, ao thuộc danh mục các hồ, ao không được san lấp, lấn chiếm theo quy định, bổ sung các hồ, ao có chức năng tích trữ, điều hòa nước để dự phòng cấp nước, phòng, chống ngập, úng cục bộ phù hợp với từng khu vực, đồng thời tạo nguồn cung cấp thấm bổ cập cho nước dưới đất; dự án công trình xây dựng phải bảo đảm không vượt quá mật độ xây dựng theo quy định…; (iv) Nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung, nước thải của các cơ sở sản xuất có hoạt động xả nước thải phải có biện pháp và lộ trình thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định, xả nước thải vào nguồn nước bảo đảm phù hợp với chức năng nguồn nước và kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt…

    Phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ: Thực hiện điều tra, đánh giá, giám sát diễn biến dòng chảy, các biện pháp bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông; đo đạc, cập nhật mặt cắt ngang, dọc sông cần giám sát; nghiên cứu sự biến đổi dòng chảy, lòng dẫn và các tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông…

    Quản lý các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước không được gây sạt, lở, ảnh hưởng xấu đến dòng chảy, sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông, hồ, chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo đảm hoạt động giao thông thủy trên các tuyến đường thủy nội địa phù hợp với điều kiện nguồn nước. Các khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông ở các đoạn sông có điều kiện địa hình, địa chất kém ổn định phải cách mép bờ khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông theo quy định.

    Các hoạt động xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, công trình giao thông, khu dân cư ven sông và các hoạt động phát triển KT - XH khác ảnh hưởng đến chức năng bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và giá trị văn hóa phải đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, hồ gửi Bộ TN&MT hoặc UBND cấp tỉnh theo thẩm quyền xem xét, thẩm định theo quy định, bảo đảm không gây cản trở dòng chảy, gây ngập úng nhân tạo, khả năng tiêu thoát nước, phát sinh nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ. Không bố trí dân cư ở ven các đoạn sông bị sạt, lở hoặc có nguy cơ sạt, lở.

    Phòng, chống ngập lụt, sụt, lún mặt đất và xâm nhập mặn nước dưới đất: Việc xây dựng và phát triển các khu dân cư, hạ tầng về giao thông, thủy lợi, đê điều, bờ bao, hệ thống tiêu thoát nước và các hoạt động phát triển KT - XH khác phải bảo đảm các yêu cầu về tiêu, thoát lũ, phòng, chống ngập, lụt, hành lang bảo vệ đê, bảo vệ nguồn nước theo quy định và phù hợp với các quy hoạch về tiêu, thoát nước, chống ngập úng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    Khai thác nước dưới đất phải bảo đảm không vượt quá ngưỡng khai thác nước dưới đất theo quy định; khai thác nước lợ, nước mặn để sử dụng cho sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản không được gây nhiễm mặn các nguồn nước và ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.

    Quản lý chặt chẽ các hoạt động khoan nước dưới đất, khoan thăm dò địa chất, thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản, thăm dò khai thác dầu khí, xây dựng công trình ngầm, các hoạt động khoan, đào khác theo quy định về bảo vệ tài nguyên nước.

    Vận hành các cống ngăn mặn, giữ ngọt và các hồ chứa nước, công trình điều tiết dòng chảy phải tuân theo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn nước mặt và nước dưới đất.

    Giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước: Tổ chức triển khai quan trắc, giám sát chất lượng môi trường nước mặt theo quy định pháp luật về môi trường, trong đó ưu tiên đối với các nguồn nước đã được quy định chức năng nguồn nước quy định tại Quyết định này; xây dựng và duy trì mạng quan trắc tài nguyên nước theo Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.

3. Một số giải pháp nhằm thực hiện Quy hoạch

    Một là, tiếp tục thực hiện giải pháp về pháp luật, chính sách đã được đề ra theo Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và rà soát, nghiên cứu, bổ sung các chính sách đặc thù đối với vùng quy hoạch này (nếu có).

    Hai là, điều hòa, phân phối, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước.

    Ba là, xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định; xây dựng, công bố kịch bản nguồn nước; ưu tiên lập kế hoạch chi tiết điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước tại các vùng thường xuyên xảy ra thiếu nước.

    Bốn là, bổ sung, xây dựng mới công trình tích, trữ nước, công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất, điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước bảo đảm đa mục tiêu, kết hợp hoặc luân phiên khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa, tăng cường việc trữ nước mưa phù hợp với Quy hoạch này và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.

    Năm là, nâng cao khả năng tích, trữ nước, năng lực điều tiết đối với các hồ chứa nước lớn (Trung Sơn, Cửa Đạt) trên nguyên tắc bảo đảm an toàn, góp phần kiểm soát lũ cho hạ du; bổ sung, xây dựng mới công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước đa mục tiêu, bảo đảm cấp nước trong trường hợp xảy ra thiếu nước và phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa…

    Sáu là, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, từng bước phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy thoái.

    Bảy là, xây dựng, tổ chức thực hiện: kế hoạch bảo vệ chất lượng môi trường nước mặt, kế hoạch bảo vệ nước dưới đất, cải tạo phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhất là tại khu di tích cấp quốc gia đặc biệt, các khu bảo tồn và vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên; kế hoạch chi tiết điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng cho khu vực sử dụng nước mang lại hiệu quả kinh tế cao (thuộc tiểu vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu).

    Tám là, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước liên quốc gia, liên tỉnh, ưu tiên các sông chảy qua khu đô thị, khu dân cư tập trung trên lưu vực sông Mã.

    Chín là, lập hành lang bảo vệ nguồn nước và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước liên tỉnh trên lưu vực sông Mã theo quy định, ưu tiên đối với các sông có mức độ sạt lở nguy hiểm như các sông Mã, Chu, Bưởi…

    Mười là, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh để phục vụ quan trắc, dự báo, cảnh báo, giám sát, sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm và tái sử dụng nước, quản lý, bảo vệ nguồn nước, phát triển nguồn nước, liên kết nguồn nước.

Nguyễn Thị Việt Hồng   

Cục Quản lý Tài nguyên nước

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2024)

 

 

NỘI DUNG KHÁC

Tổng quan hạch toán tích hợp kinh tế - môi trường đối với tài nguyên nước và kiến nghị áp dụng cho Việt Nam

26-4-2024

 Hạch toán tài nguyên nước (TNN) là quá trình tổng hợp, tính toán, cân đối nguồn nước, xác định giá trị TNN trong các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh nguồn nước. Kết quả hạch toán TNN được sử dụng để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều hòa, phân phối và thực hiện các giải pháp quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích tại bàn, phân tích chính sách nhằm giới thiệu phương pháp, ý nghĩa hạch toán tích hợp kinh tế - môi trường đối với TNN, từ đó kiến nghị áp dụng cho Việt Nam.

Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới và đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam

2-5-2024

 Nông nghiệp xanh (NNX) hiện được xem là hướng tiếp cận, là phương pháp mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm cân nhắc giữa sự phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững (PTBV). NNX tập trung vào sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, đặc biệt là sử dụng công nghệ số để quản lý. Mục tiêu của NNX là tạo ra năng suất cao và bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng đời sống của người nông dân. Sản xuất NNX dựa trên tiền đề tôn trọng tự nhiên, với mục tiêu phối hợp giữa lợi ích về kinh tế - xã hội và sinh thái, đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để tích cực tham gia vào quá trình phát triển, nhân giống. Thúc đẩy sản xuất xanh trong nông nghiệp mở ra cơ hội lớn, vừa góp phần nâng cao năng suất, vừa BVMT, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bài viết chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển NNX của một số quốc gia trên thế giới, từ đó đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển NNX tại Việt Nam trong thời gian tới.

Định giá giá trị của nước ngọt và hệ sinh thái nước ngọt

4-5-2024

Nước là nguồn tài nguyên quý giá và được khai thác nhiều nhất trên thế giới, tuy nhiên, nguồn tài nguyên này luôn bị đánh giá thấp. Hiện nay, trên thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước lan rộng và ngày càng trầm trọng. Hàng tỷ người vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh, tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, rủi ro về nước đối với nông nghiệp và công nghiệp đang leo thang và nhân loại đang mất đi các loài, hệ sinh thái nước ngọt ở mức báo động. Dân số, nền kinh tế và đô thị hóa ngày càng tăng đang gây thêm áp lực lên nguồn cung cấp nước và hệ sinh thái nước ngọt.

Thiết lập hiệp ước toàn cầu để bảo tồn các đại dương trên thế giới

4-5-2024

 Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn. 

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

6-5-2024

Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (DVHST) tự nhiên tại Việt Nam đã được thể chế hóa tại Điều 138 Luật BVMT năm 2020. Theo đó “tổ chức, cá nhân sử dụng DVHST tự nhiên trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung ứng giá trị môi trường, cảnh quan do hệ sinh thái (HST) tự nhiên tạo ra để bảo vệ, duy trì và phát triển HST tự nhiên”.

Phát triển đô thị bền vững dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam

7-5-2024

Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong phát triển đô thị bền vững đã và đang được coi như một giải pháp hữu hiệu tại nhiều đô thị trên thế giới khi phải đối mặt với những áp lực ngày càng lớn về phát triển kinh tế, cân bằng xã hội, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp tổng hợp tài liệu, phân tích kinh nghiệm ứng dụng KTTH thành công của một số đô thị như Thâm Quyến (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản), cũng như đánh giá thực trạng, điều kiện thực tiễn tại các đô thị trong nước, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng mô hình KTTH trong phát triển các đô thị tại Việt Nam theo hướng bền vững.

Tổng quan một số nghiên cứu về chất thải nhựa biển ở Việt Nam và đề xuất hướng nghiên cứu trong tương lai

8-5-2024

Chất thải nhựa trên biển là một trong số chất ô nhiễm nguy hiểm, gây thiệt hại lớn tới môi trường, hệ sinh thái và các ngành kinh tế biển. Chính vì vậy, Việt Nam đã và đang thực hiện một số nghiên cứu về lĩnh vực này. Tuy nhiên, các nghiên cứu đang chỉ ở những giai đoạn đầu tiên, mang tính đơn lẻ, thiếu tính định hướng và hệ thống. Dựa trên việc thu thập tài liệu, dữ liệu; thống kê, phân tích và xử lý số liệu; tổng hợp kết quả phân tích liên quan đến chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam, nghiên cứu đã đưa ra cái nhìn khái quát một số nghiên cứu về chất thải nhựa biển ở Việt Nam, bao gồm:về định hướng (tác giả xem việc sử dụng từ định hướng có phù hợp không) nghiên cứu chất thải nhựa trên biển với các nội dung bao gồm: Mật độ phân bố, nguồn gốc chất nhựa, tác động của chất thải nhựa đến hệ sinh thái, và con người... trên kích cỡ loại nhựa là nhựa cỡ lớn và vi nhựa tại khu vực bờ biển, trầm tích, và cột nước biển. Từ đó, đề xuất các hướng nghiên cứu chất thải nhựa tại Việt Nam trong những năm tiếp theo như: Nghiên cứu về ảnh hưởng của chất thải nhựa; nghiên cứu về quan trắc, giám sát chất thải nhựa; nghiên cứu về phát triển công nghệ về chất thải nhựa...

Phát triển giao thông phi động cơ nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn ở Việt Nam

13-5-2024

Giảm phát thải khí nhà kính (KNK) từ các phương tiện cơ giới đường bộ đang là ưu tiên của nhiều Chính phủ và đô thị lớn trên thế giới. Trên thế giới đã có nhiều các giải pháp được đưa ra, trong đó hiệu quả nhất là giải pháp phát triển loại hình giao thông phi động cơ tại các thành phố (TP) lớn, điển hình là sử dụng xe đạp nhằm kết nối với các phương tiện công cộng khác trong đô thị. Tuy nhiên, để phát triển được loại hình này, Nhà nước cần ban hành chính sách, cơ chế… cũng như sự nâng cao nhận thức của người dân. Nghiên cứu phân tích thực trạng, kinh nghiệm giao thông phi động cơ trên thế giới và một số địa điểm dành cho xe đạp ở một số TP của Việt Nam, từ đó đưa ra giải pháp giao thông phi động cơ cho Việt Nam.

Nghiên cứu phương pháp đánh giá rủi ro khan hiếm nước

13-5-2024

Đánh giá rủi ro khan hiếm nước cần dựa trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường khác nhau. Bài báo đã đưa ra một số phương pháp đánh giá rủi ro khan hiếm nước phổ biến được áp dụng trong các nghiên cứu trên thế giới, bao gồm theo khung đánh giá rủi ro của IPCC (rủi ro khan hiếm nước quốc gia) và dựa trên nước ảo (rủi ro khan hiếm nước khu vực). Rủi ro khan hiếm nước dựa trên khung đánh giá rủi ro của IPCC được cấu tạo từ ba thành phần chính: hiểm họa, mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương. Rủi ro khan hiếm nước dựa trên nước ảo là khả năng tổn thất sản lượng kinh tế trong một ngành do khan hiếm nước bao gồm tổn thất sản lượng trực tiếp và tổn thất sản lượng gián tiếp thông qua thương mại. Bài viết góp phần làm rõ nội hàm và tác động của khan hiếm nước, đồng thời cung cấp thêm công cụ hỗ trợ tăng cường hiệu quả của các chiến lược quản lý tài nguyên nước, hướng tới phát triển bền vững.

Nghiên cứu cơ sở khoa học ứng dụng địa chất môi trường đô thị ở Việt Nam

14-5-2024

 Địa chất môi trường (ĐCMT) đô thị ứng dụng ba vấn đề chính: i) Các thành phần của môi trường địa chất (thành phần vật chất, các quá trình địa chất, địa hình địa mạo); ii) Hệ thống của đô thị (vị trí, yếu tố đầu vào, đầu ra, hệ thống giao thông); iii) Mối tương tác của môi trường địa chất với hoạt động đô thị. Trên cơ sở này, ĐCMT đô thị phục vụ công tác xác định tính tương thích giữa các thành phần tham gia trong quá trình phát triển đô thị, hạn chế tối thiểu những xung đột, đưa ra cơ sở khoa học sử dụng hợp lý không gian địa chất. Trong bài viết, với mục tiêu đưa ra cơ sở khoa học các dữ liệu gốc về tính chất vật lý, hóa học, không gian của các thành phần trong không gian địa chất phục vụ thu thập, điều tra và phân cấp theo nhu cầu để xác lập giá trị (điểm số) cũng như chuẩn hóa trọng số theo ba vấn đề nêu trên. Từ đó lượng hóa nhằm đánh giá khả năng đáp ứng được các nhu cầu phát triển đô thị một cách khách quan và hợp lý theo từng khu vực nhất định ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Tác động của du lịch đến phát triển kinh tế và phát thải các-bon ở Việt Nam

14-5-2024

Hiện nay, xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu đã gây ra những tác động tiêu cực tới chất lượng môi trường. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu phân tích và làm rõ tác động của du lịch đến phát triển kinh tế, phát thải CO2 và chất lượng môi trường ở Việt Nam. Nghiên cứu đã áp dụng các phương pháp thu thập tài liệu và phân tích, đánh giá tài liệu để tiến hành phân tích tổng quan mối liên hệ, tác động qua lại giữa du lịch và phát triển kinh tế; du lịch và bền vững về môi trường; du lịch và phát thải các-bon, đồng thời đánh giá về phát thải các-bon trong phát triển du lịch ở Việt Nam. Nghiên cứu cũng đưa ra hàm ý giảm thiểu tác động từ các bên liên quan trong phát triển du lịch; gợi ý chính sách hướng tới một nền du lịch thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ, đổi mới sinh thái, từ đó góp phần giảm tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch lên môi trường, nhằm đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Giải pháp kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam đối với phát triển kinh tế - xã hội

21-5-2024

    Trong khuôn khổ đề tài “Biển Việt Nam phục vụ mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước”, bài viết tập trung nêu lên thực trạng môi trường biển Việt Nam. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả phân tích những tác động của ô nhiễm môi trường biển đến kinh tế - xã hội ở các khía cạnh: tác động đến các ngành, lĩnh vực kinh tế biển (hàng hải, thủy sản và sản xuất nông nghiệp ven biển, du lịch biển, khai thác năng lượng biển, thu hút đầu tư tại các cơ sở công nghiệp ven biển); tác động đến các vấn đề xã hội vùng biển đảo (sức khỏe con người, sinh kế của cộng đồng dân cư, mâu thuẫn lợi ích và an ninh, trật tự vùng biển đảo). Để giảm thiểu những tác động của ô nhiễm đối với kinh tế - xã hội, bài viết đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường biển như nhóm giải pháp về chính sách, pháp luật; nhóm giải pháp về tổ chức triển khai công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường; nhóm giải pháp về đầu tư nguồn lực.